Kinh Mân Côi – Chìa khóa mở “cửa vào Kinh Thánh”

 

 A. Lời dẫn nhập

Rất nhiều Vị đã viết quá súc tích về Kinh ”KÍNH MẦNG” là ”Diễm Tình Ca” (*) trong Tân Ước, là bằng chứng việc ứng nghiệm Lời Chúa hứa trong Cựu Ước rằng Miêu Duệ của người nữ sẽ đạp đầu Con Rắn (Satan) và Con Rắn sẽ quay cắn gót chân Miêu Duệ của bà ta. Như vậy, Lời Chúa hứa trong Cựu Ước cũng được gọi là TIN MỪNG NGUYÊN THỦY. Còn Kinh KÍNH MẦNG, vốn tóm lược TRỌNG TÂM của Tin Mừng Cứu Rỗi, là TÂN SÁNG THẾ KÝ. Cho nên, Kinh ấy chính là CHÌA KHÓA MỞ ”CỬA VÀO KINH THÁNH”!!!

Nhắm làm sáng tỏ khái niệm ở trên, tôi xin nêu lên hình thức và mạo muội phân tích nội dung của Kinh KÍNH MẦNG như sau:

B. Hình thức

Kinh nầy gồm có ba phần:

1. Lời Thiên Sứ Gabriel trân trọng kính chào Trinh Nữ bằng ”Danh Xưng Mới do Thiên Chúa chọn” và việc nêu ”Lý Do của Danh Xưng” ấy.

2. Lời người chị họ, Bà Êlidabét, ca tụng Trinh Nữ đang cưu mang TRÁI trong CUNG LÒNG MẸ CỦA CON MỘT THIÊN CHÚA CHA.

3. Lời ”Tuyên Xưng và Cầu Xin” của Giáo Hội Tông Truyền phù hợp với Kinh Thánh.

C. Phân tích nội dung phần 1 là lời chào của Thiên Sứ

1. Chữ ”Hãy vui lên: Χαῖρε; Ave”

Trong Tin Mừng, chữ ”Hãy vui lên” là ”lời chào mừng, lời bảo”. Đó là cách dịch của thể ”impératif” là ”Mệnh Lệnh từ Thiên Chúa qua Thiên Sứ”. Bản tiếng Đức, Anh, Pháp… cũng dịch tương tự. Chữ ”Ave” của Latinh do động từ AVERE có nghĩa như vừa nêu.

2. Chữ ”Hồng Ân: Ơn Lớn; Ân Phúc Đầy: κεχαριτωμένη; Gratia Plena”

a. Chữ Hylạp có nghĩa ”Đấng được ban đầy dẫy ơn sủng”, tức ”Hồng Ân tiền định theo THÁNH Ý của THIÊN CHÚA”. Không phải do công trạng (mérites) hay do việc làm tích cực nào đó của Trinh Nữ (une quelconque action positive de sa part), mà do chính Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa là TÁC GIẢ của ”việc định Danh này”. (Dieu seul est l’Auteur de cette Qualification.)

b. Hai chấm (:) sau chữ ”κεχαριτωμένη; gratia plena” (Ave gratia plena: Dominus tecum) thay cho liên từ ”bởi vì”. Xin viết theo cách vừa nói: ”Hãy vui lên, hỡi Hồng Phúc BỞI VÌ Thiên Chúa ở cùng Cô.” Đó là phạm trù NHÂN QUẢ trong Kitô Giáo. NHÂN là TÌNH YÊU vì THIÊN CHÚA là TÌNH YÊU: DEUS CARITAS EST. Và QUẢ của TÌNH YÊU chính là TRINH NỮ được Chúa ban cho Tước Hiệu Mới. Thiên Chúa là NGUYÊN LÝ của mọi sự là hậu quả. Chính Trinh Nữ cũng đã khẳng định NHÂN-QUẢ ấy như sau: Đấng Toàn ĐÃ LÀM cho tôi những ĐIỀU cao cả.” (Luca 1,49) Chữ Latinh ”gratia plena” có nghĩa là ”ƠN ĐẦY” (Pleine Grâce). Xin lưu ý rằng GRATIA PLENA ở ”vocatif” mà người Pháp gọi là ”mot mis en apostrophe”: từ ở hô khởi cách. Thiên Sứ xướng Danh Hiệu Mới ấy thay vì ”MARIA” vốn là Tên do Thân Sinh đặt cho Trinh Nữ! Cho nên, Cha Thuấn dịch: ”Hỡi ĐẦY ƠN PHÚC”; còn Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì: ”hỡi ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG”. Như vậy, cả đôi bên đều dịch nghĩa TƯỚC HIỆU RIÊNG của Trinh Nữ! Dù không có hai dấu chấm ở sau các chữ ”Hỡi ĐẦY ƠN PHÚC; hỡi ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG”, hai cách dịch vẫn hàm ý rằng Trinh Nữ có Tước Hiệu Mới là do ”Thiên Chúa ĐÃ ĐOÁI ĐẾN phận hèn TỚ NỮ của Ngài” để NÂNG NÀNG lên làm MẸ của THAI NHI GIÊSU vốn có nghĩa là THIÊN CHÚA CỨU CHUỘC!

Đối với Trinh Nữ và chúng ta hôm nay, Tước Hiệu ƠN ĐẦY là mới, nhưng, với Thiên Chúa thì không bởi vì, từ ngàn xưa, trong Vườn Địa Đàng, sau khi con người sa ngã, Ngài đã hứa ban HỒNG PHÚC chính là Trinh Nữ Maria! (Luca 1,30) Do đó, nhận Lệnh của Thiên Chúa, Thiên Sứ đến mạc khải cho Trinh Nữ Chương Trình của Ngài mà Trinh Nữ là ĐỐI TƯỢNG để CON TRONG CUNG LÒNG CHA (Gioan 1,18) nhập thể, cũng có được CUNG LÒNG MẸ DUY NHẤT cho NGÀI. Như vậy, nơi Trinh Nữ của Dân Do Thái, mà các Thánh Tổ Tông mong chờ, hội tụ sự Sung Mãn Kho Tàng Ơn Thánh (La Plénitude des Trésors  Divins) đến nổi, trên cõi trần này, chưa bao giờ có thụ tạo nào được tinh tuyền, thanh khiết, khiêm nhượng, nhân từ, bao dung…hầu xứng đáng làm Cung Điện cho Ơn Quan Phòng của CHA, CON và THÁNH LINH. (Luca 1, 35)

Ông Dacaria phải bốc xăm, chờ đến phiên mình, rồi mới vào Đền Thánh nguy nga để xông hương, còn bị phạt thành câm vì không tin lời Thiên Sứ! Nhưng Trinh Nữ là con nhà nghèo ở túp lều thanh vắng trong ngôi làng bé nhỏ xứ Galilê thì lại là THỌ TẠO CAO SANG NHẤT (La Plus Noble des créatures), chẳng ai biết, chẳng ai dè NÀNG là KIỆT TÁC CỦA ĐẤNG TẠO HÓA!!! (LE CHEF- D’OEUVRE DU CRÉATEUR) Trinh Nữ không hoài nghi về Tin Mừng, mà chỉ hỏi Thiên Sứ về cách thụ Thai vì bởi vì NÀNG quyết định KHÔNG BIẾT đến đàn ông NÀO CẢ: ”I know NO man!” (Động từ phủ định ở thì hiện tại, có giá trị cho hôm qua, hôm nay, ngày mai, trong tương lai và suốt cả đời của Trinh Nữ.)

Mẹ tuyệt vời như thế! Cho nên, các Cụ ngày xưa trích lời đầu tiên của Thiên Sứ chào Ngài, rồi viết Kinh bằng tiếng Latinh được dịch sang tiếng Việt như sau: ”Kính mầng Maria, Đầy Ơn Phước: Đức Chúa Trời ở cùng Bà.” Các Cụ cố tình thêm chữ MARIA vào để chúng ta thưa với Mẹ. Cho nên, trong tiếng Latinh, chữ MARIA ở VOCATIF và GRATIA PLENA là thuộc từ của MARIA (apposition à / to Maria), cũng ở VOCATIF!

3. Các chữ ”Chúa ở cùng Cô: ὁ κύριοσ μετὰ σοῦ”

Theo các Bản Dịch thật xưa, Kinh Thánh bằng tiếng Latinh có hai dấu chấm trước hai chữ này như sau: ”Ave gratia plena: Dominus tecum.” (Ý nghĩa của hai dấu chấm đã được trình bày trong số 2.) Câu Thiên Sứ nói ”Chúa ở cùng Cô” hoàn toàn khác với lời Linh Mục chúc trong Thánh Lễ: ”Chúa ở cùng anh-chị-em: Dominus vobiscum!” hay trong câu chúc nhau: ”God be with you!” Ngoài ra, cũng xin lưu ý rằng chỉ có Trinh Nữ mới được CHÚA gọi là HỒNG PHÚC. Còn những ai khác đầy Ơn Chúa, đầy Thánh Linh như bà Êlidabét…thì không được Ngài tặng Tước Hiệu như Trinh Nữ. (Luca 1,30, 42)

D. Phân Tích nội dung phần 2 là lời chị họ của Trinh Nữ

”Em có phước trong các người nữ và trái của lòng em (cũng) có phước: Εὐλογημένη σὺ ἐν γυναιξίν, καὶ εὐλογημένοσ ὁ καρπὸσ τῆσ κοιλίασ σου.”

1. Trước khi phân tích từ chìa khóa của câu vừa nêu, tôi nghĩ đến mẫu chuyện trong Cựu Ước về nàng Giuđita đã chém được đầu Đại Tướng Hômôphécnê: Nàng trở về, reo mừng và la lên: ”Mở cổng, mở cổng nhanh nào!…” (Giuđita 13, 11-20) Được chứng kiến thắng lợi phẩm, toàn Dân reo mừng. Còn ông Utđigia thì nói với nàng: ”Hỡi con, con được Thiên Chúa Tối Cao chúc phúc hơn mọi người nữ ở trên cõi trần.” (Giuđita, 13,18)

Còn trong Tân Ước, Trinh Nữ là HÌNH ẢNH hoàn toàn khác với nàng Giuđita vì NGÀI LÀ MẸ THIÊN CHÚA CỨU THẾ!. Mẹ không chém đầu ai cả. Mà, cùng với Thai Nhi Giêsu, Mẹ đã đạp đầu Satan như Lời Chúa hứa trong Cựu Ước! Mẹ cũng lên tiếng hô ”mở cửa lòng” là Lời Mẹ chào người chị họ để thai nhi Gioan Tẩy Giả liền nhảy mừng trong dạ Bà ta! Lời Bà ấy ca ngợi Mẹ có ý nghĩa khác hẳn với lời ông Utđigia chúc mừng nàng Giuđta bởi vì Mẹ đang cưu mang Đấng Thánh, Con Một Thiên Chúa Cha; còn nàng Giuđita thì không! (Phần này nhắm trả lời cho người không tôn kính Mẹ và cho rằng Chúa Giêsu mượn tạm lòng dạ Trinh Nữ mà nhập thể! Chẳng lẽ tôi cũng là người nghĩ như thế về đấng cưu mang, sinh thành, nuôi dưỡng, yêu thương tôi hơn tất cả hay sao?)

2. Phân tích từ ngữ

Từ chìa khóa trong câu ca ngợi của Bà Êlidabét chính là chữ VÀ: liên từ chỉ HẬU QUẢ! Xin viết cách khác như sau: ”Em có phúc trong các người nữ, CHO NÊN trái của lòng em (cũng) có phúc.” (Chữ CHO NÊN đồng nghĩa với: VÌ THẾ, DO ĐÓ, VÌ VẬY, THÀNH RA…) Ngoài ra, tự nó, chữ TRÁI đã diễn nghĩa HẬU QUẢ! Vậy, ai dám bảo rằng Kitô Giáo không có ”Luật Nhân-Quả”?!        Chính Thiên Chúa làm ra NHÂN là TRINH NỮ. Và QUẢ của Lòng Trinh Nữ cũng là do Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa như Cha: ”Ta với Cha là một. – Bởi chưng có ở trong Ngài tất cả sự Viên Mãn của Tính Thiên Chúa.” (Xin xem thêm I Gioan 1,2; Côl. 1,15,19)

Các Cụ ngày xưa dịch ”đại từ ngôi thứ hai và từ sở hữu: possessif” thành chữ BÀ như sau: ”BÀ có phước lạ hơn mọi người nữ VÀ Giêsu con lòng BÀ gồm phước lạ.” bởi vì, theo văn hóa của người Việt, theo thời gian tính: ”ở đây và bây giờ: hic et nunc”, khi đem lòng tin mà đọc lại Lời Bà Êlidabét, các Cụ và chúng ta hôm nay đều thưa với Mẹ là Đấng đã cộng tác vào Chương Trình Cứu Rỗi. Bản dịch Latinh còn hay hơn nữa bởi vì, trong Kinh AVE MARIA, Giáo Hội dùng đại từ TU như sau: ”Benedicta Tu in mulieribus ET benedictus fructus ventris tui, Jesus.” (CHÍNH Bà có phước hơn mọi người nữ, VÀ Giêsu Con lòng Bà GỒM phước lạ.) Chữ GỒM nói lên rằng Trái là Thai Nhi Giêsu cũng hưởng được tất cả Ân Sủng mà Chúa Cha ban cho Trinh Nữ. Người Việt mình vẫn nói: ”Mẹ ăn gì, con ăn nấy.” là vậy.

E. Phân tích nội dung phần 3 là LờiTuyên Xưng và Cầu Xincủa Giáo Hội

1. ”Thánh Maria”

Chỉ có Chúa là Đấng Thánh. Tuy nhiên, đã tiền định biệt chọn Trinh Nữ thì Thiên Chúa cũng THÁNH HÓA NÀNG cách riêng, có một không hai, để NÀNG xứng là NƠI cho Con Thiên Chúa Nhập Thể. Tin Mừng chứng minh điều ấy: ”Và Cô sẽ thụ Thai trong dạ… Ngài sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…Trẻ sắp sinh ra sẽ được gọi là THÁNH…” (Luca 1, 31-35) ”Bởi đâu tôi được phúc này là MẸ CHÚA tôi đến với tôi như vậy?” (Luca 1, 43) Hơn nữa, Cung Lòng của Trinh Nữ là Đền Thánh Giêrusalem Mới thì đương nhiên Giáo Hội phải thưa: ”Thánh Maria” là chí lý, chí tình!!!

2. ”Đức Mẹ Chúa Trời”

Để trả lời cho những ai không tin Bà Maria là Mẹ của Thiên Chúa, hay không chấp nhận Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa như Cha của Ngài, tôi đã từng nêu lên nhiều bằng chứng. Sau đây là một bằng chứng mà con nít cũng hiểu được: Mèo sinh ra mèo. Chó sinh ra chó. Người sinh ra người. Thiên Chúa Cha sinh ra Con Một của Ngài. Như vậy, Con của Thiên Chúa Cha thì ĐƯƠNG NHIÊN NGÀI CŨNG LÀ THIÊN CHÚA. Cho nên, làm Mẹ của Chúa Giêsu thì Bà Maria là Mẹ Thiên Chúa Ngôi Hai! Vả lại, như đã nói, Thánh Danh Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa Cứu Chuộc.

3. ”Cầu cho chúng con là kẻ có tội”

Chúng ta có thể cầu xin với Chúa cho nhau được, huống chi là Mẹ của Chúa Giêsu. Chẳng những cầu xin, Mẹ còn cầu bàu cho chúng ta trước Thánh Nhan Chúa như trong tiệc cưới Cana: ”Con ơi, nhà nầy hết rượu!” Hết rượu là hết Ơn Chúa. Mà hết Ơn Chúa là vì tội lỗi. Trần gian sa đọa hôm nay đang cần Ơn Chúa. Dù được Chúa cưng, Thánh Gioan cũng cần có Mẹ sống với mình như Lời Chúa trối: ”Này là Mẹ con.” thì huống chi tôi là người cần Mẹ ngàn lần hơn Thánh Nhân!

4. ”Khi này và trong giờ lâm tử”

Dù đã chịu các phép Bí Tích cần thiết để dọn mình chết lành, người Công Giáo vẫn xin Mẹ Hằng Cứu Giúp thương đến mình trong giờ lâm chung bởi vì Satan cám dỗ họ quyết liệt vào giờ ấy.

G. Lời kết

Đọc KÍNH MẦNG hay lần Tràng Hạt Mân Côi là sống Đức ”Tin, Cậy, Mến”, làm đẹp Lòng Thiên Chúa và Mẹ Maria như Lời Ngài dạy qua ba trẻ ở Fatima. Chính nhờ Kinh này, mà Châu Âu đã được Mẹ cứu thoát khỏi sự xâm lược khủng khiếp của Đạo Quân Thổ.

                                                                     ——————

Trong bài thơ ”Diễm Tình Ca Mân Côi”, tôi đã nói lên nhiều ý nghĩa và lợi ích của Kinh này.

Xin kính mời quý Vị nghe bài Ave Maria: 

Helene Fischer – Ave Maria – YouTube (Tiếng Đức)

Schubert (Ave Maria) – Karaoke – YouTube (Lời Kinh Kính Mầng bằng Latinh)

Lời Pháp của Fernand Gignac do người viết (PvP) tạm dịch sang tiếng Việt:

Ave Maria (Kính chào Maria)                        

Reine des cieux (Nữ Vương các tầng trời)

Vers toi, s’élève ma prière (Lời nguyện của con vang tới Mẹ)

Entends la voix de ton enfant (Xin nghe lời của con Mẹ)

Confiant, j’implore ton secours (Tin tưởng Mẹ, con khẩn cầu Mẹ cứu giúp)

Donne-moi la paix (Xin Mẹ ban bình an cho con)

Mon coeur, meurtri par la misère, (Lòng con, bầm dập bởi đau thương,)

N’a plus d’espoir qu’en ton amour (Chỉ cậy trông vào tình thương của Mẹ)

Pitié, pitié, oh, bonne Mère (Xin Mẹ xót thương, xót thương, ôi Mẹ nhân lành)

Conduis mes pas vers ton Jésus (Xin dẫn bước con đến Giêsu của Mẹ)

Ave Maria (Kính lạy Maria)

Ave Maria (Kính lạy Maria)

Phan văn Phước

Đức Quốc, 09.10.2011, Tháng Mân Côi

 

 

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 17-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 17/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh Hằng …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 16-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 16/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh sự …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *