Lửa 15 – Được thấy!

Nghe bài Lửa 15 – Được thấy!

Bạn trẻ thân mến,

Được thấy làm một niềm hạnh phúc lớn của đời người. Nếu bạn có đôi mắt sáng, thì bạn hãy biết rằng bạn đang được hưởng một niềm hạnh phúc lớn lao mà nhiều bạn khiếm thị ao ước có được. Đang có đôi mắt sáng là một hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng ban cho bạn, nhưng cái quan trọng hơn vẫn là đôi mắt tâm hồn được sáng: sáng để thấy được nhu cầu của những người chung quanh, thấy được sự đâu khổ của những người lân cận để cảm thông và chia sẻ; sáng để thấy được Thiên Chúa đang yêu thương bạn và đôi bàn tay của Ngài đang dìu bạn bước qua những bước gập ghềnh của cuộc đời; sáng để thấy được những giới hạn của bản thân để ngày đêm nổ lực cùng với ơn Chúa làm cho cuộc sống của bạn xứng đáng hơn trong ơn gọi làm môn đệ của Ngài, để từ đó bạn vượt qua những rào cản mà đến với những người chung quanh trong tình thân ái.

Trong đoạn Phúc Âm Mc 10,46-52, thánh sử Mac-cô nói đến một nhân vật đặc biệt đang ngồi bên lề đường, anh mù Bát-ti-mê. Nghe biết Chúa Giê-su đi ngang qua, anh cất tiếng kêu lên Người để xin được cứu giúp. Tiếng kêu của anh biểu lộ một nỗi khổ to lớn bấy lâu đã bám lấy anh trong đường đời. Nhưng, tiếng kêu ấy cũng biểu lộ niềm cậy trông và xác tín khôn lường.[1] Một cặp hình đối lập được thánh sử Mac-cô diễn tả nơi đây: một bên là đoàn người cùng với các môn đệ là những người sáng mắt, lại không nhìn thấy được Đức Giê-su là Đấng Messiah; còn bên kia là anh Bát-ti-mê, mặc dù mù lòa nhưng lại “thấy” được chính xác Đức Giê-su là ai. Anh gọi Ngài là “con vua Đa-vít”, một danh xưng dành cho Đấng Mê-si-a, Đấng được dân riêng Chúa từ lâu mong đợi (x. 2Sm 7,1-17).

Đám đông đang đi cùng Chúa Giê-su muốn khước từ anh chàng nghèo khổ này – họ muốn anh chàng quấy rầy này câm miệng đi. Bất chấp những cản trở, Bác-ti-mê vẫn kiên trì. Người ta càng ngăn cản, thì anh càng la to hơn: “Lạy con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi”. Sự kiên trì kêu xin của anh đã có kết quả. Chúa Giê-su dừng lại và nói: hãy gọi anh ta tới đây. Nhóm người theo Chúa bây giờ tỏ thái độ hết sức thân thiện với anh, họ bảo anh “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”  Lập tức “anh mù liền vứt áo choàng lại, nhảy chồm lên mà đến gần Chúa Giê-su” (c.50). Chi tiết này thật kỳ diệu, giống như thể Bác-ti-mê đã hết mù rồi! Khi vất áo đi, Bác-ti-mê đã thực hiện điều mà Chúa Giê-su không thể nhận được từ người thanh niên giàu có nọ, tức là bỏ hết mọi sự để theo ngài. Anh “nhảy chồm lên mà đến gần Chúa Giê-su”. Nhảy chồm lên trong lúc mắt vẫn còn mù thì đúng là một cú nhảy của đức tin.

Câu hỏi của Chúa Giê-su “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” xem ra có vẻ thừa bởi vì nhu cầu của anh mù đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, Chúa hỏi vì có lẽ Chúa tôn trọng tự do của anh, và cũng có lẽ Chúa muốn tạo cơ hội cho anh nói lên niềm mong muốn của mình. Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Mặc dù chỉ yêu cầu “Xin cho tôi được thấy” nhưng xem ra anh ta muốn diễn tả một nhu cầu sâu xa hơn, nhu cầu được sống trong ánh sáng, được nhìn thấy và được bước đi cùng với Thầy của anh là Đức Giê-su. Tất cả những hành động của anh mù, từ tiếng kêu cứu cho tới thái độ nhảy chồm lên, đều được Chúa Giê-su đánh giá là những hành động xuất phát từ một đức tin sâu xa: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”. Lời nói của Chúa Giê-su “Anh hãy đi” chứa đựng một sự sai phái.[2]  Chúa đã đưa anh thoát khỏi những gì đang làm tê liệt anh; và rồi, anh cũng đáp lại cũng bằng một thái độ thật tuyệt vời: để lại sau lưng tất cả và bước“đi theo Người.” Con mắt đức tin đã dẫn anh tới gặp Đức Giê-su, và giờ đây, con mắt đức tin ấy lại được thêm sự trợ giúp của con mắt thể xác sẽ tiếp tục dẫn dắt anh trong chặng đường kế tiếp: chặng đường làm môn đệ của Chúa.

Suy nghĩ về lời xin của anh mù, chúng ta cảm nghiệm được đây không phải là một lời xin cho vui, hoặc là một lời xin nhằm muốn thử thách Chúa có thể làm cho mình được sáng mắt hay không. Nhưng, lời xin của anh chứa đựng trọn tâm tình và trọn niềm tín thác. Trọn con người anh khao khát được chữa lành. Anh đã không ngần ngại vất chiếc áo choàng sau lưng để tiến đến với Thầy Giê-su. Anh đã không ngận ngại phô bày cho Thầy biết những vết thương cách này cách khác đã bám lấy anh trong chặng đường đã qua. Tất cả đều được Chúa Giê-su chữa lành và sưởi ấm.

Nếu hôm nay Chúa hỏi tôi: “Anh chị muốn tôi làm gì cho anh chị?”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? tôi sẽ xin Ngài điều gì? Ơn biết mình mù và muốn thấy rõ chính mình, là một ơn lớn. Có người mù, không biết mình mù, nên vẫn thản nhiên ở lại trong cảnh mù. Người ấy có thể vô tội, nhưng có nguy cơ gây hại cho tha nhân (Mt 15, 14). Lại có người cố ý không muốn thấy, cố ý mù để khỏi phải thay đổi. Họ không thấy được cái xà trong mắt mình (Mt 7, 3). Xin Chúa giúp chúng ta xóa những nguyên nhân gây mù, đó là dục vọng của đôi mắt (1 Ga 2, 16), là thành kiến về người khác. Xin Chúa giúp người trẻ chúng ta nhờ đối thoại mà ra khỏi tình trạng mù xem voi, và được Thánh Thần đưa vào sự thật trọn vẹn (Ga  16, 13). Ước gì người trẻ hôm nay khiêm tốn đến với Chúa Giêsu mà “mua thuốc xức mắt để thấy được” (Kh 3, 18).

Quả là tương phản biết bao giữa một anh Bát-ti-mê mù lòa ngồi bên lề đường trước khi gặp Thầy Giê-su và bên kia là một anh Bát-ti-mê hăng hái làm môn đệ của Người. Ước chi tuổi trẻ chúng ta có thể mở con mắt mình ra để đón nhận một nguồn ánh sáng dồi dào từ Ngài, ánh sáng của tình yêu

RADIO VATICAN

CHUYÊN MỤC: LỬA

PHỤ TRÁCH: Nguyễn Hiền Nhu



[1] Cf. Jacques Hervieux, Đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô, p.275

[2] Cf. Jacques Hervieux, Đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô, p.276

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu

  Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *