Trời hôm ấy lạnh lắm! Những luồng gió Bấc như những lưỡi dao mỏng tanh, sắc nhọn cứa sâu vào da thịt, thấu đến tận xương tủy. Ai nấy đều co ro, khoang tròn hai tay như hai sợ dây thừng cỡ lớn trói thật chặt tấm hình hài đang run lên từng chập bên đốm lửa sắp tàn.
Chúng tôi đang chia sẻ cho nhau nghe về biến cố đáng nhớ nhất của đời mình cho đến thời điểm hiện tại. Quả là mỗi hoa mỗi hương, mỗi người mỗi vẻ. Sau từng câu chuyện, chúng tôi lại sởn gai ốc không phải vì cái rét của tiết trời cho bằng tâm tình đồng cảm và xúc động của trái tim ngủ mê lâu ngày nay được đánh thức. Khi ánh lửa cuối cùng vụt tắt cũng là lúc mà mọi ánh nhìn đổ dồn về phía Thu Hà. Cô hầu như thinh lặng trong suốt buổi chia sẻ. Bỗng đôi môi cô bắt đầu mấp máy, rồi một âm thanh ấm áp nhưng nghèn nghẹn như được phát ra từ cây Vĩ Cầm từ lâu chưa hòa tấu. Cô bắt đầu câu chuyện của mình.
Vào lúc tuổi đôi mươi, cô – một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học loại Khá, xinh đẹp, đầy sức sống và tương lai rộng mở. Thế mà trong một lần xuống phố, cô chợt phải lòng Thanh Hải – một anh chàng xe ôm thôn quê nhưng thanh lịch, chất phác. Hải cũng đã tốt nghiệp Đại học được 2 năm nhưng chưa tìm được công việc thích hợp nên đành chạy xe ôm để cầm cự tại thành phố. Vả lại số tiền kiếm được từ công việc này cũng khiến anh có của ăn của để. Thời gian cứ thế qua đi. Sau hơn 1 năm tìm hiểu, hai bạn trẻ cũng đi đến quyết định kết hôn. Tuy nhiên, quyết định ấy lại gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình Thu Hà. Vì gia đình cô ở thành phố và thuộc tầng lớp khá giả, còn Thanh Hải là người vùng quê. Mặc dù bố mẹ Hà cũng quý mến Hải vì thấy anh hiền lành, chịu khó. Thế rồi sau một thời gian dài thương thuyết, cuối cùng hai bên gia đình cũng thuận tình để hai bạn trẻ được đến với nhau.
Dù biết gia đình Hà khá giả, nhưng Hải cũng không muốn để bố mẹ bạn gái phải nghĩ ngợi nhiều về chuyện tiền bạc. Anh cố gắng dành dụm, chắt chiu để có thể tổ chức đám cưới một cách tốt đẹp. Khi hai bạn trẻ đang bàn tính xem nên đặt tiệc ở nhà hàng nào, bao nhiêu mâm thì cơ sự xảy ra. Hải nghĩ rằng tổ chức ở một nhà hàng loại vừa là được rồi, phù hợp với số tiền hiện tại của hai đứa. Nhưng Hà lại muốn tổ chức ở một nhà hàng sang trọng, tiền bạc không thành vấn đề, thiếu bao nhiêu bố mẹ Hà sẽ bù. Vừa nói đến chuyện bố mẹ Hà sẽ bù, chí khí nam nhi trong Hải như muốn nổi loạn và khiến anh buồn ra mặt. Anh không nói gì, chỉ lẳng lặng quay đi. Có thể nói, kể từ khi hai đứa quen nhau đến giờ, đây là lần đầu tiên xảy ra sự bất đồng quan điểm như thế.
Thấy Hải quay mặt đi mà không nói gì, Hà cho rằng Hải coi thường tiền bạc của bố mẹ và coi thường cả ý kiến của mình nữa. Từ đâu đó một cơn giận bỗng chụp xuống đầu Hà. Cô bắt đầu gắt gỏng và buông ra những lời lẽ có phần xúc phạm đến Hải và gia đình anh. Hải vẫn không tỏ ra trách móc hay có bất kỳ phản ứng thô lỗ nào với Hà. Sau khi để Hà trút cơn giận xong, Hải nhẹ nhàng nói, được rồi mình sẽ tổ chức đám cưới ở nhà hàng đó như ý em. Nhưng khoan hãy nói bố mẹ giúp, để anh tìm cách đã, nếu không lo được nữa thì mới nhờ đến bố mẹ, em nhé! Nghe thế, Hà cũng dịu xuống nhưng vẫn làm mình làm mẩy như muốn giành lấy phần phải cho mình.
Sau hôm đó, ngoài những lúc ở bên Hà và chuẩn bị những khâu cuối cùng cho đám cưới, Hải thường tranh thủ chạy xe ôm bất kể ngày đêm để kiếm thêm chút tiền cho việc tổ chức được tươm tất như Hà mong muốn. Một đêm nọ, gió Bấc đem theo mưa phùn lạnh, Hải đang ngồi co cụm trên chiếc xe Hon-đa, bỗng có hai thanh niên đến gần và hỏi đi xe ôm. Lòng anh ấm dần lên như vừa được uống ly trà nóng vậy. Nhưng Hải cũng thấy có phần ái ngại và lo lắng vì đường thì xa mà trời vừa tối lại vừa lạnh. Thế rồi cái hình ảnh nhà hàng sang trọng kia lại hiện đến tâm trí Hải như một nguồn động lực thôi thúc anh nhận lời. Khi đã ngã giá xong, Hải đưa áo mưa cho hai vị khách mặc vào rồi lên xe chạy thẳng về phía con đường mờ mịt.
Đi được một quãng dài, đến đoạn đường vắng, cây cối um tùm, hai vị khách đòi dừng xe đi tiểu. Xe vừa dừng lại, họ bỗng rút dao đâm tới tấp vào ngực Hải khiến anh chỉ kịp ú ớ mà không thốt ra được lời nào. Hai tên cướp vội vàng lục lọi và lấy đi tất cả những gì Hải có. Sau đó, chúng rồ ga phóng bạt mạng rồi mất dạng trong cái bóng đêm đặc khệt, nhớp nháp. Bỏ mặc Hải nằm đó, lạnh lẽo, tím tái, co quắp… Sáng hôm sau, người ta phát hiện xác của Hải với đôi mắt vẫn mở, vẫn trong sáng. Hai mí mắt ướt đẫm và những vệt xam xám như vệt muối vẫn còn hằn trên má, dường như không phải mắt anh ướt vì trời đổ mưa cho bằng là nước mắt mặn nồng. Có lẽ trong lúc thoi thóp anh đã khóc; khóc vì sự đời oan nghiệt; khóc vì thương Thu Hà, vì anh đã không thể tổ chức đám cưới ở một nhà hàng sang trọng như ý Hà muốn – một người mà anh rất mực thương yêu!
Nói đến đây, Hà bỗng dừng lại một lúc! Nỗi đau khiến gương mặt cô trở nên tê tái, ngây dại. Cô thở dài và kết thúc câu chuyện của mình bằng một lời vắn vỏi: Đôi khi sự ích kỷ và giận dữ khiến người ta có những cách hành xử nhỏ nhen và bất nhân đến không ngờ. Giá như trước đó Hà không nằng nặc đòi tổ chức đám cưới ở một nhà hàng sang trọng; giá như Hà không giận hờn vô cớ và nói những lời chạm đến lòng tự ái của Hải, thì mọi chuyện đâu có đến nông nỗi này! Giá như … giá như… và giá như…
Sau biến cố ấy, hầu như không ai còn thấy nụ cười trên khuôn mặt của Thu Hà nữa. Điều khiến người ta cảm phục nhất đó là Hà coi như mình đã là vợ của Hải rồi. Cô không lập gia đình riêng mặc cho bao chàng trai theo đuổi. Cô hết lòng chăm sóc mẹ của Hải và coi những người em của Hải và cả gia đình anh như là gia đình của mình vậy.
Khi Thu Hà vừa dứt lời thì trời đổ cơn mưa. Những giọt nước mắt nóng hổi cũng thay nhau ngã xuống từ khóe mắt của tất cả mọi người. Những âm thanh từ cổ họng và sống mũi bắt đầu lên tiếng khiến cho sự thinh lặng của đêm đông lại càng trở nên tĩnh mịch hơn!
Hv. Văn Tài, S.J.