Lần theo bước đường của các sứ giả Tin Mừng

Lần theo bước đường của các sứ giả Tin Mừng

                                                                                                                      MMsj

1 – Phác thảo hành trình,

Hành trình loan báo Tin Mừng (LBTM) không thể được thực hiện với những cá nhân riêng lẻ, mà cần mọi thành phần trong Hội Thánh chung sức chung lòng. Chúng ta có thể tạm chia thành 3 mảng nối kết nhịp nhàng. Bao gồm:

1.1        Những người bạn trên đường :

Đây là các sứ giả Tin Mừng được tuyển chọn giữa các giáo dân thuộc mọi lãnh vực và mọi giới, và đã qua các khóa học để trở thành môn đệ. Là những người khao khát học hỏi, sống và loan báo Lời Chúa.

1.2        Những người đồng hành

Những người này có nhiêm vụ tháp tùng, hướng dẫn, và cùng với anh em trên đường lắng nghe tiếng Chúa mời gọi. Cùng nhau bàn bạc và hoạch định, qui tụ anh chị em theo định kỳ để chia sẻ, học hỏi và cầu nguyện (thường là các tu sĩ nam nữ được sai vào cánh đồng sứ vụ),

1.3         Điểm tiếp nhận và khai tâm các dự tòng

Việc tiếp nhận và khai tâm các dự tòng thuộc phận vụ của cha xứ. Việc đào tạo các giáo lý viên được tuyển chọn từ các dự tòng cho các cộng đoàn mới có thể được phối hợp giữa cha xứ với các tu sĩ đồng hành hoặc gửi về các trung tâm đào tạo nếu có.

2 – Thử duyệt qua những bước đi điển hình từ nhiều vùng đất khác nhau, được thực hiện ngang qua bước chân của những sứ giả Tin Mừng đang có mặt trong một số lãnh vực.

2.1-         Những người dân tộc được sai đến với bà con dân tộc

2.1.3       Các giáo lý viên xã Thọ Sơn (năm 1994 đã đi hết vùng Bù Đăng)

–      01 tu sĩ đồng hành và.

–      01 tu sĩ tiếp nhận và đào tạo các giáo lý viên mới, điểm tiếp nhận và đào tạo là nhà các Sr Phao Lô ở Lái Thiêu.

–      Khi có Lm tới Bù Đăng thì Bù Đăng trở thành điểm tiếp nhận, đào tạo giúp nuôi dưỡng đời sống đức tin, tiếp tục gây dựng nhóm 12 tại chỗ, các tu sĩ cộng tác và đồng hành nhóm 12.

2.1.4       Nhóm môn đệ gồm 12 anh em Dak na – Dak Psi

Nhóm này liên kết và cùng nắm tay nhau lên đường ngang qua một số làng trong và ngoài giáo hạt của mình. Nhóm đang trong bước thử nghiệm, để cuối cùng tạo ra những bước đi linh hoạt để hướng tới những nơi ít được quan tâm, từ đó có thể đưa ra phương thức:

–          Khi một sứ giả được sai đi trên địa bàn giáo xứ mình: trực thuộc cha xứ.

–          Khi được sai đi trên địa bàn giáo hạt: trực thuộc cha đặc trách hạt.

–          Khi được sai đi trên địa bàn vùng: trực thuộc cha đặc trách vùng và Ban LBTM giáo phận.

Như thế, nhóm 12 trên đây rất có thể sẽ trực thuộc cha đặc trách vùng và ban Loan báo Tin Mừng giáo phận (LBTMGP). Với nhóm 12 này:

–          Điểm giúp huấn luyện thường xuyên: Nhà Thờ Chánh Tòa.

–          Tiếp đón và chăm sóc cơm nước: một nữ tu dòng Thánh Phaolô, và 1 Ya (nữ tu dòng Ảnh Phép Lạ)

–          Đồng hành và tháp tùng:  một tu sĩ thuộc Ban LBTM cùng với một số nũ tu khác.

2.1.5       Nhóm 6 anh em Dak Sơ Mêy (được sai tới các huyện Kơ Bang, Kon Chro và Dak Pơ)

–          Nhóm trực thuộc Ban LBTM và các giáo hạt nơi mình được sai đến.

–          Điểm tiếp nhận và đồng hành là nhà thờ giáo xứ, và giáo điểm của các cha Dòng Chúa Cứu Thế và các cộng đoàn nữ tu đang có mặt trên địa bàn.

2.2-         Những anh em người Kinh được sai đến với bà con dân tộc.

 

Các anh em Phước Long đã tìm đến với bà con dân tộc từ những năm 1986, trước khi vùng này có các linh mục về cai quản. Trong những năm gần đây, khi vùng đất bị thu hẹp, nghĩa là khắp các giáo xứ đã có linh mục, và linh mục quản xứ của anh em thì lại không quen với những vùng đất xa, bên ngoài địa sở của mình, thì hành trình của anh em bị giới hạn rất nhiều.

Thật ra, lòng nhiệt tình của anh em vẫn còn, nhưng 3 yếu tố cần thiết cho công cuộc LBTM thì không hội đủ (thiếu hai yếu tố: người đồng hành, và điểm tiếp nhận không rõ ràng).

Một anh trong nhóm đã ao ước đi thật xa, qua bên kia biên giới. Anh đã qui tụ được 4 người bạn nữa, và nếu lên đường các anh sẽ vượt ra ngoài tầm tay của cha xứ. Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để khi đặt chân trên đường, anh em ý thức mình là người được sai đi. Do đó, tự các anh đã đi tìm một tu sĩ đang có mặt trên các cánh đồng để đồng hành, hoạch định chương trình, đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn, và xin một ít người khác giúp đỡ về phương tiện. Giải pháp tức thời tạm ổn, người lên đường đã có người đồng hành. Thế còn điểm tiếp nhận thì sao? Bắt tay vào khai phá, người thợ lo khai hoang, cầy xới, và một năm sau, anh em đã gặp được linh mục phụ trách vùng này. Vị linh mục sẵn sàng xây nhà thờ cho bà con khi có người trở lại. Hiện nay, đã có 27 gia đình sẵn sàng xin được nhận vào gia đình Giáo Hội. Khi ngôi nhà thờ được dựng lên, Lời Chúa tiếp tục lan rộng. Đến lúc này đây, người thừa sai trên cánh đồng đã được Giáo Hội địa phương nơi các anh đến chuẩn nhận và sai đi. Vì thế, mọi công việc tiếp theo, các anh đều chờ hướng dẫn của linh mục đang chịu trách nhiệm trên vùng đất này. Trước mắt sẽ tuyển chọn 2 hoặc 3 người cho theo học giáo lý để trở thành giáo lý viên nhằm xây dựng cà củng cố đức tin cho cộng đoàn mới mẻ này.

Các anh đã lên đường, đến với những con người xa lạ, khác phong tục tập quán và khác cả tiếng nói. Họ chỉ cậy dựa vào một người quen biết có bà con bên đó vừa dẫn đường, vừa làm thông dịch. Ngày đầu gặp gỡ, anh trưởng nhóm tự giới thiệu mình là anh em kết nghĩa của một người bà con trong dòng tộc này.  Lần mò theo mối quan hệ họ hàng của từng người, anh có thêm những người chú bác, cô dì và anh chị em kết nghĩa mới. Thế là các anh đã có thể bước vào vùng đất mới như nhà của mình. Ly rượu mừng trao tay cùng với lời hẹn ước xin được chia sẻ cảnh đời của nhau giữa vùng đất khô cằn, hoang dã. Những ngày kế tiếp, các anh giúp bà con đào giếng, và từ giếng nước này, cùng nhau đặt mình trong quyền năng của Lời Chúa để Người khơi lên từ những mảnh đất lòng người nước hằng sống.

Tôi đến nhà anh thì anh cũng phải đến nhà tôi chứ. Do đó, mỗi dịp lễ tết là anh em lại mời bà con qua bên nhà mình chơi. Có lần còn đưa bà con đi tắm biển Vũng Tàu nữa, để những con người suốt đời quanh quẩn với núi rừng thấy được biển cả. Hai bên qua lại đã tạo nên mối dây thương yêu và tin tưởng.

Lên đường trong lời kinh lạy Cha, các anh xin đặt mạng sống trong tay Cha, xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày, thiếu thiếu một chút đã sao. Có hơi ấm của vòng tay Cha là đủ lắm rồi. Kinh nghiệm trên đường cho các anh xác tín rằng, Cha chẳng bao giờ bỏ rơi con cái mình. Các anh không chỉ xin cho mình, mà ngay cả cho gia đình mình cũng vậy. Nếu gia đình có dư chút đỉnh là anh dằn túi cho chuyến đi kế tiếp. Ngoài chút tiền lộ phí, các anh không đem gì đi, củng chẳng kiếm chi đem về. Bén gót theo Thầy trên hành trình loan báo Tin Mừng, mọi chuyện diễn ra trên đường đều gói trọn trong lời kinh hiến tế của tình con thảo, cho tới khi về lại gia đình là quì gối cất cao lời kinh chúc tụng vì một bàn tay vô hình dẫn đưa qua bao cánh đồng.

2.3-         Những anh em người kinh trong một giáo xứ nông nghiệp được sai đến với bà con lương dân xung quanh

 

  Giáo xứ Đồng – An Sơn, số anh em trong ngày nhận lệnh lên đường là trên 30 người. Họ được phân chia đến những khu xóm khác nhau thuộc địa bàn của giáo xứ. Thế nhưng, nhận lệnh lên đường mà sao chân không bước. Cho đến một ngày, sáu tháng sau, một người anh em bắt gặp một em bé trong bệnh viện mặt buồn thiu vì bị ai lấy mất nồi cơm.  Anh đứng lại hỏi chuyện, rồi dẫn em đi mua nồi mới. Trong khi hai chú cháu đang dẫn nhau đi thì một chị chặn lại hỏi chuyện và đòi để chị dẫn cháu đi mua. Câu chuyện chỉ có thế, họ gặp nhau nơi bệnh viện tỉnh, nhưng câu chuyện Giêsu sau đó lại được kể ngay xóm giáo gần nhà. Thì ra, từ lâu chị đã ao ước xin được gia nhập đạo mà chẵng biết hỏi ai,

Một khi đã mở miệng nói về Chúa, người anh em thấy mình được thúc đẩy, đi tiếp đến những khu vực khác. Gặp một cụ già cô thế cô thân, cụ đã được rửa tội trước đó mấy tháng, anh thăm hỏi rồi đem về cha xứ. Cha xứ chúc lành cho cụ và hứa đưa cụ vào viện dưỡng lão. Nhưng ông lão già nặng tai, nghe mà chẳng hiểu. Cụ đã tự tìm đến viện dưỡng lão của mình bằng cách thắt cổ tự tử. Thì ra, khi được cha xứ chúc lành, về nhà, cụ đi một vòng chào thăm bà con chung quanh  và nói rằng: “hôm nay tôi được cha xứ chúc phúc, tôi biết Chúa thương tôi lắm, tôi ao ước sớm về bên Chúa”. Sau đám tang, 6 gia đình quanh nhà cụ đã xin được nhận vào gia đình con cái Thiên Chúa. Cũng sau  mẻ lưới này, 4 anh em khác xin nhập bọn lên đường.

Bé Phượng, một cô bé bị liệt đôi chân, trong lần làm quen ở trạm xá, cô bé xin số điện thoại và sau đó gọi anh tới thăm, vì ở nhà một mình chẳng ai trò chuyện. Anh đã đến thăm và kể chuyện Giêsu cho cô bé nghe. Chuyện được kể không chỉ bằng lời, mà bằng con tim, và cả đôi tay chăm sóc. Mấy lần đưa bé đi bệnh viện mãi tận Qui Nhơn, và ở đó chính bé Phượng đã kể chuyện Giêsu cho cả nhà và bà con họ hàng nghe. Đến nay, 17 gia đình trong dòng tộc của Phượng đã xin trở lại, làm thành một xóm giáo mới.

Nếu câu chuyện diễn ra bên bờ giếng nước năm xưa đã đưa cả thành Samaria trở lại, thì câu chuyện cái giếng nước hôm nay cũng đưa cả một khu xóm trở về với Chúa. Chuyện mở đầu với hai mẹ con không chốn nương thân, sống vất vưởng trên một ngọn đồi khô cằn sỏi đá. Mỗi ngày họ xuống xóm xin nước thì chủ giếng chỉ cho 10 lít, muốn có thêm phải trả tiền hoặc tình. Anh em công nhân kéo cáp điện ngang qua đã dùng xe múc đào giúp 2 giếng mà không có nước. Buổi tối, nhóm anh em Đồng Sơn đến nhà thăm hỏi và cầu nguyện, và một chị trong nhóm đã nài xin Chúa khơi lên một mạch nước tưới mát mảnh đất  này. Sáng hôm sau, anh xe múc nhìn bụi chuối vướng đường dây kéo ngang qua đã xin chủ nhà cho múc bỏ, anh múc sâu thêm 2 mét thì gặp đất ẩm ướt. Múc tới 6 mét thì một mạch nước trào ra lên tới 3m. Chuyện giếng nước dẫn đến chuyện kể về nước hằng sống cho cả khu xóm này, và đã có 28 gia đình đón nhận đức tin.

Phải nói rằng, nhóm  những người thợ trên cánh đồng sứ vụ Đồng – An Sơn đã  được mùa, hay cánh đồng lúa đã chín vàng đang chờ thợ gặt. Một cánh đồng chỉ mới 8 tháng đã đem về cho giáo hội được hơn 70 gia đình (trên 250 người).

Vẫn một thể thức :

–        Nhóm anh chị em lên đường

–        Cha xứ tiếp nhận, đang mở các lớp giáo lý dự tòng.

–        Một cộng đoàn nữ tu đồng hành.

2.4-         Nguời Kỹ Sư Giữa Công Trường

 

   Sau khóa học làm môn đệ, anh về lại công trường, anh muốn đem câu chuyện Giêsu ra kể cho mọi người nghe. Anh muốn kể về những điều lạ lùng Chúa đã làm cho anh, nhưng anh không biết phải bắt đầu từ đâu. Ngày lại ngày, anh muốn nói mà nói không nên lời. Anh bức rức và luôn cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó. Cho đến một hôm, anh được mời tham dự cuộc họp mặt của các anh em đang trên đường loan báo Tin Mừng. Anh như được tiếp thêm lửa. Anh bắt đầu hiểu ra rằng, công trường nơi anh làm việc cũng đang cần lửa. Anh em công nhân đang cần lửa Giêsu để hun đúc cho nhau tình thương yêu đùm bọc. Lúc này lễ Giáng Sinh cũng gần kề, người ta hỏi anh về hài nhi mới sinh. Nắm lấy cơ hội, anh say sưa kể về đêm thánh, đêm an bình. Sau đó, anh đề nghị anh em bớt nói những lời thô tục, bỏ thói gây gỗ hay to tiếng. Câu chuyện Giêsu một khi được kể thì các anh em công giáo khác cũng góp lời, làm thành một nhóm nhỏ. Họ kể cho nhau nghe và cho mọi người cùng nghe. Câu chuyện về Giêsu được kể khắp công trường, lan tới những làng bên cạnh. Các anh thích nhất hình ảnh một Giêsu hiền hòa, cương nghị, trìu mến, giản dị, vác chiên trên vai.

  Chuyện được kể đã trở thành lời mời gọi và có sức qui tụ. Đó đây, anh chị em công giáo họp nhau lại đọc Lời Chúa, cầu nguyện và chia sẻ. Đoàn chiên đã có, chỉ còn thiếu chủ chăn. Một ngày cuối đông, vị chủ chăn đã đến, băng qua rừng, lặn lội tìm kiếm. Người đã đến nhà mình, và lần đầu tiên lời kinh nguyện vang lên giữa núi rừng Sơn lang. Niềm tin đã được thắp lên trong tim của đoàn con bao năm bơ vơ lạc lõng. Cánh đồng sứ vụ mới đã bắt đầu như thế.

–        Một người bạn trên đường, nối kết những người bạn, từ anh thợ hàn đến anh chủ quán, đến mấy chàng trai dân tộc, và thêm 2 giáo phu Dak Sơ Mêy cũng đã được sai đến đây

–        Một tu sĩ đồng hành, xa mà gần, một nữ tu đồng hành, gần mà xa!!!

–        Một linh mục tiếp nhận, dạy giáo lý và đào tạo giáo lý viên

2.5-          Người bị nhiễm HIV được sai đến với những người nhiễm HIV

  Cũng như tất cả các sứ giả khác, người nhiễm HIV muốn được sai đi cũng cần thời gian đào luyện. Thực ra, nhóm những người nghiện hút và các cô gái “đứng đường” thì khó xâm nhập, nhưng nhóm vợ con bị lây nhiễm từ chồng thì không chỉ rất dễ gần mà còn là cơn khát đời sống tâm linh, đang chờ người đem nước tới tưới mát ruộng đồng.

  Ý tưởng sai người nhiễm “Hat” loan báo cho người nhiễm “Hat” đến từ một nhóm truyền giáo miền Bắc, trong đó có 2 chị bị nhiễm “Hat” mà không ai hay biết ngoại trừ linh mục phụ trách. Khi nghe chị kể về đời mình trong tương giao với các chị em nhiễm “Hat” khác, chúng tôi nghĩ ngay đến việc tách riêng chị ra cho mảng sứ vụ này. Cũng đúng vào thời điểm ấy, nhóm tạm ngưng hỗ trợ cho các sinh hoạt truyền giáo trên vùng đất của chị. Vì thế, chị có thể bắt đầu ngay một nẻo đường hoàn toàn mới: dành trọn thời gian cho những người nhiễm “Hát”.

  Chị đã đến với nhóm “Vì Ngày Mai Tươi Sáng”, đây là một nhóm tự lực, qui tụ những anh chị em có chung hoàn cảnh để nâng đỡ nhau. Đến với nhóm như thể nhà mình, chị được đề cử vào bộ ba ban điều hành, gánh chung trách nhiệm với các chị em. Các chị em chia nhau mỗi người tìm kiếm và săn sóc 20 anh chị em khác. Để giúp năm bảy chị em có công ăn việc làm, sẵn nghề may gia công, chị đem máy may tới nhà chị trưởng nhóm dạy may, lẻ tẻ thì đưa chị em về nhà mình dạy. Nhưng việc chính yếu là dẫn chị em đến nhà thờ. Người đầu tiên được dẫn đi là chị trưởng nhóm. Chị cũng là người đầu tiên tỏ ý khao khát có được một linh mục hướng dẫn đời sống tâm linh cho chị em. Thế nhưng, đây là một mảng sứ vụ khá tế nhị. Hơn nữa, số linh mục và tu sĩ nơi đây quá ít so với nhu cầu thường hằng. Vì thế, nhóm vẫn đang chờ một người đồng hành. Người nghèo bất hạnh là thế, ở đâu và làm gì cũng thường phải chờ đợi.

            Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu:

–        Chị đã lên đường, bước những bước khai phá cho một mảng sứ vụ mới

–        Một tu sĩ đồng hành từ xa,

–          Điểm khởi hành và điểm dừng tạm thời là nhóm “Vì Ngày Mai Tươi Sáng”, một nhóm thiện nguyện không có tư cách pháp nhân như một tổ chức hay đoàn thể. Trong tương lai, nếu có được một góc riêng tư cho anh chị em thì mới dễ dàng tổ chức các chương trình giao lưu, sinh hoạt, đào tạo. (cần một góc riêng tư vì sự tế nhị của vấn đề mang tính xã hội)

3– Thay lời kết

 

  Được sai đi loan báo Tin Mừng, phục vụ cho sứ vụ của Đức Giêsu. Đây chính là hành trình và cũng là sứ vụ của người môn đệ lên đường theo lệnh truyền: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Sứ vụ chứ không phải dịch vụ, cũng không phải công việc. Nhưng người ta thường hay lẫn lộn giữa sứ vụ với dịch vụ.

3.1 Sứ vụ,

Sứ vụ được thực hiện với tình con thảo trong Giêsu, dìm mình trong chuyển động của Đấng vừa chìm sâu trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa Cha, vừa hiến mình hoàn toàn cho nhân thế. Khao khát thi hành Ý Cha. Tin tưởng, phó thác, không lo giữ an toàn hay danh dự cho bản thân. Một điểm tựa duy nhất là Tin Mừng. Không sợ thất bại mà chỉ lo sao bớt bất xứng trước sứ vụ. Không ngại rủi ro nhưng luôn cố tìm kiếm và lắng nghe tiếng Chúa nói ngang qua mọi hoàn cảnh. Mở mắt nhìn và nhìn cho được những gì đang diễn ra trên đôi tay quyền năng của Chúa. Mở lòng trước những chân trời mới. Lao mình về phía trước, sẵn sàng tiêu phí sức lực và tiền của. Lên đường trong lời kinh tôn vinh, tạ ơn và hiến tế. Lời Chúa là mệnh lệnh. Thiên Chúa nắm phần sáng kiến, mà nếu bản thân có sáng kiến thì cũng phải lắng nghe để biết mình đang thi hành Ý Chúa chứ không cứ ý mình.

3.2 Dịch vụ

Dịch vụ thì tự tin, dễ rơi vào tình trạng tự cảm nhận, tính toán độ tin cậy và an toàn, tìm hiệu quả, và thích kể công: “bao nhiêu năm con hầu hạ Cha, không trái lệnh Cha một điều nào…” (Lc 15, 29). Người ta có thể giữ trọn những giới luật được ghi khắc trên bia đá số 2, nhưng khi được đặt đối diện vơi bia đá số 1 thì… buồn rầu bỏ đi (Mt 19,16-22).

3.3 Điều kiện :

Người được sai đi loan báo Tin Mừng phải có đôi tai của người môn đệ để lắng nghe, phải có con tim của người môn đệ để nhận lấy Lời, và phải quen nghe Chúa nói, cũng như quen nói với Chúa để cuối cùng có thể nói về Chúa cho mọi người. Lời Chúa ngay trong lòng, ngay trên miệng… Câu chuyện Giêsu được kể ngang qua con tim và trong từng cử chỉ cũng như từng hành động. Cho dù làm gì và nói gì thì cũng là để bầy tỏ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa giữa lòng nhân thế.

                                                                                                                   05.08.2011

                                                                                                                        MMsj

 

 

 

 

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *