Martin Heidegger (phần 2/2)

Martin HeideggerMartin Heidegger (1889 – 1976)

  • Dẫn nhập
  • 1. Tiểu sử
  • 2. Hữu thể luận của Heidegger
  • 3. Tiền Heidegger
  • 4. Hậu Heidegger
  • Kết luận

3. Tiền Heidegger

Chìa khoá đi vào tác phẩm Hữu Thể và Thời Gian chính là Dasein (tại-hữu). Cần phải nói rằng nếu chỉ có tại thì tất cả mọi sự vật đều tồn tại. Tuy nhiên, con người không những tồn tại nhưng còn biết mình hiện hữu, tức là ý thức được sự hiện hữu của mình. Như vậy, Dasein là thuật ngữ mà Heidegger muốn dành riêng cho hiện hữu con người. Việc con người hiện hữu trong thế giới không phải là về khía cạnh không gian như sách ở trong kệ sách, kệ sách ở trong phòng, phòng ở trong nhà, tức là những hữu thể có trương độ tồn tại cách khách quan; nhưng là một sự hiện hữu trong liên hệ ý nghĩa với thế giới, tức là có sự ý thức về thế giới ấy và thế giới ấy có ý nghĩa với con người. Thế giới chỉ thật sự có đó khi được con người ý thức về và con người cũng chỉ là con người trong mối quan hệ hiện hữu với thế giới. Heidegger đã nói, thế giới hình thành thế giới là như thế.

Trong thế giới mà con người sống có nhiều mối tương quan nhưng tựu trung chỉ có hai thái độ bao trùm lấy tất cả những tương quan đó: thái độ quan tâm hay dửng dưng. Trước hết, cái tôi-tại-thế trong sự liên quan với các sự vật ở hai mức độ: trong tầm tay (at hand) và trước tầm tay (before hand). Trước tầm tay là cái bây giờ tôi chưa cần, chưa dùng đến và vì thế thái độ của tôi đối với nó là dửng dưng. Còn những cái trong tầm tay là những sự vật mà tôi đang cần đến và thái độ của tôi đối với chúng là quan tâm. Chính sự liên quan với cái “at hand” làm cho tôi thật sự tại thế. Còn tương quan với những người khác là tương quan cùng tồn tại (with being). Tôi không thể đối xử với người khác như đối xử với đồ vật. Tôi và người khác đều là chủ thể, tôi không thể dùng họ như đồ vật. Tương quan giữa người với người thật khác với giữa người với vật. Mỗi người có một chỗ đứng riêng “ở đây” (here) hay “ở đó” (there). Vì thế, không ai có thể thay thế cho ai được. Trong tương quan với tha nhân cũng có hai thái độ, một là dửng dưng chẳng quan tâm gì; hai là ân cần và quan tâm thái quá dẫn đến tình trạng nói thay làm thay cho người khác. Như thế, tôi đã vô tình đẩy tha nhân xuống vị thế của người phụ thuộc và tôi vươn lên thành kẻ thống trị. Tuy nhiên, tư thế ấy cũng có thể bị đảo ngược, tức tôi trở thành kẻ bị trị, rơi vào trạng thái vong thân trong thế-giới-người-ta. Chính trong ý hướng này mà Heidegger đề cập đến sự hiện hữu bản chân và phi chân.

Hiện hữu phi chân là khi chủ thể đánh mất chính mình trong thế-giới-người-ta. Chủ thể núp sau đám đông, không còn vẻ độc đáo và cũng không dám nói lên chính kiến của mình nữa. Cái tại giờ đây đã bị lu mờ đi. Chủ thể trốn tránh chính mình và tìm kiếm một cõi-người-ta để dung thân. Heidegger nói rằng thông thường thì Dasein sẽ đảm đương lấy chính mình và dự phóng cuộc đời mình dựa trên những khả thể của riêng nó. Tuy nhiên, trong thường nhật tính, chủ thể thường đánh mất mình bởi cái-người-ta. Cần có một tiếng gọi của lương tri (the call of conscience) để kéo chủ thể ra khỏi thế-giới-người-ta ấy. Tiếng gọi này sẽ mang đến cho chủ thể một khoảng lặng, một điểm dừng để từ đó chủ thể có thể hiểu và suy nghĩ về những gì mà người ta nói, người ta làm. Nhờ vậy, chủ thể bắt đầu tách mình ra khỏi đám đông và dám đảm đương lấy chính cuộc sống của mình.

Khi chủ thể đảm đương lấy chính mình, dự phóng mình trên những khả năng riêng tư của mình thì khi đó chủ thể đã hiện hữu bản chân. Việc chuyển từ hiện hữu phi chân sang bản chân là một quá trình với khởi điểm là sự lo âu, xao xuyến và quan tâm về tính hư vô của thế giới hay của chính bản thân Dasein. Đối với Dasein, hư vô tính hay cái chết chính là khả thể bất khả thắng vượt mà mỗi Dasein phải đối diện và phải dự phóng mình trên đó. Không ai có thể chết thay cho ai được, cũng chẳng ai có thể kinh nghiệm được cái chết qua cái chết của người khác. Cái chết là điều gì đó rất riêng tư mà mỗi người phải đảm nhận lấy. Chính với nỗi lo âu, xao xuyến trước cái chết; mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình để việc hiện hữu rất riêng của mỗi người có ý nghĩa.

Việc Dasein phải đối diện với cái chết nói lên thực tế rằng Dasein bị quăng ném vào thế giới và chịu sự chi phối của thời gian, tức là sự hiện hữu của Dasein có điểm bắt đầu và kết thúc. Thời gian là cái bao trùm, gói ghém lấy hiện hữu nhưng đồng thời cũng là nơi để cho hiện hữu tỏ lộ ra. Hiện hữu có trốn tránh thời gian đi chăng nữa thì thời gian vẫn mãi còn đó. Mỗi cái hiện tại là tương lai của quá khứ và lại là quá khứ của tương lai. Quá khứ được cô đọng lại trong hiện tại, tức là nó đã đi qua nhưng thật sự lại không hề qua đi. Còn tương lai lại là dự phóng của hiện tại, là cái mà hiện tại sẽ tỏ lộ ra. Bởi thế, từ khi Dasein bị quăng ném vào thế giới cho đến thời điểm hiện tại nó không ngừng hướng về khả thể bất khả thắng vượt của mình là cái chết. Chỉ khi nào Dasein cảm thấy an tâm và sẵn sàng đảm nhận cái chết của mình lúc ấy Dasein mới thật sự hiện hữu bản chân. Còn ngược lại là một sự hiện hữu phi chân, Dasein bị vong thân trong một thế-giới-người-ta.

4. Hậu Heidegger

Vấn đề chính yếu trong Hậu Heidegger là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là nhà của tư tưởng. Ngôn ngữ che đậy nhưng cũng vén mở chân lý. Trước kia con người bằng mọi nỗ lực đi lùng kiếm chân lý. Bây giờ chân lý là chân lý tự tỏ lộ, vì nếu chủ động đi tìm kiếm thì cái tìm được cũng chưa chắc có phải là chân lý hay không mà phần nhiều sẽ là kết quả của một lý trí duy kỹ thuật. Bởi vì, chỉ với những dụng cụ kỹ thuật ta mới tìm được điều mình muốn tìm một cách chắc chắn rõ ràng. Nhưng chính điều này lại là một sự lừa dối đối với con người khi họ bằng lòng với những kết quả của kỹ thuật và xem đó là cái đích của sự tìm kiếm rồi.

Có thể nói thế này, ngôn ngữ của khoa học kỹ thuật mang tính hình thức và đóng khung, tiêu biểu là ngôn ngữ mang tính logic. Logic đã biến ngôn ngữ thành những hình thức và cấu trúc chết cứng. Nó làm cho người ta chỉ để ý đến cấu trúc mà chẳng quan tâm mấy đến ý nghĩa của ngôn từ. Từ việc chỉ quan tâm đến cấu trúc của ngôn ngữ, người ta xa dần bản chất đích thực của ngôn ngữ cũng như xa dần việc lắng nghe để nhận lấy ý nghĩa và nội dung của chính lời được phát ra. Thêm vào đó, chính vì sự cứng nhắc của cấu trúc nên ngôn ngữ khoa học không thể nào truyền tải hết những gì sự vật tỏ bày, vì sự vật tỏ lộ trong “muôn hình vạn trạng” mà ngôn ngữ khoa học lại nghèo nào trong hình thức. Do vậy, với Heidegger thơ ca mới là ngôn ngữ phù hợp với triết học, vì có lẽ thơ ca vừa uyển chuyển trong việc khai mở sự tỏ lộ của sự vật, lại vừa mang ý nghĩa chất chứa trong ngôn từ. Thơ ca uyển chuyển vì thơ ca không mang hình thức cụ thể. Thơ ca có ý nghĩa chất chứa vì tự bản chất lời đã muốn truyền tải điều được nói đến trong chính lời rồi. Hơn thế nữa, lời không chỉ truyền tải những gì bên ngoài giác quan những còn có thể truyền những tâm tình, những cảm nhận nơi tinh thần. Do vậy, sự truyền tải và mô tả của thơ ca có tính trọn vẹn và triệt để hơn. Chính sự trọn vẹn này của thơ ca mà ngôn ngữ cần được lắng nghe, suy niệm và chiêm nghiệm vì lời mang sức mạnh nội tại nơi chính nó. Duy trì sự lắng nghe, suy niệm và chiêm niệm là để cho lời đi vào trong tận thâm cung của hữu thể con người, chính nơi đó ngôn ngữ có thể tỏ lộ chính yếu tính của nó cho trọn vẹn hữu thể con người. Cũng vì lý do đó mà ngôn ngữ thi ca có thể giúp con người nhận ra dấu vết của hữu thể và tiếp cận với Tuyệt Đối dễ dàng hơn. Bởi vì, hữu thể giờ đây không đứng trong một tâm thế để nắm bắt chân lý nhưng là một thái độ chuẩn bị, sửa soạn để đón chờ chân lý tỏ lộ ra, và nhờ thế mà nhận biết được chân lý.

Chân lý tuyệt đối này không phải là hư vô nhưng cũng không phải là cái có bình thường. Đó là giới hạn mà suy nghĩ con người không thể vượt quá. Lúc ấy, với ngôn ngữ gợi mở của thi ca ta mới có thể hy vọng ‘bập bẹ’ một điều gì đó về tuyện đối. Như vậy, Heidegger không chủ trương hư vô cho bằng một “Atheist Philosophy” – triết học phi thần, tức là cái nằm ngoài những gì mà con người cho là thần. Trong lĩnh vực này con người không thể chủ động nắm bắt được gì cả mà chỉ có thể đón chờ để chân lý mặc khải ra mà thôi.

Kết luận

Với hy vọng có thể khắc hoạ một vài nét tổng quát về tư tưởng và cuộc đời của triết gia Heidegger, bài tóm lược này tuy còn sơ sài nhưng đã cố gắng cho thấy phần nào những điểm quan trọng khi nhắc đến ông. Cuộc đời của Heidegger gắn liền với những khúc quanh làm thay đổi định hướng cuộc sống và đưa tư tưởng triết học của ông đến những ngã rẽ khá ngoạn mục. Với Tiền Heidegger, ta có thể thấy ông nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc hiện hữu con người. Hiện hữu đó là hiện hữu hướng về cái chết nên mỗi người cần có thái độ an tâm, sẵn sàng để có thể dự phóng cuộc đời mình trên khả thể bất khả thẳng vượt đó. Chính tâm thế sẵn sàng này khiến cho việc hiện hữu của con người có ý nghĩa; và đó chính là hiện hữu bản chân. Với Hậu Heidegger, việc tìm kiếm và mong muốn diễn đạt hữu thể lại được thay thế bằng một thái độ chờ đợi để hữu thể tự tỏ lộ. Với ngôn ngữ giàu hình ảnh và rất gợi hứng của thi ca, con người có thể mon men, bập bẹ để từng bước tiếp cận với hữu thể ấy.

 

Vũ Đức Anh Phương, S.J.

Học viên Triết I

Học viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *