Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh

kuteKinh nghiệm xương máu của thánh Phaolô thấm vào cuộc đời tôi: “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12:1-21).

Mong manh dễ vỡ

Yếu đuối có nhiều nét nghĩa. Yếu đuối có thể là mong manh dễ vỡ, là dễ bị tổn thương, là không có khả năng tự bảo vệ. Thật khó khăn và mạo hiểm để nói về yếu đuối, vì đó là một phần thương tích và rách nát của bản thân. Yếu đuối thường được coi là chuyện của cảm xúc như nhát đảm, hổ thẹn, nên lại càng khó có chỗ đứng ổn định trong đời thường.

Không có gì dễ bị tổn thương hơn là tiết lộ câu chuyện của mình, hoặc nói ra những ý tưởng độc lập khác với hàng xóm, vì nguy cơ bị từ chối, bị chỉ trích phê bình là rất cao! Bằng cách nào mà yếu đuối có thể trở thành sức mạnh? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi trốn chạy yếu đuối?

Tôi thành thật thú nhận rằng, tôi thường gặp khó khăn khi đương đầu với yếu đuối! Yếu đuối đến, tôi đẩy lùi. Đẩy không được, tôi xách dép bỏ chạy, bỏ chạy trong nhiều năm trời. Cảm giác trống rỗng, rồi giả tạo làm tôi thấy không ổn…

Chạy trốn yếu đuối

Làm sao ổn được, khi kinh nghiệm yếu đuối đụng chạm tới tận thân thể tôi. Đó là trải nghiệm của nghèo đói: tôi xuất thân từ gia đình nghèo, thật nghèo. Tôi nhớ hồi lớp 3 đi học, thường mặc quần rách, mẹ vá chỗ này thì nó rách chỗ nọ. Đã vậy, tôi phải đi bộ ba cây số mới tới trường. Một hôm, bầy chó săn của nhà ông Ba Tàu trên đường đi học, xổng chuồng, rượt tôi và xé quần áo rách teng beng! Trưa nắng chang chang, đi tiếp cũng không được mà trở về thì quá đau vì răng cho cắn phập vào chân tay. Mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn ngậm ngùi.

Vì nhà nghèo, chẳng đủ ăn, có lần đi học về, mở nồi, chẳng còn hột cơm nào, đói quá nên bèn ra rẫy hái đu đủ, ăn một lúc ba trái… ăn xong thì sùi bọt mép! Nghèo quá làm tôi thương tích, và tôi đã chạy trốn.

Còn nhớ hồi lớp 11, tôi bị sốt rét rừng, người xanh lè như lá chuối. Nhà vẫn nghèo, ăn bữa trước, chạy bữa sau, bố mẹ gầy gò phơi lưng ngoài rẫy. Chẳng có tiền mua gạo, nên việc tẩm bổ sau cơn bệnh là điều không thể. Vậy mà, khi cô giáo đến hỏi thăm ăn uống ra sao… tôi bịa ra là mẹ hầm khoai tây với thịt nạc cho con mau lại sức. Tôi giả vờ là mình đầy đủ và tỏ ra không cần sự giúp đỡ. Chiều nọ, tôi giật bắn người khi đọc đúng câu Lời Chúa “Khốn cho… những kẻ giả hình”.

Sống giả vờ

Khi chạy trốn thương tích, người ta bắt đầu sống giả vờ, bắt đầu đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối nơi người khác và nơi bản thân, bắt đầu đổ thừa trách nhiệm, bắt đầu sai khiến và đòi hỏi! Khi phủ nhận yếu đuối, người ta làm tê liệt lòng biết ơn, niềm vui và hạnh phúc.

Sống đời tu, nhiều đêm tôi tự hỏi: Tôi đang tìm gì? Đâu là trọng tâm đời tu? Tôi không muốn trốn chạy thực tế…

Đã nhiều lần, tôi để lửa lòng mình bừng cháy, bởi được cận kề sự ấm áp yêu thương của Chúa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và ước chi lửa ấy cháy bùng lên”. Chính lúc ấy, tôi tận tụy và trắc ẩn hơn với con người.

Cũng nhiều khi, tôi thấy lòng mình lạnh như đá. Đó là lúc tôi lang thang ra khỏi Thiên Chúa, tôi huênh hoang về sự hoàn hảo của bản thân, tôi che đậy chính mình… và loay hoay tính toán xem mình có vươn dài ra được như loài tầm gởi phong lan.

Sức mạnh của yếu đuối

Trong cô tịch của tâm hồn, tôi mạo muội xin Chúa… đi vào bão tố, chấp nhận thương tích và nước mắt… để nhìn thẳng vào sự hèn nhát, rách nát trong tôi…

Bỗng dưng… giọt nước mắt lã chã rơi của một bệnh nhân gốc Châu Phi lại hiện về. Chị bất lực trước vấn đề của bản thân mà không tìm được người giúp, kể cả sự hiện diện của tôi cũng trở nên “vô tích sự”.

Bỗng dưng… tiếng hét giận dữ của cụ bà đã bỏ đạo trong muộn phiền, hét thẳng vào mặt tôi trong kỳ thực tập: “Cái đồ nữ tu Công Giáo! Cút ra khỏi đây ngay!” Nghe bà la lớn, các y tá và bác sĩ vội đến xem hiện trường và thấy tôi đứng như trời trồng! Tôi nếm cảm kinh nghiệm bì từ chối thê thảm, rồi kinh nghiệm thất bại ê chề!

Trong cái tối tăm ấy, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình gần gũi hơn với sự trần trụi của Chúa trên Thập giá. Để rồi, tôi biết xót thương hơn, biết cảm thương hơn! Điều kém cỏi trong tôi đã trở thành quà tặng! Lời này cứ văng vẳng: “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12:9). Sức mạnh ấy nâng tôi lên để tôi có thể chạm được thương tích của tha nhân.

Đêm về, tôi thấm thía lời thơ “Mong chẳng còn gì” của Tagore: Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi…

Biên tập: Tứ Quyết

(Đây là những ghi nhận từ bài chia sẻ của Sr Maria Thanh Tú, FMM, với chủ đề “Sức mạnh của sự yếu đuối”, trong Đại hội tu sĩ toàn quốc mừng Năm Đời sống Thánh hiến 11-2015. Những ghi nhận này không theo sát nguyên văn và không đầy đủ, nhưng vẫn ước mong theo đúng những chia sẻ của tác giả)

[youtube]https://youtu.be/I1vIJayA05o[/youtube]

Kiểm tra tương tự

Hành động vì Mẹ Đất: Nhà Chúa và Nhà Chùa cùng chung tay

Sát ngay bên tôi là nhà thờ, ngôi nhà chung xứ tôi. Xa kia là …

Điều gì xảy ra khi dạy các thiếu niên nhảy múa?

  Việc giới thiệu bộ môn nhảy múa tới các thanh thiếu niên giúp các …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *