Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam

3. Bổn đao truvền giáo

Không phải bổn đạo xưa chỉ theo đạo, giữ đạo cho riêng mình, mà nhiều người còn đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh, là họ hàng thân thuộc, hàng xóm láng giềng. Họ là những người trong vương tộc, là quan quyền, là thường dân… đã đại lượng, can đảm vượt nhiều thử thách đem Chúa đến cho đồng bào mình. Họ là những người thuộc dòng giống dân tộc Việt Nam anh hùng, thừa hưởng bao nhiêu tính tốt của giống nồi, trong đó có tính can đảm, hy sinh vì đại nghĩa để bảo vệ và phát triển những gì là cao quý. Cho nên, khi theo “đạo mới” rồi, thì đa số vẫn kiên trì với niềm tin và mạnh dạn giới thiệu cho những người khác.

Bà Minh Đức Vướng thái phi[29] đã được cha Francisco de Pina[30] rửa tội vào một đêm năm 1625 tại kinh đô Đàng

Trong (lúc đó là Phước Yên chăng?) Bà là phi của chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) và có lẽ thuộc cấp phi cao nhất là Vương quý phi. Ngay khi chịu phép Thánh tẩy, bà đã phải giấu người con độc nhất của Bà là ông Hoàng Nguyễn Phước Khê. Vì lý do chính trị, tôn giáo, mà nhất là chính trị, nên ngày 20-2-1645 ông Khê ra lệnh phá bình địa nhà nguyện của bà Minh Đức, dù ông là người rất có hiếu với mẹ. Bởi ông muốn đánh tan việc chúa Nguyễn Phước Lan[31] nghi ngờ mẹ con ông âm mưu lật đổ ngài, do việc Đắc Lộ đến nhà nguyện của Bà ban đêm cử hành lễ Lá ngày 20-3-1644. Nhà chúa cho rằng Đắc Lộ là thầy địa lý biệt tài với cái nghề “khán phong thuỷ âm dương” tìm đất tốt chôn bà sau này hầu có được thứ “mả phát quan”, nên Hoàng Khê[32] phải làm công việc “thất đức” trên đây, sẵn sàng chịu mang tiếng “bất hiếu” với mẹ, nhưng giữ được lòng trung quân với chúa, coi trọng việc nước hơn việc nhà.

Bà Minh Đức là người rất sùng đạo. Từ khi theo đạo Đức Chúa Blời đất, bà dùng uy tín của mình mà nâng đỡ bổn đạo, che chở các nhà truyền giáo khi gập khó khăn. Chính Đắc Lộ đã viết về bà Minh Đức (tên thánh là Maria Madalena) như sau: “Bà Maria Madalena là chỗ nương tựa của tân giáo đoàn này; gương sáng và uy tín của bà đã làm cho nhiều người lương dân cải đạo cách lạ lùng, và sau khi chịu phép rửa, nhờ bà họ giữ vững lòng đạo đức… Bà dành một nhà trong dinh của mình làm nhà nguyện đẹp đẽ, được bảo trì hết sức hoàn hảo, là nơi sáng tối bà cầu nguyện. Bà còn để cho bổn đạo chung quanh tập hợp trong đó đọc kinh xem lễ, mà không ai dám phản đối gì. Ngoài ra bà còn thuyết phục nhiều người nổi tiếng khắp nước theo đạo Chúa, trong số này có cả những người thuộc vương tộc”[33]. Có lẽ Ngọc Liên công chúa sau này theo đạo Đức Chúa Blời đất là do Minh Đức dạy dỗ, hay ít ra cũng được ảnh hưởng của Minh Đức là người xét theo vai vế họ hàng, thì Ngọc Liên phải gọi bằng Bà[34]. Vào năm 1646, khi cha Saccano[35] đang có mặt tại Kim Long, lúc đó là Vương phủ của chúa Nguyễn, thì chính bà Minh Đức mời cha đến nhà nguyện trong dinh của bà để ban phép Thánh tẩy cho hai cháu của bà sau khi bà đã dạy giáo lý cho các cháu.

Ngọc Liên[36], công chúa của Sãi vương Nguyễn Phước Nguyên như chúng tôi vừa nhắc ở trên, công chúa được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức vương thái phi về mặt tôn giáo. Ngọc Liên theo chồng là Tướng Nguyễn Phước Vinh về ở tại Phú Yên năm 1629, vì từ năm đó chúa Nguyễn đã mở rộng biên thuỳ tới đây lập ra Trấn biên dinh, trao quyền cai trị cho Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên được chịu phép Thánh tẩy năm 1636, thánh hiệu Maria Madalena, sau khi chứng kiến một cuộc tranh luận công khai do tướng Nguyễn Phước Vinh chủ toạ về bói toán và ba hồn bảy vía giữa ông Giêrônimô (Tập?) và một người khác tin vào những điều trên. Ngay sau khi theo đạo Chúa, Ngọc Liên cho làm một nhà nguyện trong dinh của bà ở Phú Yên và bổn đạo có thể vào đó đọc kinh cầu nguyện. Năm 1641, cha Đắc Lộ ở trong dinh của Tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh tẩy cho 90 người trong số này có cậu Anrê Phú Yên. Thời gian ở Phú Yên, Ngọc Liên công chúa dạy đạo cho nhiều người, nên năm 1641, khi Đắc Lộ đến đây đã làm phép Thánh tẩy cho 1.355 người. Từ năm 1643, Tướng Vinh về hưu tại Thành Chiêm, Ngọc Liên công chúa cũng theo về. Khi ông qua đời 1645, công chúa đến ở Hội An. Tại đây, chẳng những Ngọc Liên lo truyền giáo trực tiếp mà còn lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương) nơi nương náu cho những người nghèo khổ, neo đơn; đằng khác công chúa còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng lúc đó.

Bà Catarina, theo cha Đắc Lộ ghi nhận là người nổi bật nhất và là người thứ nhất trong nhóm người ở Thăng Long năm 1627-1628 nhận lãnh bí tích rửa tội với một đức Tin mạnh mẽ. Không rõ tên tuổi của bà, chỉ biết bà là người chị em (soeur) với chúa Trịnh Tráng. Bà mang tên thánh Catarina để trở nên giống thánh Catarina về lòng đạo đức và nhiệt thành. Bà thông thạo chữ Hán, lại có tài văn thơ. Bà cũng nói cho mẹ bà biết việc bà theo đạo Đức Chúa Blời đất và xin mẹ mình cũng theo đạo này. Bà mẹ khá thông thạo chữ Hán và rất sùng đạo cũ; chính các vị Sư sãi cũng gọi bà là Thầy, tức là vị Tôn Sư, vì bà có tài dạy đạo cho người khác. Nghe lời con, tức là bà Catarina, bà mẹ theo đạo mới, lại còn sùng đạo hơn trước. Chính bà đã giảng dạy và thuyết phục được nhiều bà quý phái khác sống theo đạo Đức Chúa Blời đất.

Riêng bà Catarina, chẳng những mộ mến đạo Chúa hết lòng, giảng đạo cho người chung quanh và đưa 17 người trong vương tộc vào đạo, mà còn trở thành “nhà văn Công giáo” đầu tiên ở Thăng Long, vì bà đã sáng tác 2 loại bằng văn thơ: một loại là Giáo lý, thuật lại từ việc Thiên Chúa tạo thành vạn vật đến khi Chúa Giêsu sinh ra, truyền giảng Tin Mừng, cuộc Thương khó, Phục sinh và Thăng thiên của Ngài. Ở phần cuối, Catarina thêm một loại khác, đó là kể lại việc hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bắt đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài. Theo chúng tôi hiểu, loại trước có lẽ được diễn tả bằng thơ lục bát, loại sau dưới hình thức vè. Nhờ các bài thơ, vè này mà anh chị tân tòng học thuộc giáo lý nhanh chóng, qua việc ngâm nga trong nhà, khi đi đường, lúc lao động nhẹ như hái dâu, làm cỏ, giã gạo. Cả đến một số đồng bào chưa theo đạo Chúa cũng sử dụng những bài thơ, vè trên vì loại văn thơ này rất thích họp với họ[37]. Tiếc rằng ngày nay chúng ta không có một bản thơ, vè nào trên đây, để nhận định rõ ràng hơn nội dung giáo lý và thi văn.

Nói về vấn đề có tính cách “văn bản” này, người ta không thể quên được một việc quan trọng do bổn đạo (không phải do các nhà truyền giáo người nước ngoài) đã thực hiện ngay từ khoảng năm 1629 tại Thăng Long. Đó là vào thời kỳ hai giáo sĩ bị quản thúc, một nhóm bổn đạo ở kinh đô có sáng kiến in lịch Công giáo, ghi lại các ngày lễ Chúa nhật, lễ trọng, ngày ăn chay trong năm, để chẳng những bổn đạo kinh đô dùng mà còn gửi đi khắp cả nước. Chắc rằng Lịch trên đây chẳng nhiều trang giấy như ngày nay, nhưng một điều quan trọng là thời ấv đã in Lich Công giáo[38]. Thực ra khoảng năm 1620 Đàng Trong đã có sách giáo lý (có lẽ bàng chữ Nôm), nhưng không tài liệu nào nói đến việc in ấn. Còn tập Lịch này, dù nhỏ bé đi nữa nhưng đã đươc in ấn. Sự thường theo phương thức mộc bản.

Nhiều người sau khi biết Chúa rồi, mạnh dạn nói cho người khác nghe: Bà Anna (không biết tên Việt) đã làm cho chồng mình là viên quan cai trị Xứ Đông (vùng Hải Dương) theo Chúa, chẳng những thế mỗi lần về kinh đô thay cho chồng lo một số việc, bà cũng dẫn về một số người sẵn sàng chịu phép Thánh tẩy; Cậu Lino (không biết tên Việt) 17 tuổi, sau khi theo Chúa cũng làm cho chính cha nuôi cậu là một võ quan cùng mọi người trong nhà quan được rửa tội. Đặc biệt, một ông Từ ồ Vu Xa (Vũ Xá, Ngũ Xá?) cách Thăng Long chừng hơn một ngày đàng, được một bà phi của chúa Trịnh Tráng giao trách nhiệm bảo vệ từ đường rất đẹp của bà (sau khi chết bà sẽ được thờ cúng tại đó). Khi nghe Đắc Lộ giảng, ông Từ quyết bỏ việc trên đây, vì tham dự vào hành vi mê tín. Theo Chúa, ông mang tên thánh là Antôn và vợ là Paula. Bà phi kia tức giận, lệnh cho quan địa phương của Antôn trói ông vào cột nơi công cộng, đánh đòn. Bỏ từ đường, cả hai ông bà càng hăng say truyền đạo, ông thì dạy cho nam giới, bà dạy cho nữ giới. Mỗi lần về kinh đô là ông dẫn theo lúc thì 20 người, lúc 30, có lần tới 80 người để chịu phép Thánh tẩy, trong số này khá đông người biết chữ Hán hơn ông.

Tin Chúa, sùng đạo, nhiệt thành với sinh hoạt tôn giáo đã vậy, bổn đạo Việt Nam xưa còn đứng ra lãnh trách nhiệm liên lạc trực tiếp với Đức Thánh Cha qua thư từ, không thụ động, không “khoán trắng” cho các thừa sai người nước ngoài những gì họ có thể làm được.

Bằng chứng là, ngày 15-7-1640 bổn đạo Đàng Trong đã dâng một tờ biểu lên Đức Thánh Cha Urbanô VIII[39], nội dung như sau: Từ khi các thầy Dòng Đức Chúa Giêsu đến truyền giáo trong xứ này đã 26 năm số bổn đạo hiện nay là 15.000, nhưng chưa ai lãnh nhận bí tích Thêm sức. Vậy, cúi xin Đức Thánh Cha ban phép cho thầy nào trong số các thầy ở đây được làm phép Thêm sức cho bổn đạo, để họ trở thành chiến sĩ Chúa Kitô trọn vẹn hơn, hầu trung thành chiến đấu trong cuộc chiến Đức tin. Những dòng đầu tiên tờ biểu ghi rõ ràng: “Petrus, Andreas, Joannes et reliqui Cocincinenses Christiani ad Sanctitatis Vestrae pedes prostramur venerabundi” (Phêrô, Anrê, Giuong và các bổn đạo Đàng Trong kính cẩn sấp mình dưới chân Đức Thánh Cha …) Cuối thư đề rõ là: “E Cocincinae regno et civitate Caciam Idibus Julli anni 1640” (tại Thành Chiêm – Kẻ Chàm – vương quốc Đàng Trong, ngày 15-7-1640). Ba vị đại diện bổn đạo trên đây chỉ được ghi bằng tên thánh, nhưng có thể đó là ông Phêrô Ki, đậu “sinh đồ”, đã làm quan dưới quyền ông Hoàng Nguyễn Phước Khê, đứng đầu giáo đoàn ở kinh đô, tử đạo 27-1-1665 tại Huế; Anrê Sơn, người đã bị tống giam trong ngục vì đức tin tại Thành Chiêm cùng với thầy Anrê tháng 7-1644, nhưng được tha vì đã 73 tuổi; Giuong Cây Trâm, tức Giuong Ketlam hoặc Giuong Vưang, là thầy dạy học, viết sách về Chúa và các thánh, đặc biệt cuốn Sách ngắm sự Đức Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày ở trên rừng, tử đạo tại Thành Chiêm ngày 11-5-1663, lúc 73 tuổi[40]. Theo chúng tôi nghĩ sáng kiến làm tờ biểu này là do cha Đắc Lộ, nhưng cha không đứng ra thay mặt giáo đoàn Đàng Trong viết, mà muốn anh em bổn đạo trực tiếp bày tỏ bằng giấy trắng mực đen. Sự thường tài liệu này được viết bằng chữ Hán, không phải chữ Nôm, càng không phải chữ Quốíc ngữ, rồi được Đắc Lộ phiên dịch sang La ngữ như chúng ta còn nhận ra nét chữ của cha trong tài liệu trên. Sau đó cả hai bản đều được gửi về Roma, nhưng chúng tôi không có bản chữ Hán, chỉ có bản La ngữ, nên đã dựa theo đó mà trình bày[41].

Một tài liệu khác chứng tỏ vào mấy năm đầu truyền giáo, bổn đạo Đàng Ngoài cũng liên lạc thư từ trực tiếp với Đức Thánh Cha Urbanô VIII và cha Bề trên Cả Dòng Tên Mutio Vitelleschi[42], nội dung chính là xin các Ngài giúp đỡ cách nào để nhiều người trong nước được nhận biết thờ phượng Thiên Chúa. Ở đây chúng tôi xin ghi lại theo tờ biểu bằng chữ Hán gồm 205 chữ trong 14 cột, viết trên giấy bản phổ thông, đệ lên Đức Thánh Cha Urbanô VIII năm 1630 (viết khoảng tháng 4 đầu tháng 5-1630)[43], do dịch giả Lê Kim Ngọc Tuyết phiên dịch sang tiếng Việt như sau:

“Thần và các bổn đạo nước An Nam, bái tạ Thiên địa Thân Chủ, mà viết thư này kính cẩn tấu lên đấng thay Chúa Giêsu chí thánh phụng sự.

“Thiên Chúa đã phái các Tôn sư giáo hoá muôn nước, duy nước An Nam hẻo lánh, từ xưa đến nay chưa được nghe chính đạo, nay may mắn thấy hai vị thầy Hoa Lang từ phương Tây không ngại sóng gió, nguy hiểm mà đến thẳng nước tôi, thừa lệnh Thiên Chúa giảng đạo, khuyên người, nên nước tôi hân hoan mộ mến chịu theo đạo được hơn năm ngàn, số còn lại muốn học càng nhiều. Nhưng vua thần nước tôi còn chưa thông hiểu, nên hết lời phỉ báng mà nói rằng, lúc đầu chưa có, nay từ đâu mà được. Duy độc nhất một mình lòng bổn đạo không nghi ngờ và hai ý, một mực thành kính, nên viết thư này tấu lên Chí Thánh.

“Xin lòng chân tình đại từ bi của Ngài cứu nước nhỏ bé chúng tôi, dùng kế gì khiến người giàu sang phú quý cũng như kẻ nghèo hèn bần tiện được đạo thánh, bỏ hết các nẻo khác để thoát cảnh trầm luân mà được hưởng phúc đức, thì sự ban cho có dư vậy.

“Thần và các bổn đạo cúi đầu, dập đầu kính cẩn tấu lên.

“Thư này, từ Thiên Chúa giáng sinh đến nay một ngàn sáu trăm ba mươi năm”.

Tài liệu không ghi rõ tên người đứng ra làm tờ biểu, nhưng chúng tôi chắc chắn là của bổn đạo Đàng Ngoài soạn thảo gửi lên Đức Thánh Cha vào năm 1630 nhờ cha Đắc Lộ khi về Macao chuyển đi. Chính cha Đắc Lộ đã phiên dịch sang La ngữ chuyển về Roma, rồi cho in năm 1652, còn cha Albi dịch sang Pháp ngữ in năm 1651[44]. Tờ biểu được soạn thảo vắn tắt, nhưng rất tha thiết thành khẩn theo cách diễn tả của bổn đạo đang lâm cảnh bơ vơ, vì vào đầu tháng 5-1630, tất cả 4 nhà truyền giáo đều phải ra khỏi Đàng Ngoài về Macao; đó là các linh mục: Pedro Marques, A. de Rhodes, Gaspar d’Amaral và Paulo Saito.

Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam mấy chục năm đầu truyền giáo, không phải chỉ ở chỗ mộ mến đạo, tin đạo, theo đạo, giữ đạo, sùng đạo, truyền đạo, nhưng còn dám can đảm “từ bỏ thế gian” và những quyến rũ thường tình của danh vọng, chức quyền, giàu sang, để hiến dâng cả cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ con người trong Tu hội Thầy giảng và Dòng Mến Thánh Giá. Tu hội được thành lập tại Đàng Ngoài ngày 17-4-1630 với ba con người tân tòng là Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhã Nhuận và tại Hội An, Đàng Trong ngày 31-7-1643 với 10 thầy giảng, trong số này có thầy Inhã, Anrê Phú Yên và Vinh Sơn. Về phía nữ, ngay vào khoảng 1640-1646 cũng có ba cô Monica, Nympha và Vitta sống chung với nhau một nhà khấn hứa trọn đời khiết trinh[45]; có thể nói được đó là “tiền thân” của Dòng Mến Thánh Giá, mà sau này khi Đức Cha Lambert đến Đàng Ngoài đã chính thức sáng lập vào ngày 19-2- 1670 với hai nữ tu đầu tiên là Phaola và Inê, rồi khi Ngài tới An Chỉ, Đàng Trong cuối năm 1671 cũng đã sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại nhà bà Luxia Kỳ, cùng một luật Dòng như Mến Thánh Giá Đàng Ngoài. Đến cỡ đó mà không được coi là nhiệt thành hay sao?

Chẳng những thế, ngay từ đầu đã có những bổn đạo như ông Phanxicô dù mới theo đạo được hai năm, nhưng can đảm thi hành đức ái triệt để “chôn xác kẻ chết”, vác xác đi chôn những người chết không nhà cửa, mà ông lại là người khiêng kiệu cho một quan lớn. Viên quan cho rằng nếu Phanxicô cứ vác xác người chết mà còn khiêng kiệu, thì làm nhơ bẩn cho quan, nên ra lệnh cấm ông chôn xác chết. Không tuân lệnh, nên Phanxicô bị quan đánh đòn, tống giam trong ngục, sau cùng quan tìm cách chém đầu Phanxicô. Đó là vào thời điểm 1630!

Sau khi thầy giảng Anrê Phú Yên chết vì đức tin tại Thành Chiêm ngày 26-7-1644 (được tôn vinh Chân phước ngày 3-5-2000), Trấn thủ Quảng Nam dinh phái viên quan xuống Phủ Quy Nhơn, truyền lệnh cho các bổn đạo phải ra thú nhận đã theo đạo Hoa Lang và phải từ bỏ đạo này, không tuân lệnh sẽ bị phạt. Thế mà không đầy một ngày, 700 bổn đạo kéo đến khai tên tuổi, tuyên xưng đức tin. Quá nhiều, viên quan chỉ chọn có 36 người trói lại giải về Thành Chiêm nộp cho Trấn thủ. Vì những lời đe doạ của quan, làm cho một ông già sợ chết, sợ mất của nên đã chối đạo; còn lại 35 người kia kiên trì trong Đức tin nên bị tống ngục. Được tin, cha Đắc Lộ ban đêm lẻn vào tù thăm họ, sau khi bổn đạo đã khéo léo liên lạc được với lính canh giữ tù. Gặp nhau cha con thật mừng rỡ, “ở trong tù mà như trên Thiên đàng ”, mọi người đều quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi tất cả đều xưng tội với cha, dự Thánh lễ, rước Mình Chúa. Trước khi trời sáng, Đắc Lộ thoát ra ngoài. Sau cùng, quan tha cho 29 người về nhà, chỉ giữ lại 6 người, đóng gông, đánh đòn nơi công cộng trong Thành Chiêm (Cacham, KeCham), rồi cũng tha về46. Như thế mà không gọi là nhiệt thành, là anh hùng đức tin sao được?

Lướt qua mấy bằng chứng trên đây, đủ cho thấy bổn đạo Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu truyền giáo, đã rất vững vàng trong Đức tin.

Rõ ràng là nhờ các nhà truyền giáo nước ngoài đã hy sinh, bỏ quê cha đất tổ, vượt bao khó khăn, nguy hiểm, dám từ bỏ cả mạng sống, để nhắm một mục đích cao cả, vô vị lợi, là giới thiệu Tin Mừng với xã hội và con người Việt Nam. Nhưng Tin Mừng được lan rộng nhanh chóng và dần dần ăn rễ sâu trên mảnh đất này còn tuỳ thuộc vào những đóng góp lớn lao hoặc âm thầm của ngàn vạn bổn đạo. Thử hỏi, nếu bổn đạo không nhiệt tình truyền bá Tin Mừng, nếu không có các thầy giảng lăn xả vào việc bảo vệ và phát triển Tin Mừng đã được các nhà thừa sai gieo trồng, không có các nữ tu Mến Thánh Giá lặng lẽ qua các thôn xóm làm việc từ thiện phước đức, thì liệu có được một Giáo hội Việt Nam như ngày nay không?

(Chú thích: xin xem trang sau)

Huế, tháng 4-2004

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Lễ khấn đầu tiên của Dòng Tên tại Pakistan

Thứ 7, ngày 24/2/2024 là một ngày đặc biệt với các Giêsu hữu của Pakistan, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *