Linh Thao của người giáo dân I-nhã, một phương thế gặp Chúa cho mọi người

Sáng ngày 24.05.2014, tại nhà nguyện thánh I-nhã, trung tâm Đắc Lộ – Dòng Tên, cha Micae Trương Thanh Tâm đã cử hành Thánh lễ ban ơn toàn xá tháng 05 nhân dịp mừng kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin mừng tại Việt Nam. Trong bài giảng Lễ, cha Tâm đã chia sẻ về thánh I-nhã và Linh thao của ngài, một phương thế để giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa. Xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài chia sẻ của cha Micae

————–

P1080992

Một giai thoại kể rằng, lúc Chúa Giêu Hài Đồng được sinh ra, ba vị vua tới thăm viếng Chúa là ba vị tu sĩ đại diện cho ba Dòng lớn trên thế giới: Dòng Tên, Dòng Phan Sinh, và Dòng Chúa Cứu Thế. Ba vị tu sĩ lần lượt cầu nguyện như sau:

Vị tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế thốt lên:

– “Ôi Lạy Chúa, con ngợi khen Thiên Chúa và Tình Yêu bao la của Ngài đã cho Đấng Cứu thế đến để chuộc tội trần gian. Ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa” (TV 129, 7: “moto” (châm ngôn) của Dòng Chúa Cứu Thế).

Còn vị tu sĩ dòng Phan Sinh khó nghèo sấp mặt xuống đất nghẹn ngào cầu nguyện:

– “Ôi lạy Chúa! xin thương xót chúng con. Xin cho chúng con trở nên bé nhỏ và có lòng khó nghèo như Chúa vậy”.

Lúc đó vị tu sĩ Dòng Tên chỉ đứng lẩm bẩm và lắc đầu nói:

– “Hừm, hài nhi này lớn lên cần phải đi làm Linh Thao trước khi bước vào cuộc đời rao giảng công khai!”

Mẩu chuyện vui trên đây cho thấy giảng Linh thao là công việc của Dòng Tên. Linh thao là dành cho mọi người, thậm chí cho cả … em bé. Trong thực tế ở Việt Nam cho đến nay, vì nhiều lý do, trong đó có lý do không đủ người giảng Linh thao, Linh thao chủ yếu dành cho linh mục, tu sĩ nam nữ. Thực sự, Linh đạo Inhã được trình bày trong cuốn sách Linh thao là một Linh đạo cho tất cả mọi người. Linh đạo Inhã bắt đầu từ lúc thánh Inhã còn là một giáo dân, những người làm Linh thao đầu tiên, chủ yếu cũng là giáo dân. Trong Thánh lễ hôm nay, tôi xin phép trình bày chủ đề chia sẻ hôm nay: “Linh Thao của người giáo dân I-nhã, một phương thế gặp Chúa cho mọi người.”

Trước tiên, trong cuốn sách Linh thao, thánh Inhã giải thích Linh thao là gì.

Hai tiếng linh thao ở đây có nghĩa là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm bằng miệng lưỡi (tức là khẩu nguyện) hay bằng tâm trí (tức là tâm nguyện) và các việc thiêng liêng khác… Ví như đi dạo, đi bộ, chạy bộ, là những việc thể thao, thì cũng thế, linh thao là tất cả những phương cách chuẩn bị và chỉnh đốn linh hồn nhằm loại bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau đó tìm kiếm ý Chúa hầu sắp đặt cuộc đời làm sao để có thể mưu ích cho linh hồn mình” (Linh Thao 1).

Sau đó, thánh Inhã định nghĩa mục đích của Linh thaolà “để tự thắng mình và tổ chức cuộc đời cho có trật tự mà không quyết định theo một tình cảm lệch lạc nào” (Linh Thao 21).

 P1080994

Thánh Inhã đưa ra tiến trình làm Linh thao kéo dài 30 ngày, qua bốn giai đoạn, vốn được gọi là bốn “tuần”. Tuần ở đây không phải là tuần lễ có 7 ngày, các tuần dài ngắn khác nhau tùy theo mức độ tiến bộ của người làm Linh thao. Tuần 1: các bài cầu nguyện về tội lỗi, nhất là tội của mình. Tuần 2: cầu nguyện về cuộc đời trần thế của Đức Kitô cho tới Lễ Lá. Tuần 3: cầu nguyện về sự thương khó của Đức Kitô. Tuần 4: cầu nguyện về Đức Kitô phục sinh và lên trời, có kèm theo 3 cách cầu nguyện.

Phương pháp Linh thao đã giúp ích biết bao linh hồn. Nhiều Đức giáo hoàng đã khen ngợi cuốn sách Linh thao của thánh Inhã như thánh giáo hoàng Gioan XXIII, ĐGH Phaolo VI. Đức giáo hoàng Piô XII đã từng khen ngợi “cuốn sách Linh thao nhỏ bé mà bao la của thánh Inhã”.

Tại Việt Nam, Dòng Tên gần như chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu làm Linh thao hằng năm. Vì không đủ người giúp Linh thao; do đó, Dòng Tên chỉ có thể đáp ứng giúp Linh thao cho các linh mục và tu sĩ nam nữ. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng Linh thao chỉ dành riêng cho giới “nhà tu” chúng tôi. Có phải như vậy không? Xin thưa, không phải. Linh thao dành cho tất cả những ai muốn tìm và gặp Chúa. Hơn thế nữa, Linh thao là một kinh nghiệm thiêng liêng của “người giáo dân Inhã” trước khi ngài là một tu sĩ, một linh mục, một Giêsu hữu.

Đọc lại cuốn “Tự thuật”, cuốn sách tự kể chuyện đời mình (1553-1555) của thánh Inhã, chúng ta thấy rất rõ Linh thao là một kinh nghiệm đổi đời của Inhã khi ngài còn là một giáo dân. Trước đó chắc ngài không phải một giáo dân gương mẫu lắm đâu. Cũng trong cuốn “Tự thuật”, Inhã thú nhận “từ lúc niên thiếu cho tới năm 26 tuổi, ngài lo chạy theo những chuyện vớ vẫn của người đời”. Chi tiết bê bối này cho thấy giá trị và hiệu quả của việc gặp Chúa qua tập luyện Linh thao đã làm Inhã thành một giáo dân tốt lành, một tu sĩ dòng Tên gương mẫu và một vị thánh đáng kính.

Tôi xin phép kể lại vắn tắt diễn tiến hình thành cuốn sách Linh thao, cuốn sách đã mở ra một con đường, một linh đạo giúp con người gặp Chúa.

Năm 1521, chàng hiệp sĩ Inhã người Tây Ban Nha (xứ Basque) 30 tuổi đời, vẫn còn đam mê rất nhiều chuyện trần tục. Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi khi chàng ta bị bắn què chân và phải nằm dưỡng thương trong lâu đài Loyola. Muốn giết thời gian trên giường bệnh, chàng ta xin bà chị dâu mang những cuốn truyện kiếm hiệp thời đó để đọc. Xui cho chàng ta và may mắn cho chúng ta, trong nhà chỉ có những cuốn sách đạo đức. Chàng đành phải đọc tạm những sách này và việc đọc sách khiến chàng có những suy nghĩ lạ: khi nghĩ về chuyện trần tục, thấy thích thú, nhưng sau đó thấy trỗng rỗng, khi đọc và suy nghĩ và Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh, chàng cảm thấy thích thú từ từ và cảm giác dễ chịu lưu lại lâu dài. Chàng bèn viết những điều mình thích vào một cuốn sách: những Lời của Chúa viết bằng mực đỏ, lời Đức Mẹ, màu xanh. Inhã bắt đầu suy nghĩ về tác động khác nhau của hai loại suy nghĩ. Đây có thể nói là những ghi chép đầu tiên của Linh thao và việc phân biệt sự khác nhau của hai loại suy nghĩ dẫn tới những nguyên tắc nhận định thần loại của Inhã và của Linh đạo Inhã. Đời sống nội tâm của Inhã bắt đầu phát triển khiến Inhã muốn thay đổi cách sống: chàng không còn muốn những vinh quang trần thế mà một hiệp sĩ như chàng có thể có, nhưng muốn sống trong sự nghèo khó của một tu sĩ dòng khổ tu.

P1080993

Chàng đi hành hương tới một nơi gọi là Montserrat và ở tại đó suốt gần một năm (từ 23 tháng 3 năm 1522 cho đến lối trung tuần tháng 2 năm 1523). Tại Montserrat, Inhã đã sống đời khổ hạnh, dành nhiều thì giờ để cầu nguyện, và nhận được nhiều ánh sáng nội tâm Chúa ban cho. Trong thời gian này, Một biến cố lớn xảy ra với Inhã gọi là thị kiến Cardoner: chàng được nhìn thấy những điều thiêng liêng thuộc về Thiên Chúa. Thị kiến này cho Inhã tất cả những hiểu biết sâu xa và quan trọng. Sau này Inhã nói: tính tất cả những hiểu biết đạt được suốt cả cuộc đời, không bằng những hiểu biết được ban trong thị kiến này.

Nhờ những kinh nghiệm và ánh sáng nhận được, Inhã đã tiến những bước thật dài trong đường nội tâm. Không muốn giữ ơn Chúa cho riêng chính mình, cũng như không muốn để những kinh nghiệm nội tâm quí giá rơi vào quên lãng mà không chia sẻ với tha nhân, Inhã đã cần mẫn và cẩn thận ghi lại tất cả: đó là những ngày tháng phương pháp Linh Thao được thai nghén và cuốn Linh Thao bắt đầu chào đời ở Manresa. Cho đến năm 1548, nghĩa là 25 năm sau, khi bản văn tiếng Latin được in, cuốn Linh Thao mới đạt đến hình thức như chúng ta đang thấy ngày nay.

Một điều chúng ta cần chú ý, sau cuộc hoán cải ở lâu đài Loyola cho tới khi qua đời năm 1556, bên cạnh việc trau dồi đời sống thiêng liêng, ước muốn “giúp đỡ các linh hồn” của Inhã ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ (Tự Thuật 54). Ngài phục vụ bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng của mình với những người khác qua “những cuộc nói chuyện thiêng liêng” và “bài tập thiêng liêng” mà ngài đã ghi chép trong tập Linh thao.

Ao ước tông đồ “giúp đỡ các linh hồn” khiến Inhã nhiệt thành giúp Linh thao cho người khác. Những ai được Inhã giúp? Xin thưa hầu hết là những giáo dân, nam hoặc nữ ở Monserrat (Tự Thuật 26), các bà đạo đức ở Manresa (Tự Thuật 32). Bên cạnh đó, Inhã còn giúp làm Linh thao cho những sinh viên ở Alcala và nhóm bạn chí cốt của đại học Paris. “Những cuộc nói chuyện thiêng liêng” và “bài tập thiêng liêng” đã làm cho Linh thao trở thành những cuộc tĩnh tâm có người hướng dẫn và đồng hành. Những người hướng dẫn Linh thao ít nhiều đã có kinh nghiệm đi trong Linh đạo Inhã và biết cách sử dụng các bài cầu nguyện trong tiến trình làm Linh thao.

Khi đi học tại Alcala (từ cuối tháng 3, 1526), Inhã nói rõ ngài giúp cấm phòng theo phương thức Linh Thao, và “từ cách đó, thấy có những hoa trái nẩy sinh ra cho vinh danh Chúa” (Tự Thuật 57). Cũng chính việc giúp Linh thao, khiến Inhã bị giáo quyền nghi ngờ lạc đạo và thậm chí bị các cha dòng Đa Minh bắt giữ tại Salamanca (Tự Thuật 58-70). Sau này, khi ngài học ở Paris, Inhã vẫn tiếp tục gặp những rắc rối tương tự. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Inhã chấm dứt giúp những người khác thực hành Linh Thao trong thời gian còn đi học. Nhóm bạn chí cốt gồm sáu người ở đại học Paris được Inhã huấn luyện qua Linh thao và trở thành những vị sáng lập Dòng Tên. Có một điều thú vị trong các anh em đầu tiên này, thánh Phanxicô Xavier là người cứng lòng nhất và là người cuối cùng chịu tập Linh thao. Linh thao đã sinh ra Dòng Tên và mãi mãi không thể thiếu nơi Dòng Tên và trong Linh đạo Inhã.

Sau thời gian ban đầu hầu như chỉ giúp Linh thao cho giáo dân với tư cách là những giáo dân, Inhã và các bạn đã mở rộng hướng dẫn Linh thao cho linh mục, giám mục, hồng y và các bậc vua chúa để những người này có thể tìm và gặp Chúa trong đời sống của mình. Suốt chiều dài lịch sử của Dòng, dù có lúc bị giải tán Dòng 40 năm, anh em Dòng Tên vẫn trung thành phục vụ Linh thao cho mọi người trong mọi thời đại.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Nơi thánh Inhã, trong tư cách giáo dân cũng như giáo sĩ, điều xuyên suốt và cháy bỏng nơi ngài vẫn là tinh thần Linh thao: khắc khoải tìm và gặp Chúa đồng thời giúp đỡ các linh hồn. Inhã không giữ riêng tinh thần Linh thao và việc thực hành Linh thao cho riêng mình. Ngài sẵn sàng chia sẻ Linh thao với tất cả mọi người, Linh thao đã trở nên một phương thế giúp con người tìm thấy Thiên Chúa. Chính vì thế, Linh thao là nguồn gốc của hai hướng linh đạo: thứ nhất, linh đạo Inhã cho bất cứ ai, dù là tu sĩ hay giáo dân, sống và thực hành giấc mơ “giúp đỡ các linh hồn” của thánh Inhã qua “nói chuyện thiêng liêng” và “bài tập thiêng liêng” trong Linh thao. Thứ hai, linh đạo Dòng Tên cho các tu sĩ Dòng Tên, những người theo Hiến pháp của Dòng. Hiến pháp Dòng Tên chính là Linh thao được “luật hóa” cho Dòng. Do đó, phương pháp Linh thao là “vật gia bảo” của Dòng Tên nhưng cũng là tài sản chung cho tất cả mọi người muốn tìm và gặp Thiên Chúa.

Các bài tập thiêng liêng và nói chuyện thiêng liêng của Linh Thao vẫn còn thích hợp với con người hôm nay và ai cũng có thể sử dụng được. Những việc này không chỉ được dùng trong khi làm Linh thao, nhưng còn được áp dụng hằng ngày trong cuộc sống để con người liên lỉ tìm và gặp thấy Chúa. Ví dụ, việc xét mình hằng ngày là một bài tập Linh thao giúp con người nhận ra sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong một ngày sống của mình. Nói chuyện thiêng liêng vẫn luôn thích hợp cần thiết trong một thế giới kỹ thuật số đề cao tương quan sống, nhưng lại là những tương quan gián tiếp qua các phương tiện kỹ thuật số và internet. Có lẽ chúng ta rất dễ kết nối dễ dàng với những người xa lạ ở những nơi xa lạ qua các mạng xã hội, nhưng chúng ta cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Hơn nữa, tương quan với Thiên Chúa dường như ngày càng ít được con ngưòi thời nay chú trọng. Nói chuyện thiêng liêng trực tiếp không chỉ giúp con người gần nhau trong tương quan nhân bản nhưng còn giúp nhau luôn hướng về Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Trong năm thánh này, năm kỷ niệm 400 anh em Dòng Tên đặt chân tới truyền giáo tại Việt Nam; kính mong quý ông bà và anh chị em cầu nguyện cho anh em Dòng Tên, nhờ lời cầu bầu của thánh Inhã, luôn sống tinh thần Linh thao trong đời sống và sứ vụ của mình. Đồng thời, anh em Dòng Tên luôn mở ra và chia sẻ linh đạo Inhã cho tất những anh chị em đang thao thức tìm kiếm một con dường tìm và gặp Chúa. Cám ơn cộng đoàn.

Micae Trương Thanh Tâm, S.J.

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên đánh dấu 400 năm tại Việt Nam

Hơn 3.000 người cùng với 210 tu sĩ Dòng Tên ở thành phố Hồ Chí …

Giới thiệu biến cố 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam

BÀI GIỚI THIỆU KỶ NIỆM BIẾN CỐ 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN VIỆT NAM Ngày …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *