Nhiều bạn hỏi tôi rằng: “Cha ơi làm sao con có thể biết Chúa Giêsu?” Đây là một câu hỏi không chỉ để hỏi, nhưng là để sống. Lý do là vì chỉ khi chúng ta biết được Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể yêu mến Ngài và sống tốt đạo đẹp đời. Vô tri bất khả mộ. Có bạn đưa tay hỏi: “Dạ, con thấy nhiều người đâu biết nhiều thông tin về Chúa Giêsu, nhưng họ vẫn sống tốt.” Thật thú vị khi có nhiều người rất yêu mến Chúa Giêsu, nhưng đề nghị họ giải thích hoặc giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác thì rất khó khăn với – “cảm thức đức tin-sensus fidei”. Lý do này dường như thuộc về lãnh vực sư phạm hoặc kiến thức thuần túy. Trong khi đó, họ cảm nhận Thiên Chúa bằng con tim và rất dễ làm theo Lời Chúa hoặc Giáo hội dạy. Hoa trái là họ có thể sống hạnh phúc với những đức tin bình dân nhưng thật sâu sắc[1].
Tôi muốn viết bài này cho người trẻ. Lý do là các bạn một mặt yêu mến Chúa, nhưng mặt khác lại không biết nhiều thông tin về Chúa Giêsu. Hơn nữa, khi các bạn thoát khỏi “lũy tre làng”, để sống và làm việc nơi thành phố, nhiều người hỏi bạn về Thiên Chúa, hỏi về đạo Công giáo, nhiều bạn lúng túng không biết chia sẻ thế nào. Không sao, đây là lúc chúng ta tìm cách để bổ sung kiến thức Kinh thánh cho chính mình.
Thông tin về Chúa Giêsu
Nếu bạn muốn biết thông tin của ai, chúng ta thường hỏi “bác Google”, lên mạng để tìm kiếm. Nếu người ấy là nhân vật nổi tiếng, thì bạn càng dễ tiếp cận được thông tin của họ. Chúa Giêsu Kitô của chúng ta chắc chắn là nhân vật nổi tiếng, bạn cũng có thể tìm thấy nhiều thông tin của Ngài trên Internet. Tuy nhiên, Kinh Thánh luôn là nguồn mạch phong phú cung cấp hầu hết các thông tin liên quan đến Ngài. Nếu Internet có các bài viết về Chúa Giêsu thì ít nhiều cũng bắt nguồn từ Kinh Thánh. Do đó, nếu bạn muốn biết Đức Giêsu, hãy cứ mở Kinh Thánh ra đọc.
Đức Giêsu, một con người lịch sử
Lúc đầu Kinh Thánh là những lời rao giảng khởi đầu (“Kerygma- κήρυγμα”) của các môn đệ rất đơn sơ: “Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại.”[2] Lời rao giảng ấy quan trọng và thu hút được nhiều người. Tin ấy càng lan nhanh, người ta càng đặt câu hỏi: “Ông Giêsu là ai?”. Trước những thắc mắc liên quan đến Giêsu, các môn đệ nhớ lại thời gian các ông ở với thầy mình, nhớ lại những bài giảng của Ngài, thậm chí nhớ lại lúc Chúa Giêsu sinh ra. Những câu chuyện này được các ông truyền khẩu, kể lại cho nhau và cho nhiều người khác nữa. Đó là Tin Mừng của truyền khẩu, của thời Giáo hội sơ khai. Hẳn nhiên có người nhớ điều này, quên điều nọ. Thậm chí giữa các môn đệ có những câu chuyện khác nhau về Chúa Giêsu. Càng kể cho nhau nghe, càng rao giảng về Chúa Giêsu, các môn đệ càng thấy những điểm tương đồng. Điều quan trọng là họ nắm bắt được rất nhiều thông tin chính xác về cuộc đời Chúa Giêsu.
Trong nhóm người truyền khẩu ấy, tạ ơn Chúa, chúng ta có những người viết lại một cách chi tiết hoặc tương đối về Chúa Giêsu như là một nhân vật lịch sử. Chúng ta biết rằng các tác giả được linh hướng, nghĩa là “ảnh hưởng của Thiên Chúa trên các nhà viết Kinh Thánh, giúp ta có thể coi chính Thiên Chúa như là tác giả của Kinh Thánh.” Dĩ nhiên qua những dữ kiện có thật, các tác giả cho thấy thông điệp của Thiên Chúa. Nhất là sứ điệp cứu độ xuyên suốt có thể được nhận ra trong các bản văn Kinh Thánh. Ở đây chúng ta đang nói đến 27 cuốn sách trong Tân Ước, vốn viết trực tiếp đến Đức Giêsu như là nhân vật lịch sử và là Đấng Cứu độ trần gian. (Kể cả 46 cuốn Cựu Ước, ta quen gọi là qui điển các sách Kinh Thánh. Nghĩa là 73 cuốn sách này chính thức do Hội thánh quy định sách nào là sách Kinh thánh Cựu và Tân ước.
Nếu mở bốn cuốn Tin Mừng[3], chúng ta đều thấy các tác giả ghi lại cuộc đời Chúa Giêsu một cách hệ thống. Là con người[4], Đức Giêsu có gia phả, có dân tộc và lịch sử. Ngài sinh trong một gia đình, với ngày tháng năm sinh[5] (x. Mt 2,6; Mk 5,1). Đức Giêsu cũng có tuổi thơ như biết bao đứa trẻ Do Thái thời ấy. Chỉ khác là những năm đầu đời, Tin Mừng kể Hài Nhi Giêsu gặp nhiều khó khăn. Rồi suốt những năm sau đó, Tin Mừng đột nhiên không kể chi tiết, nhưng chuyển sang giai đoạn Đức Giêsu rao giảng Nước Trời. Hành trình rao giảng này cũng có khởi đầu và kết thúc. Khởi đầu tương đối huy hoàng, với việc chọn 12 tông đồ. Họ ở với Chúa Giêsu để lắng nghe và chứng kiến những lời giảng dạy của Ngài (sequela christi). Trong số họ có những tác giả viết các sách trong Tân ước. Một số khác được nghe kể lại, nhưng họ cũng viết rất chính xác về Đức Giêsu. Nếu có giờ, bạn hãy cầu nguyện với những bài giảng này của Chúa Giêsu, rất phong phú về nội dung và quan trọng cho hành trình đức tin của mình. Càng hiểu được những bài giảng này, bạn càng hiểu biết Chúa Giêsu. Do đó, bạn càng dễ chia sẻ những thông tin ấy cho bạn bè.
Cuối hành trình rao giảng của Chúa Giêsu là biến cố tại Giêrusalem. Nhất là trong bốn cuốn Tin Mừng, các tác giả đều kể khá chi tiết về Đức Giêsu. Mỗi chi tiết là một câu chuyện hoặc bài học thú vị cho hành trình đức tin của mỗi người. Nếu tham dự Tuần Thánh, bạn cũng có thể nghe và chứng kiến rất nhiều chi tiết về Chúa Giêsu trong giai đoạn này. Dĩ nhiên những thông tin ấy được lấy ra từ Kinh Thánh, ít là về mặt sự kiện. Khi càng hiểu Kinh Thánh trong giai đoạn này, bạn càng hiểu tại sao Giáo hội lại cử hành những nghi thức ấy, và tại sao Tuần Thánh lại quan trọng cho chúng ta. Kết thúc hành trình rao giảng, Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá[6]. Sau ba ngày, Chúa Giêsu đã sống lại. Có lẽ vì bốn cuốn sách ghi lại biến cố này, nên chúng ta gọi là Tin Mừng, hay Phúc Âm.
Chúa Giêsu trong Kinh Thánh
Hẳn nhiên các tác giả không chỉ ghi lại tiểu sử của Đức Giêsu cho bằng việc giới thiệu cho độc giả thấy chính Thiên Chúa. Từng câu chuyện Tin Mừng làm nổi bật khuôn mặt Đấng Cứu Thế, Đấng Mêsia. Ngài đến từ trời cao, từ Thiên Chúa Cha. Khi ở với con người, Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, đã giới thiệu Nước Trời cho mọi người. Đỉnh cao trong cuộc rao giảng này là cái chết[7] và sự phục sinh của Đức Giêsu[8]. Nếu Đức Giêsu không sống lại, chúng ta không có Kinh Thánh Tân Ước, không có Giáo hội (1Cr 15,14-19). Sự thật là Đức Giêsu đã phục sinh để minh chứng Ngài chính là Thiên Chúa thật. Chúng ta thử liệt kê vài đặc tính của Chúa Giêsu, vốn rất nổi bật trong Tin Mừng:
- Thiên Chúa yêu thương con người. Kinh Thánh trình bày Đức Giêsu như là mục tử chăm sóc từng con chiên. Ngài kết thân mới những người tội lỗi để giúp họ trở lại nẻo chính đừng ngay. Ngài như người cha chờ từng người con trở về để hết lòng yêu thương. Đức Giêsu muốn kết bạn với từng người, thậm chí vì yêu nên Ngài đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Cũng vì tình yêu nên Đức Giêsu dành rất nhiều thời gian để giảng dạy cho con người về tình yêu, về Nước Trời, về hạnh phúc và bình an, v.v. Với một trái tim của người giàu lòng bao dung và trắc ẩn, Ngài đã tha thứ và nhẫn nại đợi chờ từng người. Chính Đức Giêsu hiểu rằng chỉ có ai liên lạc được với Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu, người ấy mới hạnh phúc thành toàn. Cũng vì thế mà Ngài đã đi hết làng này đến thành thị khác để loan báo Tin Mừng.
2.Thiên Chúa không ngại đối diện với khó khăn. Trong những lần rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu không ít lần gặp nhiều thử thách. Số là giới lãnh đạo tôn giáo thời đó luôn để mắt đến đường đi nước bước của Ngài. Nhiều lần Tin Mừng cho thấy họ đã thử thách Chúa Giêsu. Vài lần chính Đức Giêsu cũng chất vấn giáo lý của họ. Đó là những căng thẳng mà Chúa Giêsu cảm thấy; nên ít là ba lần Chúa Giêsu đã tiên báo về cái chết của Ngài. Nhiều nhà thần học thì cho rằng cái chết của Đức Giêsu không chỉ mang yếu tố lịch sử, nhưng quan trọng hơn, nó chứa đựng ơn cứu độ dành cho con người (Cứu độ học: thập giá). Điều ấy hoàn toàn đúng. Chúa chết vì tôi, vì bạn để làm giá chuộc muôn người, giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi (Mt 20,28; Mc 20,45). Nhờ đó, chúng ta có thể được hưởng hạnh phúc với Ngài trên quê trời.
- Đức Giêsu là con của Thiên Chúa. Đây là chủ đề rất thú vị vốn được các nhà thần học tiếp cận với nhiều góc nhìn khác nhau. Ở đây nếu mở Kinh Thánh ra, chúng ta cũng có thể thấy không chỉ các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là con Thiên Chúa[9], nhưng cả người dân (Mc 15,39), người tội lỗi, kể cả thần ô uế cũng phải thốt lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con Đấng Tối Cao…” (Mc 3,11). Trên hết, nhiều lần Đức Giêsu xác nhận căn tính của mình đến từ Chúa Cha, và chính Ngài là Thiên Chúa. Trong tương quan Cha-Con này, chúng ta cũng được thừa hưởng quyền làm con cái của Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Như vậy trong Kinh Thánh, chúng ta cũng sẽ bắt gặp nhiều chỗ nói về bản tính thần linh này của Đức Giêsu.
Đức Kitô vừa là con người vừa là Thiên Chúa
Từ những điểm trên đây, chúng ta thấy Kinh Thánh luôn đề cập để cả hai bản tính nơi Đức Giêsu Kitô: nhân tính và thần tính. Cả hai hài hòa trong Đức Giêsu đến nỗi không thể tách rời. Cả hai đều hiện hữu trong một Ngôi Vị, là chính Ngôi Lời đã xuống thế làm người. Chẳng hạn câu đầu tiên trong Tin Mừng Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1,1). Hoặc, Lời thần linh của Thiên Chúa, Người đã trở nên người phàm. (Ga 1,14). Giáo hội dạy rằng: “Đức Giêsu Kitô là Ngôi Vị Thần Linh, vì là Ngôi Con làm người. Người là Thiên Chúa Thật và là người thật, đồng bản thể với Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản thể với loài người theo nhân tính.” (GLHTCG 466-467). Thực ra Giáo hội xác nhận điều này vì Kinh Thánh đã mạc khải đúng như thế.
Có lẽ nhiều bạn trẻ hoa mắt chóng mặt với chút ý tưởng rất khó hiểu trên đây. Không sao đâu! Lý do là suốt dòng lịch sử đã có rất nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa về những điều trên. Nếu bước vào lãnh vực thần học Chúa Ba Ngôi, hoặc Kitô học, bạn sẽ bắt gặp những cuộc tranh cãi như thế. Ở đây, chúng ta tạm chưa dấn thân vào học thuật, nhưng thật may Kinh Thánh đơn giản đề cập đến Đức Giêsu. Ngài có khả năng làm phép lạ, sống gần gũi với con người. Sau suốt hành trình rao giảng, Ngài đã chết và đã sống lại. Càng trò chuyện với Ngài, chúng ta càng hiểu Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa, lại vừa là con người. Đó là Thiên Chúa của chúng ta.
Tạm kết
Tôi không muốn giới thiệu cho bạn một Chúa Giêsu khó hiểu và phức tạp. Ngược lại, Thiên Chúa chúng ta thì gần gũi và có tương quan. Rất nhiều chỗ trong Kinh Thánh giới thiệu cho bạn về chân dung Thiên Chúa như thế. Theo nghĩa này, thánh Giêrônimô rất có lý khi cho rằng: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Giêsu Kitô!” Bạn đừng hy vọng hiểu hết về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu. Điều ấy không thể, vì chúng ta là thụ tạo với nhiều giới hạn. Thay vào đó, với con tim yêu mến, với tâm trí rộng mở, bạn cứ để Đức Giêsu kể về chính Ngài trong Kinh Thánh. Lúc đó, bạn vừa có kinh nghiệm về Thiên Chúa, vừa có những thông tin để chia sẻ với bạn bè.
Mong thay!
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] https://www.hddaminhthanhlinh.net/a2258/phuc-am-hoa-bang-long-dao-duc-binh-dan-
[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cot-loi-cua-rao-giang-tin-mung-chua-nhat-iii-phuc-sinh-nam-b–41758
[3] Tin mừng thánh Mátthêu, viết tắt là: Mt; Tin mừng thánh Máccô: Mc; Tin mừng thánh Luca: Lc; và Tin mừng thánh Gioan: Ga.
[4] Mt 1,1-17; x.Lc 1,26-38; Lc 2,1-7; x.Mt 1,1-23; Lc 3,23-38; x.Mc 1,35; Pl 2,6-8).
[5] https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/THANHOC/GiesuKyto/02SinhRaNamNao.htm
[6] Mt 26-27; Mc 14-15; Lc 22-23; Ga 18-19.
[7] Mt 16,16; Mt 27,40.43; Mc 1,34; Mc 9,9; Mc 15,39; Lc 8,24; Lc 7,36-50; Ga 1,1-14; Ga 13,13; x.Gl 1,15-16; Cv 2,36; Cv 9,20.
[8] Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-11; Ga 20,1-9; 1Cr 15,14.19.
[9] Mt 27,45-50; Mc 15,33-41; Lc 23,44-49; Ga 19,28-30.