Lời Kinh và Ý nghĩa

1

LỜI GIỚI THIỆU

Các Kinh chúng ta đọc được soạn từ nhiều đời, từ khi các nhà truyền giáo đặt chân lên đất Việt, nó đã nâng đỡ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam ngay từ thuở ban đầu ấy cho đến ngày nay.

Trong các Kinh của chúng ta, dù có những từ ngữ không còn thông dụng trong đời sống hàng ngày, nhưng các Kinh ấy vẫn mang ý nghĩa đặc biệt cho chúng ta, làm thành một kho tàng ngôn ngữ riêng.

Tin, cử hành, cầu nguyện và sống, đó là bốn thì của đời sống Kitô hữu. Ngôn ngữ có phần trong mỗi thì ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên chúng lại liên đới rất chặt chẽ với nhau.

Tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến mọi thành phần dân Chúa. Đây là cuốn sách có nội dung hữu ích góp phần vào đời sống Giáo Hội. Tôi hy vọng cuốn sách này như là cuốn cẩm nang hữu ích cần thiết cho mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt cho các Giáo Lý Viên, cũng như cho các gia đình Công Giáo.

2

LỜI NÓI ĐẦU

Khi đọc Kinh, chúng ta nhận thấy trong hầu hết các Kinh có những từ ngữ không còn rõ nghĩa, khiến một số người trong chúng ta hoặc những người ngoài Công Giáo nghe chúng ta đọc sẽ cảm thấy thật khó hiểu. Khi ấy, nếu dùng các từ điển tiếng Việt hiện đại để tra cứu những từ ngữ ấy, chúng ta sẽ thấy các từ ngữ ấy hoặc không có, hoặc có nhưng nghĩa không phù hợp nếu gắn vào các Kinh của chúng ta. Bởi vì những từ ngữ ấy là những từ ngữ cổ, chỉ còn được sử dụng hạn chế trong các cộng đồng tín hữu Công Giáo, trong các Kinh đọc được biên soạn từ khi đạo Công Giáo mới được truyền vào Việt Nam, dù các Kinh ấy đã được sửa một đôi lần từ đó đến nay.

Các nhà nghiên cứu Việt ngữ học đã xác định, Từ điển Việt-Bồ-La1có khoảng trên dưới 550 từ ngữ mà nay đã trở thành từ ngữ cổ: là những từ ngữ đã từng tồn tại trước đây nhưng hiện nay không còn trong đời sống ngôn ngữ toàn dân nữa, hoặc chỉ còn làm thành tố trong những kết cấu ngôn ngữ rất hạn chế, hoặc chỉ còn sử dụng rất giới hạn trong một cộng đồng xã hội nào đó. Hơn nữa, Từ điển Việt-Bồ-La cũng chào đời kể từ khi đạo Công Giáo mới vào Việt Nam. Vì thế, nếu chúng ta dùng Từ điển Việt-Bồ-La để tra cứu, thì từ điển sẽ soi sáng giúp chúng ta hiểu rõ nghĩa một số các từ ngữ cổ ấy.

Tuy nhiên, không phải chỉ dựa vào Từ điển Việt-Bồ-La là có thể giải thích được tất cả các “từ ngữ cổ” trong sách Kinh. Vì thế, ngoài Từ điển Việt-Bồ-La tôi cũng trích dẫn thêm Phép giảng tám ngày cũng của Cha Đắc Lộ. Đây là sách Giáo lý đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, được xuất bản cùng năm với từ điển Từ điển Việt-Bồ-La.

Đôi khi Từ điển Việt-Bồ-La Phép giảng tám ngày không đáp ứng đủ để giải thích các từ ngữ cổ, tôi cũng đã dùng Tự Vị Annam Latinh của Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux de Béhaine) là cuốn từ điển tiếng Việt thứ hai chào đời sau Từ điển Việt-Bồ-La hơn 100 năm (1772-1773) để giải thích thêm. Từ điển Việt-Bồ-LaTự Vị Annam Latinh gần như là “cặp đôi hoàn hảo”, vì hai cuốn từ điển này đặc trưng phản ánh diện mạo tiếng Việt Trung Đại. Từ điển Việt-Bồ-La làm nền tảng cho Tự Vị Annam Latinh và ngược lại Tự Vị Annam Latinh bổ sung và hoàn thiện Từ điển Việt-Bồ-La.

Tuy nhiên, hai tác giả này là hai nhà truyền giáo nước ngoài, nên việc thẩm định ngôn ngữ tiếng Việt chắc hẳn còn có nhiều điều chưa được thỏa đáng. Vì thế, trong một vài trường hợp khác tôi cũng trích dẫn thêm Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Của là cuốn Từ điển tiếng Việt đầu tiên do tác giả người Việt biên soạn. Hoặc Việt Nam Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức.

Công việc ban đầu của tôi là mong giải thích các từ cổ trong các Kinh đọc thường ngày để giúp các tín hữu hiểu được lời Kinh mình đọc mà thôi. Nhưng vì sự khát khao của cộng đồng dân Chúa, nhiều người đã đề nghị tôi giải thích toàn bộ những Kinh đọc Chúa Nhật và Lễ Trọng, những Kinh Cầu và Kinh đọc các dịp đặc biệt… Đáp lại tấm chân tình ấy tôi đã giải thích và tập hợp lại thành tập sách nhỏ này theo thứ tự Sách Kinh của các Giáo Phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội2, với ước mong nó cộng tác vào hành trình truyền giáo từng ngày của các Giáo lý viên, của các bậc phụ huynh trong các gia đình, của những ai đang làm công tác mục vụ…

Trong sách này tôi chèn thêm Kinh Cầu Thánh Rosa là Bổn Mạng Hội Dòng chúng tôi. Năm 2017 sẽ kỷ niệm 400 năm ngày Thánh Nữ qua đời. Thánh nữ là đóa hoa rực rỡ của Dòng Đa Minh và là niềm vinh dự của mọi thành viên trong đại gia đình Đa Minh chúng tôi. Kinh này đã được Imprimatur và đã được sử dụng từ dịp kỷ niệm 300 năm Thánh Rosa Lima qua đời cho đến ngày nay.

Trong phần “ngắm các màu nhiệm Kinh Mân Côi”, chúng tôi thêm “Năm Sự Sáng” theo suy niệm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thơ Kinh trong phần này là của Linh mục Anrê Đỗ Xuân Quế, Dòng Đa Minh.

Công trình nhỏ bé này ước mong tiếp nối sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam mà các bậc tiền bối đã gầy dựng hơn 400 năm qua. Công trình này cũng khát khao khơi dậy ngọn lửa truyền giáo nơi mỗi tâm hồn các tín hữu, ước gì mỗi người cũng hãy tham gia vào sứ vụ truyền giáo trong bậc sống, trong khả năng và trong môi trường sống của mình. Công trình này cũng ước mong khơi dậy thao thức nơi mỗi chúng ta, trong khi chưa thể thay đổi những phương thức cũ ít phù hợp bằng những phương thức mới phù hợp hơn thì chúng ta hãy hội nhập, hãy hiểu và làm cho phương thức cũ được hiểu bằng cái hiểu mới.

Ước mong sao mỗi tín hữu Việt Nam hiểu rõ lời Kinh mình đọc, để gói trọn tâm tình dâng lên Chúa mỗi ngày.

Kho tàng Kinh nguyện của Giáo Hội Việt Nam thật bao la, sức người thật có hạn. Xin đón nhận những chỉ giáo, cho những thiếu sót trong tập sách nhỏ này. Xin chân thành cảm ơn.

Lễ Thánh ROSA LIMA 2014

Nữ tu Marie Thérèse Bùi Thị Minh Thùy

Đa Minh Rosa Lima

1 Từ điển Việt-Bồ-La là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ do Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) biên soạn. Đây là cuốn từ điển đầu tiên ở Việt Nam lấy từ tiếng Việt làm mục từ, đối chiếu với tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latinh. Trong Từ điển này các từ ngữ khó hiểu được giải thích cách tỉ mỉ kèm theo những ví dụ thuyết minh, chỉ có điều là ngôn ngữ giải thích là tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latinh chứ không phải tiếng Việt.

2 Tôi chọn Sách Kinh của Giáo Tỉnh Hà Nội vì ngôn ngữ trong sách Kinh của Giáo tỉnh này gần với ngôn ngữ toàn dân hơn. Sách Kinh của Giáo Tỉnh Huế và Sài Gòn viết bằng các phương ngữ Miền Trung và Miền Nam, vì thế tôi sẽ hẹn để giải thích cho quý độc giả vào dịp khác gần đây.

Kiểm tra tương tự

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *