“Chúa ơi, xin hãy sai con, đi ra với thế giới, đi ra với cuộc đời, để mang Tin Mừng, mang tình yêu thương của Ngài cho những ai chưa nhận biết Ngài. Mỗi ngày, xin cho con ra đi với niềm hăng say nhiệt thành, lòng vâng phục cùng nụ cười Giê-su cho những người xung quanh con. Nguyện cho chúng con luôn theo Ngài với lòng Mến, cùng lời đáp xin vâng như Mẹ Maria xưa. Amen.”
Nó là con bé đạo chính gốc. Nó là con bé được Rửa tội từ lúc mới chào đời, khi mà nó còn chưa biết Chúa là ai? Và Giê-su là người như thế nào.
Năm nay nó 21 tuổi, cái tuổi mà bắt đầu bước ra đời, bắt đầu chập chững lo toan dần dần gánh nặng cuộc sống bằng cách tự lập. Nó là con bé sinh viên năm cuối nhưng còn non nớt và vụng dại.Nó cứ sống thờ ơ, ngày qua ngày bình thản, chẳng vô tư nghĩ ngợi, như thể nó vẫn còn là một đứa trẻ con dại dột cần được che chở và không cần lo lắng. Hồi bé, mỗi lần thấy các sơ dòng Đaminh đi lễ, mặc áo dòng, nó thích lắm, mà thích nhất là những cỗ tràng hạt dài ơi là dài của các Ngài. Nó chịu khó đi lễ, rất thuộc kinh, và chăm học Giáo lý, vì thế nó được các sơ rất quý. Nó nghĩ, sau này, nhất định nó sẽ đi vào nhà dòng như các sơ, để được mặc quần áo dòng, được đeo tràng hạt dài, và được nhiều trẻ con yêu quý. Và lúc ấy, nó còn nghĩ, nó sẽ dạy kinh và Giáo lý cho tất cả những ai chưa biết và chưa thuộc, chưa hiểu. Ngày ấy, nó chỉ nghĩ, việc truyền giáo là của các sơ và các cha, chứ mình chỉ là giáo dân thì chỉ đi lễ là được rồi.
Lớn thêm lên một chút, nó biết suy nghĩ hơn. Mỗi lần đi lễ đến ngày khánh nhật truyền giáo, nó đều nghe cha giảng là tất cả chúng ta đều có sứ vụ truyền giáo, bằng chính đời sống hằng ngày của mình. Nó cứ băn khoăn, suy nghĩ mãi, là nó làm thế nào để truyền giáo được nhỉ? Nó không thể giảng Tân Ước, Cựu Ước như các cha, làm sao nói cho người ta được? Nó thấy có anh lấy vợ ngoại đạo, và người vợ đó được Rửa Tội, theo đạo cùng. Nó bỗng nghĩ: “À, có phải anh ấy đã truyền giáo không? Và có phải giáo dân thì truyền giáo như thế?”.
Lên Đại học, nó tham gia nhóm SVCG ở nhà thờ mà nó hay đi lễ. Nó cảm nhận không khí gia đình Giê-su ở trong nhóm của nó. Nó tham gia các buổi cầu nguyện chia sẻ cùng nhóm, mỗi ngày một chủ đề. Nhưng trong tất cả, một lần có một chủ đề mà nó rất hứng thú: “Giới trẻ cần làm gì để truyền giáo trong thế giới ngày nay? ” Đúng vấn đề mà nó băn khoăn suy nghĩ, nó làm gì để truyền giáo trong khi nó chỉ là giáo dân đây? Sinh viên năm nhất bỡ ngỡ và nhút nhát, nó không dám bày tỏ điều gì, chỉ ngồi nghe các anh chị và Thầy hướng dẫn nói. Nó chỉ nghe để nhớ trong lòng, vì đó là điều mà nó hằng suy nghĩ. Sau buổi cầu nguyện, dù ít hay nhiều, nó cũng đã có câu trả lời cho riêng nó. Mỗi phẩm trật trong Giáo hội, đều có những cách thức truyền giáo của mình.Từ trước đến giờ nó luôn nghĩ, các tu sĩ, các vị Mục tử mới cần truyền giáo, giờ thì nó khác rồi. Mỗi người hãy truyền giáo bằng chính đời sống hàng ngày của mình. Câu nói của cha mà nó nghe được, đến bây giờ nó mới thấm. Nó thỉnh thoảng vẫn nghe ai đó nói: “Những người có đạo thường sống hiền lành thân thiện lắm”. Phải rồi! Đó chẳng phải là đang mang tình yêu Giê-su đến cho người khác đó hay sao?
Nó chưa bao giờ đi tình nguyện cả. Lần đó, nhóm nó tổ chức đi thăm các cụ bênh nhân phong ở trại phong Quả Cảm. Nó háo hức, nó mong chờ, à, đây là cơ hội để nó truyền giáo rồi. Nhưng rồi nó lại sợ. Bệnh phong ư? Bệnh này nặng không nhỉ? Nghe thấy người ta bảo đó là bị hủi đấy, có lây được không nhỉ? Nó lên mạng tìm hiểu. Không lây! Không lây! Những con người mà đã bị ăn cụt ngón chân ngón tay thì đã chẳng thể lây bệnh nữa rồi. Nó thương họ, nhưng xấu tính nhiều hơn, yên tâm rồi, không bị lây. Cái bản tính ích kỉ của nó, chẳng thể nào mà bỏ được.
Nó là người nói vô cùng nhiều và cười vô cùng không ít. Vì thế, trên xe đi, nó cứ như đứa trẻ tập nói, làm không khí trên xe lúc nào cũng náo nhiệt. Đến nơi, lòng háo hức từ đầu, nó chạy ngay xuống. Các cụ được hiệu lệnh xuống nhà khách đón đoàn. Đi cùng Đoàn nó hôm ấy, có thêm một đoàn nữa. Mọi người nhất trí cùng tổ chức chương trình văn nghệ và phát quà cho các cụ. Đứng bên trên sân khấu tham gia tiết mục văn nghệ nhìn xuống, nước mắt nó cứ rơi lã chã như thể bị ai đánh vậy. Nó nhìn các cụ, nó thương, và nó nhớ đến người ông quá cố của nó. Ông cũng gầy như thế, và hơn thế nữa, ông mất ở tuổi rất trẻ. Càng thương, nó lại càng muốn đến gần với các cụ. Trời ơi, các cụ là những người cô đơn nhất trên đời này. Có nhà mà không được ở, có con mà không được phụng dưỡng, có nỗi đau nào lớn hơn hay không?
Các cụ nhận quà về phòng, và bắt đầu đi thăm nói chuyện với các cụ. Nó điên lên mất, nó mong chờ điều này biết bao. Nó chạy như điên đến phòng cụ đầu tiên. Trời ạ, cụ không còn chân, lê la dưới đất để đi lại, mắt nó nhòe đi, nhưng lấy bình tĩnh, nó lại gần cụ, tươi cười trò chuyện. Cụ kể cho nó nhiều chuyện lắm, rồi cụ bảo bây giờ thỉnh thoảng có đoàn đến thì chúng tôi có quà thôi. Nó không muốn rời đi tý nào, mọi người đi hết, nó vẫn cứ ngồi đấy, nói chuyện với cụ. Một hồi lâu sau, nó mới bước ra ngoài, sang bên nhà cụ bên cạnh. Ôi, nó muốn thời gian dài thêm ra quá. Nó đi đến cụ nào cũng nói thật nhiều, thật nhiều, đến lúc nó nhìn lại, mọi người đã thăm hết các cụ rồi mà nó mới đi được có mấy phòng. Mặc kệ, nó cứ đi thôi, mọi người đi thăm quan thì nó đi thăm các cụ cũng được mà. Cho đến phòng cuối cùng, nó được nghe cụ đọc thơ, hát cho nghe, mà nó nghĩ điều này mọi người đoàn nó không nhận được. Nó còn nhớ tên các cụ. Ôi nó vui chết mất. Sau chuyến đi ngày hôm đó, nó nhận lại được nhiều điều, nó cám ơn các cụ vì chẳng phải nó mang lại điều gì to tát, nhưng lại nhận lại được nhiều điều. Ở đó, có nhiều các cụ không theo đạo lắm, mỗi lần nói chuyện với các cụ, các cụ đều bảo các cụ biết ơn Đức Cha Giáo phận, cám ơn các soeur, cám ơn những người đi đạo, vì hầu như ở đây các đoàn đến thăm đều là theo đạo. Nó ấm lòng, nó càng thấm hơn nữa cái sứ vụ truyền giáo. Phải rồi, truyền giáo là mang niềm vui của Giê-su cho người khác, truyền giáo là mang hơi ấm của Giê-su cho những nơi thiếu thốn và khó khăn. Chẳng phải khi người khác nhận được sự yêu thương của mình, họ cũng nhận được tình yêu của Chúa đó sao? “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” ( Mt 25,40 ). Nó đã nhìn thấy Giê-su trong đó, nó nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của các cụ khi đó. Nó bỗng thấy như Giê-su đang cười cùng nó vậy.
Các bạn trẻ thân mến, chúng ta là những người con của Giáo hội, chúng ta phải có nghĩa vụ làm cho cả thế giới biết đến Thiên Chúa là Cha. Mỗi ngày, hãy sống đúng theo những lời Chúa dạy, nhất là đạo luật yêu thương. Chúa Giê-su đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” ( Ga 13, 35 ). Đạo luật Giê-su là đạo luật yêu thương, và khi chúng ta truyền rao đạo luật ấy cho thế giới, là chúng ta đã đem Ngài đến với họ. Như thế, họ nhận ra Thiên Chúa thật, và sẽ sống trong giáo luật của Ngài và đi theo Ngài. Hãy dùng đời sống đạo đức, hiền lành của mình trong trường học và trong mọi hoàn cảnh trong cuộc sống, để mọi người nhìn thấy hình ảnh môn đệ của Giê-su trong các bạn.Yêu thương người khác như yêu thương chính mình là điều mà Ngài dạy chúng ta và mong muốn chúng ta mang điều đó cho những người xung quanh mình, gạt bỏ đi những thứ ích kỉ, nhỏ nhen trong cuộc sống, sống đức tin giữa lòng thế giới.
Cuộc sống ngày nay biết bao cám dỗ, vật chất, đồng tiền, dục vọng, ma túy và vô số tệ nạn xã hội, đứng kiên cường trước những thử thách trong cuộc sống, chính là các bạn đang làm công việc truyền giáo. Hãy luôn sẵn sàng đáp lại tiếng xin vâng khi Ngài gọi. Chủ đề năm nay của Hội sinh viên Tổng Giáo phận Hà Nội: “Này con đây, xin hãy sai con” là lời mà Chúa luôn mong muốn mỗi người chúng ta đáp lại.
Chúa ơi, xin hãy sai con, đi ra với thế giới, đi ra với cuộc đời, để mang Tin Mừng, mang tình yêu thương của Ngài cho những ai chưa nhận biết Ngài. Mỗi ngày, xin cho con ra đi với niềm hăng say nhiệt thành, lòng vâng phục cùng nụ cười Giê-su cho những người xung quanh con. Nguyện cho chúng con luôn theo Ngài với lòng Mến, cùng lời đáp xin vâng như Mẹ Maria xưa. Amen.
Maria Nguyễn Thị Dịu – SVCG Phú Mỹ, Hà Nội
Bài dự thi cuộc thi viết “Sinh Viên Truyền Giáo”