Kinh nghiệm được thương

 

“Linh Thao” cụm từ được giới trẻ Công giáo nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong mỗi kì nghỉ hè.

Linh Thao là gì?

Tôi không biết. Điều tôi quan tâm ngay sau ngay khi tạm buông gánh nặng của những giáo trình, tài liệu, CLB sinh viên là những chuyến đi xa: Đà Lạt, Vũng Tàu, vùng núi, đồng bằng,.. bất cứ đâu cho tôi trải nghiệm vẫy vùng trong độ tuổi xuân thì, như những gì thế hệ gen Z chúng tôi thường đùa: “Mình còn trẻ, việc gì vui vẻ thì mình ưu tiên”.

Dự định hè này của tôi cũng chẳng khác những kì nghỉ hè đã qua. Tôi không thể nào chọn đến những nơi chán òm để đi vào thế giới nội tâm, hoặc đại loại là không gian tĩnh lặng. Tôi chán ghét thế giới ấy. Tôi nghĩ, những chuyến đi của tôi vui như thế, sôi động và dữ dội như thế, lấy đâu ra chất liệu để ôm muộn phiền hoặc cảm thấy tha thiết như những kẻ vừa đi qua cuộc tình bể dâu.

Nhưng mấy đứa bạn của tôi thì khác, tỏ vẻ mời mọc làm tôi khó chịu:

“Hay mày thử đi Linh Thao đi kìa. Hẹn hò nội tâm với Thầy Giêsu. Lắng nghe xem mày yêu Chúa nhiều không?”

“Đi đi. Có mấy bạn trong nhóm sinh viên Công Giáo rủ nhau lên Đà Lạt Linh Thao đó”

“Còn có cả Linh Thao ở Cần Thơ, Vũng Tàu. Xa như Vinh, Hà Nội còn có nữa mà. Mày thích xê dịch thì chọn đi xa., khác nào những lúc mày chạy xe bon bon mấy trăm cây số chỉ để check-in địa điểm cho những nhóm người vô danh trên mạng xã hội – cái thứ mày dính như cái bụng cơm của mày. Đi Linh Thao cũng check-in nhưng được check-in trong tình yêu cơ”

(…)

Tôi liền đáp: “Xời. Gặp Chúa trong thinh lặng như tụi mày nói, hay gặp cái thứ ma quỷ nào trong bên trong ai biết được. Đi mùa hè xanh, đi dạy trên bản một tháng – dẫu có thiếu thốn và đôi khi thấy chán nhưng tao không thấy cô đơn. Năm ngày Linh Thao tụi mày nói, ngắn mà dài. Tao chết mòn mất thôi”

 

Chỉ mỗi cái chuyện Linh Thao, tôi và nhóm bạn đã đùn qua đẩy lại. Tôi sợ thinh lặng, lại là thinh lặng trong một Đấng Vĩ Đại. Tôi thấy sự nhỏ bé của tôi trước thiên nhiên, trước những trẻ em bản làng còn đang vừa sức với tôi. Nhưng sự nhỏ bé trước một niềm tin, tôi cứ chần chừ. Tôi có tội với Ngài, còn Ngài cứ gọi tôi là ‘con yêu dấu’.

Hôm đó, về đến nhà, trong đầu quanh quẩn cụm từ ‘Linh Thao’. Có lẽ, vì tôi và nhóm bạn đã nhắc về Linh Thao quá nhiều, chưa kể nhiều nhóm sinh viên còn chia sẻ trên mạng xã hội – họ nói về kinh nghiệm Linh Thao, về việc Chúa thương họ, an ủi họ, cho họ thêm sức mạnh để tiếp tục công việc thường ngày, cho họ thêm can đảm và dấn thân nhiều hơn trong ơn gọi nào đó.

Tôi cứ ngờ ngợ, thinh lặng 5 ngày thôi mà, mắc gì nhiều ơn thế. Chẳng lẽ với việc tôi dành giờ cầu nguyện mỗi ngày (cũng có khi quên), đi tĩnh tâm nhóm, tham gia Thánh lễ, còn chưa đủ thinh lặng hay Chúa thương tôi không nhiều bằng các bạn đi Linh Thao?. Tôi viết nguệch trong cuốn nhật ký: “Những người đi Linh Thao được Chúa thương hơn. Con không nói đâu phải vì con không biết Chúa thương con đâu. Nhưng mà nếu con nói, con khó có cảm nghiệm nào sâu sắc như những gì con đã đọc.”

Tôi có lẽ đang hờn giận. Tôi tìm lại web mà bạn tôi trước đó đã gửi:

 

“Nội tâm không được chăm chút chu đáo sẽ mất dần nội lực, và vì vậy, mọi hành động sẽ trở nên yếu ớt, thiếu sức, cuộc sống cũng thành nhạt nhẽo! Không phải cứ hối hả lao đầu vào hành động thì người ta sẽ thành công đâu; trái lại, liên tục quay về với nội tâm được chăm chút mới múc được nhiều sức mạnh để nuôi dưỡng hành động hiệu quả.

Tại sao thế?

Thưa, tâm hồn nếu không lắng tịnh, sẽ không nghe được những tiếng nói chỉ dẫn để đi đúng đường. Mà lệch đường rồi, thì mọi hành động trở nên vô nghĩa, dù chúng có mạnh đến bao nhiêu. Và cả những nỗ lực nữa, dù đầy nhiệt tâm, cũng không đưa ta được tới đâu, nếu chúng không được ủ ấp trong những phút giây trầm mặc trước đó. (…)

Chúng ta cần đi vào thật sâu của đời sống tâm linh, để có thể đi ra thật mạnh trong cuộc sống đời thường.

Vậy, mời bạn hãy dành ra một tuần lễ trong mùa hè này để đi vào sa mạc của tâm hồn. Tạm bấm nút pause trong một thời gian ngắn ngủi để nhìn nhận lại con người, cách chúng ta đảm nhận cuộc sống và công việc, để gọt bớt những gì rườm rà và múc lấy những gì chúng ta thực sự cần, hầu chuẩn bị hành trang thích hợp cho chặng đường sống yêu thương sắp tới.

Đi vào để gặp gỡ tâm hồn, trong thinh lặng. Đi ra để gặp gỡ người khác, trong phục vụ yêu thương.”

(Lời ngỏ trên web linhthaogioitre.net)

 

“Lời ngỏ hay nhỉ”, tôi chợt nghĩ. Tính ra thinh lặng không phải im im không nói gì, mà là tìm về chính mình trong sự hiện diện của Chúa, nhận ra Thánh Ý của Chúa trong cuộc đời của mình. Tôi miên man trong suy nghĩ “Chúa hiện diện làm sao được? Có phải tôi cứ siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, đọc kinh sốt mến, bớt cáu kỉnh thì Chúa sẽ ở trong tôi. Nhưng ngay cả khi tôi tin Ngài hiện diện nhưng tôi không cảm được thì sao?”

Tôi gửi thắc mắc này đến một người bạn, cô ta thẳng thừng đáp: “Thì đi Linh Thao. Kiểm chứng đi, mắc mớ gì mày ngồi đây đoán tới đoán lui”

“Hmmm… ờ, cảm ơn. Đi thì đi”

 

Tôi đã tham dự khoá Linh Thao đầu tiên trong cuộc đời mình, và năm nay là năm đầu tiên tôi không chọn những chuyến đi xa để hòa mình vào thiên nhiên, vào những cuộc vui bên lửa trại, rừng thông, đồi núi hay các bản làng xa xôi. Tôi đã chọn một điều tôi không nghĩ mình chọn: “Đi Linh Thao. Thinh lặng cho một cuộc sống từ trước tới nay đã quá ồn ào, náo nhiệt.”

Tôi gọi cho gia đình, nhắn cho những người bạn để thông tin về sự trầm mặc sắp tới của tôi. Ai cũng ngạc nhiên và tôi còn ngạc nhiên hơn khi những người bạn còn biết về Linh Thao rõ hơn tôi. Họ dặn tôi: “Ở với Chúa thôi, còn lại cái gì chưa giải quyết được gì để sau. Vào trong mà tâm hồn còn bay bổng, còn nhớ nhung đủ điều thì khó tìm gặp Chúa lắm”

“Thế tao phải làm gì?”

“Thinh lặng và cởi mở con người thật của mày với Chúa. Tao cũng không diễn giải rõ được ý này, nhưng mà cứ thử đi. Cứ yên tâm vì trong Linh Thao mày có sự hướng dẫn của Cha linh hướng và nhóm Đồng Hành (là các Thầy, Sơ hoặc giáo dân đã được huấn luyện để đồng hành Linh Thao), nên đừng lo không biết làm gì, mày cứ tìm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn, cởi mở chia sẻ những chuyển động bên trong với những nhóm đồng hành”

Tôi gật gật, dù chẳng hiểu hết ý bạn tôi đang nói, rồi bước vào 5 ngày Linh Thao…

 

Với tâm thế của một kẻ không biết chút gì về Linh Thao, tôi cứ đi men theo từng chặng đường đã được hướng dẫn bởi quý đồng hành. Điều tôi có thể làm lúc đó là ở lại trong tâm thế: “Chúa ơi, con không biết gì nhưng con nghiêm túc đến đây thật đấy.”, cố gắng giữ giờ theo lịch trình, giữ thinh lặng và mở mình hơn khi được hỏi “Con thấy giờ cầu nguyện của ngày hôm nay thế nào? Có bị chia trí, lo lắng hay có cảm nghiệm gì đặc biệt không?”

Tôi đã men theo tiến trình đó bằng những bước chân chập chững. Tôi thấy niềm vui và nỗi buồn, an ủi và sầu khổ cứ đan xen, chuyển động bên trong tôi. Tôi thấy tôi đang bám víu vào những niềm vui không chắc chắn: những chuyến đi. Tôi thấy mình như bị sụt lún một vài chỗ trong tâm hồn, tôi đang chạy trốn khỏi con người thật của mình, đang tìm kiếm điều gì đó chóng tàn…

Cũng từ những gì sụt lún, Chúa bồi đắp cho tôi ngang qua ‘kinh nghiệm được thương’. Tôi nhận ra “Không có sự so sánh nào cho ‘phép lạ’ và tình thương của Chúa”. Chúa thương tôi và Ngài cũng thương những người anh chị em khác. Chúa thương mà chẳng hỏi tôi “Đủ chưa?”, Chúa cứ cho, cứ ban tặng, mà đôi khi tôi quên mất mình được thương. Tôi nhận ra, Chúa thương tôi ít vì tôi không nhận thấy tình thương của Ngài. Còn khi tôi có thể cảm nếm được, thì tình thương ấy tràn ra – tôi chỉ có thể đón nhận và để tình thương đó tiếp tục ‘tràn ra’ nơi đời sống của mình.

5 ngày lọ mọ tìm mình, tìm Chúa. Tôi nhận ra, Linh Thao cũng làm cho người trẻ có chút lo sợ khi nghĩ về “thinh lặng”, khi tập thực hành giờ cầu nguyện theo phương pháp của Thánh I-Nhã, khi cảm nếm và ở lại trong đoạn Tin Mừng nào đó đánh động lòng mình,…vì những điều này là những lần đầu tiên của tôi. Những điều này ngược với những lần tôi cầu nguyện chỉ để xin Chúa đủ thứ đòi hỏi trên đời; đi Lễ, tham gia hoạt động Công giáo chỉ vì “Ai cũng làm thế. Kitô hữu ai cũng làm thế”.

5 ngày Linh Thao, tôi vẫn thấy không đủ. Khi vừa kịp hiểu hơn về hành trình tôi đang đi cũng là lúc khoá dần khép lại. Tôi lại phải đợi chờ mùa hè năm sau, và nhiều mùa hè tiếp theo, tôi vẫn muốn được tham dự Linh Thao. Có lẽ ngay từ ban đầu, chọn đi Linh Thao là cách Chúa mời gọi tôi ở lại trong tình thương của Ngài, và cảm nếm sâu hơn tình thương ấy trong cuộc đời của tôi.

“Tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 136,1)

Anna M.

Linh Thao Giới Trẻ 2022

Kiểm tra tương tự

Khoá học: Tiến trình phát triển tâm lý và đường hướng giáo dục đức tin

  Các bạn thân mến! Tâm lý con người phát triển theo từng độ tuổi, …

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *