Lập trường tôn giáo của Voltaire

voltairVoltaire có một lòng chống đối Giáo Hội không biết mệt mỏi. Ông từng hô hào: “Cứ đè bẹp quân đê hèn cho ta”. Chính thái độ chống đối này mà nhiều người cho rằng Voltaire là một kẻ vô thần. Nhưng thật sự ông có vô thần hay không? Nếu vô thần thì ông vô thần đến mức nào? Bài viết sẽ cố gắng trả lời những vấn đề trên bằng cách trình bày những nét chính trong lập trường tôn giáo của ông, cụ thể là qua những phần sau: (1) bối cảnh thế giới và Giáo Hội thế kỷ 17 – 18; (2) nền tảng lý luận của Voltaire; (3) những phê bình tôn giáo của ông; và (4) một vài nhận định cá nhân về những phê bình ấy.

Thế kỷ 17 – 18 được đánh dấu bởi sự lên ngôi của khoa học kỹ thuật. Với khoa học, con người dường như có thể giải thích được tất cả những bí nhiệm trong trời đất. Bên cạnh đó, những triết thuyết mới dựa trên lý trí con người cũng xuất hiện mà ngọn cờ tiên phong là René Descartes. Những tư tưởng triết học này muốn đem tất cả những tập tục, truyền thống ra ánh sáng của lý trí để tra vấn và xem xét lại.[1] Giáo Hội cũng có nhiều biến chuyển. Trước hết, cuộc cải cách Tin Lành diễn ra vào cuối thế kỷ 17; rồi suốt 30 năm sau đó là những xung đột, tranh giành quyền lực giữa Công Giáo và Tin Lành. Kế đến, sự đối kháng giữa Giáo Hội và khoa học ngày càng mãnh liệt, cụ thể là cách hiểu Kinh thánh của Giáo Hội trái ngược với những khám phá khoa học thời ấy.[2] Ở Pháp, Giáo Hội còn bị ảnh hưởng mạnh bởi các giáo phái mới như Jansen, Vô Vi thuyết. Thêm vào đó, vua Louis XIV muốn gạt bỏ vai trò của Giáo hoàng để thành lập một giáo hội tự trị. Những rối ren này khiến cho tầm ảnh hưởng của Giáo Hội bắt đầu giảm sút.[3] Như vậy, đặc trưng của thời đại này là đề cao vai trò của lý trí và cá nhân được giải phóng khỏi những ràng buộc của tập tục, truyền thống; ngay cả những truyền thống lâu đời và có tính thánh thiêng như tôn giáo.[4]

Xuất thân trong bối cảnh này, Voltaire (1694 – 1777) cũng mang lấy trọn vẹn tinh thần của thời đại; đó là đề cao vai trò của lý trí và quyền tự do con người. Về phía gia đình, ông được thừa hưởng nơi cha trí thông minh và sự hào hiệp; ở mẹ tính trào lộng. Ông lại có tài văn chương thơ phú bẩm sinh nên những phê bình tôn giáo của ông sau này rất hóm hỉnh nhưng cũng đầy mỉa mai, trào phúng.[5] Về mặt tri thức và tư tưởng, ông được giáo dục bởi các tu sĩ Dòng Tên nên sớm có thói quen hoài nghi, suy luận và tranh biện. Có một thời gian sống ở Anh quốc nên Voltaire chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng tự do và đường lối khoa học thực nghiệm ở đây.[6] Chính vì thế, khi bàn về tôn giáo, Voltaire chủ chương một thứ Tự Nhiên Thần giáo (Deism). Thuyết này được xây dựng trên lý trí, phủ nhận tất cả những gì có tính siêu nhiên như: mặc khải, tiên tri, phép lạ. Mặc dù ông vẫn thừa nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng đó không phải là một Thiên Chúa cá vị mà chỉ là đấng thưởng phạt bù trừ để giữ vững đạo lý và trật tự xã hội.[7] Đồng thời, Voltaire cũng đả kích rất mạnh những kẻ theo thuyết vô thần.[8] Vì thế, nếu phê bình Voltaire là vô thần thì chỉ có thể nói rằng ông thuộc vào loại vô thần lý thuyết tương đối.[9] Nói vắn gọn, lập trường của Voltaire là đề cao vai trò của lý trí và tự do con người nên tất cả những gì đi ngược lại với nền tảng căn bản này sẽ bị ông phê bình và lên án. Do đó, Kitô giáo Châu Âu thời bấy giờ trở thành đối tượng chính cho ngòi bút phê phán của ông.

Dưới mắt Voltaire, những nghi lễ và giáo điều của Kitô giáo chẳng khác gì so với tôn giáo thời cổ Hy Lạp; tức là lạc hậu, đầy mê tín và lầm lạc.[10] Ông cũng không tin vào một Thiên Chúa toàn năng, tốt lành vì nếu Thiên Chúa tốt lành thì phải giải thích làm sao về vấn đề sự dữ trên thế giới này; và nếu Thiên Chúa toàn năng thì con người còn đâu quyền tự do, tự lập nữa?[11] Trận động đất tại Lisbon năm 1755 đã để lại ấn tượng mạnh nơi Voltaire khiến ông càng xác tín về một Thiên Chúa không toàn năng, không tốt lành và không hề can thiệp vào thế giới.[12] Tóm lại, Voltaire muốn đạp đổ Kitô giáo lúc bấy giờ vì theo ông đó chỉ là thứ tôn giáo của bọn lưu manh.

Hành vi lưu manh ấy phần nào được phản ánh qua sự giả hình của các giáo sĩ thời đó. Những tu sĩ trong Tòa Án Tôn Giáo lạm dụng quyền hành đòi hối lộ để miễn án tử cho người khác.[13] Tu sĩ Phanxicô tham lam tiền bạc, luôn tìm mọi cách để bòn rút tài sản của những phụ nữ cao tuổi.[14] Vẫn chưa hết, trên đường lưu lạc của mình Candide còn gặp một tu sĩ Dòng Tên có khuynh hướng đồng tính[15] và một sư thầy trong chùa nhưng lại là chồng của cô gái điếm.[16] Đây là những người tự xưng là tu sĩ mà hơn nữa lại là những người có cấp bậc trong Hội Thánh nhưng họ lại diễn tả một lối sống vô thần, giả hình. Với ngòi bút sắc sảo của mình, Voltaire đã kịch liệt phê phán những giả trá và dối láo ấy. Có thể nói, ông đã lên án và tố cáo một thứ tín hữu vô luân.

Voltaire còn lên tiếng tố cáo sự mê tín, cuồng tín, bất khoan dung của Kitô giáo lúc bấy giờ. Ông lên án sự mê tín khi chỉ trích lối tin tưởng có tính cách cá nhân cho rằng Thiên Chúa có thể can thiệp vào công việc riêng tư của mỗi người.[17] Mạnh mẽ hơn, ông cho rằng tôn giáo chỉ là công cụ của những bọn cai trị ăn không ngồi rồi muốn dân chúng phải mê tín dị đoan để họ tác oai tác quái.[18] Ông cũng lên án những xung đột, tranh giành quyền lực giữa Công Giáo và Tin Lành. Đặc biệt là thái độ quá khích khi một bên bị sát hại, bên kia lại tổ chức ăn mừng. Chính thái độ thù nghịch trong tôn giáo cho thấy một sự cuồng tín nơi các tín hữu.[19] Voltaire cũng phê phán sự kết án của Giáo Hội khi có những người đi ngược lại với Kinh thánh và giáo lý hay những ai cải đạo để theo đạo khác. Việc kết án ấy không cho thấy sự bao dung trong tôn giáo mà lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự do và lý trí con người. Như vậy, tôn giáo đã không diễn tả được chiều kích khoan dung nhân hậu như vẫn rêu rao.[20] Voltaire kết luận rằng: “Chủ nghĩa vô thần và não trạng cuồng tín là hai quái vật có thể nuốt chửng xã hội; nhưng người vô thần dù lầm lạc vẫn giữ được lý trí của mình để cắt bỏ nanh vuốt của quái vật, chứ người cuồng tín là một kẻ mắc chứng điên liên tục, nhờ vậy mà nanh vuốt quái vật càng thêm sắc bén”.[21]

Từ những phê bình tôn giáo khá mạnh mẽ và gay gắt trên, người viết cũng mạo muội đưa ra một vài nhận định. Trước hết, phải nói rằng Voltaire đã có can đảm để nói lên tiếng nói của mình: khẳng định lý trí phải là ánh sáng soi đường cho con người chứ không phải là Giáo Hội, giáo sĩ. Như thế, ông đã góp phần rất lớn vào việc phân chia lãnh vực giữa tôn giáo với triết học và khoa học; phân chia Giáo Hội và xã hội. Trong quá khứ, những điều này nhập nhằng và gây mâu thuẫn. Kế đến, xuất phát từ thực tế Giáo Hội lúc bấy giờ, Voltaire đã miêu tả những sai trái trong Giáo Hội một cách tài tình khiến ai với lý trí bình thường cũng nhận ra. Chính những phê phán xác đáng này giúp Giáo Hội nhìn lại mình và có những sửa đổi cho phù hợp hơn, đặc biệt là trong khía cạnh diễn tả và thực hành tôn giáo. Đồng thời, đó cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh các tín hữu, tu sĩ, giáo sĩ về niềm tin và lối sống của mình.

Tuy nhiên những phê bình của Voltaire cũng không phải là không có hạn chế. Trước hết, Voltaire đã loại Thiên Chúa của niềm tin, của Kitô giáo ra ngoài và đề cao quyền tự lập của con người. Nhưng nếu tôn giáo chỉ dựa trên sự tự do, tự lập của con người theo kiểu của Tự Nhiên Thần giáo thôi thì liệu có ổn thỏa chăng? Chắc chắn rằng con người vẫn còn đó nhu cầu không thể chối bỏ được về tâm linh, sự thánh thiêng và niềm tin tôn giáo. Hơn nữa, nếu Voltaire dựa vào khoa học thực nghiệm để chỉ chấp nhận vị thiên chúa nào hợp với lý trí con người thì tại sao ông lại có thể chối bỏ những kinh nghiệm rất thực về một Thiên Chúa cá vị, đụng chạm và yêu thương con người cách riêng tư? Kế đến, Voltaire xem tôn giáo như là công cụ để duy trì trật tự xã hội nhưng khi tôn giáo có những chệch choạc, sai lầm thì lại sẵn sàng công kích, đạp đổ tôn giáo. Đây là một thái độ phê phán tiêu cực. Vả lại, ông chỉ xem xét những hiện tượng bên ngoài và từ những điều chứng nghiệm được (thảm họa, thiên tai; lối diễn tả và thực hành tôn giáo không đúng đắn lúc bấy giờ) để rồi suy ra bản chất của tôn giáo và kết án nó ở chiều kích thần học. Đây thực sự là một điều sai lầm vì ông đã vượt phạm vi, đã nhảy lãnh vực. Như thế, công bằng mà nói, ở bình diện triết học và khoa học, Voltaire rất đúng khi phê phán Giáo Hội và Giáo Hội đã sai khi dám can dự vào lãnh vực này. Tuy vậy, trong lãnh vực thần học, Voltaire lại sai lầm khi phê phán mọi sự dưới khía cạnh lý trí. Hơn nữa, việc đẩy lý trí lên đến tận cùng như thế cũng gặp phải những khó khăn của nó như Kant sẽ chỉ ra qua việc phê bình lý trí thuần túy.

Nói tóm lại, với việc đề cao vai trò của lý trí và quyền tự do con người, Voltaire đã chủ trương một thứ Tự Nhiên Thần giáo. Từ lập trường đó, ông phê phán những tín điều, nghi lễ và phụng tự cũng như thái độ cuồng tín, mê tín và bất khoan dung trong tôn giáo lúc bấy giờ; còn khi nhìn vào thực tế của Giáo Hội, Voltaire đã tố cáo lối sống giả hình của các giáo sĩ. Bên cạnh đó, ông cũng phê phán mạnh mẽ những người theo thuyết vô thần. Như vậy, lập trường tôn giáo của ông có thể được tóm kết như thế này: “Chúng tôi lên án chủ nghĩa vô thần, chúng tôi ghét bỏ mê tín man rợ, chúng tôi yêu mến Thiên Chúa và nhân loại: đó là tín điều của chúng tôi.”[22]

Vũ Đức Anh Phương, S.J.

Học viên năm Triết I

Học viện thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Copleston, Frederick. A History of Philosophy, Volume VI: Modern Philosophy – From the French Enlightenment to Kant. New York: DoubleDay Publishing Group, 1994.

2. Preclin, Lịch Sử Giáo Hội Thế Kỷ XVII và XVIII, Thiên Ân chuyển dịch, không rõ Nxb và năm xuất bản.

3. Nguyễn Ngọc Hải. Tổng Quát Về Vô Thần. Thủ Đức: Học Viện Thánh Giuse Dòng Tên, 2013.

4. Durant, Will. Câu Chuyện Triết Học. Trí Hải và Bửu Đích chuyển dịch. Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2008.

5. Weger, Karl-Heinz. Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả. Không rõ người chuyển dịch, Nxb và năm xuất bản.

6. Voltaire, Candide, Electronic Scholarly publishing Project, 1998. http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&sqi=2&ved=0CC4QFjAA&url=http%3A%2F%2Fwww.esp.org%2Fbooks%2Fvoltaire%2Fcandide.pdf&ei=jO56UpqICeitiAeFkICICQ&usg=AFQjCNGWuEHUKOKJBuCw8RSrxP8FYjymMw&bvm=bv.56146854,d.aGc, accessed October 3, 2013.



[1] x. Frederick Copleston, A History of Philosophy (New York: DoubleDay Publishing Group, 1994), Volume VI: Modern Philosophy – From the French Enlightenment to Kant, tr.3.

[2] Giáo Hội thời đó vẫn còn đan xen với chính trị. Tiêu chuẩn đúng sai đều do Giáo Hội quyết định. Thế nên, Giáo Hội có quyền xét xử và thiêu sống những ai nói ngược lại với Kinh thánh (trường hợp của Galieo chẳng hạn).

[3] x. Preclin, Lịch Sử Giáo Hội Thế Kỷ XVII và XVIII, Thiên Ân chuyển dịch, không rõ NXB và năm xuất bản, tr. 97-150.

[4] x. Nguyễn Ngọc Hải, Tổng Quát Về Vô Thần (Thủ Đức: Học Viện Thánh Giuse Dòng Tên, 2013), tr. 8.

[5] x. Will Durant, Câu Chuyện Triết Học, Trí Hải và Bửu Đích chuyển dịch (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2008), tr. 57.

[6] Locke và Newton có một sự ảnh hưởng khá đặc biệt trên Voltaire. (x. Ibid., tr. 60).

[7] Trong tác phẩm Treatise on Metaphysics, Voltaire mô tả Thiên Chúa như một người thợ đồng hồ, còn vũ trụ này là một cái đồng hồ. Người thợ đồng hồ ấy sau khi chế tạo xong chiếc đồng hồ và lên giây cót cho nó thì bỏ đi không còn can thiệp vào sự hoạt động của nó nữa. Điều ấy muốn nói rằng sau khi tạo dựng, Thiên Chúa sẽ nghỉ ngơi để con người tự suy nghĩ và hành động (x. Frederick Copleston, Op.cit., tr. 20; x. Karl-Heinz Weger, Phê Bình Tôn Giáo Qua Các Tác Giả, (không rõ người chuyển dịch, Nxb và năm xuất bản), tr. 51).

[8] “Thiên Chúa mà không hiện hữu thì cũng phải tạo ra Người. Vì thế, phủ nhận đấng tối cao là một hành động điên rồ. Một xã hội vô thần chỉ tồn tại nếu tất cả đều là triết gia” (x. Will Durant, Op.cit., tr.196).

[9] Vô thần lý thuyết tương đối không chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế cá vị (x. Nguyễn Ngọc Hải, Op.cit., tr. 4).

[10] Voltaire phê phán Kinh thánh vì Kinh thánh chỉ chứa đựng những chuyện hoang đường trái với khoa học (x. Karl-Heinz Weger, Op.cit., tr. 52); còn các bí tích như bí tích Hòa Giải, Hôn Nhân chỉ là những bảo đảm để con người đừng hãm hại nhau: “Xã hội các người có lẽ chỉ gồm toàn bọn lưu manh nên mới cần nhiều sự bảo đảm như thế” (x. Will Durant, Op.cit., tr. 179). Ông cũng phê bình cách hóm hỉnh rằng: “Thiên Chúa giáo phải là một tôn giáo thiêng liêng vì nó đã sống nổi 1700 năm mặc dù tất cả những sự xấu xa và vô lý của nó”(x. Will Durant, Op.cit., tr. 195).

[11] Nếu Thiên Chúa toàn năng và tốt lành mà tồn tại thì nên gọi Người là kẻ hèn yếu hay độc ác thì hơn (x. Karl-Heinz Weger, Op.cit., tr. 53).

[12] Trong khi đó, các tu sĩ ở Pháp lại giảng giải rằng thảm họa đó là một hình phạt mà Chúa dành cho những người có quá nhiều tội ác. Voltaire đáp lại rằng: “Hoặc là Chúa có thể cứu nhân loại mà Chúa không cứu, hoặc Chúa muốn cứu nhân loại mà Chúa không làm được.” (x. Will Durant, Op.cit., tr. 188). Mạnh mẽ hơn, ông tuyên bố: “Không cần phải dựa vào một đấng hoang đường tưởng tượng. Nếu đấng đó có hiện hữu đi nữa, thì Người cũng chẳng tha thiết gì nhiều về việc chúng ta tin hay không tin Người…. Người và tôi chẳng hề quan hệ, chẳng hề liên lạc với nhau, chẳng hề quan tâm đến nhau”(x. Karl-Heinz Weger, Op.cit., tr. 53).

[13] Voltaire, Candide (Electronic Scholarly publishing Project, 1998), tr. 21-23.

http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&sqi=2&ved=0CC4QFjAA&url=http%3A%2F%2Fwww.esp.org%2Fbooks%2Fvoltaire%2Fcandide.pdf&ei=jO56UpqICeitiAeFkICICQ&usg=AFQjCNGWuEHUKOKJBuCw8RSrxP8FYjymMw&bvm=bv.56146854,d.aGc, accessed October 3, 2013.

[14] x. Ibid., tr. 25-27.

[15] x. Ibid., tr. 36-37.

[16] x. Ibid., tr. 74-77.

[17] Voltaire nói rằng: “Tôi tin vào một đấng tối cao tổng quát đã tạo nên những định luật muôn đời chi phối toàn thể vũ trụ nhưng tôi không tin vào một Thiên Chúa riêng biệt sẵn sàng thay đổi định luật của vũ trụ để làm vừa lòng một cá nhân.” (x. Will Durant, Op.cit., tr. 195)

[18] x. Karl-Heinz Weger, Op.cit., tr. 51.

[19] 30 năm xung đột giữa Công Giáo và Tin Lành: Các tín hữu và giáo sĩ ăn mừng ngày lễ thánh Batôlômêô (24/8/1572) tức là ngày Tin lành bị Công Giáo sát hại. Thêm vào đó, việc thu hồi chiếu chỉ Nantes khiến những người Tin Lành không còn tự do trong việc sinh hoạt tôn giáo nữa cũng như phải chịu nhiều ép buộc, bách hại từ phía Công Giáo (x. Will Durant, Op.cit., tr.193).

[20] Trong tác phẩm Luận Về Sự Ôn Hòa Trong Tôn Giáo, Voltaire lên án thái độ man rợ, bất khoan dung của những tín hữu cuồng tín: Jean Calas và La Barre bị nghi oan là giết người và phá hoại thánh giá. Hình phạt mà họ phải chịu là bị chặt đầu và vất vào đống lửa trước sự hoan hô của đám giáo dân cuồng tín (x. Will Durant, Op.cit., tr. 194).

[21] Karl-Heinz Weger, Op.cit., tr. 51.

[22] Ibid., tr. 52.

Kiểm tra tương tự

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

[Giới thiệu sách] Nhân Thần Hội Ngộ- Lm. Giuse Vũ Kim Chính, SJ

 Cha Karl Rahner, SJ (1904-1984) được xem là một trong những thần học gia vĩ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *