(…) Tính cách ‘nước ngoài’ đã là một nét đặc trưng của tất cả các Giáo hội địa phương tại châu Á. Tình hình này không chỉ do sự kiện là Kitô giáo đã được đưa vào từ bên ngoài. Phật giáo, chẳng hạn, đã du nhập vào Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, vân vân, từ bên ngoài nhưng Phật giáo không bị xem là xa lạ, trong khi Kitô giáo lại không như vậy. Tính cách ‘nước ngoài’ của Kitô giáo cũng không phải do sự kiện tôn giáo này tuyên xưng một đức tin khác. Các dân tộc Á châu luôn tiếp nhận và tôn trọng tính đa dạng. Lý do chính khiến Kitô giáo đã bị xem là xa lạ là vì các Giáo hội địa phương tại các nước Á châu, nhìn chung, đã tách rời xu hướng sống của dân tộc, lịch sử, các cuộc đấu tranh và mơ ước của người dân. Các Giáo hội đã không tự đồng hóa mình với dân tộc, mặc dù đã thực hiện nhiều công trình có giá trị nhân danh đức bác ái.
Chính chống lại cái hậu cảnh này mà chúng ta phải hiểu và đánh giá định hướng của LHĐGMAC vào buổi đầu[1] hình thành từ cái hậu cảnh này.
Đối thoại*
Đối thoại với các tôn giáo
Nếu phải tóm tắt định hướng này một cách ngắn gọn, thì đó chính là sự đối thoại. LHĐGMAC hiểu Giáo hội và sứ vụ của Giáo hội xung quanh chính tiêu điểm này. Đối thoại giúp Giáo hội thoát khỏi việc trở thành một cộng đồng đặt trọng tâm vào chính mình, và liên kết Giáo hội với dân tộc trong tất cả mọi lĩnh vực và chiều kích của cuộc sống của họ. Trong quan điểm của các Giám mục, đối thoại tại châu Á cần phải được tiến hành trong ba lĩnh vực có quan hệ với nhau, cụ thể, các tôn giáo Á châu, các nền văn hóa Á châu và đại dương mênh mông những người nghèo khổ.
Từ nhiều thế kỷ và thiên niên kỷ nay, nét đặc trưng của lục địa này là sự tìm kiếm Thượng đế và những lý tưởng đạo đức cao quý. Tất cả các tôn giáo lớn của thế giới đều ra đời và được nuôi dưỡng tại châu Á. Thế giới quan, cuộc sống và các thể chế của các dân tộc Á châu đều thấm nhuần một độ nhậy tinh thần và tôn giáo đáng lưu ý. Ý thức được điều này, LHĐGMAC mong muốn Giáo hội đạt tới được hồn của dân tộc qua việc đi vào cuộc đối thoại với các tôn giáo khác nhau và nhờ đó, cắm rễ sâu trong lòng đất. Các Giám mục không chỉ hiểu được chổ đứng của tôn giáo trong đời sống của người dân; các ngài thấy được vai trò của tôn giáo cũng từ một nhãn giới thần học tích cực. Ngay trong Hội nghị khoáng đại lần thứ nhất, các Giáo mục đã khẳng định : “Trong cuộc đối thoại này, chúng tôi nhìn nhận các tôn giáo như những yếu tố có ý nghĩa và tích cực trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Chúng tôi thừa nhận và tôn trọng những ý nghĩa và giá trị tinh thần và đạo đức thâm sâu nơi các tôn giáo này”[2].
Cái nhìn tích cực này về các tôn giáo khác không phải là một kết luận rút ra từ một số lập luận có tính cách thần học, mà là một thái độ và xác tín nảy sinh từ sự gặp gỡ trực tiếp và qua cảm nhận với con người, nam cũng như nữ, vốn là những tín đồ của các tôn giáo khác. Cuộc đối thoại với họ sẽ là một cuộc “đối thoại của đời sống”[3], vốn không có gì giống với một sự so sánh giữa các học thuyết. Thay vì định nghĩa các tôn giáo khác trong sự quy chiếu về Kitô giáo, để gọi đó là những tôn giáo không phải Kitô giáo, các Giám mục trước hết nhìn họ như “những anh chị em trong các niềm tin khác”[4].
Các Khóa họp của các Giám mục phụ trách các vấn đề tôn giáo và Đại kết (BIRA) đã chú tâm vào cuộc đối thoại với các tín đồ Hồi giáo, Phật giáo và Ấn giáo. Nền tảng cho cuộc đối thoại liên tôn giáo ngày nay đã được đào sâu bởi một loạt mười hai khóa họp với chủ đề “Thần học về Đối thoại”[5].
Đối thoại với các nền văn hóa
Gắn một cách chặt chẽ với tôn giáo là văn hóa, các tôn giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình văn hóa. “Giáo hội cố gắng tìm cách chia sẻ điều gì thực sự thuộc về dân tộc : các mục đích và giá trị, những khát vọng, tư tưởng và ngôn ngữ, bài ca và nghệ thuật của họ”[6]. Điều này xuất phát từ việc hiểu rằng Giáo hội phải hòa nhập vào cộng đồng lớn hơn là các dân tộc, một điều không thể có được nếu Giáo hội không chia sẻ nền văn hóa và lối sống của họ.
Đối thoại với người nghèo khổ
Một lĩnh vực quan trọng khác được các Giám mục quan tâm đó là những đại dương khổng lồ những người nghèo khổ. Hơn một nửa nhân loại sống tại châu Á và 80% trong số những người này là những người nghèo, đói và bị áp bức. Nếu chúng ta để ý tới sự kiện là tại vùng đất châu Á này trên 50% dân số dưới 15 tuổi, chúng ta có thể thấy những nạn nhân trầm trọng nhất của cái đói và nghèo khổ là các trẻ em vô tội. Từ nhiều thế kỷ và thập kỷ qua, Giáo hội đã bày tỏ mối quan tâm của mình đối với người nghèo qua nhiều công trình bác ái và trong những thập niên gần đây, qua một loạt các dự án phát triển. LHĐGMAC mong muốn tiến xa hơn nữa và trở thành thực sự “một Giáo hội của người nghèo”, trong tuyên bố, trong việc làm chứng, trong lối sống, trong việc đề ra các kế hoạch của mình, vân vân. Sự chọn lựa ưu tiên người nghèo khổ dưới con mắt của LHĐGMAC là như một “hành động của lòng tin”[7] cần phải được thực hiện bất chấp chống đối và xung đột. Các ngài ý thức được hậu quả của sự chọn lựa này đối với bản thân các ngài và đối với các Giáo hội địa phương.
“Việc chọn đứng về phía người nghèo bao hàm nguy cơ dẫn đến xung đột với những quyền lợi được ban hay ‘giới quyền thế’, tôn giáo, kinh tế, xã hội, chính trị. Nó cũng còn là việc kéo theo sự mất an ninh, đặc biệt đối với những người lãnh đạo Giáo hội, không chỉ về mặt vật chất mà cả về mặt tinh thần. Bởi vì nó có nghĩa là chọn cách thức bất thường để nhìn những nét chính của chính sách và hành động, không theo những hệ thống thần học, pháp luật và xã hội học đã có sẵn như đã được triển khai, đặc biệt tại phương Tây, mà theo sự nhận thức về diễn tiến lịch sử diễn ra nơi chính dân tộc của chúng ta”[8].
LHĐGMAC, qua Văn phòng Phát triển Con người, đã đi đầu trong việc dẫn dắt các chương trình vạch trần để các Giám mục có được kinh nghiệm trực tiếp về những tình cảnh khủng khiếp của các nhóm bị bạc đãi –những người sống trong những khu nhà ổ chuột, công nhân, những người lao động nô lệ, tù nhân chính trị, vân vân. Các khóa học của LHĐGMAC dành cho các Giám mục về Hoạt động Xã hội cho thấy một ý thức ngày càng gia tăng về các thực tại chính trị-xã hội, các tình cảnh bất công, sự vi phạm nhân quyền và nhân phẩm. Các Giám mục, đi tới tận cùng các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này, nói về vai trò quan trọng của việc phân tích xã hội trong việc lột trần những nguyên nhân có hệ thống của nghèo đói, bóc lột và bất công. Sự phân tích này phải được đưa vào trong đường lối mục vụ của Giáo hội.
Ba điểm khác nữa liên quan đến việc đối thoại với người nghèo có thể được ghi nhận. Các Giám mục nói về tính đa nguyên trong việc đáp trả của Giáo hội. Trong thực tế, sự đa nguyên này là kết quả của “sự dàn xếp của sự phân tích thế tục và các thế giới quan”[9] và phải được xem như một sự đa dạng tạo sự phong phú, chứ không phải như một sự đe dọa đối với sự hiệp nhất. Hơn nữa, trong khi nhìn nhận tính hợp pháp và tầm quan trọng của việc phân tích xã hội, LHĐGMAC thấy rằng chúng ta cần phải lấy cảm hứng từ các nguồn Á châu trong việc phát triển các mô hình phát triển thay thế nặng tinh thần Á châu và phản ánh truyền thống của tinh thần này. Các ngài hẳn sẽ yêu thích sự đối thoại với người nghèo (trong chiều hướng dấn thân vì các quyền con người của họ, vì sự giải phóng, vân vân) để có thể thấm đậm cái nhìn tôn giáo và tinh thần đặc trưng của các dân tộc Á châu. Cái nhìn tổng thể về thực tại, một ý thức về sự hài hòa[10] và sự chiêm niệm đặc biệt phải đi kèm cuộc đối thoại và sự đồng hóa mình với người nghèo của chúng ta[11]. Cuối cùng, trong cái nhìn của LHĐGMAC, hoạt động cho công lý và dấn thân để giải phóng người nghèo là những nhiệm vụ cần phải thực thi trong sự hợp tác ngày càng chặt chẽ với người dân thuộc các tôn giáo khác. Do đó, đối thoại với các tôn giáo khác không phải là cuộc gặp gỡ tách rời thực tế của cuộc sống; các tôn giáo trao đổi với nhau và hướng về diễn tiến của việc giải phóng các kẻ bị áp bức và trong sự nâng cao chất lượng tổng quát của cuộc sống.
Ba cuộc đối thoại này tương ứng với một sự thức tỉnh gồm ba mặt nơi các dân tộc Á châu : Thực vậy, ngày nay chúng ta đang được chứng kiến sự trỗi dậy của các tôn giáo truyền thống đánh đổ mọi tiên đoán cho rằng các tôn giáo này, trong diễn tiến thời gian, sẽ yếu đi và mai một. Sức sống mới các tôn giáo này cho thấy đang thấm qua mọi khía cạnh của cuộc sống. Tương tự, có một ý thức được đề cao về căn tính văn hóa của các dân tộc và quốc gia khác nhau tại lục địa này, đôi khi gắn với lòng yêu nước, như, chẳng hạn tại Inđônêsia. Văn hóa không đơn thuần là vấn đề của phong tục và truyền thống; nó là vấn đề của căn tính và của bản năng tự vệ chính đáng (legitimate selfhood) của một dân tộc. Các dân tộc Á châu, do đó, không mong được sống trong những căn tính vay mượn, mà trong chính căn tính của mình. Cuối cùng, chúng ta thấy tại nhiều phần đất của châu Á, sự bùng nổ của một ý thức mới nơi các đám đông bị áp bức vốn đòi, ngày càng khẩn thiết, quyền được sống và chết như những con người, mặc dù mọi rào cản và vật cản đặt trên đường đi của họ.
Đây là sự đan xen đầy tính năng động của Tin Mừng và quyền năng của Tin Mừng trong các thực tại này của châu Á trong một tiến trình đối thoại và biến đổi trong sự liên tục sinh tồn với các truyền thống của châu Á được các Giám mục hiểu như là chính việc loan báo Tin Mừng.
Việc thực thi các lý tưởng này đòi hỏi những thay đổi thích hợp trong các cộng đồng Kitô hữu ở các cấp cơ cấu và thừa tác vụ. Chẳng hạn, các Giám mục liên tục khuyên nhủ việc thành lập các cộng đồng Kitô hữu căn bản, -nơi các ngài đặt nhiều hy vọng- các cộng đồng này se tạo thuận lợi cho việc thực hành Tin Mừng hàng ngày, việc bày tỏ các đoàn sủng khác nhau của các tín hữu trong cộng đồng, và việc thực thi quyền lãnh đạo mang tính tham gia. Tất cả điều này đòi hỏi phải nhìn nhận vai trò của giáo dân, với các ơn đoàn sủng khác nhau của họ, như được các tuyên bố của Khóa học hỏi dành cho các Giám mục về Tông đồ Giáo dân (BILA) và đặc biệt, tuyên bố của Hội nghị Khoáng đại lần IV họp tại Tokyo vào năm 1986 về chủ đề giáo dân. Cũng vậy, LHĐGMAC đã kêu gọi cần có những hình thức mới cho các thừa tác vụ theo đòi hỏi của tình hình tại Á châu[12].
Các Thách thức
LHĐGMAC và các thách thức của một bối cảnh Á châu đang thay đổi
xã hội-chính trị
Nhưng những thách thức đối với châu Á là gì? Các thách thức này có thể được xếp thành bốn nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những vấn đề liên quan đến lĩnh vực xã hội-chính trị. Như tại nhiều nơi trong thế giới thứ ba, tại các nước châu Á chúng ta cũng có những chế độ độc tài ở các mức độ khác nhau. Các phương tiên truyền thông đại chúng bị kiểm duyệt bởi guồng máy nhà nước độc tài, các tiếng nói đối lập tức khắc bị dồn vào thinh lặng, sự chống đối hợp pháp bị đàn áp bởi luật An ninh quốc gia rất đáng ngờ. Các biến cố xảy ra ở Singapor và Malaysia trong những năm gần đây cho thấy rõ điều này.
Trên mặt trận kinh tế, mô hình phát triển được tiến hành tại châu Á tiếp tục mở rộng hố ngăn cách giữa người nghèo và người giàu. Nền sản xuất, thay vì được tiến hành để đáp ứng các nhu cầu căn bản của đa số, lại bị hướng dẫn bởi yêu cầu của thị trường. Các công ty đa quốc gia và sản xuất nông nghiệp điều khiển nền kinh tế vì lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài và nhóm thiểu số quyền lực địa phương, gây thiệt hại nặng nề cho sự sống còn của người nghèo. Trong bối cảnh này, ngay cả hòa bình cũng chỉ được xem như một sự ổn định cần thiết -những mất mát xã hội và con người không quan trọng- cho sự sản xuất của cải và cho thị trường của các sản phẩm này. Và pax economia này lại được các chế độ độc tài bảo đảm.
hòa hợp dân tộc
Nhóm thách đố thứ hai liên quan đến sự hòa hợp dân tộc. Lúc này, một cuộc khủng hoảng trầm trọng về sự phân hóa xem ra đang càn quét phần lớn các nước châu Á. Các nước châu Á, được cấu tạo bởi nhiều nhóm chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, chưa tìm ra được một sự ổn định cố kết để tất cả các nhóm có thể hiện hữu trong sự hài hòa. Một số nước như Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka và Malysia gặp khó khăn vì những xung đột triền miên và bạo lực đẫm máu giữa các nhóm. Trong tình trạng bất ổn này, điều đáng để ý là các tôn giáo, thay vì là những lực lượng xây dựng sự hiệp nhất, lại đẻ ra hận thù, xung khắc và chia rẽ. Chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo đang nổi lên khắp nơi tại châu Á. Tệ hơn nữa, các chính trị gia còn sử dụng tôn giáo và các biểu tượng tôn giáo cho mục đích riêng của họ. Và một hậu quả của tất cả những thứ này là một cảm giác về sự bất ổn đang lan rộng nơi các nhóm khác nhau và các khuynh hướng ly khai đang gia tăng.
kết hợp hài hòa giữa truyền thống và tính hiện đại
Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và tính hiện đại cũng là một thách thức khác đối với châu Á. Sự tồn tại của một nền văn hóa tùy thuộc vào khả năng gặp gỡ các lực lượng mới của nền văn hóa này, trong sự liên tục năng động với quá khứ, và đi tới những tổng hợp mới. Các nước châu Á, khi gặp gỡ khoa học, kỹ thuật, việc kỹ nghệ hóa –với những khía cạnh nhân bản hóa và phi nhân bản hóa – đang trải nghiệm một sự biến đổi có tính thời đại. Hiện tượng đô thị hóa gia tăng một cách nhanh chóng tại châu Á. Cảnh tượng những ngôi nhà trọc trời bên cạnh những túp lều và nhà chòi tại các thành phố ở châu Á tượng trưng cho điều đang diễn ra bên trong châu Á ngày nay. Nó không chỉ cho thấy hố ngăn cách đang mở rộng giữa người giàu và người nghèo, mà cả điều kiện của châu Á khi đi tìm chính mình giữa truyền thống và tính hiện đại.
những khác biệt trong định hướng ý thức hệ
Nhóm những thách đố cuối cùng nảy sinh từ những khác biệt trong định hướng ý thức hệ. Cái nhìn và sự phát triển của xã hội tương lai bao hàm sự chọn lựa một ý thức hệ với những chiến lược thích hợp. Không đếm xỉa tới điều xảy ra tại Đông Âu vào năm 1989, và cuộc khủng hoảng trong các nước ký nghệ hóa, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản vẫn còn là hai ý thức hệ nổi trội. Cả hai đều có mặt tại châu Á, đúng hơn, châu Á bị xâu xé giữa hai ý thức hệ này. Trong thực tế, 46% dân số châu Á sống trong những nước theo xã hội chủ nghĩa. Kinh nghiệm cụ thể về những thiếu thốn, không đầy đủ của cả hai ý thức hệ này đã dẫn đến việc tìm kiếm những ý thức hệ bản xứ tại một số nước, chẳng hạn, Inđônêsia, với pancasila là ý thức hệ quốc gia. Cũng vậy, ý thức hệ Gandhi về sarvodaya lại có ảnh hưởng tại Ấn Độ.
Giáo hội tại châu Á trước các thách thức
Những thách thức các hội đồng Giám mục quốc gia tại châu Á và LHĐGMAC phải đương đầu thật là to lớn. Tại châu Á, người Công giáo chiếm khoảng 2,4% dân số và ít hơn 1% nếu không kể Philippines. Là những người lãnh đạo một thiểu số nhỏ bé tại châu Á, làm sao các Giám mục có thể hành động một cách có hiệu quả? Chúng ta cần phải nhớ lại rằng, mặc dù Giáo hội là một thiểu số nhỏ, nhưng ảnh hưởng của Giáo hội trong xã hội cũng lớn hơn rất nhiều con số các tín hữu. Các định hướng của các vị lãnh đạo Giáo hội, với tư cách một tập thể, có một tác động lớn hơn trên cuộc sống của người dân và quốc gia. Mặc dù LHĐGMAC không đưa ra một lập trường cuối cùng về hành động cần phải có, nhưng các định hướng LHĐGMAC đề ra cho thấy các Kitô hữu cần phải có một vai trò chính trị mạnh mẽ, một vai trò “xuất phát từ những hàm ý của Tin Mừng và Nước Trời đối với trần thế”[13]. Các vị lãnh đạo Giáo hội tại châu Á có thể đáp ứng tình hình tại châu Á thế nào là một câu hỏi khó trả lời. Tình hình châu Á rất đặc biệt, và các Giám mục phải liên tục tìm kiếm, cùng với các cộng đồng Kitô hữu, những con đường mới để đáp lại những thách thức tại châu Á. Mặc dù chưa có sự rõ ràng về các cách tiếp cận cần phải có và các phương tiện cần phải áp dụng, nhưng có một điều đã trở nên rõ ràng, đó là các lãnh đạo của Giáo hội, phải cùng nhau tìm kiếm, cùng nhau hành động và cùng nhau lãnh trách nhiệm tập thể hơn trước đây. Chỉ có sự cùng nhau bàn bạc và hành động mới có có thể có một tác động trên đời sống của dân tộc và con đường tương lai của dân tộc. Tiếng nói của một cá nhân Giám mục có thể dễ dàng bị dìm nghỉm, trong khi tiếng nói của một hội đồng không thể bị quần chúng nói chung và các quyền bính làm ngơ. Mặc dù điều này có thể được áp dụng ở khắp nơi trên thế giới, nhưng tại châu Á, vì tính cách thiểu số của người Kitô hữu, hành động kết hợp và định hướng nơi các Giám mục Á châu trở thành đặc biệt quan trọng.
Một số Hội đồng Giám mục thành viên của LHĐGMAC đã có những bước đi để có được những quyết định chung, với tính cách một tập thể, liên quan tới các thách đố và tình hình trong đất nước các ngài. Một trường hợp được biết đến nhiều và được hoan nghênh rộng rãi là thái độ tập thể -sau khi cầu nguyện nhiều và đắn đo –của các Giám mục Philippines trong cuộc cách mạng tháng 2/1986[14]. Một ví dụ khác là thái độ tập thể của các Giám mục Tây Malaysia trong việc chống lại việc bắt bở những người có liên quan đến Giáo hội dấn thân trong hoạt động vì công lý và việc giam cầm họ mà không xét xử dưới chế độ của luật An Ninh Quốc gia.
Không phải mọi nước tại châu Á đều là Philippines. Với một thiểu số người Kitô hữu trong các nước châu Á khác, tình hình chung có khác. Nhưng hội đồng thành viên này đã giúp các hội đồng Giám mục khác ý thức và nhạy cảm đối với tình hình trong các nước của các ngài và can đảm đáp lại theo cách thức riêng của các ngài.
Ảnh hưởng của LHĐGMAC
Trước khi LHĐGMAC được thiết lập, một Giám mục Á châu có thể quen biết nhiều Giám mục tại các nước phương Tây hơn là tại các nước châu Á kế cận, đó là điều hoàn toàn tự nhiên. LHĐGMAC đã tạo nên sự cảm thông theo chiều ngang giữa các Giám mục và các Hội đồng Giám mục; điều này đã củng cố tinh thần cộng đồng, sự hiệp thông và hợp tác giữa các ngài.
Qua các sáng kiến và chương trình hành động khác nhau của mình, LHĐGMAC đã khiến các Giám mục ý thức được các vấn đề trong chính đất nước và tại miền của các ngài. Các Giáo hội tại châu Á đã lâu ngày sống dưới sự chế ngự của mặc cảm thiểu số : sợ phải mất các quyền lợi của mình và lo âu về sự tồn tại của mình. Điều này ngăn cản không cho các ngài có một định hướng rộng rãi hơn và hành động can đảm hơn. LHĐGMAC đã giúp Giáo hội vượt lên trên mặc cảm này. Các bộ phận của các Hội đồng Giám mục quốc gia liên quan đến đối thoại, hành động xã hội, vân vân, đã được tác động trực tiếp hơn bởi các định hướng của các Văn phòng trực thuộc LHĐGMAC. Từng Giám mục riêng rẽ và các Hội đồng Giám mục quốc gia hẳn sẽ đồng ý là LHĐGMAC đã, một cách vắn tắt, tạo nên một thứ men cho việc suy nghĩ mới mẻ và mở đường cho hoạt động mục vụ mới và trong bối cảnh Á châu.
Kinh nghiệm và suy tư của LHĐGMAC đã có tác động ra cả bên ngoài ranh giới châu Á. Nhìn lại mười năm hiện hữu và hoạt động của LHĐGMAC vào năm 1982, các Giám mục đã nói : “Qua việc cùng nhau suy tư và nhận định, qua các chọn lựa và đường lối mục vụ chúng ta đã cùng nhau chủ trương, chúng ta đã có thể góp phần vào sự suy tư và nhận định đang diễn ra ở các Giáo hội tại các lục địa khác và vào việc suy nghĩ và đường lối của văn phòng hành chính trung ương của Giáo hội”[15]. Tác động hiện nay của LHĐGMAC trên các Giáo hội địa phương đặc biệt ở cấp người dân khó đánh giá hơn. Cũng khó đánh giá tác động của các phong trào quần chúng trên định hướng của LHĐGMAC. Không thể phủ nhận là nhiều nhận thức, suy tư và thực hành của các Kitô hữu dấn thân –cá nhân và nhóm- đã xâm nhập hầu như không thể nhận ra trong các sự bàn bạc của LHĐGMAC. Về phần mình, nhiều nhóm dấn thân trong dân chúng để loan báo Tin Mừng cảm thấy được khuyến khích và nâng đỡ bởi LHĐGMAC và được cảm hứng từ LHĐGMAC.
Mấy ý tưởng này về ảnh hưởng của LHĐGMAC sẽ không đầy đủ nếu không đề cập đến một số giới hạn của LHĐGMAC. Hòan cảnh của xã hội và của Giáo hội tại các nước châu Á, mặc dù có nhiều điểm tương tự, nhưng vẫn không có sự đồng nhất, do đó LHĐGMAC đã chỉ có thể nói một cách chung chung và không thể nhắm đến từng tình cảnh cụ thể. Từng Giám mục đã bị tràn ngập bởi quá nhiều những ý tưởng mới và những nhận thức do LHĐGMAC đưa ra đến độ đôi khi các ngài cảm thấy không được hỗ trợ trong việc áp dụng chúng vào trong thực tế. Khả năng trong tay các Giám mục tại châu Á quá giới hạn đến độ các ngài cảm thấy không được hỗ trợ trong việc thực hiện cái nhìn lớn của LHĐGMAC.
Felix Wilfred
(nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20121103/19044)
* Các tiểu đề trong bài là của Hiệp Thông.
[1] Các tuyên bố và căn kiện của LHĐGMAC liên quan đến giai đoạn 1970-1986 đã được chọn đăng trong hai tập : For All the Peoples of Asia, tập 1 và 2, IMC Publications, Manila, 1984-1987.
[2] Hội nghị Khoáng đại I, Đài Bắc 1974, các số 14 và 15.
[3] Ibid., số 20
[4] Xem Living and Working with Brothers and Sisters in Asia, An Ecumenical Consultation, Singapore, 5-10/71987, HongKong 1989.
[5] Loạt cuối cùng (BIRA IV/12) được tổ chức từ 21 đến 26/2, 1991 tại Hua Hin (Thái Lan). Cũng nên nhớ là tuyên bố cuối cùng Hội nghị Khoáng đại lần thứ năm của LHĐGMAC được tổ chức tại Bandung, Inđônêsia, tháng 7/1990, dành tầm quan trọng lớn nhất cho việc thực thi đối thoại. Về phần mình, Ủy ban Tư vấn Thần học của LHĐGMAC đã đưa ra một tài liệu nghiên cứu có đầu đề : Theses on Interreligious Dialogue (LHĐGMAC tham luận, số 48).
[6] Hội nghị Khoáng đại I, số 12.
[7] Xem Khóa học hỏi của các Giám mục về Hoạt động Xã hội (BISA) I (xem thêm BISA IV, các số 9tt).
[8] Ibid., số 10.
[9] BISA II, số 10.
[10] “Thần học về sự Hài hòa” là chủ để của hai khóa BIRA được tổ chức từ 24-30/6, 1-7/7/1988 tại Sukabumi, Inđônêsia.
[11] BISA VII, số 11.
[12] Asian Colloquium on Ministries in the Church, HongKong, Tháng Ba 1977, các số 58tt.
[13] Hội nghị Khoáng đại IV, số 3.1.2.
[14] Xem The Philippine Revolution and the Involvement of the Church, UST Social Research, University of Santo Tomas, Manila 1986
[15]Hội nghi Khoáng đại III, Bangkok, 20-27/10/1982, số 3-4.