Người ta thường nói: Sinh, lão, bệnh, tử như một quy luật tất yếu, một hành trình với 4 bước căn bản của cuộc đời con người. Thánh Vịnh 89 nói tiếp: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục/ mạnh giỏi chăng là được tám mươi.” Thánh Vịnh nói: 70, 80 nhưng mà không phải ai cũng được như thế. Bằng chứng là càng ngày càng có nhiều người mới được nửa chừng con số đó; nhiều người “đốt cháy giai đoạn”, chưa lão, chưa bệnh thì đã tử rồi.
Khoảng 5-7 năm gần đây, ở quê tôi, bên cạnh sự ra đi của những cụ ông cụ bà đã ngoài 70, 80 thì cũng có những tin buồn mà thoạt nghe không tin được, đau đến quặn lòng vì đó là sự ra đi của những người trẻ, của các anh các chú mới ngoài 35, 40 mà thôi. Có thể nói ngày nay bệnh không đợi tuổi, vì ngay cả những căn bệnh vốn xưa nay chỉ gặp ở người già thì nay người trẻ cũng mắc rất nhiều, nhiều người qua một cơn đột quỵ đã ra đi vội vã khi còn khá trẻ, ở cái tuổi mà không ai nghĩ đến: 35, 40. Dù bất kể là ai trong gia đình, trong xóm làng qua đi cũng đều là đau buồn, là tiếc thương; nhưng khi một người còn trẻ trung, hoàn toàn khoẻ mạnh, vui tươi, và không có tiền sử về bệnh ác tính… bỗng qua một giấc ngủ đã không còn thức dậy nữa, thì đi kèm với nỗi đau mất mát là sự ngỡ ngàng, nghẹn ngào và đau xót cho những người thân yêu, những kẻ ở lại. Chắc chắn, trong những người trẻ ấy cũng còn đó, có đó biết bao nhiêu thao thức của một người chồng, người cha, người giáo dân: lao động để nuôi sống gia đình và giáo dục con cái, dấn thân vì công việc chung nơi các đoàn thể, giáo họ, giáo xứ… Cũng trong tháng 11 này, một thầy chủng sinh giáo phận Bùi Chu đang học thần học tại Đại Chủng viện [1], một linh mục Tu hội Truyền giáo thánh Vinh Sơn đang phục vụ tại vùng truyền giáo Kontum [2], cha phó giáo xứ chính toà Đà Nẵng [3] … đều vội vàng ra đi khi còn quá trẻ, tất cả chỉ mới ngoài 30 và hai cha trẻ chỉ mới sống đời linh mục ít tháng.
Có lẽ lời tiên tri Isaia thật phù hợp: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.” (Is 38, 12). Nhiều người trẻ đang dệt đời mình nhưng rồi Chúa đã cắt ngay hàng chỉ. Qua sự ra đi ngỡ ngàng của một người trẻ, một lần nữa cho ta thấy sự sống, sự chết của ta đều nằm trong ý định của Thiên Chúa. Phận người cuối cùng cũng chỉ là bình sành lọ đất trong lòng bàn tay thợ gốm Giêsu. Sống ở trần gian này là một hành trình, một cuộc tiến về nhà Cha. Cuộc đời này không phải là nơi ở vĩnh viễn nhưng mà chỉ là một giai đoạn, một cuộc hành trình đi về. Thánh Vịnh 88 nhắc cho ta rằng, Thánh Vịnh nói xin nhớ rằng:
Đời người là một kiếp phù du.
Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.
Thánh Vịnh còn nói tiếp:
Ngài cuốn đi chúng chỉ là giấc mộng
Như cỏ trỗi mọc ban mai nở hoa vươn mạnh sớm ngày
Chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Và chính vì thế cho nên Thánh Vịnh dạy ta:
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống
Ngõ hầu tâm trí được sự khôn ngoan.
Người khôn ngoan là người biết mình đang ở đâu và đang đi về đâu. Thời gian của mỗi người còn bao lâu ta không biết được. Chúa sẽ cho ta một thời gian nào đó rồi Ngài cũng sẽ gọi ta về với Ngài. Ra đi khi còn trẻ trung hay ra đi lúc đã về già thì chỉ có Chúa biết. Và vì ta không biết cho nên trong cuộc sống ta cần sẵn sàng, sẵn sàng lên con đường đi về nhà Cha. Hãy yêu lấy con đường mà ta đi, vì trên hành trình ấy, dù đầy nắng ấm hoa thơm cỏ lạ hay khúc khuỷu gập ghềnh, cuộc sống sẽ cho ta những bài học, để ở mỗi một khúc quanh cuộc đời, ta lại lên đường hành trang đầy ắp những điều mới mẻ.
Hv: Pr. Văn Quynh, S.J.
[1] https://gpbuichu.org/news/Thong-bao-moi/cao-pho-thay-giuse-dang-van-mi-13543.html
[2] https://giaophankontum.com/thong-bao/cao-pho/cao-pho-linh-muc-giuse-nguyen-van-nam-cm
[3] https://www.giaophandanang.org/cao-pho-va-phan-nhiem-tang-le-cha-phero-nguyen-qui-khoi.html