Kính Tiễn Cha Giáo Giuse Vũ Kim Chính, SJ – Vị Khách Hành Hương

“Muốn sống tốt ở đời này, chúng ta phải làm khách hành hương để đi bất cứ đâu, đến nơi chúng ta có thể phục vụ Chúa” (Thánh Phanxicô Xaviê). Có thể nói, những lời của Thánh Phanxicô cũng là tâm niệm đời Giêsu hữu của Cha giáo Giuse Vũ Kim Chính, SJ., vì Cha luôn thao thức tìm kiếm Chúa và phục vụ Chúa hơn. Đó là kinh nghiệm của tôi khi ở bên linh cữu Cha, hồi tưởng và suy nghĩ về “Vị Khách Hành Hương” với những bước chân âm thầm, hy vọng và xác tín trong ơn gọi và sứ mạng phục vụ Thiên Chúa.

Tôi may mắn được tiếp xúc thường xuyên với Cha trong “chặng hành hương cuối cùng”, tức là từ ngày 17.8.2023 – 14.10.2023. Tôi được nghe Cha chia sẻ thao thức và ước mơ của “kẻ hành hương” về những cuộc hòa giải giữa Đức tin và nhân bản, được học hỏi từ Cha qua thái độ cần mẫn cho sứ mạng tri thức, được cảm nghiệm một đời sống khó nghèo, thánh thiện và hiền lành của một Giêsu hữu có kinh nghiệm sâu về lòng thương xót của Thiên Chúa, v.v. Với tôi, thật khó để viết ra những kinh nghiệm về Cha vì một đàng tôi muốn mình tiếp tục nếm cảm những kinh nghiệm quý báu ấy, nhưng đàng khác tôi lại ước mong chia sẻ những “ước mơ” của Cha để có thể có nhiều anh em Giêsu hữu khác tiếp nối sứ mạng mà Chúa đã trao cho Cha qua Dòng, như một cách thế làm cho những ước mơ ấy thành hiện thực.

 

Kinh nghiệm sâu về cuộc đời như cuộc hành hương nên thái độ lên đường và hành trang của Cha lúc nào cũng nhẹ nhàng. Với biến cố 1975 tại Việt Nam, Cha trở thành “người Áo bất đắc dĩ” khi đang trong “cuộc hành hương tri thức” tại Áo quốc. Sau khi chịu chức linh mục và hoàn thành chương trình Tiến sĩ Triết tại Đại học Innsbruck, Cha phục vụ cộng đồng người Việt tại một số nước của Châu Âu (1979-1981). Như Cha cho biết, những năm tháng này góp phần rất lớn trong kinh nghiệm thiêng liêng và dấn thân của Cha, vì ở đây, Cha kinh nghiệm về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương nơi những phận người tha hương. Khi Cha được biết cánh đồng truyền giáo ở Đài Loan đang được mở ra, Cha làm một cuộc hành hương tới Đài Loan với mong ước một ngày không xa có thêm cơ hội phục vụ Giáo hội quê hương Việt Nam. Tại Đài Loan, cha học tiếng Hoa một năm và sau đó gia nhập Dòng Tên năm 1982. Sau khi khấn lần đầu trong Dòng Tên năm 1984, Cha vâng lời Dòng tiếp tục làm một “cuộc hành hương tri thức khác”, và hoàn thành chương trình Tiến sĩ Thần học vào năm 1989 tại Đại học Fu Jen – Đài Loan. Kể từ đó đến nay, Cha đi vào cuộc “hành hương tông đồ” qua sứ mạng giảng dạy Triết – Thần tại Đài Loan. Ngay khi có cơ hội “hành hương về đất mẹ” Cha đã về dạy học tại Học viện Dòng Tên Việt Nam vào mỗi mùa hè (từ năm 1991 đến nay). Hôm nay, Cha đã hoàn tất cuộc hành hương dương thế ngay tại quê hương với thái độ thanh thản khi đang lao tác trên cánh đồng sứ vụ.

 

Tôi nhận ra nơi “Vị Khách Hành Hương” có những ước mơ đã thành hiện thực với niềm vui sâu lắng và an ủi thiêng liêng. Cha đã ước mơ phục vụ Giáo hội quê hương thì Chúa đã trao cho Cha cơ hội, như giảng dạy Thần học và Triết học tại Học viện Dòng Tên, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội; Cha cũng được góp phần vào những hội thảo nghiên cứu về Đạo Hiếu, tôn kính ông bà tổ tiên, được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức; hay cộng tác biên soạn Từ điển Thần Học Tín Lý Anh – Việt, v.v. Có những lúc Cha ước mơ được chết nơi quê hương thì Chúa đã ban cho Cha được an nghỉ giữa lòng đất mẹ Việt Nam. Cha đã cả đời miệt mài dấn thân cho sứ mạng thì Chúa đã ban cho Cha được “ra đi” đang khi lao tác. Thật vậy, với một Giêsu hữu, Bạn Đường Chúa Giêsu, khao khát “làm việc không tìm an nghỉ” đã ăn sâu vào máu thịt. Do đó, việc Cha được hoàn thành sứ mạng đang khi đang lao tác hẳn cũng là ơn an ủi lớn. Điều quan trọng là Cha đã luôn dấn thân hết mình cho từng bước chân trên hành trình kiếm tìm Chân-Thiện-Mỹ-Thánh.

 

 

 

Thế nhưng, tôi cũng được biết “Vị Khách Hành Hương” vẫn còn đau đáu những ước mơ. Chúng đã được Cha khởi sự và đặt một số nền tảng, song chúng chỉ có thể được hiện thực hóa bởi những thế hệ sau. Quả thật, Cha đã luôn mong ước một cuộc hội ngộ giữa Thiên Chúa và dân tộc Việt Nam qua những thao thức và nỗ lực ban đầu cho việc xây dựng nền thần học bản vị hóa (hay còn gọi là hội nhập văn hóa) cho Giáo hội Việt Nam. Khi được tiếp xúc nhiều với Cha và được cha hướng dẫn, chia sẻ về Thần học Bản Vị Hóa nói chung và hướng đến một nền Thần học Bản Vị Hóa của Việt Nam nói riêng, tôi nhận thấy nơi Cha là con người của sứ mạng hòa giải và xây dựng. Điều Cha thao thức là làm sao để người Việt có thể cảm thấy Đức tin Kitô giáo thật gần gũi và sống động vì mang đậm nét văn hóa Việt. Theo Cha, để có thể làm được điều này, chúng ta phải hiểu biết thật sâu xa “tầng nền tâm thức Việt Nam”, hay còn gọi là “Việt tính.” Trong đó, việc đối thoại với tôn giáo bản địa, cụ thể là Đạo Hiếu, mang một ý nghĩa rất quan trọng và nền tảng. Muốn viễn tượng này thành tựu, chúng ta cần có thái độ khiêm tốn trước các kinh nghiệm tôn giáo của các tôn giáo khác, mở lòng với Thần Khí để có thể nhận ra những hạt giống Lời đã hiện hữu trong các nền văn hóa và các tôn giáo khác, đồng thời chúng ta cần đào sâu tầng nền tâm thức Việt vốn bị ảnh hưởng sâu rộng bởi Nho giáo. Nhiều lần, Cha cất công Thử Tìm Nền Thần Học Về Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên, hay nỗ lực hòa giải giữa hai nền văn hóa Đông – Tây, cũng như hòa giải giữa Thần học và Triết học, v.v. Có thể nói, Cha đã không ngừng cố gắng làm cho Đức tin và lý trí, giữa thánh thiêng và nhân bản ngày càng trở nên thân thiện với nhau hơn. Không ít lần Cha cũng đã chia sẻ ước mơ về một tầm nhìn đủ xa cho sứ mạng trí thức của Dòng Tên Việt Nam, là định hướng một Thần Học Bản Vị Hóa của Việt Nam, như là sứ mạng cụ thể phục vụ Giáo hội địa phương.

 

“Vị Khách Hành Hương” đã hoàn tất hành trình với những ước mơ “đã và chưa” thành hiện thực. Tôi cảm nghiệm những lời “tâm sự” của Cha giáo Giuse sau đây, như là “lời trăng trối” cho thế hệ sau: “… Là một người từng sống thời thơ ấu tại Vệt Nam, sống thời thanh niên tại Châu Âu, từng làm việc và dạy học tại một môi trường đại học mang đậm tính đối thoại và liên tôn ở Đài Loan, tác giả hy vọng rằng những nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân sẽ giúp cho quý độc giả có thể mở ra hơn với một nền thần học có lẽ khá cần thiết cho Giáo hội và xã hội Việt Nam ngày nay: Thần Học Bản Vị Hóa.” (Lm. Giuse Vũ Kim Chính, Thần Học Bản Vị Hóa và Những Vấn Đề Liên Quan, (NXB Tôn Giáo: Hà Nội, 2018), 10-11).

 

Ước mong tâm tình của Cha được Chúa cho tiếp tục nơi các thế hệ sau. Nhờ đó, sứ mạng hòa giải, nối kết giữa Đức tin và nhân bản được tiếp tục, để Tin Mừng trở nên gần gũi, sống động hơn trên quê hương Việt Nam.

 

Xin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, mở rộng vòng tay đón Cha vào quê hương vĩnh cửu sau đời hành hương, lao tác trên cánh đồng sứ vụ!

 

Kính tiễn Cha Giáo Giuse, Vị Khách Hành Hương!

Công Trình, SJ

Kiểm tra tương tự

Vâng, hôn nhân cũng là một việc tông đồ!

Trong hôn nhân, cả hai vợ chồng cùng làm việc để mối liên kết của …

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn

  Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để …