[Linh đạo I-nhã] Một cái nhìn về cuộc sống, công việc và tình yêu

Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã giới thiệu cho chúng ta một cái nhìn qua ba bài thao luyện liên quan: (1) Nguyên Lý Và Nền Tảng, (2) Tiếng Gọi Vua Đời Tạm Giúp Chiêm Ngắm Cuộc Đời Vua Hằng Sống, (3) Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu. Qua đó, thánh nhân đặt ra cho chúng ta cách thức nhìn nhận thế giới và cuộc đời, cũng như cách thức giúp chúng ta lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ cùng khởi đi từ cái nhìn này.

Người ta thường nói: “thấy mới tin.” Nhưng thánh I-nhã đảo ngược câu nói ấy: “tin đi rồi sẽ thấy.” Thánh I-nhã cho rằng cái nhìn sẽ kiểm soát và chi phối phần lớn nhận thức của chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ rằng thế giới này là chốn cô quạnh đìu hiu, đầy rẫy những con người tham lam ích kỷ hay hoàn toàn vắng bóng tình Chúa tình người, chúng ta sẽ chỉ thấy được như thế khi ngắm nhìn vạn vật xung quanh.  Nếu chúng ta nghĩ rằng thế giới này tràn đầy những cơ may và điều thiện hảo, là nơi mà Thiên Chúa tạo dựng, gìn giữ và yêu thương, hẳn chúng ta sẽ thấy được vô vàn những điều tốt đẹp nơi thế giới. Thánh I-nhã cho rằng: Một cái nhìn đúng đắn luôn đặt trọng tâm nơi mối tương quan với Thiên Chúa.

Linh đạo I-nhã đưa ra cho chúng ta một cái nhìn. Đó là cái nhìn về cuộc sống, công việc và tình yêu. Ba khía cạnh ấy giúp chúng ta có được cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa cũng như về thế giới mà Ngài tạo dựng.

Cái nhìn của I-nhã được trình bày trong sách Linh Thao – tài liệu mà thánh nhân đã đúc kết nhằm giúp người ta bước vào mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa. Linh đạo I-nhã bắt nguồn từ Linh Thao. Điểm cốt lõi nơi cái nhìn của thánh I-nhã được trình bày ngay từ bài thao luyện đầu tiên – Nguyên Lý Nền Tảng:

Con người được dựng nên để tán dương, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình; và các sự vật khác trên mặt đất được dựng nên cho con người, để giúp họ trong việc theo đuổi cứu cánh mà vì nó họ được dựng nên. Do đó con người phải dùng chúng chỉ ở trong mức độ chúng giúp họ đạt tới cứu cánh của họ, và phải gỡ mình khỏi chúng trong mức độ chúng cản trở họ tới cứu cánh đó. Vì vậy điều cần là chúng ta làm cho mình nên dửng dưng đối với mọi vật thụ tạo, trong tất cả những gì dành cho sự tự do chọn lựa của chúng ta và không bị ngăn cấm đối với sự tự do này; đến độ là, về phía chúng ta, chúng ta không muốn sức khoẻ hơn bệnh tật, cái giàu hơn cái nghèo, danh vọng hơn nhục nhã, cuộc sống lâu hơn cuộc sống vắn, và cứ như thế đối với mọi sự khác; chỉ ước ao và chọn lựa cái gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh mà vì nó chúng ta được dựng nên (Lt.23).

Thánh I-nhã đưa ra nguyên lý đầu tiên: mọi thụ tạo đều là món quà của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa. Tiếp đó, “các sự vật khác trên mặt đất được dựng nên cho con người, để giúp họ trong việc theo đuổi cứu cánh mà vì nó họ được dựng nên.” Điều này có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện trong những thụ tạo này. Những chọn lựa trong đời sống hằng ngày có thể đẩy chúng ta ra xa Thiên Chúa hoặc kéo chúng ta đến gần Ngài hơn. Thánh I-nhã ngắm nhìn Thiên Chúa đang hiện diện cách gần gũi và không hề tách biệt. Thiên Chúa hiện hữu trong mọi chi tiết cuộc sống. Và bởi thế, cuộc đời của chúng ta trong thế giới này thật ý nghĩa.

Nguyên Lý và Nền Tảng là một cái nhìn về cuộc sống. Câu hỏi được đặt ra: “Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?” Cái nhìn đó đưa dẫn chúng ta về cội nguồn sự sống. Cái nhìn về cuộc sống sẽ được lặp đi lặp lại trong cuốn sách này vì nó thật sự là nền tảng của tư tưởng thánh I-nhã.

Linh đạo I-nhã cũng đưa ra một cái nhìn về công việc. Câu hỏi đặt ra: “Đâu là ý nghĩa của những việc chúng ta làm trong thế giới này?” Tại sao chúng ta phải làm việc này việc nọ?  Giá trị nào chi phối chọn lựa của chúng ta trong công việc? Trong Linh Thao, thánh I-nhã chất vấn những điều này trong bối cảnh của bài thao luyện mà ngài gọi là Tiếng Gọi Vua Đời Tạm Giúp Chiêm Ngắm Cuộc Đời Vua Hằng Sống. Thánh nhân đề nghị chúng ta chiêm ngắm Vị Vua Giêsu Hằng Sống sau khi hình dung ra một vị vua trần gian (vua đời tạm) nào đó mà chúng ta kính trọng và vâng phục. Vị Vua Hằng Sống này là một nhà lãnh đạo với những kế hoạch đầy hoài bão. Ông phán: “Ta muốn vượt thắng và đánh bại mọi bệnh tật, mọi cảnh khó nghèo, mọi ngu dốt, mọi áp bức và sự nô lệ – tóm lại là mọi sự dữ đang vây kín nhân loại.” Vị vua còn đề ra một thử thách: “Ai muốn theo ta phải bằng lòng ăn uống và mặc như ta v.v., người ấy cũng phải khó nhọc cùng ta ban ngày và tỉnh thức với ta ban đêm v.v., để sau này được dự phần cùng ta trong chiến thắng như đã dự phần với ta trong khó nhọc.”

Chúng ta hãy chú ý vào hai dặc nét trong cái nhìn về công việc này. Vua Kitô kêu gọi chúng ta đến ở với Ngài. Điểm thiết yếu của tiếng gọi không phải là để làm điều gì cụ thể, nhưng trên hết là để ở với Đấng kêu mời, điều ấy được mường tượng trong từng chi tiết đời sống hằng ngày như chính đời sống của vị vua kêu mời chúng ta vậy. Chúng ta được mời gọi chia sẻ đời sống của Vua Kitô, để suy nghĩ giống như Ngài suy nghĩ, để làm những việc Ngài làm.

Đặc nét thứ hai là lời mời gọi làm việc với Vua Kitô. Vua Kitô không phải là một vị vua thích cai trị và ra lệnh theo kiểu hoàng thân quốc thích, bá vương, tướng lĩnh hay hiệp sĩ, Ngài thích “ở mương ở rãnh” như người nông phu đang miệt mài lao tác. Đích thân Ngài đang thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng và chữa lành thế gian. Lời mời gọi của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Qua mội lời mời mang tính cá vị, Ngài muốn từng người chúng ta dự phần với Ngài. Vua Kitô luôn sáng kiến và đi bước trước; Ngài mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài.

Phần thứ ba trong cái nhìn của I-nhã là cái nhìn về tình yêu. Trên hết mọi sự, Thiên Chúa yêu, và Ngài cũng mời gọi chúng ta yêu Ngài. Sau đây, chúng ta sẽ chú ý đến bài Chiêm Niệm Để Được Tình Yêu – Bài thao luyện tổng kết trong Linh Thao. Ở đây chúng ta chú ý đến hai nhận xét mà thánh I-nhã dùng để giới thiệu bài cầu nguyện này.

Thứ nhất: “tình yêu phải diễn tả bằng việc làm hơn là bằng lời nói.” Thứ hai: “tình yêu cốt ở sự trao đổi giữa hai bên. Nghĩa là ‘người yêu trao tặng và truyền thông cho người mình yêu cái gì mình có, hay một phần mình có hoặc có thể cho, và người được yêu đối lại với người yêu cũng vậy.’” Từ ngữ theo tiếng Tây ban Nha mà thánh I-nhã dùng ở đây là comunica – nghĩa là “chia sẻ hay thông truyền.” Người ta yêu nhau bằng cách chia sẻ những gì họ có, và sự chia sẻ này là một dạng thức của thông truyền. Thiên Chúa không chỉ là Đấng trao ban ban những món quà, nhưng là một Người Yêu hằng ngỏ lời với chúng ta qua những gì Ngài ban. Thiên Chúa không giữ lại hay giữ riêng điều gì.

Biểu hiện tột đỉnh của tự-trao-ban (self-giving) là cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Ngài chia sẻ chính sự sống của Ngài với chúng ta. Ngài cũng chia sẻ với chúng ta công việc mà Ngài đang thực thi trên thế gian này. Vì thế, những công việc chúng ta làm là một phương thế để yêu mến Chúa. Đó không chỉ là công việc. Bằng việc mời gọi chúng ta chia sẻ công việc với Ngài, Thiên Chúa đang tỏ bày tình yêu của Ngài cho chúng ta. Phần chúng ta, khi cố gắng cộng tác với Thiên Chúa, chúng ta cũng diễn tả tình yêu của chúng ta đối với Ngài.

Thánh I-nhã gợi lên những câu hỏi: Đối với chúng ta, yêu nghĩa là gì? Chúng ta diễn tả tình yêu của chúng ta như thế nào? Bằng cách nào mỗi người chúng ta diễn tả tình yêu của mình với Chúa, vởi bản thân, với tha nhân, và với tạo vật? Thánh nhân mời gọi chúng ta trả lời những câu hỏi này bằng việc chiêm ngắm cách Thiên Chúa yêu chúng ta ra sao. Ngài là Vị Thiên Chúa không đặt bất kỳ giới hạn nào vào những gì Ngài chia sẻ với chúng ta.

Truyền thông SJVN,

Kiểm tra tương tự

Kinh nghiệm tôn giáo đích thực | Suy niệm Chúa Nhật Tuần XXII – Mùa Thường Niên

Các bạn thân mến! Tôn giáo là một trong những yếu tố thiết yếu trong …

Ý nghĩa và nguồn gốc Kinh Sáng Danh

Là người Công giáo, ai cũng thuộc Kinh Sáng Danh. Có lẽ sau Kinh Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *