Lòng yêu thú vật với ý thức sinh thái

                                                      Hoành Sơn

 

Ngay từ muôn xưa, loài người đã coi mình là chủ trái đất để coi khinh các sinh vật bên dưới. Chỉ trừ dân Ấn có luật cấm sát sinh, kỳ dư hết thảy đều ăn thịt thả cửa và sát phạt thú vật không hữu ích một cách vô tội vạ. Ngay cả người Do Thái và Ky tô hữu cũng làm vậy luôn.

Ý thức làm chủ trái đất trong Cựu Ước

Theo Sáng thế thư, sau khi tạo nên trời đất và muôn vật, Đức Giavê đã làm nên con người theo hình ảnh Ngài (1.27), rồi đặt nó vào giữa vườn Eđen “để canh tác và gìn giữ” (2.15), đồng thời cho nó “làm chủ cá biển, chim trời, lục súc và mọi động vật bò trên mặt đất” (1.28).

Các thánh vịnh, trong khi ca tụng Chúa về công trình tạo thế, cũng hãnh diện về quyền làm chủ thiên nhiên của loài người, như trong thánh vịnh 8 sau đây :

-“Cứ xem bầu trời, công trình ngón tay Chúa,

Mặt trăng và các sao do Chúa làm nên.

Vậy con người là chi mà Chúa nghĩ đến nó?

 Con của người là gì mà Chúa quan tâm đến nó?

“Chúa đã khiến cho nó chỉ kém thần linh tí ti,

Chúa đội triều thiển vinh quang và vinh dự cho nó;

Chúa đặt nó làm chủ những công trình do tay Ngài làm,

Chúa đặt tất cả dưới chân nó:

“Tất cả lục súc, mọi đàn lục súc,

Cả những loài thú hoang luôn,

Cùng với chim trời, cá biển,

……………………………..

“Ôi lạy Chúa, lạy Thiên Chúa chúng con,

Danh Chúa thật vĩ đại biết bao

Trên toàn cõi địa cầu!” 

Tuy rằng theo Cựu Ước khải thị, con người được làm chủ trái đất và muôn vật trên ấy thật đấy, nhưng không phải làm chủ tuyệt đối, khi mà Đức Giavê đặt ra những mục tiêu chúng điều kiện hoá sự làm chủ nói trên, và đây là để “gìn giữ” và “canh tác”, nghĩa là chăm sóc và làm phát triển thêm, chứ đâu phải tàn sát chim muông và phá hoại môi trường như người ta đang làm bây giờ, khi mà vì hưởng thụ và sản xuất chỉ để hưởng thụ, họ đã khiến đất đai và sông biển bị ô nhiễm nặng, trong khi tầng ô dôn bảo vệ sự sống mỏng dần đi, và CO2 trong không khí quá nhiều đang làm trái đất quá nóng, khiến những núi băng Nam cực và Bắc cực tan ra, và nước biển dâng cao sắp nhận chìm những vùng đất thấp ở ven biển và hải đảo.

Làm sao để cứu trái đất này đây, cùng với loài người chúng ta trên đó? Phải trở lại với ý thức sinh  thái và lòng trân quý sự sống mà Phương Đông chúng ta sẵn có hồi xa xưa!

Lòng tôn trọng sự sống theo truyền thống Phương Đông

Theo truyền thống đề cao ý tưởng của Platon, mà ý tưởng thì luôn đối kháng từng cặp như sáng với tối, trong với ngoài, ác với thiện, nên bên Tây người ta khó hoà hợp với nhau. Trái lại, Đông phương từ thực tại cụ thể mà suy chiêm, nên nhìn tất cả qua lăng kính âm dương bù trừ, khiến người ta dễ hiếu hoà, coi Hoà là hướng nhắm của Càn Khôn, của thiên nhiên, của sự sống.

Cái nhín âm dương là của chung cho cả truyền thống văn minh Đống Á và Nam Á.

Âm dương bên Ấn độ, đó là Tam cách (Triguna) Âm-Dương-Lực, trong khi yếu tố Lực nằm sẵn trong Âm và Dương bên Trung quốc rồi. Theo triết học Samkhya bên Ấn, tất cả đều do âm dương kết hợp mà thành. Còn theo Veda, thì vạn vật đã từ một Con người nguyên sơ mà xuất sinh. Do có cùng một nền tảng và nguồn gốc, nên tất cả hẳn có họ hàng với nhau.

Thêm vào đó, toàn dân Ấn phải giữ luật Cấm sát sinh (Ahimsa). Ahimsa rồi sẽ trở thành Bất bạo động trong tâm tư và hành động của Thánh (Mahâtma) Gandhi. Bất bạo động ấy mang một ý nghĩa rất Kytô-tính là Tình yêu không biên giới, dù biên giới là tôn giáo hay dân tộc. Và ảnh hưởng của nó đã vượt biên sang Tây phương vào thế kỷ XX, để thành phong trào phản chiến ở Pháp, và những cuộc biểu tình chống phân biệt sắc tộc bên Hoa kỳ do Martin Luther King lãnh đạo, mà kết quả là sau đó có một người da đen được bầu làm tổng thống bên Hiệp chúng quốc.

Đấy là sự hoà hợp giữa người với người. Còn về hoà hợp giữa người với thiên nhiên, thì Ấn độ cũng ảnh hưởng mạnh đến thế giới qua một con người vĩ đại khác : Rabindranath Tagore, giải thưởng Nobel văn chương năm 1913. Không những là một thiên tài về thơ (cùng với mấy môn nghệ thuật khác như nhạc và vũ), Tagore còn là một người yêu cỏ cây, sông núi do thiên bẩm của mình. Thiên nhiên ấy không chỉ là tự nhiên, mà còn là một thiên nhiên sống và thần thánh, được phủ dưới bóng êm đềm Đức Chúa, cũng là Cha luôn. Chúng ta hãy nghe một đoạn trong Gitanjali, trong đó Tagore chỉ nhìn thấy một DÒNG SỐNG nó đang êm chảy bên trong con người cũng như giữa muôn vật:

-“Dòng sống ấy trong tim mạch tôi đêm ngày chảy,

Cũng dòng ấy trên hoàn vũ đang múa nhảy nhịp nhàng,

Bật thành niềm vui trên ngọn cỏ, lùm cây,

Chảy lao xao trong nhị hoa, gân lá.

Cũng dòng ấy đu đưa trên gối mẹ, ở đứa trẻ sơ sinh

Khi sống chết đan nhau như nhấp nhô cơn sóng.

Chạm nguồn sống bao la, con người tôi bừng tỉnh

Với dòng sống muôn đời đang nhẹ đập tim tôi.”

                                        *

Và bây giờ, chúng ta hãy tìm đến Văn minh Đông Á với tiềm năng hoà hợp giữa loài người với nhau, và giữa con người với trời đất.

Theo Kinh DịchĐạo Đức Kinh Trung quốc, thì tất cả đã từ Thái cực hay Đạo, qua phân cực âm dương và âm dương tương hợp, tương thôi mà thành. Do đó, hướng đi của vạn vật luôn là “phụ âm nhi bão dương, xung khí dĩ vi Hoà”. Nghĩa là nếu đi vào con đường âm dương tương hợp tương thôi ấy của trời đất thì vạn sự sẽ xuôi êm. Xuôi êm cả trong cơ thể khi khí âm khí dương tương đắc với nhau, như Hoàng đế nội kinh nói :

-“Khí tương đắc tắc hoà, bất tương đắc tắc bệnh.”

Hoà luôn khắp dương gian trong lòng sự sống khi mà theo Chu Hi thì “âm dương biến hoá” khiến “vạn vật sinh sinh”. Kế đó hoà giữa loài người với nhau nữa khi mà âm dương hợp tụ, khiến “nhân dân hoà thuận, vương trị thái bình”, như Thái bình kinh xác quyết.

Hoà thuận và thái bình ư? Thế nhưng cũng như mọi dân tộc khác, dân Trung hoa không mấy khi được yên ổn làm ăn, dù có Khổng tử dạy vua quan dùng lể để hoá dân, dù có Lão tử dạy dùng nhu mà khuất phục cường quyền. Đó là do sự tham tàn của những người làm chủ đất nước.

Dẫu sao, đối với thiên nhiên, xem ra Trung quốc và Việt nam có một thái độ thân cận và gần gũi.

Quả thế, trong khi bên Tây người ta thích vẽ chân dung người tách khỏi núi sông và cây cối, thì bên Đông, người ta luôn hoạ cô thôn nữ tựa mình bên thân mai, và trong thơ người ta lấy dòng sông thu êm trôi để tả ánh mắt, lấy đường cong của núi mùa xuân để tả hàng lông mày của người đẹp :

-“Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”

                                          Truyện Kiều

Còn khi xây nhà, người ta phải xem phong thuỷ, và chọn những nơi phong cảnh hùng vĩ như sườn non, ven hồ để xây đền chùa, với tấm mái uốn cong dưới lùm cây cổ thụ.

Ngày nay khi mà con người đang tách khỏi thiên nhiên để giam mình trong những đô thị chật chội, cùng lúc phá rừng và đổ rác xuống sông để rồi bị thiển nhiên đe doạ trả thù, chúng ta cần phải trở lại cách nhìn âm dương hoà hợp nó kéo ta gần lại với núi sông và muông thú theo gương thánh Phan sinh Assisi, cũng là theo lời kêu gọi của Đức Phan sinh trong thông điệp  Laudato Si. Vâng, hãy bồi bổ cho sự sống và yêu quý sinh vật theo quy tắc “Lợi vật” nó thuộc đức Nhân của Phương Đông.

Riêng trong Kytô giáo, chúng ta hãy khai thác mầu nhiệm Tạo thế, nhất là Nhập thể và Thánh Thể để thấy thiên nhiên là thần thánh và đáng quý trọng đối với chúng ta.

Thiên nhiên qua mầu nhiệm Tạo thế, Nhập thể và Thánh Thể

Khoa học từ lâu đã cho thấy : Toàn vũ trụ đã từ một Quantum ban sơ mà hình thành dần dần, bắt đầu với các hat cơ bản, rồi nguyên tử, phân tử, kế đó siêu đại phân tử protein để bắt đầu cho sự sống; đến lượt sinh vật, chúng đã tiến hoá từ loại đơn bào đến đa bào, rồi từ thực vật đến động vật, từ khỉ tinh tinh đến con người. Dĩ nhiên con người đã vượt hẳn lên trên với linh hồn và ý chí tự do, nhưng xét về mặt cơ thể, nó cũng là vật chất và có họ hàng với những sinh vật kém tiến hoá hơn. Lại nữa, dù được đặt làm chủ trái đất, thì trái đất và muôn loài trên đó cũng là quà của Thiên Chúa ban. Mà đã là quà tặng của Đấng Tối cao do lòng thương tưởng của Ngài, thì chúng đáng phải được chúng ta trân quý hết sức chứ!

Nhìn qua lăng kính Sáng tạo, muôn vật đã thành thân cận với loài người như vậy rồi. Huống nữa khi Con Thiên Chúa đã “thành thịt” (incarnatus) giữa chúng ta, thi thiên nhiên ấy càng trở nên tôn quý biết bao, nhất là với mầu nhiệm Thánh Thể, khiến Teilhard de Chardin trong Milieu Divin (Môi trường thần thánh), thấy nó như vương nhiễm Thịt Máu Chúa. Nhất là khi tầm nhìn cánh chung (trong Cứu độ học) không chỉ hướng về Tận thế, mà còn hướng về Trời mới Đất mới trong tiên tri Isaia (65.17) và thánh Phêrô (2Ph.3.13); và Trời Đất mới ấy sẽ được chia sẻ vinh quang của con cái Thiên Chúa, như thánh Phaolô xác quyết ở thư Rôma 8.19-21.

Vậy hỏi từ nay, chúng ta còn dám khinh rẻ núi sông, cây cỏ, còn dám vô cớ đạp chết những sinh vật bé nhỏ vô hại nữa hay không? Nhất là khi gần đây, khoa sinh học đã khám phá thấy rất nhiều đông vật cũng có cảm xúc và tình cảm như con người.

Về cảm xúc và tình cảm của nhiều giống thú vật[1],

Con người vừa biết suy tư và quyết định, vừa có ý thức hồi phản về chính mình, điều ấy không chỉ nhờ vào linh hồn hay hồn thiêng liêng thôi, mà còn nhờ vào một hệ thần kinh rất phát triển, nhất là ở bộ não. Thế mà khá  nhiều thú vật cũng có hệ thần kinh phát triển gần mức chúng ta về một số mặt đấy.

Hãy nhìn xem con bạch tuộc chẳng hạn, bộ não trung tâm của nó có thể làm việc riêng bên cạnh những hệ thần kinh ngoại biên của tám cái vòi (như tám cánh tay) chúng cũng hoạt động từng cái riêng rẽ : có khi hai vòi thì bắt mồi trong khi những vòi khác cứ tiếp tục bơi. Nói cách khác, con bạch tuộc như có thể nghĩ đến tám chín công việc cùng lúc vậy!

Động vật cũng có cảm xúc nữa. Hãy coi đàn cá vàng bơi trong hô. Khi thấy người chủ đến rắc cám cho ăn, chúng liền hối hả bơi tới, xem như rất thích thú. Hãy nghe con chim hót líu lo một mình : có thể đó là lúc nó đang vui, và tiêng hót ấy càng thánh thót hơn khi một bạn tình tới đậu gần nó. Cảm nhận ấy là nhờ hoạt động của chất endomorphine (giảm đau) và dopamine (kích vui), giống như ở con người.

Còn tình cảm, thì phải kể đến mấy con vật rất giầu tình cảm là chó, cá heo và voi.

Hãy bắt đầu với chó. Với vỏ não thuỳ thái dương (cortex temporal), giúp nhận ra mặt chủ, và tầng phía trước (striatum ventral) đánh hơi thấy mùi chủ, chó cảm thấy người này rất thân thiết đối với nó, đến nỗi khi thấy chủ vui, nó cũng vui lây bằng cách ve vẩy đuôi, và khi thấy chủ gặp nguy hiểm, nó có thể liều mình cứu chủ. Chó trung thành với chủ đến nỗi mà ở Tokyo trước đây không lâu, khi theo ông chủ đã già ra ga lên xe lửa mà không thấy trở về, con chó của ông đã ở lỳ tại nhà ga, rồi chết tại đó. Và người ta đã đắp tượng con chó ấy trước nhà ga để kỷ niệm.

Cũng giàu tình cảm như chó là cá heo (dauphin). Nhờ vỏ não thính giác (cortex auditif) siêu nhạy, cá heo có thể nhận ra những biến đổi bên trong cơ thể đối diện để biết tình trạng sức khoẻ của cá heo bạn, rôi nhờ vỏ não cận viền  (cortex paralimbique hướng về xử lý cảm xúc) phát triển hơn là của con người, cùng với những nơ rôn hình thoi (en fuseau) cơ sở cho đồng cảm (empathie), cá heo trở nên rất vị tha, đến nỗi nó có thể liều thân cứu một cá heo khác hay cứu một con người đang gặp nạn.

Cũng vị tha như thế là loài voi.

Voi cũng có những nơ rôn hình thoi (en fuseau) hướng về ý thức bản thân và quan hệ xã hội. Nhờ thế, chúng có một tình đồng loại rất sâu đậm. Hãy lấy một trường hợp cụ thể làm ví dụ:

Năm 2003 tại khu bảo tồn quốc gia Samburu ở Kenya, con voi đầu đàn của bầy Đại mệnh phụ (First Ladies) xụm xuống. Lập tức con trưởng bối của một đàn khác đến giúp, cố đỡ nó dậy mà không được, nên xem ra rất khổ sở khi tiết địch ở hạch thuỳ thái dương (glandes temporales). Cuối cùng, con bị bệnh đã chết ngày hôm sau. Ít nhất có năm đàn voi đến viếng xác nó trong nhiều ngày liên tiếp, hoặc bằng cách đứng im lặng xung quanh, hoặc lay động con đã chết.

                                    *

Chỉ cách đây mấy thế kỷ, khoa học chẳng hề quan tâm đến thú vật mà người ta coi là không có đầu óc, cũng chẳng có cảm xúc gì. Descartes xem chúng không hơn gì những cỗ máy; còn Malebranche thì đánh cho chó kêu mà bảo :-Hãy xem Cái ấy nó kêu mà chẳng cảm thấy gì, chẳng khác nào chiếc đồng hồ quả lắc vậy! Con vật được làm nên cho con người sử dụng, nhất là để qua nó chúng ta khám phá cách vận hành của cơ thể chúng ta, thế thôi.

Cũng vì coi thú vật chẳng khác chi cục đá như vậy, nên khi có người như G.Romanes viết trong cuốn Sự thông minh động vật rằng : động vật cũng biết cảm xúc và lý giải, thì ông bị coi là điên rồ và nhân hình hoá lục súc. Quả thật vào thời ấy, khoa học coi hoạt động thú vật chỉ là phản xạ đối với kích thích từ ngoài thôi. Ngay gần đây, năm 1970, G. Chapouthier khi ấy còn là sinh viên, đã được nhắc nhở là “hãy coi con chuột bạch làm thí nghiệm chỉ như những mẩu gỗ thôi. Mọi sự đồng cảm sẽ được mang ra chế diễu, coi như những nhạy cảm không đúng chỗ”.

Thế nhưng sang đầu thế kỷ XXI, thái độ nói trên không còn nữa. Khoa học bắt đầu nhận ra rằng : Con thú không phải là cỗ máy hay cục gỗ, mà nó biết cảm xúc và đau đớn! Lại nữa, đứng vế mặt sinh học, khá nhiều thú vật có họ gần với con người. Con tinh tinh chẳng hạn, nó chia sẻ với chúng ta tới 98% mã di truyền đấy! Nhiều độngvật khác cũng có hệ thần kinh khá phát triển, khiến chúng có nhận thức, ngủ biết mơ, lại có ý thức về bản thân và về đồng loại. Chẳng nững có cảm xúc và biết đau khổ, mà nhờ vỏ não mới (néocortex), loài có vú còn biết tương thân tươnng ái, biết giúp đỡ nhau, thậm chí có thể liều mình để cứu nhau.

Một khi đã thấy rõ như thế, các nhà khoa học không còn dám tàn nhẫn với thú vật như trước. Dần dà đã phát sinh một nền luân lý liên quan đến cách đối xử với thú vật, rồi từ luân lý mà luật pháp cũng vào cuộc. Việc làm thí nghiệm trên động vật được giới hạn lại như sau : Nếu có thể thay thế bằng cách khác, thí phải thay thế. Bằng như không có cách thay thế, thì phải giảm bớt số lượng động vật sử dụng trong thí nghiệm, cũng như giảm tối đa sự đau đớn gây nên cho chúng!

Đây mới chỉ là bước đi khởi đầu, khi mà trên thế giới hằng năm vẫn có tới 60 tỷ súc vật bị giết thịt, đôi khi còn bị giết một cách rất dã man là khác. Tôi nhớ trước đây không lâu, một số nhà hàng Tầu ở Việt Nam còn ghi trong thực đơn một món ăn rất đắt tiền : Óc khỉ, óc sống ấy. Có nghĩa là nhà hàng sẽ mang tới bàn ăn một cái lồng chật hẹp, trong nhốt một chú khỉ sống. Lồng chỉ chứa vừa khít cơ thể con khỉ, khiến nó không cục cựa gì được, còn đầu bị giữ cứng ở phía trên, để qua một lỗ nhỏ ở đó, người ta đập vỡ óc khỉ, rồi lấy muỗm múc óc sống mà ăn, mặc cho chú khỉ kêu rên đau đớn.

                                       *

Để tỏ lòng nhân đạo với muông thú, lắm người hôm nay muốn ăn chay theo dân Ấn và Phật tử, nghĩa là tránh ăn thịt cá. Có người còn bỏ cả ăn trứng và uống sữa, lại không dùng giày dép bằng da bò hay da cá sấu, cũng tránh dùng áo ấm, chăn mền và khăn quàng cổ bằng lông cừu luôn.

Tôi thiêt nghĩ cũng không nên đi quá xa để coi con vật ngang bằng con người “linh ư vạn vật”. Sở dĩ Ấn giáo không ăn thịt, là vì, do niềm tin vào thuyết luân hồi , người ta sợ giết và ăn nhầm phải ông bà do nghiệp quả mà nay đang sống kiếp con cá, con heo. Nên nhớ, người Ấn tuy kiêng ăn mặn, nhưng vẫn uống sữa như uông nước, lại còn giết thú vật để tế thần nữa. khiên vào thế kỷ -III. Hoàng đế Asoka (A-dục) sau khi theo Phật giáo, đã ra lệnh cấm sát tế để giảm bới đau đớn cho lục súc.

Gần đây, bản tuyên ngôn “Quyền động vật” (Droit de l’Animal) xướng xuất từ bên Hoa ký năm 1970, nay đã truyền lan sang mấy nước tiến bộ như Pháp quốc chẳng hạn.

Ý thức sinh thái với lòng yêu muông thú

Theo khải thị (hay khải mạc, tức mở màn, re-velum-are, apokaluptô) CƯ, Thiên Chúa đã tạo nên thiên nhiên như quà tặng cho con người để nó sử dụng, coi sóc và phát triển, chứ không phải để nó mặc sức lạm dụng và tàn phá đâu. Nên phải xem thiên nhiên như Ngôi nhà (Ecology do Oikos… là ngôi nhà…) chung như Đức Phan sinh kêu gọi trong Laudato Si. Để được như thế, phải bớt thái độ “chủ nhân ông” để thân cận với chim muông, cây cỏ. Và đây là bắt chước thánh Phan sinh Assisi gọi Mặt trời là Anh, Mặt trăng là Chị, con sẻ và bông hoa là những em nhỏ thân thương.

Cứ sử dụng rau cỏ và lục súc khi cần cho sự sống. Chỉ nên giữ đúng nguyên tắc “Ăn để mà sống, chứ không sống để mà ăn”. Và hãy cải tạo đất đai, sông núi, hãy trồng trọt và chăn nuôi, hãy chế tạo vật dụng để phục vụ con người, chứ không nên làm ngược lại, là đặt thiên nhiên lên bàn thờ như vào thời bái vật (fétichisme). Bởi đích nhắm của tạo thế là con người, chứ không phải con bò hay cá ông, đúng như nhà khoa học Phật tử là Trịnh xuân Thuận cũng nhìn nhận như vậy.

Đối với những con vật độc hại cho giống người, như ruồi muỗi và vi rút, thì dĩ nhiên phải diiệt trừ tận gốc. Nhưng đừng vô cớ bắn chơi một con chim hay đạp chết một con cóc chỉ vì thấy ngứa mắt.

Một cách tích cực, hãy sống thân cận với chim muông, hoa cỏ, coi chúng không chỉ như vật dụng, mà còn như quà tặng Thiên Chúa gửi tới làm bạn với chúng ta. Rồi hãy nhìn sâu vào bên trong một thân cây để thấy sức sống diệu kỳ ở đó, cũng như nhìn sâu vào bên trong một con bướm đang hút nhị hoa để thấy nó cũng có cảm xúc thích thú như mình.

Ngoài ra khi đi du lịch, thay vì tìm đến chốn phồn hoa đô hội, hãy tới vui chơi nơi đồng ruộng, sông ngòi hay non cao hùng vĩ. Cũng nên làm nhà ở chốn thôn dã, vừa mát mẻ, thanh thoáng, vừa có cảnh đẹp tự nhiên, khiến tâm hồn dễ an bình và thư thái. Nếu phải kiếm việc làm tại thành thị, thì cứ sáng đi chiều về, hơn là suốt đêm ngày hít thở khói bụi và nghe xe chạy ầm ầm giữa phố phường chật hẹp và quá đông đúc.

Sống giữa thiên nhiên cùng với trời xanh, cây tươi và chim hót như vậy, chẳng những tâm hồn êm ả, mà cũng dễ cảm nhận sự có mặt thân cận của Thiên Chúa, và đây là đi vào CHIÊM ĐỂ YÊU (Contemplatio ob amorem) trong Linh thao thánh I-nhã Loyola.

                           

[1] Trong đoạn này, tác giả lấy tư liệu ở tạp chí Science et Vie số tháng Janv. 2017, tr. 41-58.

Kiểm tra tương tự

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Hôn nhân không phải là một trò chơi để “chiến thắng”

Gần đây, nhiều tác giả và diễn giả nổi tiếng đang nhấn mạnh đến tình …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *