Luật Tự Nhiên Và Nhân Phẩm

nature-law_thumb

 

Dẫn nhập

Luật Tự Nhiên

Phẩm giá con người

Ánh sáng của Luật Tự Nhiên cho thấy phẩm giá con người

Kết luận

 

I. Dẫn nhập

Qui Luật Tự Nhiên là những nguyên lý phổ quát và tất yếu chi phôi đến qui luật của vũ trụ và đạo đức. Nguyên lý phổ quát một mặt thiết lập mối dây liên kết chặt chẽ với nhân phẩm và quyền của con người nhưng mặt khác nó cũng chỉ ra giá trị nền tảng của con người và cách con người sống sự tự do, tình yêu và việc truy tìm chân lý. Tuy nhiên ánh sáng của Luật Tự Nhiên đã soi sáng điều gì về phẩm giá con người? Liệu rằng phẩm giá con người có chịu sự chi phối của những cơ chế chính trị, văn hoá và kinh tế không? Thực ra Luật Tự Nhiên cho thấy giá trị tự nội, cùng đích tối hậu và khả năng siêu việt của con người.

II. Luật Tự Nhiên

1. Khái niệm

Luật Tự Nhiên: qui luật hướng dẫn hành vi con người xuất phát từ toàn bộ đẩy đủ bản tính con người, được qui hướng về mục tiêu cuối cùng của bản tính ấy và được nhận biết nhờ lý trí, không cần đến mặc khải thiết định của Kitô giáo. Luật Tự Nhiên chỉ ra rằng sự tồn tại trong mọi hữu thể tùy theo bản tính. Lẽ dĩ nhiên trong cách hiểu về Luật Tự Nhiên sẽ có những quan điểm khác nhau tùy theo lập trường và quan điểm.

Nếu như Aristole nhấn mạnh Luật Tự Nhiên như là luật của lý trí, và sự vận hành của những qui luật có tính lý trí thì Ciceron lại nhấn mạnh đến tính trật tự của Luật Tự Nhiên là trật tự của vũ trụ. Chính vì thế chúng có tính phổ quát, vĩnh cửu và bất biến. Trong khi đó Thomas, tư tưởng gia tiêu biểu của trường phái kinh viện lại nối kết giữa Luật Tự Nhiên và luật của Thiên Chúa. Luật Tự Nhiên là sự vận hành của những nguyên lý theo Sự Thiện mà Sự Thiện tối hậu là chính Thiên Chúa. Đối với Hobbles và Hume, hai ông nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Luật Tự Nhiên trong việc quản trị và thực hiện khế ước xã hội. Nói tóm lại, cho dù cho có nhiều những quan điểm và lập trường khác nhau về Luật Tự Nhiên nhưng tất cả đều có một nguyên lý chung. Nguyên lý đó là những qui luật phổ quát, tất yếu, nội tại và siêu việt chi phối toàn bộ vũ trụ, xã hội và cá nhân. Nó là trật tự nguyên thủy và vĩnh cửu chi phối đến hạnh phúc, cách hành xử và tổ chức đời sống của con người.

2. Nền tảng Luật Tự Nhiên.

Hữu thể trong tính chất nguyên khôi của nó bao gồm sự hiện hữu và yếu tính. Với Thực Tại Tối Hậu thì hiện hữu trùng khớp với yếu tính, còn thực tại bất toàn thì hiện hữu không hoàn toàn trùng khớp với yếu tính. Sự hiện hữu mà trong đó có sự phù hợp giữa bản tính và yếu tính chính là đặc điểm của Sự Thiện. Sự Thiện là cái mà mọi vật đều muốn[1]. Nói cách khác tùy theo mức độ của sự trùng khớp giữa yếu tính và hiện hữu mà hữu thể có được Sự Thiện[2]. Vì con người là một hữu thể có lý trí cho nên con người sử dụng lý trí của mình đề hoàn tất dự phóng của đời mình, sống theo Sự Thiện và để đạt đến sự sung mãn tối hậu. Đó chính là nguyên lý và cùng đích của con người. Luật Tự Nhiên là những nguyên lý hướng dẫn hành động theo lý trí, điều tốt để thực hiện và điều xấu phải tránh. Đó chính là nguyên lý đầu tiên của lý trí thực tiễn.

Hữu thể chỉ có thể là HỮU hoặc VÔ HỮU, chúng không thể vừa hiện hữu vừa không. Mặt khác hữu thể tự chuyển động từ tiềm thể sang hiện thể. Hiện thể thuần túy cũng đồng nghĩa với Sự Thiện, ngược lại tiềm thể là cái chưa hoàn Thiện. Tự bản chất mỗi một hữu thể hướng tới HIỆN THỂ THUẦN TÚY, cho nên chúng cũng hướng đến Sự Thiện. Chính vì thế Sự Thiện theo Thomas nói thuộc về phần ý muốn. Sự Thiện là cái đáng ước mong. Bởi vì, mỗi một bản thể mang trong mình tính chất tự bảo tồn sự hiện hữu của riêng mình và chống lại sự phá hủy của riêng nó. Mỗi một hữu thể tìm kiếm sự bảo tồn của riêng nó. Vả lại cũng theo Thomas từ nguyên lý bản thể và tùy thể[3], ông cho rằng có hai loại Sự Thiện. Sự Thiện liên quan đến sự mô thể và sự hoàn Thiện của chính nó và Sự Thiện hướng đến hành động. Sự Thiện đầu tiên là Sự Thiện siêu hình, còn sự Thiện thứ hai là Sự Thiện đạo đức. Điều tốt hướng đến sự hoàn hảo của bản tính con người thì quan trọng hơn điều tốt mang tính luân lý. Từ lý thuyết về mặt tự nhiên về nguyên lý hiện hữu và hành động dẫn đến nguyên tắc luân lý là làm điều Thiện và tránh điều ác.

Con người với bản tính có lý trí cũng khao khát bảo tồn sự hiện hữu của chính mình. Cũng mang khao khát của mình hướng về điều Thiện. Điều Thiện cho con người chính là nó trở thành sự thành toàn theo bản tính có lý trí của riêng nó.

III. Phẩm giá con người

  1. Nền tảng của phẩm giá con người

Phẩm giá con người có thể được xem là giá trị có tính phổ quát và bền vững, nó là những giá trị cao nhất mà con người có (xét về mặt nhân bản) vượt qua tất cả những giới hạn không gian và thời gian. Sự phát triển của lịch sử tư tưởng Phương Tây cũng cho thấy những cách hiểu khác nhau về phẩm giá con người. Cách hiểu về phẩm giá con người tuỳ thuộc vào hệ thống tư tưởng, và nền tảng mà mỗi trường phái lựa chọn để đi đến một sự minh định về phẩm giá con người. Có bốn quan điểm khác nhau đại diện cho bốn trường phái học thuyết.

Cicero và Aristotle trường phái lấy vũ trụ làm trung tâm cho rằng phẩm giá con người dựa trên cơ sở tự nhiên, đó là khả năng thông dự của con người vào sự sống vĩnh cửu bằng lý trí[4].

Đối với Thomas, người đại diện cho trường phái lấy Chúa Kitô là trung tâm, ông giải thích nhân phẩm của con người trong tương quan với Chúa Kitô, “Nhân phẩm được xác định chủ thể trong tính cá vị của chính nó, chính bản tính lý trí xác định tính phổ quát của chính nó, nhân phẩm là yếu tính cho sự hiện hữu của một ngôi vị mang tính cá thể, nó là những gì mà con người có trước mọi thứ khác, nhân phẩm là những gì thống nhất trong chính nó.”[5] Nó cũng là điều nói lên con người là con người. “Con người được xem là một chủ thể được phân biệt bởi nhân phẩm.”[6] Mặc dù vậy Thomas cũng đi tới việc xác định về phẩm giá con người tồn tại cách tiên thiên trong tương quan với Thiên Chúa. Phẩm giá con người được nhìn dưới nhãn quan của công trình sáng tạo, nhập thể và cứu cuộc của Chúa Giêsu.

Còn đối với Immanuel Kant, học thuyết lý trí là trung tâm, ông cho rằng phẩm giá con người do khả năng lý trí quyết định. Phẩm giá con người liên quan đến khả năng tự do chọn lựa và hoàn thành dự phóng của đời sống cá nhân sao cho chọn lựa ấy trở thành châm ngôn phổ quát cho mọi người. Bằng lý trí đúng đắn, con người hành động theo bổn phận và ý muốn tốt lành dưới sự thúc đẩy của mệnh lệnh tuyệt đối. Mệnh lệnh ấy thúc đẩy con người hành động theo tự do và sự kính trọng đối với tha nhân. Chính vì thế, con người được đối xử như là cùng đích chứ không phải là phương tiện.

Còn đối với Mary Wollstonecraft, người đại diện cho Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại, nhấn mạnh đến học thuyết chính trị làm trung tâm, bà cho rằng phẩm giá con người có tương quan với sự chấp nhận của xã hội. Nhân phẩm là những nền tảng đươc thừa nhận chính thức trong những thể chế xã hội, “kinh nghiệm chính trị của lý trí.” Căn tính cá nhân được nhận biết cách thiết yếu trong tương quan xã hội có thể là tiêu chuẩn trước hết của nhân phẩm.

Kinh nghiệm về nhân phẩm con người có thể được qui chiếu vào tư tưởng và nguyên lý. Tư tưởng xác định những khía cạnh khác nhau của con ngươi như bản chất, tương quan với Thiên Chúa, chiều kích lý trí hoặc sự hội nhất xã hội. Mặc dù có sự đa dạng trong những lập trường tư tưởng khác nhau tùy theo bối cảnh lịch sử nhưng nó đều hướng đến một giá trị nền tảng chung. Giá trị nền tảng chung đó là nhân phẩm. Nhân phẩm chính là giá trị nền tảng của con người.[7]

2. Nguồn gốc và giá trị

2.1 nguồn gốc tự nhiên

Từ cách nhìn về nguyên lý tự nhiên, mọi hữu thể đều hướng đến cái Thiện và bảo tồn sự sống của riêng nó, ngược lại cái xấu là cái khuyết Thiện và chống lại sự bảo tồn sự sống. Chính vì thế cho nên, nguyên lý bảo tồn sự sống là nguyên lý đầu tiên. Nguồn gốc của việc không giết người rút ra từ việc không gây hại cho ai.[8]

Khi chúng ta đề cập đến con người là chúng ta đề cập đến bất cứ ai là người do chính bản thể con người của họ bảo chứng cho là người, không tùy thuộc các yếu tố ngoại tại, như thời gian, không gian, phái tính, ngôn ngữ, sắc tộc, thể chế chính trị, tôn giáo, điều kiện kinh tế và xã hội.[9]

2.2 nguồn gốc siêu nhiên

Bên cạnh nguồn gốc tự nhiên thì phẩm giá con người còn có nguồn gốc siêu nhiên. Con người là một thụ tạo được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, chính vì thế bằng khả năng lí trí của mình con người có thể nhận ra nguồn gốc siêu việt của mình. Vả lại phẩm giá con người mang chiều kích siêu việt trong tương quan với Đức Kitô, Thiên Chúa làm người. Ngài xuống thế làm người để cứu độ toàn diện con người. Giá trị cứu độ giải phóng con người khỏi tội lỗi, trả lại phẩm giá làm người cho con người và đặc biệt hơn con người có khả năng thông dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chính chiều kích nhân bản và thiêng liêng của phẩm giá con người nói lên tính độc nhất, phổ quát và tính toàn vẹn trong con người. Mặc dù bằng khả năng nhận thức của mình con người có thể lý giải nguồn gốc của mình bằng những học thuyết khác nhau, nhưng tất cả đều nhất trí nhân phẩm con người là giá trị nền tảng của con người. Giá trị đó tồn tại xuyên qua mọi dạng thức, văn hóa, tôn giáo, cơ chế, phong tục tập quán và ý thức hệ.

IV. Ánh sáng của Luật Tự Nhiên cho thấy phẩm giá con người

  1. Ánh sáng của Luật Tự Nhiên cho thấy giá trị nội tại của phẩm giá con người

Theo nguyên lý của Luật Tự Nhiên mỗi hữu thể theo bản tính của mình đều hướng đến việc bảo tồn chính mình. Hữu thể tồn tại từ tiềm thể sang hiện thể. Sự hiện thể thuần túy theo bản tính của mình là nền tảng của Sự Thiện. Cho nên Sự Thiện là cái đáng ước mong. Sự Thiện là sự triển nở của hữu thể đã hiện thể cách hoàn hảo. Sự phát triển hoàn hảo mang trong mình bản tính bảo toàn giá trị của chính mình. Cho nên việc bảo toàn đó là khuynh hướng vươn lên không ngừng của mọi hữu thể. Theo Thomas, con người có những khuynh hướng tự nhiên như: khuynh hướng bảo vệ sự sống, sự sinh sản và nuôi nấng con cái, tìm kiếm chân lý và việc xây dựng tình bạn. Những khuynh hướng này mang tính bẩn sinh và nó diễn đạt những khía cạnh thiết yếu về phẩm giá con người.

Giá trị nội tại của phẩm giá con người cho thấy tự bản chất con người có phẩm giá vượt trội hơn mọi hữu thể khác trong vũ trụ. Con người mang trong mình phẩm giá bởi vì mỗi người là một bản thể độc lập. Bản thể đó gắn liền với sự hiện hữu của một con người. Bản thể đó chính là bản chất tự nhiên của con người.

Bản chất tự nhiên và giá trị nội tại của phẩm giá con người được thể hiện qua các quyền cơ bản, như quyền sống, quyền tự do mà mưu cầu hạnh phúc. Trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Văn Phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc có đề cập. “Nhân quyền, hay quyền con người (tiếng Anh: Human rights) là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào.[1]

Ngoài ra dưới ánh sáng của Luật Tự Nhiên, con người là một con vật có lý trí. Lý trí là khả năng vượt trội của con người mà con người có thể sử dụng nó theo sự thúc đẩy của tiếng lương tâm mà hoàn thành dự phóng đời mình. Theo Kant chính khả năng lý trí giúp con người hành động “sao cho phương châm hành động của tôi trở thành phương châm phổ quát.”

Vì nhân phẩm gắn liền với nhân quyền mà nhân quyền gắn liền với bản tính con người cho nên nhà nước hay các thể chế chính trị đều phải công nhân các quyền ấy. Có thể ghi nhận tên tuổi của một số triết gia đáng chú ý đã gây ảnh hưởng đến các bản tuyên ngôn nhân quyền: Thomas Hobbes (1588-1679), Edward Coke (1552-1634), John Locke (1632-1704). Lập luận của họ đều dựa trên niềm thâm tín rằng: con người có những quyền lợi gắn liền với bản tính (nghĩa là bẩm sinh) chứ không phải là do đặc ân của nhà cầm quyền xã hội ban cấp.[2]

Từ những dẫn chứng trên cho thấy tính bất khả miễn trừ của việc tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của con người. Bởi vì nhân quyền và nhân phẩm là giá trị nền tảng gắn với bản tính tự nhiên của con người. Bản tính nhân loại vốn cao quí và có giá trị độc đáo. Bản tính cao quí thể hiện nơi giá trị tự nội của con người nhưng nó còn thể hiện khao khát hướng đến sự viên mãn và vươn đến siêu việt của con người.

  1. Ánh sáng của Luật Tự Nhiên mở đường cho con người đi tìm hạnh phúc Cùng đích tối hậu
  • Cùng đích tối hậu

Theo Aristotle, mỗi hữu thể đều hành động vì một mục đích nào đó. Con người là một hữu thể có lý trí cũng hành động theo một mục đích hay cứu cánh tối hậu. Cứu cánh của con người chính là hướng về Sự Thiện bởi vì Sự Thiện là điều mà con người không ngừng tìm kiếm và Sự Thiện hoàn hảo trong chính nó. Chính điều này là thiên hướng trong con người. Thiên hướng đó lôi kéo con người về Sự Thiện. “Những đặc tính thiên hướng trong nhân cách. Những đặc tính này không chỉ tồn tại nơi những tiềm thể đã được hiện thực nhưng ở nó chính là những điều tốt khi mang lại những hoa trái” (cho đời sống con người.) [3] “Cùng đích định hướng toàn bộ con người chúng ta, nó không hệ tại ở những gì mà chúng ta có hoặc những gì mà nó trở thành đối tượng của hành động nhưng là những qui tắc điều chỉnh hành vi của chúng ta để đạt đến những điều tốt theo qui định của lý trí.”[4] Lý trí đúng đắn cấp 1 tìm kiếm những gì là đúng đắn, lý trí đúng đắn 2 xác định tương quan giữa bản tính và cùng đích của riêng anh ta.[5]

  • Đạt được hạnh phúc

Thiên hướng tự nhiên tồn tại nơi nội tại con người thúc đẩy con người hành động để hướng đến cùng đích cuối cùng là chính hạnh phúc. Hạnh phúc cũng chính là hiện thực hóa những tiềm năng mà nó đã trở thành đối tượng của việc tìm kiếm. [6] Theo Philip Devine, Điều gì là tốt cho một con người, và những gì làm cho một con người tốt, là những chức năng của những gì một người là.”[7] Điều tốt cho con người cũng chính là Sự Thiện. Cái luôn thu hút những điều khác về lại với chúng. “Con người chỉ đạt được Sự Thiện và hạnh phúc khi đạt được mục tiêu cuối cùng của đời mình, đạt được thỏa mãn tất cả những khao khát trong bản tính của chính nó. Dưới ánh sáng của mặc khải Kitô giáo, hạnh phúc của con người chỉ có được khi con người được thông dự và kết hợp trọn hảo với sự vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Vậy đâu là điều giúp cho con người nhận ra được đó là hạnh phúc đích thực? Hạnh phúc đích thực qui chiếu về lý trí thực tiễn và việc đạt được tất cả những khao khát. Nhưng với bản tính bất toàn con người chỉ có được hạnh phúc thông dự, hạnh phúc bất hoàn hảo chứ không có hạnh phúc toàn hảo. Hạnh phúc toàn hảo khi đạt được Sự Thiện tối hậu và được kết hợp trọn vẹn với Chúa, đấng là hiện thế toàn vẹn.”[8]

Phẩm giá con người chỉ thực sự trọn vẹn khi chính nó sống một cuộc sống phù hợp với bản tính và cùng đích của chính nó. Luật Tự Nhiên chỉ ra nguyên tắc tất yếu và phổ quát ở nơi con người là khao khát bảo tồn bản tính trong chính hữu thể và vươn đến Sự Thiện tuyệt đối, Siêu Việt tuyệt đối, nhưng Kitô Giáo lại trả lời cho con người Sự Thiện tuyệt đối đó là gì và cách con người để vươn lên đến hạnh phúc cuối cùng. Vì khao khát hạnh phúc thuộc về phẩm chất và giá trị nền tảng của con người cho nên nó vượt qua mọi định chế và qui luật xã hội. Vì được thông dự vào luật vĩnh cửu cho nên con người không thể dùng những định chế xã hội để phủ nhận nó. Chính vì thế, người ta không thể dùng những cơ chế, phong tục, kinh tế và xã hội để cản trở con người đi tìm hạnh phúc.   

  1. Ánh sáng của Luật Tự Nhiên mở đường cho con người vươn tới chiều kích siêu việt

Khi con người quan sát thế giới tự nhiên bên cạnh những hiện tượng biến dịch và hư hoại, con người vẫn nhận thấy có những yếu tố nền tảng chi phối sự vận hành của qui luật thiên nhiên, đạo đức. Điều này chứng tỏ rằng bên ngoài thế giới vật chất này còn có một điều gì đó vượt lên trên thế giới khả giác và biến dịch. Con người bằng khả năng lý trí của mình cũng có thể vượt ra khỏi chính mình, bằng trực giác huyền nhiệm phóng vượt lên thế giới hoàn hảo để đạt đươc sự bất tử của linh hồn. Đối với Kant bằng khả năng lý trí ông nhân ra rằng: “có hai điều tràn ngập sự ngưỡng mộ trong tôi đó là bầu trời đầy sao và qui luật luân lý trong tôi.” Hai thế giới khả giác và thế giới khả tri, khả niệm có một một tương quan nhất định. Tương quan đó chịu sự chi phối của mệnh lệnh tuyệt đối.

Các triết gia cũng như cả tôn giáo cũng tin vào sự bất tử của linh hồn. Platon tin rằng con người có thể dùng lý trí tự nhiên để đạt được bất tử cho linh hồn. Henry cũng tin rằng linh hồn con người chiếm một vị trí nào đó trong không gian. Ngay cả cho đến tận thể kỷ 20 phần lớn các triết gia cũng tin vào sự bất tử của linh hồn. [9] Còn các tôn giáo tin rằng linh hồn bất tử là chuyện không thể chối cãi. Tuy nhiên sự bất tử của con người còn tuỳ thuộc và việc hành xử của con người theo những qui luật luân lý phổ quát.

Bằng khả năng lý trí tự nhiên con người có khả năng nhận ra mệnh lệnh tuyệt đối. Mệnh lệnh tuyệt đối trong tư tưởng của Kant cũng có thể chịu ảnh hưởng của Thomas, đó là việc làm lành lánh dữ, việc thực hành theo lương tâm. Bằng việc thực hành theo những mệnh lệnh khách quan, phổ quát, những mệnh lệnh vượt qua sự khác biệt về văn hóa và thời đại. Con người vừa được nhấc bổng lên để trở thành “công dân của vũ trụ” vừa trở về cội nguồn nơi cá nhân được hòa nhập với Nhất Thể.

Có thể nói bằng khả năng tự nhiên, lý trí thực tiễn, tiếng lương tâm và mệnh lệnh tuyệt đối, con người có thể vượt qua được chính mình, vượt qua được thế giới khả giác, thế giới biến dịch để vươn lên tới Thế Giới Hằng Tại hay Siêu Việt. Lý trí đúng đắn thúc đẩy con người hành động theo bổn phận. Nói cách khác, lý trí đúng đắn giúp con người nhận ra được qui Luật Tự Nhiên. Qui luật đó có thể giúp con người thông dự vào sự vĩnh cửu.

Theo Thomas, con người có bản tính truy tìm chân lý, cứu cánh cuối cùng, hạnh phúc vĩnh cửu, bảo tồn sự sống. Đó là giá trị nền tảng trong đời sống con người. Khao khát đó cụ thể hoá trong những tôn giáo tự nhiên và tôn giáo mặc khải. Chính vì thế cho nên tôn giáo thuộc về quyền tự nhiên của con người. Quyền đó vượt lên trên những qui luật mang tính cưỡng chế và cơ cấu kinh tế. Việc tự do tôn giáo là quyền tự nhiên và sự phê chuẩn đúng đắn của những cơ cấu pháp luật. Pháp luật không có lý do gì để làm méo mó quyền lợi chính đáng của con người nhưng pháp luật chỉ cụ thể hoá và bảo vệ những quyền đó bằng những định chế hợp với lý trí tự nhiên của con người. Việc thực thi quyền căn bản dựa trên những giá trị nền tảng của con người, đó mới là tiêu chuẩn thực sự của sự văn minh.

V. Kết luận

Mọi hữu thể trong bản tính của nó đều gắn liền với sự hiện hữu và sự tăng trưởng để hướng về cùng đích. Luật Tự Nhiên chỉ ra những nguyên lý phổ quát và tuyệt đối chi phối qui luật của vũ trụ và qui luật đạo đức xa hội. Nói cách khác Luật Tự Nhiên cho con người nhận ra giá trị tự nội của mình, nó thúc đẩy con người đi tìm về cùng đích tối hậu, hạnh phúc hoàn hảo, và vươn lên đến siêu việt.

Trải qua dòng lịch sử và bằng ánh sáng của lý trí thực tiễn, mức độ nhận biết và phạm vi phổ quát của Luật Tự Nhiên được con người nhận thức khác nhau nhưng tất cả đều đồng ý với nhau về những qui luật phổ quát, qui luật này thừa nhận giá trị nền tảng và bất biến của phẩm giá con người. Chính vì là nền tảng và bất biến cho nên phẩm giá con người không chịu sự “chi phối của các thể chế, ý thức hệ và sự đồng thuận của các cử tri”.

Nhân phẩm gắn chặt với nhân quyền, bởi vì nhân quyền là cách thể hiện giá trị nền tảng nơi con người dưới những góc độ khác nhau. Những quyền cơ bản của con người được định chế hoá trong những bản hiến pháp, hiến chương. Hiến pháp chỉ rõ tính chất độc nhất, phổ quát và nguyên vẹn của phẩm giá con người. Những quyền cơ bản được hầu hết các bản tuyên ngôn thừa nhận đó là quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Dưới ánh sáng của mặc khải Kitô giáo giá trị nhân phẩm và quyền tự nhiên được soi sáng vì chúng cho thấy nguồn gốc thiêng liêng, linh thánh, giá trị nơi con người. Lý trí và nhân phẩm của con người được chia sẻ thượng trí, khôn ngoan và sự thông hiệp với sự sống thần linh của Thiên Chúa. Giá trị nhân bản và thiêng liêng làm cho con người không còn là những cá thể độc lập và tự ban bố qui luật nhưng nó cho thấy tính phổ quát của con người vì nó thực sự là công dân của hoàn vũ.

 

 

 Gioan Phạm Duy Anh, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

 

Tài Liệu Tham Khảo

 

Anthony J. Lisska, Aquinas’s Theory of Natural Law: An Analytic Reconstruction, Oxford, Oxford University Press, 1996

Aristotle, Ethics, bk. I, ch. 1, 109a 3.

Aristotle, Nichomachean Ethics, 1123a18.

McInerny, Aquinas on Human Action, p. 136.

What is Human Dignity? By Mette Lebech, Faculty of Philosophy, National University of Ireland, Maynooth

Devine, Natural Law Ethics

FAGOTHEY, Austin, SJ, Right and Reason, Ethics in Theory and Practice, 4th Edition (St Louis), The Cv. Mosby Company, 1968

The Ontological Foundations for Natural Law Theory and Contemporary Ethical Naturalism, Bernard Mauser, Marquette University

Bộ Giáo Lý Đức Tin, HUẤN THỊ DIGNITAS PERSONAE (PHẨM GIÁ CON NGƯỜI),Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam

TS Nguyễn Học Tập, Phảm Gía Con Người Trong Thể Chế Nhân Bản (www.vietnamvanhien.net)

Http://Vi.Wikipedia.Org/Wiki/Nh%C3%A2n_Quy%E1%Bb%81n

Http://lamhong.org/2011/09/12/ph%E1%BA%A9m-gia-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nhan-ph%E1%BA%A9m-va-nhan-quy%E1%BB%81n/ (Giuse Phan Tấn Thành, OP, Phẩm giá con người: Nhân phẩm và nhân quyền)

Http://Vi.Wikipedia.Org/Wiki/Nh%C3%A2n_Quy%E1%Bb%81n

[1] Http://Vi.Wikipedia.Org/Wiki/Nh%C3%A2n_Quy%E1%Bb%81n

[2]Http://lamhong.org/2011/09/12/ph%E1%BA%A9m-gia-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-nhan-ph%E1%BA%A9m-va-nhan-quy%E1%BB%81n/ (Giuse Phan Tấn Thành, OP, Phẩm giá con người: Nhân Phẩm và Nhân Quyền)

[3] “A dispositional property is developmental in character.” Anthony J. Lisska, Aquinas’s Theory of Natural Law: An Analytic Reconstruction, (Oxford: Oxford University Press, 1996): p. 103.

[4] Theo McInerny, Aquinas on Human Action, p. 136.

[5] Theo The Ontological Foundations for Natural Law Theory and Contemporary Ethical Naturalism, Bernard Mauser, Marquette University, P. 47

[6] Theo The Ontological Foundations for Natural Law Theory and Contemporary Ethical Naturalism, Bernard Mauser, Marquette University, P. 39

[7] Devine, Natural Law Ethics, p. 31.

[8] Theo FAGOTHEY, Austin, SJ, Right and Reason, Ethics in Theory and Practice, 4th Edition (St Louis), The Cv. Mosby Company, 1968, P. 155-156

[9] A few philosophers, such as Henry James, have come to believe that for something to exist, it must occupy space (although not necessarily physical space), and hence, souls are located somewhere in space (Henry, 2007)

[1] Aristotle, Ethics, bk. I, ch. 1, 109a 3.

[2] Mô thể của Sự Thiện là đối tượng tối hậu của sự hiểu biết. Plato writes that the Form (or Idea) of the Good is the ultimate object of knowledge, although it is not knowledge itself, and from the Good, things that are just, gain their usefulness and value.

[3] Bản thể là cái làm nền, cái cốt yếu, nội tại không thay đôi, còn tùy thể là cái phụ thuộc, thứ yếu, ngoại tại và hay thay đổi

[4] Aristotle, Nichomachean Ethics, 1123a18.

[5] “Dignity, thus, like personhood, defines the subject in its individuality, while its rational nature determines its universal ‘whatness.’ Dignity, in other words, is essential to the existence of the individual person: it is what the person is before anything else, it is what identifies it.” Theo, What is Human Dignity? By Mette Lebech, Faculty of Philosophy, National University of Ireland, Maynooth, Tr. 5.

[6] What is Human Dignity? By Mette Lebech, Faculty of Philosophy, National University of Ireland, Maynooth

[7] Ibidem

[8] Some things are derived [derivantur] from common principles of the law of nature in the manner of a conclusion [per modum conclusionis], as ‘one should not kill’ can be derived as a kind of conclusion [ut conclusio quaedam derivari potest] from ‘one should do harm/evil [malum] to no one’. St. Thomas Aquinas, Summa Theologica, I-II Q. 95 a. 2c.

[9] Theo TS Nguyễn Học Tập, Phảm Giá Con Người Trong Thể Chế Nhân Bản (www.vietnamvanhien.net)

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *