Vô tình nghe được một câu chuyện, một người đi ngang qua nhà thờ Chánh tòa đang cử hành thánh lễ truyền chức linh mục, thấy đám đông tấp nập, cờ hoa rộn ràng, người người áo quần sang trọng; anh ta thắc mắc hỏi người đang đứng kế bên: Chuyện gì vậy?
À, đang có thánh lễ truyền chức linh mục. Người kia trả lời. Vừa nghe xong anh chàng tặc lưỡi rồi nói: Lại sắp có một đám ăn bám ra đời.
Linh mục kẻ ăn bám? Bản thân là một tu sĩ, tôi xót xa khi đối diện với sự so sánh này. Tôi không dám trách anh thậm chí còn phải cảm ơn anh, vì nhờ anh tôi có cơ hội để nhìn lại hành trình đời dâng hiện của mình cũng như thiên chức linh mục mà tôi đang dần tiến đến. Tự hỏi lòng: làm linh mục một có nghĩa là gì vậy?
Trong mắt mọi người, đặc biệt là những phụ nữ đạo đức, linh mục luôn ở một vị thế cao. Linh mục được mọi người kính trọng, vì họ là người của Chúa mà. Khi đi lễ, người dân thì phải chen chúc giành chỗ ngồi, còn linh mục đã được chuẩn bị cho sẵn những chiếc ghế êm, có quạt mát. Của ăn ngon cũng dành cho linh mục. Người ta không dám xúc phạm đến linh mục vì họ sợ bị Thiên Chúa phạt. Được một vị linh mục chúc lành, được bắt tay với một vị linh mục, thậm chí được chụp hình chung với một vị linh mục thôi, cũng đủ làm người ta hạnh phúc suốt mấy ngày. Bề ngoài thì cũng giống như bao nhiêu người khác thôi, nhưng họ có quyền tha tội cho người khác, lời nói của họ có trọng lượng hơn, chỉ cần giang tay, đọc vài lời nguyện, chia sẻ một chút, họ đã có thể kiếm “chút ít” để trang trải cuộc sống rồi. Linh mục chỉ là như thế thôi sao?
Họ có được những đặc ân như thế, có lẽ bởi vì họ là số ít được tuyển chọn giữa nhiều người. Đâu phải dễ mà trở thành linh mục. Phải hy sinh nhiều lắm, phải trải qua bao thăng trầm thử thách, phải ngậm đắng nuốt cay, đánh đổi bao điều, họ mới được trao chức thánh, “hân hoan bước lên bàn thờ” dâng của lễ. Đã có rất nhiều người cùng đi chung với họ, nhưng đã “bỏ dở cuộc chơi”, đã rẽ sang hướng khác vì thấy con đường này không hợp với mình. Trong số đó có những người tài giỏi hơn họ, thánh thiện hơn họ, có nhiều hậu thuẫn hơn họ. Con đường đi tu đâu phải là con đường ai muốn cũng đi được, đâu phải chỉ dùng ý chí mà bước tới. Nó là cả một ơn gọi, một mầu nhiệm, một “sự điên rồ” không tên. Phải chẳng vì do khó khăn mà đạt được, nên người linh mục cũng mặc nhiên được xếp hơn người khác?
Không, chắc chắn là không phải!
Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Linh mục hệt như Mô-sê, người đã lãnh đạo dân ra khỏi nô lệ Ai Cập, đã trở thành cầu nối giữa dân và Thiên Chúa, đã làm chứng cho giao ước giữa hai bên. Linh mục chính là những vị tư tế, thay mặt dân dâng lên Thiên Chúa những của lễ và cầu xin ơn lành của Chúa ban xuống cho dân. Có thể nói, linh mục là trung gian nối kết cái hữu hình với vô hình để qua đó, con người có thể vươn lên tới trời và Thiên Chúa có thể ngỏ lời với dân. Người ta tin tưởng linh mục vì người ta cho rằng linh mục là người có thể trò chuyện với Chúa cách thân mật, có một mối tương quan gắn bó và gần gũi với Chúa và lời cầu nguyện của vị linh mục dễ được Chúa chấp nhận hơn. Người ta ngưỡng mộ vị linh mục vì thán phục tinh thần từ bỏ của họ, rằng họ đã thanh thoát khỏi bụi trần, không còn vương vấn với hồng nhan, không còn chút dính bén gì với cuộc đua tranh căng thẳng nơi trần thế. Linh mục là người được ân sủng Chúa bao bọc trọn vẹn.
Từ tính chất thánh thiêng ấy, người ta không làm linh mục như một nghề kiếm sống. Linh mục tự bản chất không phải là chiếc áo khoác bên ngoài để tô vẻ sự hào nhoáng cho người ta. Ai sử dụng chức linh mục như phương tiện để thu vén cho bản thân, người ấy thực sự đã đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, phụ lòng mong mỏi của giáo dân và cũng phản bội lại chính mình. Người ta không làm linh mục nhưng là linh mục. Có một sự khác biệt giữa làm và là. Chức linh mục đụng chạm đến cái cốt lõi của một con người, đụng tới “cái là”, chứ không hệ luỵ ở những gì người đó làm. Một người khi đã lãnh nhận chức thánh thì dù có xây một trăm nhà thờ to lớn, hay chỉ lủi thủi nơi một nhà nguyện cũ kỹ; dù có nhiều fan hâm mộ hay chẳng ai biết đến; dù mặc trên người những bộ quần áo sang trọng với vòng vàng lấp lánh, đầu tóc chỉnh chu hay mặc những bộ đồ cũ kỹ, tóc tai bù xù… người đó vẫn là linh mục, một linh mục trọn vẹn của Chúa giữa trần gian.
Là linh mục, chính là trở nên như Giêsu, vị linh mục đầu tiên và hoàn hảo nhất. Đó là con người gắn với Cha không ngơi, và nhờ đó mà luôn có lòng thương cảm dành cho con người, luôn thao thức trước đồng lúa mênh mông không người gặt và đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Họ thổi vào nhân gian luồng gió mới, họ đánh thức con người khỏi giấc mộng mê muội của những cái mau qua. Họ chiếu sáng thế giới bằng ánh sáng nhân đức và sưởi ấm lòng người bằng ngọn lửa yêu thương. Có thể nói, linh mục là người mang Thiên Đàng xuống trái đất này và đưa con người lên cao đụng chạm với Thiên Chúa. Như Giêsu, họ ý thức rằng họ đến “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”; họ gắn kết cuộc đời mình với mọi con người dù người đó có giàu sang hay nghèo khổ, thánh thiện hay tội lỗi, cao sang hay hèn kém. Họ đảm bảo cho người ta hạnh phúc Nước Trời “anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”; họ trao ban bình an, sự tha thứ và đưa người ta đến cuộc sống mới tươi đẹp hơn “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Như Giêsu, họ không bao giờ đưa mình lên, còn nếu phải đưa lên, thì đó chính là giương cao trên cây thập giá. Giáo Hội trao ban tác vụ linh mục cho một người chính là đưa người ấy lên ngọn đồi Canvê. Nơi đó, từng ngày từng giờ, từng phút giây của cuộc sống, vị linh mục giang đôi tay để dâng lễ tế cuộc đời. Họ dâng chính mình làm lời cầu nguyện cho dân Chúa. Họ biến mình làm của lễ tạ tội và xin ơn. Họ dâng, dâng hết… cho đến khi chỉ còn lại một thân xác chơ vơ, ngậm cười trong bình an và hạnh phúc vì đã vâng theo ý Cha, yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng. Là linh mục chính là huỷ mình ra không, là cùng đóng đinh với Đức Kitô vì phần rỗi của muôn người.
Đẹp lắm nhưng cũng khó lắm. Tôi cảm thấy rùng mình khi nghĩ đến điều này nhưng vẫn cố gắng thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu … chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng Chúa vì được như thế là đủ cho con. Amen!”
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ