Lời Kinh Cha Mẹ Dạy

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Chập chững bước vào cuộc đời. Trong tình yêu thương của Cha Mẹ, tôi được đưa tới thánh đường giáo xứ để nhận bí tích rửa tội, và được trở nên con cái của Thiên Chúa. Đó là một món quà quý báu của cuộc sống làm người.

Lớn lên trong mái ấm của gia đình, còn gì hơn khi được ẩn náu trong vòng tay êm ấm của Mẹ Cha.

Vòng tay ru con thơ ngủ.

Vòng tay mớm bát cháo thìa cơm.

Vòng tay chở che nâng đỡ.

Vòng tay dạy dỗ bảo ban.

 

Thật vậy, trong vòng tay của Mẹ Cha, tôi đã học được những bài học thật quý giá. Bài học làm người, bài học làm con cái của Thiên Chúa.

Một trong những bài học tuyệt vời nhất là lời kinh Lạy Cha, mà Mẹ Cha đã dạy.

Vẫn nhớ những buổi tối Cha Mẹ và tất cả con cái trong gia đình ngồi lại trước bàn thờ, và dâng Chúa lời kinh Lạy Cha được “gói” trong tràng chuỗi Mân Côi.

Nhìn lại sao mà đẹp quá vậy.

Cái đẹp của tình Mẹ tình Cha,

cái đẹp của một bầu khí gia đình ấm cúng,

cái đẹp của những giây phút thiêng liêng cầu nguyện trong gia đình.

Và cái đẹp của những lần ngủ gục trong giờ kinh nữa chứ.

 

Làm sao quên được một buổi tối khi Mẹ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Cả nhà cần đáp lại: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có nợ với chúng con. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Trớ trêu thay, trong khi mọi người trong gia đình sốt sắng đáp lại, thì thằng bé ngồi bên Mẹ lại ngủ gà ngủ gật. Điều gì xảy ra? Một cái cú Mẹ tặng ban, để cần thức tỉnh, để cần học biết lời kinh Cha Mẹ dạy.

 

Lời kinh Cha Mẹ dạy là lời kinh hướng về Thiên Chúa là Cha trên trời, để tôn vinh và cầu xin với Ngài, đừng để con cứ ngủ gục nhiều như thế, đừng để con cứ sa chước cám dỗ của thần dữ và của cuộc đời, xin cứu con ra khỏi sự dữ. Xin tha thứ cho con, vì con là kẻ tội lỗi, cũng xin dạy dỗ con và cho con có khả năng và thiện chí biết tha thứ cho anh chị em. Cũng xin cho gia đình con và mọi người trên thế gian, có đủ cơm ăn mỗi ngày. Tất cả xin cho Danh Cha cả sáng, nước tình yêu của Cha được trị đến, và thánh ý cao quý của Cha được thể hiện mọi nơi, cả trên trời cao cũng như dưới đất thấp.

 

Lời kinh Cha Mẹ dạy cùng với cái cú đầu bảo ban đã đi với tôi trong cuộc đời. Mỗi chặng đường, khi có Cha Mẹ hay không có Cha Mẹ ở bên, lời kinh đó vẫn vang lên.

Giờ đây, Cha Mẹ đã khuất, nhưng lời kinh Cha Mẹ dạy vẫn còn sống trong tôi, cùng “đồng hành với tôi” trên từng chặng đường của đời người, lúc quỳ trong nhà nguyện, khi ngồi trong ghế học viện của nhà Dòng; lúc rảo bước trên phố phường để thăm viếng và phục vụ những anh chị em bất hạnh, khi ngồi chia sẻ với anh chị em trong bầu khí thiêng liêng; lúc dâng Thánh Lễ trong nhà nguyện, khi thăm viếng một người mang trọng bệnh đang nằm ở trong nhà thương. Giờ đây chúng ta cùng đọc lại lời kinh Lạy Cha trong Tin Mừng của Luca.

 

Trước hết, chúng ta thấy lời kinh Lạy Cha được hai thánh sử Mát-thêu và Luca viết lại. Ngoài ra, trong “giáo huấn của các tông đồ – Didache, kinh Lạy Cha cũng được trích dẫn và bản văn này rất gần với bản văn của Mát-thêu. Ở đây, xin chia sẻ về lời kinh Lạy Cha trong Tin Mừng Luca.

 

1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
3 xin Cha cho chúng con

ngày nào có lương thực ngày ấy;
4 xin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11,1-4).

 

Lời kinh Lạy Cha tuyệt vời trên đã đi vào lòng người, vào hồn của nhiều con người đơn sơ và đi vào hồn của nhiều triết gia lỗi lạc. Trong tác phẩm Lilien paa marken  og fuglen under himlen – Bông huệ trên cánh đồng và chú chim ở dưới tầng trời, triết gia Søren Kierkegaard, người Đan Mạch suy tư thật sâu sắc như sau: “Khi bạn tự quên mình đi trong thinh lặng, quên cả tên của bạn, quên cả việc tên của bạn có nổi tiếng hoặc danh giá hay không, bạn sẽ cầu nguyện với Chúa trong cõi tĩnh lặng ‘xin cho Danh Cha được cả sáng’. Khi bạn tự quên mình đi trong thinh lặng, quên cả những kế hoạch của bạn, những kế hoạch to lớn và bao la hay những kế hoạch nhỏ bé cho đời bạn và cho tương lai của bạn, bạn sẽ cầu nguyện với Chúa trong cõi tĩnh lặng ‘xin cho Nước Cha trị đến’. Trong thinh lặng, khi bạn muốn quên đi ý riêng của bạn, bạn cầu nguyện trước Chúa trong cõi tĩnh lặng: ‘ý Cha được thể hiện’.”

 

Lời kinh Lạy Cha mà Kierkegaard suy tư giúp chúng ta ý thức để đi tìm những điều nền tảng, căn bản và quan trọng. Đó là Danh Cha, Nước Cha cùng ý Cha, và trên hết là chính Thiên Chúa là Cha cùng với Chúa Giê-su là con và Chúa Thánh Thần. Ở bên Chúa và trong “ngôi nhà” của Thiên Chúa là điều trên hết chúng ta cần phải đi tìm, cần phải dồn công dồn sức vào và bận tâm cho chuyện đó.

 

Đức cố hồng y Carlo Maria Martini đã suy niệm thật hay: “Các lời khẩn cầu chia làm ba nhịp trong lời cầu nguyện. Chúng ta cần phải làm gì để Nước Cha trị đến, để kế hoạch của Thiên Chúa được thành toàn? Chúng ta phải hoạt động thế nào thì mới hữu hiệu? Giả sử chúng ta là tác giả của Kinh Lạy Cha, chắc chúng ta đã liệt kê một danh sách dài những điều kiện bên trong và bên ngoài. Theo như sách Tin Mừng của thánh Luca ghi lại, Chúa Giê-su chỉ nêu lên có ba điều:

(1) Để cho Nước Cha trị đến, chúng ta cần phải kiên trì mỗi ngày nhờ được nuôi dưỡng bằng cơm bánh hằng ngày.

(2) Chúng ta cần trao cho nhau sự cảm thương, và lòng tha thứ, chúng ta cần gia tăng khả năng đón nhận nhau, và xin Chúa thứ tha những vấp phạm thường xuyên của chúng ta vì bao lần chúng ta đã thiếu sót chưa đóng góp cho Nước Cha.

(3) Chúng ta cần Chúa nâng đỡ, để đừng sa chước cơn cám dỗ, khi gặp thử thách, khi chúng ta thấy người ta không còn tha thiết với Nước Cha nữa”.

 

Giờ đây, chúng ta cùng suy niệm từng lời trong Kinh Lạy Cha được Luca viết lại.

 

Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển.

 

Đây là lời cầu xin đầu tiên trong kinh lạy Cha. Lời cầu xin này quy về đối tượng duy nhất là chính Cha trên trời. Như vậy, lời cầu xin này mang một nguyên lý và nền tảng sâu xa: chỉ có Cha là « tác giả duy nhất » làm cho chính Danh của Ngài được vinh hiển, và thông phần với Cha là chính Đức Kitô, Con yêu dấu của Cha. Qua Đức Kitô cũng như sự dạy dỗ của Ngài, chúng ta, một cách nào đó, cũng được thông phần làm cho danh Cha được vinh hiển. Tuy nhiên, tên Đức Chúa Trời hay « Danh thánh Cha » là gì vậy ?

« Ta là Đấng Hiện Hữu ».Theo Đức Benedikt 16, thì câu trả lời này vừa mạc khải danh Thánh, vừa chỉ cho thấy tính cách vô danh của Thiên Chúa. Làm sao có thể hiểu được tính cách nước đôi trong câu trả lời trên? Đầu tiên, chúng ta cần phải làm sáng tỏ một điều : Tên thực sự là cái gì vậy ? Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng, tên giúp cho chúng ta có thể gọi hay kêu một ai đó, nghĩa là tên đóng vai trò quan trọng để tạo nên mối tương quan. Ông A-đam khi đặt tên cho thú vật, thì không có nghĩa là để chỉ về bản chất của chúng, mà ông muốn đưa chúng vào trong thế giới của con người, ông đặt cho mỗi con vật một tên để mọi người có thể gọi chúng. Qua đó, ông tạo nên mối tương quan giữa con người và các loài thú. Từ đó, chúng ta cũng có thể hiểu rằng, Thiên Chúa cũng muốn xây dựng mối tương quan với chúng ta, qua chính danh thánh của Ngài. Ngài cho phép chúng ta kêu lên Ngài với chính tên của Ngài. Thiên Chúa bước vào trong tương quan với chúng ta và giúp chúng ta cũng có thể có tương quan với Ngài. Điều này có ý nghĩa là Thiên Chúa sẵn sàng hiến thân mình cho thế giới của nhân loại. Ngài luôn ở đó, để bất cứ ai cũng có thể kêu cầu đến, và Ngài cũng có thể bị con người xúc phạm và tổn thương. Vâng, khi đồng ý bước vào tương quan với con người, là Thiên Chúa sẵn sàng đi vào một cuộc phiêu lưu.

Để đi sâu hơn nữa vào lời cầu xin này của kinh Lạy Cha, chúng ta chạy đến với Mẹ Maria để học cùng Mẹ, vì chính Mẹ đã cảm nghiệm sâu huyền nhiệm của danh thánh Thiên Chúa. Trong bài ca Magnificat, Mẹ đã cất lên lời ca: « Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! » (Lc 1,49). Tâm tình ca ngợi danh thánh Chúa của Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta một điều, đó là hành động của Thiên Chúa luôn tương hợp với bản chất của Ngài. Bản chất của yêu thương, của lòng nhân từ vô bờ bến. Về điều này, François Bovon đã nói rằng : « Trong sự trung thành với danh Thánh của mình, nghĩa là trung thành với chính mình, Thiên Chúa cứu rỗi dân của Ngài ». Và tất cả những người được cứu đều biết đến Danh Thánh của Đấng Cứu Rỗi, bằng cách họ đã đón nhận và được sống trong ân sủng và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Trong Cựu Ước, thánh vịnh gia cũng đã thốt lên : « Người đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người thánh thiêng khả uý. » (Tv 111, 9).

Như vậy, Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa ân sủng cứu rỗi và yêu thương của Thiên Chúa, vì thế với tất cả tâm hồn Mẹ đã thốt lên lời ca ngợi tuyệt vời như vậy. Và không chỉ Mẹ, mà tất cả chúng ta, ai khám phá dấu ấn tình yêu Chúa trong đời mình, đều muốn thốt lên như thế.

Khi mạc khải danh Cha cho chúng ta, Đức Kitô cũng dạy dỗ và cho phép chúng ta thông phần làm vinh hiển danh Cha. Vâng, chúng ta đang thông phần làm vinh hiển danh Cha trên trời, khi chúng ta hằng ngày trung thành cầu nguyện và sống lời kinh Lạy Cha mà chính Đức Kitô đã dạy chúng ta.

Thánh Phêrô Kim Ngôn cũng đã chia sẻ điều này: “Chúng ta cầu xin Thiên Chúa thánh hoá Danh Ngài, nghĩa là Ngài cứu độ và thánh hoá toàn thể tạo vật bằng sự thánh thiện của Ngài. Danh đó là Danh ban ơn cứu độ cho trần gian đã hư mất. Nhưng chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa được thánh hoá trong chúng ta bằng hành động của chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta sống tốt lành, thì Danh Thiên Chúa được chúc tụng; nếu chúng ta sống tệ hại, thì Danh Ngài bị phỉ báng. Hãy nghe lời thánh Tông Đồ: ‘Chính vì các người mà Danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân’ (Rm 2, 24). Vì vậy, chúng ta cầu xin để Danh Thiên Chúa là thánh bao nhiêu, thì chúng ta sống xứng đáng với sự thánh thiện của Ngài bấy nhiêu”.

 

Triều Đại Cha mau đến.

 

Theo một số nhà chú giải kinh thánh, lời cầu xin này là lời cầu xin rất căn bản. Để tìm hiểu và suy niệm lời cầu xin này, trước hết chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ « triều đại » hoặc « vương quyền » trong lời cầu xin.

Trong tiếng Hy-lạp, từ ngữ này được gọi là « basileia » vừa có nghĩa là vương quốc, vừa có nghĩa vương quyền và triều đại. Vương quốc hay triều đại nói tới trong lời cầu xin này thường được Đức Giê-su dùng, vì thế có thể nói rằng, đó là « từ ngữ của Chúa Giê-su ».

Chúng ta cũng nhận ra rằng, Vương quốc Thiên Chúa gắn liền với Chúa Giê-su và sứ mạng của Ngài. Rao giảng vương quốc của Thiên Chúa, đó chính là mục đích chính yếu mà Đức Giêsu muốn nhắm tới trong lời Người giảng và trong các việc Người làm.

Trở về với chính mình, chúng ta tự hỏi xem, phần chúng ta hiểu thế nào về Nước Thiên Chúa, mỗi lần chúng ta đọc hay lắng nghe những từ ngữ đó ? Bản thân tôi, từ trước đến giờ vẫn luôn mường tượng Nước Thiên Chúa là nơi Thiên Chúa ngự trị, và nơi đó tình yêu của Ngài đang hiện diện, nơi đó không còn bất công và khổ đau, nơi đó tất cả mọi người và mọi vật đều được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau, một sự hiệp nhất trong tình yêu.

Alfred Delp khi viết bài suy niệm kinh Lạy Cha trong nhà tù của phát-xít Đức, đã nói rằng : « Khi con người ở trong ân sủng của Thiên Chúa, khi thế giới ở trong trật tự của Thiên Chúa : Đó là Nước Trời ». Thực vậy, nước Thiên Chúa không chỉ là nơi cao xa mà triều thần thánh đang hiện diện và Thiên Chúa đang ngự trị ở giữa, mà Nước Trời cũng đang hiện diện ở giữa lòng thế giời này, khi thế giới tuân theo trật tự của Thiên Chúa và sống theo thánh ý của Ngài, cũng như khi con người đồng ý đón nhận ân sủng Chúa ban và sống trong ân sủng của Người.

Chúa Giê-su xây dựng Nước Thiên Chúa bằng cách thức của Thiên Chúa, chứ không bằng cách thức của loài người chúng ta. Ngài không dùng đến bạo lực, không dùng đến sức mạnh và vũ lực để chiến thắng trong vinh quang, để xây dựng một « lâu đài » nguy nga là biểu tượng của vương quyền. Ngược lại, cách thức Ngài dùng rất nhẹ nhàng và rất đơn sơ. Đó là cách thức của kẻ tôi trung, của người phục vụ trong khiêm hạ. Qua chính cách thức rất khiêm nhường này, Ngài đã cứu thoát và chuộc lại tất cả mọi người khỏi vương quyền của Satan. Vâng, trước khi Nước Thiên Chúa xuất hiện thật rực rỡ trong vinh quang vào ngày cánh chung, lúc đó tất cả mọi người đều được hiện diện trước tôn nhan huy hoàng của Thiên Chúa, thì Nước Thiên Chúa xuất hiện rất nhỏ bé như hạt cải bé nhỏ nhất. Hạt cải nhỏ bé này đã được vùi sâu vào mảnh đất của nhân loại hôm nay, và qua Giáo Hội đang phát triển từ từ trên trái đất này. Một ngày nào đó, hạt cải mọc thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá của nó xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Đó chính là mầu nhiệm của nước Thiên Chúa, mầu nhiệm vượt qua khỏi trí hiểu của con người.

Chúng ta không thể hiểu được mầu nhiệm sâu xa của nước Trời, nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm được phần nào sự hiện diện của Nước Trời qua chính Đức Kitô, Đấng xây dựng Nước Trời trong tinh thần hiền lành và khiêm nhượng. Tinh thần đó được bắt đầu bằng chính các mối phúc hiền lành, nghèo khó, công chính, hòa bình…, mà chính Đức Kitô đã rao giảng, và chính Ngài là người sống và thực hành đầu tiên. Chúa Giêsu sống tinh thần của Nước Trời, nên Ngài chính là Con Thiên Chúa cao sang, nhưng đã sẵn sàng đón nhận sự nghèo khổ nhất cho chính mình. Ngài đã tự hạ mình và hy sinh cho nhân loại, đến nỗi Ngài để mình bị nộp vào tay người đời:

“Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ,

trở nên giống phàm nhân

sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,

vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

chết trên cây thập tự.” (Phi 2, 6-8).

Tóm lại, như Martini nói: “Vương Quốc Thiên Chúa chính là Chúa Giê-su, là chính cuộc sống của Ngài, một đời sống yêu thương và sẵn sàng chịu khổ đau”. Còn đối với Đức Benedikt 16 thì: « Nơi đâu Chúa Giê-su đang hiện diện, thì Nước Trời cũng đang có mặt ». Cũng thế, thánh Cyprianô cũng đã nói: “Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta”.

Như vậy, Nước Trời được chính Đức Kitô giới thiệu trong cách thức thật tuyệt vời. Nước Trời gắn liền với sự nghèo khó khiêm hạ của hang bò lừa ở Bê-lem; với những dấu chân rảo bước của người Mục Tử hiền lành, khiêm nhượng và nhân lành, luôn sẵn sàng bảo vệ chiên trước thú dữ đe dọa, và sẵn sàng hiến mình cho chiên; với chính sự tự nguyện chết cho tất cả những người con yêu dấu của Ngài; và với thập giá giương cao để cứu độ tất cả mọi người. Chúng ta, những con người được Chúa Giêsu yêu thương cứu rỗi cũng được Ngài cho phép thốt lên lời cầu xin cho triều đại Cha mau đến.

« Xin cho triều đại Cha mau đến ». Lời cầu xin này cũng chính là lời cầu xin của chúng ta. Và phải chăng khi cầu xin như vậy, là chúng ta cũng đang cầu xin cho được trở nên giống như Đức Kitô, cầu xin cho được « tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. » (Gal 2,20). Để khi Đức Kitô sống trong tôi thực sự, thì tôi ở đâu, thì Nước Trời cũng hiện diện. Như vậy, lời cầu xin thứ hai của kinh Lạy Cha cũng là lời cầu xin cho được sống tinh thần theo bước Đức Kitô, cho được trở nên một với Ngài trong một thân thể duy nhất. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói rằng : « Cầu Xin cho triều đại Cha mau đến có nghĩa là đang nói với Chúa Giê-su : Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những người thuộc về Ngài. Xin hãy ngự đến trong chúng con, xin hãy sống trong chúng con ; xin hãy hiệp nhất tất cả nhân loại đang bị phân tán về thân thể của Ngài, để trong Ngài tất cả đều quy phục Thiên Chúa và Ngài có thể trao tất cả cho Cha, để Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả và trong tất cả ».

« Xin cho triều đại Cha mau đến ». Lời cầu xin này chính là lời cầu xin của chúng ta. Khi cầu nguyện như vậy là chúng ta đang sống trong sự ý thức : « Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho » (Mt 6,33).

 

Xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy.

 

“Xin Cha cho chúng con”, một lời cầu xin ở số nhiều. Điều này có ý nghĩa gì ? Theo Hamman, điều đó muốn dạy ta phải cầu nguyện chung với những người thiếu thốn lương thực hằng ngày, cũng như phải cầu nguyện cho những người ấy. Đừng quên rằng phân nửa thế giới ở trong tình trạng kém dinh dưỡng. Lời cầu xin này vừa là lời cầu cứu Thiên Chúa vừa là tiếng gọi những ai đang nắm giữ độc quyền của cải trần gian vì Thiên Chúa ban cho của cải ấy là ban cho hết mọi người. Đó là lời nhắc nhở những người có của, những nước giàu rằng họ chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, họ phải chịu trách nhiệm phân phối của cải sao cho công bình… Khi cầu xin lương thực như thế, người Kitô hữu càng đi sâu vào tấn bi kịch của thế giới, càng đi sâu vào giữa lòng nhân loại hôm nay. Không phải để đổ lỗi cho người Kitô hữu, mà để động viên họ khi thấy họ đói, ai cần thì phải giúp họ thấy khuôn mặt của Đức Kitô, Người là Đấng có đủ mọi sự giàu sang mà lại chấp nhận trở nên nghèo nàn. Chính tinh thần yêu thương, đoàn kết và chia sẻ với những người nghèo khổ là nền tảng để chúng ta có thể sống lời cầu nguyện này trong kinh Lạy Cha một cách cụ thể hơn. Bằng cách chia sẻ lương thực vật chất thiết yếu cho người thiếu thốn.

Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có viết: “Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Kitô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các an hem, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn anh Lazarô nghèo khó (X. Lc 16, 19-31) và cuộc phán xét chung (Mt 25, 31-46)”.

« Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ». Trong lời cầu xin này, từ ngữ « lương thực hằng ngày » được chú ý và được tranh luận nhiều. Trước hết, « lương thực » chỉ về tấm bánh mì được dùng như lương thực hằng ngày. Đó là ý nghĩa của vật chất.

Trong Kinh Thánh, khi nói ban bánh là có ý nói nuôi ăn, cấp đỡ cho các nhu cầu. Như trong sách Châm ngôn:

« Xin đừng cho tôi giàu sang hay nghèo nàn,

Chỉ xin cho có một phần bánh thôi » (Cn 30,8).

Đối với các Kitô hữu ngày xưa, lương thực hằng ngày là một thí dụ rất sống động để nói lên những ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Như thánh Gioan đã lưu ý, nó làm cho ta nhớ tới Manna mà Chúa đã ban cho dân Người trên đường xuất hành khi băng qua sa mạc. Như tấm bánh mà Đức Giêsu bẻ ra, trong giờ ăn được nhân lên một cách lạ lùng, đã làm đám dân đang đói nhớ tới Manna ngày xưa ấy.

Lời kinh này cũng thúc giục chúng ta đừng có tích trữ, bởi vì phần thặng dư là phần của người túng thiếu. Là khách lữ hành trong cuộc vượt qua mới, chúng ta phải có tâm hồn nghèo khó, tìm kiếm Nước Chúa trên hết, không quá lo tới ngày mai.

Như vậy, lời cầu xin cho được lương thực hằng ngày nói lên tinh thần ý thức sống đơn sơ với những nhu cầu cần thiết, chứ không cầu xin cho có được một cuộc sống tiện nghi dư thừa. Grégoire de Nysse đã nhấn mạnh điều này : khi chúng ta cầu xin như vậy, là chúng ta cầu xin cho những nhu cầu thiết yếu cho đời sống, chứ chúng ta không xin có một cuộc sống vương giả nhung lụa kiểu đại gia, không cầu xin cho có nhiều vòng vàng và những viên đá quý, không cầu xin có được những tà áo sang trọng, những chiếc bình bạch ngọc trưng bày trong nhà cao cửa rộng, cũng chẳng cầu cho có được đàn Ngựa và đàn Bò béo tốt. Tóm lại chúng ta cầu xin những đồ vật và lương thực không cám dỗ và lôi chúng ta ra khỏi tương quan thân mật với Thiên Chúa.

Theo Martini, tấm bánh thiêng liêng là tấm bánh của niềm tin và niềm hy vọng. Khi chúng ta cầu nguyện: “xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”, là chúng ta cầu xin ân sủng của Chúa Thánh Thần và của chính Đức Kitô, ân sủng đó như là món quà và bảo đảm cho ý nghĩa đích thực của cuộc sống chúng ta. Hơn nữa, khi cầu xin tấm bánh thiêng liêng, là chúng ta cũng cầu xin cho có được sự hiện diện gần gũi và thân tình của Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ để chúng ta cô đơn một mình. Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Lễ, trong bữa tiệc thánh thể, và Ngài cũng đang ngự trong nhà tạm.

Thánh Têrêsa thành Avila, khi suy niệm lời kinh này, khuyên chúng ta cần chú ý cầu xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ thiếu Chúa, và cũng xin Chúa giúp chúng ta có được một lòng khát khao để đón nhận Ngài cách xứng đáng.

 

Xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con.

 

Lời cầu xin tha thứ mà Chúa Giêsu dạy cũng là một trong những chủ đề chính trong những lời cầu nguyện của người Do-thái. Trong lời cầu nguyện 18 của người Do-thái, có lời cầu xin ơn tha thứ : Lạy Cha, xin cha cho chúng con, vì chúng con đã phạm lỗi chống lại Cha, xin xóa bỏ những lầm lỗi của chúng con trước mặt Cha, vì lòng nhân từ của Cha thật bao la. Lạy Gia-vê Thiên Chúa, Đấng hay tha thứ, xin ngợi khen Cha.

Nếu đọc kỹ từng lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha, sẽ nhận ra được nét đặc biệt trong lời cầu nguyện về tinh thần tha thứ. Đó là, chỉ trong lời cầu nguyện này, theo Joachim Jeremias, có thêm một yếu tố “thêm vào”, đó là hành động của con người: “Như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Còn trong các lời cầu nguyện khác chỉ nói về hành động của Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói rằng, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người.

Điều này được diễn tả sống động trong dụ ngôn « tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót » (Mt 18, 23tt). Ý tưởng quan trọng của dụ ngôn này được diễn tả qua câu nói của vị vua trong câu chuyện: « Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? » (Mt 18, 32-33). Câu nói của vị vua nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tinh thần tha thứ trong đời sống đức tin, cụ thể trong tương quan của người Kitô hữu với Chúa và với người khác.

Tuy nhiên, theo Gnilka, trong lời cầu xin tinh thần tha thứ của kinh Lạy Cha, chúng ta không được phép nói rằng : những ai đã sẵn sàng tha thứ cho người khác thì họ đã có một công nghiệp. Với công nghiệp này họ được phép đòi hỏi sự tha thứ của Chúa. Đúng hơn, người Kitô hữu cần ý thức rằng : con người chỉ được phép cầu xin ơn tha thứ của Chúa, khi con người về phần mình đã sống tinh thần tha thứ. Cũng thế, đối với Michel Hubaut, thì « chữ ´như´ này diễn tả một sự lô-gích của tình yêu…Và không thể chấp nhận được tình trạng, một đàng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, Đấng tha thứ, nhưng đàng khác vẫn đóng kín mình lại và từ chối tha thứ cho tha nhân. Con người cộng tác vào sự tha thứ tội lỗi cho chính họ bằng cách họ đón nhận tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng giúp cho con người có khả năng để tha thứ cho anh chị em. Con người, khi sống tinh thần tha thứ cho người khác, là họ bước vào trong sự lô-gích của lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa ».

Ngoài ra, các Giáo phụ Hy lạp rất nhạy cảm với những chi tiết ngôn ngữ lẫn thần học, nên không những đã dịch như thế mà còn lấy việc ta phải tha trước (‘chúng con đã tha‘) làm mũi nhọn để lý luận. Như thánh Jean Chrysostome đã viết: ‘Nếu chúng ta có tha thì người ta mới tha cho chúng ta. Chính chúng ta định mức cho ơn tha thứ. Nếu bạn tha thứ cho một người như bạn, tôi xin hứa tôi sẽ tha thứ cho bạn’. Không phải vì ta tha mà Chúa mới tha, nhưng việc ta tha sẽ chi phối việc Chúa thứ tha, dù Người vẫn tự do trong việc này.

Thiên Chúa tha thứ không phải vì bị ép, sự tha thứ của Ngài không lệ thuộc vào công nghiệp của con người. Thiên Chúa tha thứ chỉ vì hào hiệp và từ tâm. Đó là thái độ của tình yêu, một tình yêu hoàn toàn tự do.

Đối với các tiên tri, thì họ trình bày một Gia-vê Thiên Chúa nhân từ, tha hết mọi nợ nần, xoá hết mọi tội lỗi, thanh tẩy toàn vẹn con người và xoay chuyển tâm hồn con người. Tiên tri Hô-sê-a đã diễn tả về Thiên Chúa nhân từ cách đặc biệt qua cách hành xử của Ngài đối với dân Ít-ra-en (x. Hs 1-3). Dù dân Ít-ra-en như « cô gái điếm » quay lưng lại với Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn tha thứ, Ngài vẫn trung tín và kiên tâm cứu dân Ngài về : « ĐỨC CHÚA yêu thương con cái Ít-ra-en, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác và thích bánh nho”. (Hs 3, 2).

Hơn thế nữa, Ngài sẵn sàng lập lại hôn ước với dân Ngài trong tình yêu thương :

“Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực,trong ân tình và xót thương;Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA”. (Hs2, 21-22).

Thật vậy, sự tha thứ và lòng nhân hậu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả những tội lỗi của con người. Ngài có thể biến đổi tất cả những lầm lỗi vào trong tình yêu. Tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa, tất cả những gì cũ kỹ đều có thể trở nên mới đối với Thiên Chúa.

Kế bên lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha về tinh thần tha thứ mà Đức Kitô dạy dỗ, chúng ta tìm thấy trong Tin Mừng những giáo huấn khác của Đức Kitô nhắc nhớ chúng ta sống tinh thần tha thứ. Như trong những câu kế tiếp của kinh Lạy Cha, Đức Kitô nhắc lại tinh thần tha thứ, nhưng với một cung cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn : « Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em ». (Mt 6, 14-15). Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi giành cho những ai sống đời sống đức tin vào Chúa. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng bao giờ để cho những tự ái, những căng thẳng, những vết thương, sự thù hận và sự chai cứng con tim “giết chết” đi lòng nhân từ, nhận chìm thiện chí hòa giải. Đời sống người Kitô hữu hệ tại phần lớn ở chính lòng nhân từ thương xót, yêu mến sự hòa bình và sẵn sàng tha thứ, như chính Đức Kitô đã sống và mời gọi chúng ta sống như Ngài.

Đón nhận nhau, tha thứ cho nhau thật đẹp. Nhưng trong tha thứ có giới hạn về thời gian và không gian không ? Trong phúc âm của Mát-thêu, chúng ta đọc lại một cuộc đối thoại ngắn ngủi của Phê-rô với Chúa Giêsu : “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? ” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18, 21-22). Thật thú vị câu trả lời của Đức Kitô! Martini đã làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày.

Còn đối với Bonhoeffer, một thần học gia và mục sư bị phát xít Đức giết vào thế chiến thứ hai, thì tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.

Dù vậy, tha thứ luôn là một thách đố lớn lao. Luôn luôn có những mẫu gương tha thứ thật là tuyệt vời. Như kinh nghiệm của Nelson Mandela để lại: Nelson Mandela từng bị giam giữ và xúc phạm trong suốt 27 năm. Đến khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi, ông đã mời 3 người cai ngục từng canh giữ ông trong thời gian chốn lao tù đến gặp mặt. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 vị này thì mọi người có mặt và trên toàn thế giới đều phải tĩnh lặng. Ông nói: “khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu không thể để nỗi đau của riêng mình và oán hận ở lại đàng sau, thì tôi vẫn còn ở trong tù”.

Trong thư gởi cho giáo đoàn Cô-lô-sê, thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh đến tinh thần sống tha thứ trong cộng đoàn của những người được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn : « Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. » (Cl 3, 12-13). Thánh Phao-lô mời gọi anh chị em thuộc về cộng đoàn của Thiên Chúa, mang lấy những tinh thần tốt lành của Đức Kitô, và cần vượt trên những sự khác biệt, vượt qua những thành kiến tiêu cực mà người này có về người nọ, biết chấp nhận nhau, chấp nhận mỗi người như họ là, và cần phải chịu đựng lẫn nhau trong ý hướng tích cực, và sẵn sàng tha thứ cho nhau. Tinh thần tha thứ đóng một vai trò nền tảng và quan trọng trong tương quan giữa mọi người với nhau, và tinh thần này bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng là mẫu gương tuyệt vời nhất sống sự tha thứ cách trọn vẹn.

Trở nên hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48), là yêu thương như Cha trên trời yêu thương, là tha thứ như Cha trên trời tha thứ. Khi chúng ta tha thứ là chúng ta sống trong sự hài hòa với tình yêu của Ngài. Cũng thế, khi sống tinh thần tha thứ, là chúng ta mở rộng lòng mình ra cho tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ, Đấng chúng ta tin tưởng, và Đấng mà chúng ta luôn luôn có thể chạy đến với Ngài bất cứ lúc nào, để xin Ngài che chở, cứu chữa, đặc biệt khi chúng ta rơi vào « vòng xoáy » của sự dữ, hay khi chúng ta phải đối diện với những cám dỗ thứ thách trong cuộc đời dương thế này.

 

Và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

 

Khi đọc lời cầu xin này, thật là sai lầm, nếu nghĩ rằng chính Thiên Chúa đưa con người vào trong cám dỗ, dẫn con người vào trong những cạm bẫy của sự dữ. Trong Tân Ước, không có đoạn nào nói rằng Thiên Chúa dẫn con người vào trong những cám dỗ. Thánh Gia-cô-bê cũng đã nhắc nhớ rất rõ ràng: Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người có bị cám dỗ, là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt” (Gc 1, 13-14). Ở đây, thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. Nói cách khác, Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ và quyền năng vô bờ, nên không có bất cứ thế lực sự dữ nào có thể cám dỗ Ngài, và Ngài cũng không quen biết đến điều xấu xa, vì thế Ngài không bao giờ cám dỗ con người vào những điều xấu xa. Sách Huấn Ca của Cựu Ước cũng nhắc nhớ:

“Con đừng nói: “Tại Đức Chúa mà tôi phạm tội”,
vì điều Người gớm ghét, thì Người không làm.

Đừng nói: “Chính Người làm tôi lầm đường lạc lối”,
vì Người không cần kẻ tội lỗi” (Hc 15, 11-12).

Ngoài ra, theo Jeremias thì lời cầu xin trong kinh Lạy Cha cũng tương hợp với lời cầu nguyện buổi tối của người Do-thái, mà có thể Chúa Giê-su cũng biết: “Xin đừng để con bước vào trong quyền lực của tội lỗi, xin đừng để con rơi vào trong bạo hành của lỗi tội, và xin đừng để con va phải sức mạnh của cám dỗ, cũng như xin đừng để con rớt vào trong quyền lực của sự dữ”. Lời cầu nguyện buổi tối của người Do-thái không chỉ về hành động của Thiên Chúa, mà chỉ về việc Thiên Chúa cho phép những điều đó có thể xảy ra. Vì thế, ý nghĩa của lời cầu xin là: Xin đừng để con rơi vào trong đôi tay của tội lỗi, của cám dỗ và của sự dữ. Như vậy, lời cầu nguyện này là lời cầu xin Chúa che chở trước tất cả những cám dỗ. Cũng thế, lời cầu xin trong kinh Lạy Cha cũng cầu xin Chúa che chở trước mọi cám dỗ.

Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã thử thách những kẻ Người đã chọn như Ápraham, Gióp, những người công chính. Người đã cũng để cho Đức Giêsu bị cám dỗ ở hoang địa như vừa nói ở trên, và như lần Chúa Giêsu bị cám dỗ bỏ sứ mạng của Người Tôi Trung đau khổ.

Cũng vậy, Thiên Chúa không muốn miễn cho người tín hữu Người khỏi chiến đấu với cám dỗ, nhưng Người trang bị cho họ và tập cho họ dạn dĩ để đấu tranh với những cám dỗ của sự dữ. Thật vậy, chấp nhận làm người là chấp nhận bị cám dỗ. Cám dỗ từ bên ngoài, từ quỷ dữ, từ tha nhân… Cám dỗ từ bên trong, từ đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác, từ sự khép kín của trí tuệ và lạnh giá của con tim. Thật vậy, trong đời này ai lại không gặp cám dỗ ? Chính khi gặp cám dỗ và vượt qua được nó, thì con người mới trưởng thành, mới lớn lên được. Và có thể khi gặp cám dỗ, con người mới nhận ra thân phận yếu đuối và tội lỗi của mình, và qua đó ý thức ăn năn thống hối, và khiêm nhường trở về với Chúa hơn.

Đối với thánh Âu-tinh, « trong đời sống hiện tại, cám dỗ là một điều có lợi, nhưng dù vậy đừng bước vào trong cám dỗ ». Thật vậy, ai có thể nói chắc rằng, mình sẽ vượt thắng được những cám dỗ. Còn đối với Martini, « cám dỗ là một phần quan trọng trong kinh nghiệm của người Kitô hữu. Và thật sự, cám dỗ là kinh nghiệm thường ngày. Chúa Giê-su cũng đã cảnh báo cho chúng ta khi Ngài nói với các môn đệ : ´Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn´.» (Mt 26, 41).

Ngoài ra, chính Đức Benedicto XVI đã khiêm nhường cầu xin Chúa rằng : « Lạy Chúa, con biết rằng con cần đến những thử thách, để con người của con trở nên trong sạch hơn. Nếu Chúa để con gặp phải những thử thách này, nếu Chúa cho thần dữ một chút không gian tự do như trường hợp của ông Gióp gặp phải, thì xin nghĩ đến sức lực giới hạn của con. Xin đừng quá tin tưởng ở nơi con. Xin đừng để con bị cám dỗ quá mức, và xin ở gần bên con với cánh tay chở che của Chúa, nếu cám dỗ quá nhiều đối với con ».

 

Thay lời kết.

 

Thiên Chúa là Vua uy quyền, là Cha ở trên trời, là Đấng tạo dựng và yêu thương chúng ta từ ngày đầu tiên chúng ta bước vào cuộc đời, cho đến khi trở về với Ngài. Tình yêu đó được biểu lộ qua nhiều cách thức và trong mọi thời điểm. Nhưng tình yêu đó được đơm bông và kết trái tuyệt hảo nhất qua chính Người Con của Cha, Đức Giê-su Ki-tô. Qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giê-su đã chia sẻ cuộc sống của chúng ta trong thân phận làm người, ngoại trừ tội lỗi. Trong hành trình ở trần gian, Ngài đã hướng các môn đệ, tất cả mọi tín hữu ngày xưa cũng như hôm nay về với Cha trên trời. Ngài không chỉ giới thiệu mà còn mở một lối vào cho chúng ta bước vào “căn nhà Cha-con” của Thiên Chúa. Trong căn nhà đó, Đức Giê-su đã dạy chúng ta lời kinh Lạy Cha. Một lời kinh thật gần với cuộc sống thực tế của đời người.

Gần ở chỗ, trước sức mạnh và quyền lực của thần dữ và sự dữ mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày, một mình chúng ta làm sao có thể thắng vượt được. Cha trên trời chính là nơi chúng ta cần hướng về để cầu xin Ngài cứu chúng ta ra khỏi sự dữ, và đừng để chúng ta sa chước cám dỗ.

Gần ở chỗ, lời kinh dẫn chúng ta đi vào một vấn nạn mà chúng ta gặp mỗi ngày. Đó là sự tha thứ. Thật vậy, cuộc đời ai lại thiếu vắng căng thẳng, thiếu vắng tổn thương và giận hờn, đôi khi còn dẫn đến thù hận? Và ai lại không muốn sống hạnh phúc và an bình, sống trong bầu khí của hòa thuận và yêu thương? Để có được cuộc sống hạnh phúc đó, chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta, những phận người tội lỗi. Cũng xin Ngài giúp chúng ta biết ý thức mở lòng, và giúp chúng ta biết tha thứ cho nhau.

Sự gần gũi của lời kinh Lạy Cha còn đi vào trong chính nhu cầu thiết yếu của đời sống làm người. Đó là cơm bánh mỗi ngày mà chúng ta cần tới. Vâng, “chúng ta” chứ không phải chỉ có tôi, hay chỉ có chị hoặc chỉ có anh. Thật vậy, lời cầu xin cho có cơm bánh hằng ngày là lời kinh của số nhiều, lời kinh của lòng bác ái xóa đi tất cả mọi vị kỷ tham lam chỉ biết ôm ấp chén cơm tấm bánh cho riêng mình. Nhưng chúng ta chỉ cầu xin cho có cơm và bánh thôi sao? Cơm bánh thật là nhu cầu vật chất thật thiết yếu. Thiết yếu đấy, nhưng nếu chỉ dừng lại ở chén cơm và tấm bánh mì, thì cuộc sống làm người không tìm thấy sự trọn vẹn. Vì vậy, Chúa Giê-su đưa chúng ta vượt trên thế giới của vật chất, để cầu xin Cha ban cho chúng ta lương thực thiêng liêng là Bí Tích Thánh Thể, là món quà niềm tin, niềm hy vọng và lòng mến.

Trong niềm tin vào Cha trên trời, qua lời kinh Lạy Cha, chúng ta đặc biệt hướng về Cha ở trên trời, để cầu xin cho Danh Cha được cả sáng, và Vương Quốc Cha trị đến. Khi Danh Cha được cả sáng, và Vương Quốc hiện diện trong vinh quang, chúng ta sẽ nhận ra được thánh ý của Cha, thánh ý của tình yêu cao quý, thánh ý cần được thể hiện nơi tất cả mọi loài thụ tạo, cả nơi triều thần thiên quốc lẫn ở cõi trần của con người chúng ta, để nhờ đó mọi loài đều cao rao:

 

Cha chúng ta ở trên trời vinh hiển muôn muôn đời.

 

 

 

Tham khảo:

 

  • BONHÖFFER , Gesammelte Schriften, IV. Band, 3.Aufl., CHR. Kaiser Verlag, München 1975.
  • BONHÖFFER, Nachfolge, CHR. Kaiser Verlag, München 1971.
  • BONNARD P., DUPONT J., REFOULE F., Notre père qui est aux cieux.
  • BOVON F., Das Evangelium nach Lukas, EKK, III/1, Benzinger Verlag, Zürich 1989.
  • DELF A., Gesammelte Schriften, Band IV, 2. Auflage, Knecht Verlag, Frankfurt am Main 1985.
  • GNILKA J., Das Matthaeusevangelium, 1. Teil, Herder Verlag, Freiburg –  Basel – Wien 1986.
  • HAMMAN Adalbert G., Abrégé de la prière chrétienne, Desclée, Paris 1987.
  • JEREMIAS J., Das Vater-Unser, Calwer Verlag, Stuttgart 1962.
  • MARTINI C. M., Le Notre Pere, Editions Saint-Augustin, Saint-Maurice 2001.
  • MARTINI C. M., Ne méprisez pas la Parole, Bayard, Paris 2007.
  • NGUYỄN NGỌC THẾ SJ., Lời Kinh Cha Mẹ Dạy – suy niệm Kinh Lạy Cha, NXB.Phương Đông, Gò-vấp 2012.
  • Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Bản tiếng Việt của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2009.
  • Søren Kierkegaard, Lilien paa marken og fuglen under himlen trong Søren Kierkegaard i udvalg, Denmark 2002.
  • THERESE d´ Avila, Le chemin de perfection, Les édition du Cerf, Paris 1981.

Kiểm tra tương tự

Tìm lại nền tảng hạnh phúc gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 27 Thường niên – năm B

Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA …

Thánh Phanxicô Assisi – Tình Nhân của Bí tích Thánh Thể

Thánh Phanxicô Assisi là một trong những vị thánh được yêu mến nhất, ngài có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *