Lễ Truyền Dầu Đức Thánh Cha cử hành tại Vatican 2017

VATICAN. Thứ Năm Tuần Thánh 13.04.2017, lúc 9h25 theo giờ Roma, tức 2h25 chiều giờ Việt Nam, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. 

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha khởi đi từ bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu trở lại làng Nazaret, vào trong hội đường, đọc đoạn Kinh Thánh nói về việc Chúa Thánh Thần sức dầu.

Đức Thánh Cha chia sẻ 3 ý chính xoay quanh chủ đề Niềm vui Tin Mừng. Thứ nhất, Ngài nói về việc sức dầu, về người được sức dầu, về mục đích của việc sức dầu. Thứ hai, Đức Thánh Cha nói về 3 ơn sủng của Tin Mừng. Đó là sự thật, lòng thương xót, và niềm vui. Cuối cùng, Ngài chia sẻ về 3 biểu tượng của bầu da mới để có thể chứa đựng rượu mới là Tin Mừng. Đó là các chum nước trong tiệc cưới Cana, vò nước của người phụ nữ Samari, và chính trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu.

Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Ngài sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4:18). Chúa Giêsu được Thánh Thần sức dầu, để Người đem Tin Mừng đến với ai nghèo khó. Mọi sự Người công bố, và đối với cả chúng ta là các linh mục cũng thế, mọi sự chúng ta công bố, đều là Tin Mừng. Đó là những tin đầy niềm vui của Phúc Âm, niềm vui của những người đang chìm trong tội lỗi được sức dầu của ơn tha thứ, niềm vui của những người mang trong mình đặc sủng được sức dầu với sứ mạng sai đi, để đến lượt mình họ cũng sức dầu cho tha nhân.

Được Sức Dầu để đem niềm vui của Tin Mừng đến mọi người

Giống như Chúa Giêsu, người linh mục hãy làm cho sứ điệp này tràn đầy niềm vui với trọn vẹn con người linh mục. Khi giảng – cần giảng ngắn gọn nhất có thể! – người linh mục hãy giảng với niềm vui lớn tới mức đụng chạm tới tâm hồn con người, với cùng những lời mà Chúa đã đánh động tâm hồn vị linh mục khi cầu nguyện. Cũng như tất cả những môn đệ khác trên đường truyền giáo, người linh mục hãy làm cho sứ điệp nên vui tươi bằng trọn con người mình. Vì như chúng ta đều biết, chính trong những điều nhỏ bé mà niềm vui được nhận thấy và được sẻ chia cách rõ nét nhất: khi dám dấn thêm một bước nhỏ nữa, chúng ta có thể làm cho lòng thương xót của Thiên Chúa tràn lan trong mọi cảnh huống sầu buồn; khi chúng ta quyết định sắp xếp và dành giờ cho một cuộc gặp gỡ, với sự sẵn sàng hòa nhã, chúng ta dám để cho người khác sử dụng thời gian của minh…

Từ ngữ “tin vui” có thể nói cách khác là “Phúc Âm”, hay “Câu chuyện vui”, hoặc “Tin Mừng”. Những lời ấy chỉ cho ta thấy điều thiết yếu. Đó là niềm vui của Tin Mừng. Tin Mừng là tin vui, bởi vì trong bản chất, Tin Mừng là sứ điệp của niềm vui.

Tin vui này là chính ngọc quý mà chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm. Nó không phải là một điều gì đó, nhưng là một sứ mạng. Điều ấy thật hiển nhiên đối với những ai từng kinh nghiệm được “niềm vui đầy an ủi và thú vị” của Tin Mừng.

Tin mừng này được nảy sinh từ Việc Sức Dầu. Chúa Giêsu là Vị Linh Mục đầu tiên được sức dầu, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, trong cung lòng Mẹ Maria. Tin mừng của biến cố Truyền Tin đã truyền cảm hứng cho Đức Nữ Trinh và Mẹ cất lên bài ca Ngợi Khen Magnificat. Tin mừng ấy cũng lấp đầy tâm hồn thánh Giuse, với sự thinh lặng thánh thiêng. Tin mừng ấy cũng làm cho hài nhi Gioan nhảy mừng trong lòng bà Elisabet.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu trở về Nazaret, và niềm vui của Thánh Thần đã làm mới lại Việc Sức Dầu trong hội đường bé nhỏ: Thần Khí Chúa ngự xuống và đổ tràn trên Người “với dầu thơm hoan lạc” (x. Tv 45:8).

Ba ơn sủng của Tin Mừng

Tin mừng. Một từ duy nhất – Tin Mừng –  khi được công bố, trở thành sự thật, ngập tràn niềm vui và lòng thương xót. Chúng ta đừng bao giờ cố gắng chia tách ba ơn sủng này của Tin Mừng. Một là sự thật, và sự thật này không thể thương lượng. Hai là lòng thương xót, một lòng thương xót vô điều kiện và được ban tặng cho tất cả chúng ta là kẻ có tội. Ba là niềm vui, đó là một niềm vui thiết thân với từng người và mở ra cho mọi người.

Sự thật của Tin Mừng không bao giờ chỉ mang tính trừu tượng, nhưng là mang lấy từng hình dạng cụ thể trong cuộc sống con người, bởi vì khi ấy sự thật có thể cảm nhận được, chứ không chỉ là những gì được in trong sách vở.

Lòng thương xót của Tin Mừng không bao giờ là sự thương hại sai trái. Sự thương hại sai trái bỏ mặc kẻ tội lỗi ở trong đau khổ chứ không đưa tay nâng họ lên, và đồng hành với họ tiến về phía trước hướng đến sự thay đổi.

Sứ điệp Tin Mừng không bao giờ mang tính ảm đạm hoặc ơ hờ, vì sứ điệp này diễn tả niềm vui hết sức thiết thân đối với từng người. Đó là niềm vui của Chúa Cha, Đấng không muốn bất cứ người con bé nhỏ nào hư mất (Niềm Vui Tin Mừng, 237). Đó là niềm vui của Chúa Giêsu. Đấng nhìn thấy người nghèo khó được loan báo Tin Mừng, để rồi đến lượt mình, những người bé nhỏ ấy lại lên đường loan báo Tin Mừng cho tha nhân (ibid., 5).

Ba biểu tượng về bầu da mới để chứa rượu mới là Tin Mừng

Niềm vui của Tin Mừng là những niềm vui rất đặc biệt. Tôi nói “những niềm vui” ở số nhiều, vì những niềm vui ấy rất nhiều và rất đa dạng phong phú, tùy vào cách thế mà Chúa Thánh Thần muốn, cho từng thời đại, cho từng người, cho từng nền văn hóa. Những niềm vui ấy là rượu mới cần được đổ vào bầu da mới, và đó là những gì Chúa muốn nói về sự tươi mới trong sứ điệp của Người. Các anh em linh mục thân mến, tôi muốn chia sẻ với anh em về ba hình ảnh, ba biểu tượng của bầu da mới, để có thể chứa đựng Tin Mừng mà vẫn luôn giữ được sự tươi mới, chứ không hóa ra chua chát và được tuôn đổ đầy tràn chan chứa.

Biểu tượng đầu tiên của Tin Mừng là những chum nước trong tiệc cưới Cana (x. Ga 2:6). Cách nào đó, trong tiệc cưới ấy, rõ ràng là, chum nước hoàn hảo chính là Mẹ của chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria. Tin Mừng kể cho chúng ta rằng, những người giúp việc đã đổ đầy nước vào các chum (Ga 2:7). Tôi có thể hình dung thấy, một trong những người phục vụ tiệc cưới ấy, có thể nhìn Mẹ Maria để biết xem ngần ấy nước là đủ hay chưa, và Mẹ Maria nói thêm nữa thêm nữa. Mẹ Maria chính là bầu da mới đong đầy niềm vui và lan truyền niềm vui ấy sang những người xung quanh. Mẹ là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ ngợi khen Chúa (Niềm Vui Tin Mừng, 286). Sau khi đón nhận Ngôi Lời vào cung lòng mình, Mẹ ra đi, đến thăm và giúp đỡ người chị họ Elisabet. Sự đầy tràn mang niềm vui lan tỏa của Mẹ giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ của sợ hãi, cám dỗ ngăn cản chúng ta không dám đổ đầy chum, cám dỗ của tâm hồn nhút nhát không dám bước ra để mang đến niềm vui cho tha nhân. Nhưng niềm vui của Tin Mừng thì không thể như thế, vì “niềm vui Tin Mừng sẽ tràn đầy tâm hồn và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu” (ibid., 1).

Biểu tượng thứ hai của Tin Mừng chính là chiếc vò đựng nước với cái môi múc nước bằng gỗ mà người phụ nữ Samari đội trên đầu lúc giữa trưa (x. Ga 4:5-30). Chiếc vò ấy nói với chúng ta điều gì đó rất quan trọng: đó là tầm quan trọng của các hoàn cảnh cụ thể. Chúa là Nguồn Nước Hằng Sống, nhưng lại không có gầu để lấy nước dưới giếng sâu, để có thể giải cơn khát thể lý. Thế nên, người phụ nữ đã lấy nước bằng cái vò của mình, và giúp Chúa nước uống để giải cơn khát. Và chị còn làm cho chúa thỏa cơn khát hơn nữa khi chị dám xứng thú những tội lỗi cụ thể của mình. Bằng cách lay động chiếc vò trong tâm hồn người phụ nữ Samari với đầy lòng thương xót, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống tràn đầy trên tất cả người dân của ngôi làng bé nhỏ ấy, và họ mời Chúa ở lại với họ.

Chúa còn ban cho chúng ta một chiếc vò mới, một chiếc chum mới, với đầy những gì là cụ thể như trong tâm hồn người phụ nữ Samari. Đó là Mẹ Teresa Calcutta. Chúa đã gọi Mẹ Teresa và nói: “Ta khát!”. Chúa nói: Hỡi con, hãy đến, hãy đưa Ta đến tới những nơi ổ chuột của người nghèo. Hãy đi, hãy là ánh sáng của Ta. Ta không thể làm điều ấy một mình. Họ không biết Ta, và đó là lý do họ không yêu mến Ta. Hãy đưa Ta đến với họ!”. Thế là, Mẹ Teresa bắt đầu với từng người cụ thể, với nụ cười và bằng cách chạm vào những vết thương của họ, Mẹ đã đưa Tin Mừng đến mọi người.

Biểu tượng thứ ba của Tin Mừng chính là trái tim bị đâm thâu của Chúa. Nơi trái tim ấy có sự hiền lành, khiêm nhường và nghèo khó để đưa muôn dân về với Người. Từ nơi Chúa, chúng ta học được rằng loan báo niềm vui lớn lao cho người nghèo chỉ có thể được thực hiện trong một cách thức đầy tôn trọng, khiêm nhường và thậm chí là hèn mọn nữa. Loan báo Tin Mừng không thể được thực hiện cách tự phụ. Sự toàn vẹn của chân lý không phải là điều gì cứng nhắc. Chúa Thánh Thần loan báo và dạy cho chúng ta sự thật toàn vẹn (Ga 16:3). Chúa Thánh Thần sẽ nói cho chúng ta trong từng hoàn cảnh cụ thể về điều mà chúng ta cần nói với những kẻ thù của chúng ta (x. Mt 10:19), vào những thời điểm ấy, Ngài sẽ soi sáng cho chúng ta từng bước một để tiến tới. Sự hiền lành và toàn vẹn này đem niềm vui tới cho người nghèo khó, làm cho kẻ tội lỗi trở lại, và giải thoát những ai đang bị ma quỷ giam hãm.

Các anh em linh mục thân mến! Khi chúng ta chiêm ngắm và kín múc từ ba chiếc bình mới này, cầu mong Tin Mừng đổ vào tâm hồn chúng ta sự “tròn đầy lan tỏa niềm vui” như Mẹ Maria đã mang lấy và tỏa lan cho mọi người, cầu mong Tin Mừng đổ vào tâm hồn chúng ta sự “cụ thể bao gồm chứ không loại trừ” trong câu chuyện về người phụ nữ Samari. Cầu mong Tin Mừng đổ vào lòng chúng ta sự “khiêm nhường vô hạn”. Để nhờ đó, Chúa Thánh Thần không ngừng lớn lên và tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.

Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ

Sau đây là Video Thánh Lễ Truyền Dầu tại Vatican – thuyết minh tiếng Việt

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *