Linh mục GASPAR D’AMARAL viết chữ Quốc Ngữ mới

LINH MỤC GASPAR D’AMARAL VIẾT CHỮ QUỐC NGỮ MỚI

Tác giả: Đỗ Quang Chính, sj.

Ở bài trên, chúng tôi đã trình bày về trình độ chữ quốc ngữ của linh mục Đắc Lộ từ năm 1625-1644; hơn nữa trong kết luận chúng tôi đã viết là linh mục Gaspar d’Amaral viết chữ quốc ngữ mới giỏi hơn linh mục Đắc Lộ. Để chứng minh điều này, bây giờ chúng tôi cũng xin đứng về phương diện lịch sử trình bày những chữ quốc ngữ mới trong tài liệu viết tay của Gaspar d’Amaral viết vào năm 1632 và 1637. Tuy nhiên, trước khi vào chính vấn đề, thiết tưởng cũng cần nhắc qua tiểu sử linh mục Gaspar d’Amaral

Gaspar d’Amaral [1] sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, gia nhập dòng Tên ngày 1-7-1608. Linh mục Gaspar d’Amaral đã làm giáo sư La văn, triết học, thần học tại các học viện Evora, Coimbra, Braga ở Bồ Đào Nha. Năm 1623, linh mục d’Amaral rời Bồ Đào Nha đi Áo Môn hoạt động truyền giáo.

Linh mục Gaspar d’Amaral tới Đàng Ngoài lần đầu tiên vào tháng 10-1629 cùng với thầy Phaolô Saito, nhưng đến tháng 5-1630, ông phải rời xứ này cùng một chuyến với hai linh mục Pedro Marques, Đắc Lộ và thầy Phaolô Saito để trở lại Áo Môn.

Ngày 18-2-1621, Gaspar d’Amaral cùng với ba linh mục dòng Tên Bồ Đào Nha khác là A.Palmeiro, A.F.Cardim và A.de Fontes từ Áo Môn đáp tàu buôn Bồ Đào Nha đi Đàng Ngoài, với mục đích thay thế hai linh mục Marquez và Đắc Lộ để tiếp tục cuộc truyền giáo của hai ông. Sau 2 tuần lễ, tàu của các ông tới một cửa biển Đàng Ngoài, rồi mãi đến ngày 15-3 năm đó, các ông mới tới thủ đô Thăng Long. Tại đây, các linh mục cũng như đoàn thương gia Bồ Đào Nha được chúa Trịnh Tráng tiếp đãi niềm nở. Chính chúa Trịnh Trạng ra lệnh cho người con rể của ông đưa các linh mục trú ngụ ở một ngôi nhà trong Phủ liêu. Vào cuối tháng 3-1631 có cuộc thi Hội, chúa Trịnh Tráng cũng mời các linh mục đi theo ông để chứng kiến cuộc thi. Ngày hôm đó, các linh mục được chúa Trịnh Tráng cho cỡi ngựa theo ông đến trường thi. Lúc đầu các linh mục từ chối đặc ân này, vì muốn đi bộ như một số quan quân khác; nhưng chúa muốn như thế, nên các ông phải tuân theo. Riêng chúa Trịnh Tráng ngự trên kiệu sơn son thiếp vàng do 15 người lực lưỡng khênh (phần nhiều là những tay đô vật nổi tiếng của làng Kiên Lao), theo sau còn có nhiều quan văn võ đi ngựa và 10.000 lính mang võ khí. [2]

Khi hai linh mục A.Palmeiro và A. de Fontes theo tàu buôn Bồ Đào Nha về Áo Môn thì hai linh mục kia là Gaspar d’Amaral và A.F.Cardim vẫn ở lại hoạt động truyền giáo. G.d’Amaral không những tiếp tục công việc của Marques và Đắc Lộ mà ông còn phát triển mạnh hơn, nhất là trong việc thích nghi và việc hoàn thành “Dòng tu” thầy giảng.

Sau 7 năm ở Đàng Ngoài, tức vào năm 1638, Gaspar d’Amaral được gọi về Áo Môn giữ chức Viện trưởng Học viện Mẹ Đức Chúa Trời (Madre de Deus) của dòng Tên. Ba năm sau, d’Amaral được cử làm phó Giám tỉnh dòng Tên Nhật Bản (gồm các nước Nhật, Lào, Xiêm, Cam Bốt, Việt Nam, đất Áo Môn và hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây). Năm 1645, Gaspar d’Amaral lại đáp tàu từ Áo Môn đi Đàng Ngoài truyền giáo, nhưng tàu bị đắm ở gần đảo Hải Nam làm ông chết đuối này 23-12-1645. [3]

Trong thời gian 7 năm ở Đàng Ngoài, Gaspar d’Amaral đã để lại cho chúng ta hai tài liệu viết tay quý giá, vì nhờ đó chúng ta biết rõ hơn lịch sử chữ quốc ngữ mới.

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

[Giới thiệu sách] Hạnh Các Thánh Dòng Tên

Các Thánh và các Chân Phước trong Dòng Tên chính là những người đã đạt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *