[Linh đạo Inhaxiô-Những điểm quy chiếu] Chương 2: Mọi sự đều mới mẻ (4)

4. Bạn Đồng Hành

Khi tuần tự kể lại những giáo huấn mà mình đã nhận được ở Manresa, thánh Inhaxiô ghi nhận về bài học thứ tư như sau: “Trong lúc cầu nguyện, ông thường nhìn thấy trong một lúc lâu, bằng con mắt nội tâm, nhân tính của Đức Ki-tô” (TT 29. Đó là một biểu hiện (représentation) không mang khuôn mặt: “một vật thể trắng”, “một sự vật tròn và to, như bằng vàng” (TT 44), “như mặt trời” (TT 99). Thánh nhân nói thêm rằng, tri giác này (perception) của “con mắt nội tâm” đã diễn ra nhiều lần, không chỉ ở Manresa, nhưng trong suốt hành trình đi Giêrusalem. Và khi chúng ta đọc sách Tự Thuật, để tìm hiểu ý nghĩa của những tri giác bằng con mắt nội tâm này (TT 44, 48 và 52) , chúng ta chắc chắn rằng, Đức Ki-tô đến khích lệ thánh nhân vào những lúc ngài bị bỏ rơi, không được bảo vệ, đau khổ, bị hành hạ…

Cuối cùng, trước khi đến Roma cùng với hai người trong số các bạn đồng hành của ngài, trong một nhà thờ ở ngoại thành, “ông cảm thấy có một sự thay đổi rất lớn lao trong tâm hồn và nhìn thấy Thiên Chúa Cha đặt ông với Đức Kitô, Con của Người, cách rất rõ ràng đến nỗi ông không dám nghi ngờ về điều này, nghĩa là sự việc Thiên Chúa Cha đã đặt ông với con của Người” (TT 96). Một chứng nhân được nghe những lời kể ban đầu của thánh Inhaxiô, đã thêm chi tiết này: “Ngài nói với tôi rằng, mình dường như thấy Đức Ki-tô với cây thập giá trên vai và Chúa Cha đứng bên cạnh, Người nói: Ta muốn con nhận người này làm người phục vụ của con”. Và khi đó, Đức Giê-su đón nhận thánh nhân và nói: “Ta muốn con phục vụ chúng ta”.

Từ những lời kể chúng ta trình bày ở trên, cũng như từ hành trình Linh Thao, chúng ta có thể kết luận rằng, linh đạo Inhaxiô là linh đạo qui Ki-tô. Nói như vậy là một sự hiển nhiên, nhưng lại không làm nên nét đặc thù. Có nền linh đạo Ki-tô giáo nào lại không thể là qui Ki-tô? Bù lại, điều tỏ ra đặc trưng cho tư tưởng của thánh Inhaxiô, là chiêm ngắm Đức Ki-tô trong nhân tính của Ngài, như là một Người Bạn Đường, “companero de camino”, trên hành trình hướng về Chúa Cha. Qui về Đức Ki-tô, nhưng theo cách thức của người cùng bước đi với Ngài.

“Cùng với Ta”. Hôm nay, mỗi người chúng ta có thể nghe tiếng gọi mà các môn đệ đầu tiên đã nghe: “Ý ta là muốn chinh phục cả thế giới và mọi kẻ thù địch, và nhờ thế mà vào vinh quang của Cha ta; bởi vậy, ai muốn theo Ta, phải lao nhọc cùng Ta, để khi đã theo ta trong gian khổ, cũng được theo Ta trong vinh quang” (LT 95). Chúa mời gọi chia sẻ chốn riêng tư của Ngài, như đã mời gọi các môn đệ đầu tiên: « Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy » (Ga 1, 36). Tuy nhiên, giản lược tương quan thân mật, lòng với lòng, vào những thời điểm đặc biệt này, có lẽ không phải là chia sẻ trọn vẹn. Tiếng gọi, tiên vàn đó là: “Hãy theo Ta”; ở trên đường, chúng ta đặt mọi sự làm của chung: làm việc và nghỉ ngơi, niềm vui và lao nhọc. Có lẽ, thánh Inhaxiô đã nhớ lại lời kể của riêng thánh Máccô, vào lúc Đức Giê-su lựa chọn nhóm Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 4).

Ngay cả cách cầu nguyện được đề nghị trong Linh Thao, cũng được trình bày như là con đường phải đi theo. Thật vậy, trong Linh Thao, hiếm có những mầu nhiệm “tĩnh” (statique) được đề nghị chiêm niệm. Rất thường xuyên, đó là “con đường” (LT 112, 158, 161…). Khi chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô, toàn bộ mầu nhiệm này được trình bày như là một chuỗi những di chuyển, đi từ nơi này đến nơi khác, như đi “Đàng Thánh Giá” (LT 190-208). Đó luôn là đồng hành với Đức Giê-su.

“Cùng với Ta trong lao nhọc”. Như thế, chúng ta không được ảo tưởng: “Cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong… Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống” (Mt 7, 13-14). Đó là con đường Đức Giê-su đã chọn. Thế mà: “Có thể nào tôi tớ lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi lớn hơn người sai đi?” (Ga 16, 13). Chúng ta không thể chọn Đức Ki-tô, và rồi chỉ cam chịu đi theo trên đường; khi đó, lao nhọc sẽ đồng nghĩa với buồn sầu. Đối với những người yêu mến Đức Ki-tô, ngược lại đó lại là “niềm vui hoàn hảo”, như thánh Phanxicô Assisi đã nói. Và đối với thánh Inhaxiô cũng như thế. Chọn Đức Ki-tô là chọn đường đi: “Tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Đức Ki-tô nghèo khó hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Đức Ki-tô chịu sỉ nhục hơn là danh vọng, và ước ao được coi là vô tích sự và điên dại vì Chúa Ki-tô, Đấng đã bị coi như thế trước, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này” (LT 167).

Nhưng hãy chú ý! Lựa chọn này là thứ hai, trong tương quan với quyết định đi theo Đức Ki-tô: tiên vàn là ở lại với Ngài, bởi vì Ngài yêu tôi và vì Ngài thật sự muốn chọn tôi. Như thế, tôi chẳng có gì phải lập trình cả. Và nếu có lúc tôi sợ hãi, tôi hướng về Đức Giê-su cách khiêm tốn: “Lạy Chúa, xin đừng để con xa lìa Chúa”.

Có một ngày, thánh Inhaxiô ghi lại: “Lạy Chúa, Chúa muốn đem con đi đâu?” Và “Lạy Chúa của con, khi đi theo Người, con không thể đánh mất Người” (NKTL 113-114).

*  *  *

Có thể đọc và cầu nguyện :

  • Ga 1, 35-42: “Họ ở lại ở bên Người”.
  • Lc 5,1-11: “Bỏ mọi sự, họ đi theo Người”
  • Ga 21, 1-19: “Người khác sẽ dẫn anh đi…”

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *