Mặt Trời Trong Tim

heartsun

Mặt trời nào soi sáng tim tôi, để tình yêu xay mòn thành đá cuội

Cát Bụi – Trịnh Công Sơn

Con người vẫn là hữu thể mang trong mình nỗi khao khát vô tận. Khao khát vô tận đặt con người giữa hai thái cực, tự nhiên và siêu nhiên. Yếu tối siêu việt vừa tồn tại bên trong con người và bên ngoài con người. Yếu tố đó vừa là một khoảng trống nơi con người vừa là một dòng chảy vừa tối tăm sâu thẳm vừa sáng láng bao la trong tâm hồn con người. Khoảng trống tối tăm nơi tâm hồn con người và nơi thế giới mà con người khao khát. Khoảng trống đó soi dẫn và chảy tràn trong trái tim con người. Khoảng trống và sự lấp đầy cũng đồng nhất với Ánh Sáng và sự tăm tối nơi con người và thế giới siêu việt.

Mặt trời chính là dòng chảy trong trái tim con người. Dòng chảy đó chính là khoảng trống tự hữu nơi con người, cảm giác chơi vơi của sự chuyển động và đồng nhất giữa tại ngã và khoảng không tuyệt đối của sự thành toàn tuôn chảy mãnh liệt trong trái tim con người.

Có thể nói con người hiện sinh đã có“mênh mang nỗi buồn và sự xao xuyến”. Nỗi buồn và sự sao xuyến tự bản chất nó đã tồn tại trong trái tim con người; là cảm giác đứng trước sự thay đổi và sự đánh mất; nỗi buồn khi con người đứng trước cái chết.

Dường như tự nơi bản chất con người có một điều gì trống vắng trong tâm hồn mà khi sinh ra con người đã mang những yếu tố đó. Nó có thể là một năng lực tự nhiên, một sự thiếu hụt mà tự mình con người không thể tự lấp đầy nhưng cần một “tha ngã” để lấp đầy sự trống vắng đó. Cảm giác thiếu hụt và xao xuyến thường được nhận thức được qua việc ý thức về sự tồn hữu. Ở điểm này mặc dầu chủ nghĩa hiện sinh đã cho một câu trả lời khá thuyết phục đó là nỗi buồn và sự xao xuyến đến từ sự phóng thể. Một sự đánh mất chính mình để đồng hóa mình với quần chúng và thiên nhiên[1]. Tuy nhiên trong kinh nghiệm thường nghiệm cho thấy, tự mình con người không lấp đầy và khỏa lấp tất cả những khao khát của mình nhưng cần một “tha ngã” để lấp đầy sự thiếu hụt và xao xuyến đó.

Vả lại, nỗi buồn và sự xao xuyến đến từ sự thay đổi của thế giới. Thế giới mà con người đang sống chịu sự tác động của nhiều yếu tố bao gồm cả tự nhiện, xã hội, tấm lý, siêu nhiên. Con người vốn cần thiết lập một mối tương quan thiết yếu và ổn định với thế giới. Nhưng sự thay đổi của những thực tại bên ngoài và bên trong càng khoét sâu cảm giác mất an toàn nơi con người. Chính vì thế, con người luôn có cảm giác bị mất phương hướng và thất đoạt. Mối giằng có giữa cái là mình và mất mình gây ra cảm giác hư vô hóa và đẩy con người đến nỗi buồn “muôn thủa”[2]. Nói cách khác chính sự phá vỡ cấu trúc mà con người vốn dĩ tin tưởng và hy vọng gây ra nỗi buồn và sự xao xuyến. Điều này thể hiện rõ nhất khi con người phải đối diện với cái chết.

Con người dù muốn dù không cũng phải đối diện với cái chết. Cái chết có thể là dấu chấm hết cho một chuỗi cười hay là một tiếng thở dài não nề nhưng cũng có thể là cánh cửa hy vọng mở ra với cuộc sống mai hậu. Tuy nhiên vấn đề vẫn là thái độ và cách thức mà con người cần phải có khi gánh vác trách nhiệm là một con người. Với Kant đó là việc sống theo mệnh lệnh của ý muốn tự do, với các nhà hiện sinh thì trở về với chính giây phút hiện tại, ý thức tình trạng phóng thể của chính mình và“đảm nhiệm lấy hành động của mình như cách thế thể hiện ý nghĩa, định mệnh và sự phong phú cho đời mình,”[3] còn đối với Trịnh Công Sơn đó là Để Gió Cuôn Đi. Gió cuốn đi đâu thì không rõ, có thể về chốn mịt mù hoặc về với “thiên thu”. Dường như có một sự “chênh vênh” kiếp sống con người. Một mặt con người phải đối diện với những giới hạn của cuộc đời nhưng mặt khác khi con người ý thức được những giới hạn đó và trở về với đời sống thường nhật và trở về với giây phút hiện tại thì con người lại phải đối diện với một “hư vô”.

Hư vô không phải là vô hữu nhưng hư vô là tình trạng giằng co giữa hai tận cực. Giằng co giữa đi và về, giữa tự do và ràng buộc, giữa sự sinh ra và sự tan biến. Con người là một hữu thể hiện hữu trong thế giới và chịu sự quy định biến dịch trong thời gian. Sự thay đổi của thời gian đồng thời là sự thay đổi của ý thức con người. Nhưng vượt trên ý thức là những thao thức về “nguồn cội”. Vấn đề là trước khi con người sinh ra và sau khi con người mất đi thì con người có phải đã bắt đầu cuộc hành trình của mình hay không? Phải chăng là con người đã bắt đầu “xuất cư” để rồi được “hồi hương”? Đằng sau sự chuyển đổi của sự “xuất cư”“hồi hương” là gì? Phải chăng đó chỉ là những cách gọi tên hay là chính thế giới mà con người đang cưu mang? Chênh vênh giữa hai bờ vực trải dài trong những chiều mưa nắng luôn theo sát con người trong từng vi tế bào. Một cảm giác nổi trôi giữa Đi và Về trong hai vầng nhật nguyệt. Phải chăng đi là ra khỏi trung tâm trên đường hành hương và về cũng là trên đường hành hương về lại trung tâm?

Vả lại sự giằng co giữa hai tận cực cũng là sự gằng co giữa Tự do và tất định. Một mặt con người có khả năng làm chủ lấy cuộc đời và xác định hướng đi cho riêng mình. Nói cách khác, con người có khả năng tự ý thức và tự xác định lấy cái mình hiện hữu và cái mình sẽ trở thành. Hiện hữu và trở thành là ở hai thế giằng co và hòa hợp. Hiện hữu là cái đã xác định mình trong một mô thức, nó vừa là phần của bẩm sinh, tự nhiên vừa là phần của sự dự phóng và vươn tới. Phần của sự trải mình ra với thế giới và với vô tân. Tương quan giữa hiện hữu và trở thành là con đường trải dài trong lịch sử triết học. Vấn đề một thời đã trở thành đề tài thời sự cho những cuộc tranh luận triết học là giữa hiện hữu và yếu tính cái nào có trước. Thêm vào đó, tri thức của con người cũng bị giới hạn, khả năng ý thức và tự ý thức cũng bị giới hạn cho nên khả năng kiến tạo giá trị và dự phóng cho con người trở thành chính mình như cái mình là vẫn luôn có một khoảng cách. Khoảng cách này dù nhỏ tới đâu cũng không thể bị xóa nhòa hoàn toàn. Chính khoảng cách giữa tự do và sự tất định, giữa cái mình có và cái mình sẽ trở thành như những điều mình tự hoạch định cho chính mình một lần nữa tạo nên vết nứt trong bản tính con người.

Song song đó, con người còn bị giằng co giữa điều sinh ra và tan biến. Con người luôn có khao khát hiểu về nguồn gốc và cùng đích của chính mình. Khao khát đó có thể là minh nhiên hay mặc nhiên, có thể là rõ nét hoặc bị trôn dấu trong những dạng thức khác nhau của những hệ thống lý thuyết. Nhưng dù sao vẫn tồn tại một khả năng tự nhiên thôi thúc con người sống, yêu thương và hành động. Dù sao con người cũng khó có thể phủ nhận “khả năng tự bảo tồn” và sự sinh trưởng của con người. Ngược lại cũng có một su hướng khác tồn tại đồng thời trong dòng chảy của sự sinh hạ đó là sự tan biến. Cái chết như đã nói ở trên vẫn là một điều bí ẩn, thách thức giới hạn và tra vấn cách sống của con người. Mối tương quan của sự sinh trưởng và tan biến lại tạo nên một sự đấu tranh liên tục giữa hai thái cực. Năng lực khao khát sống khiến con người muốn ôm trọn cuộc sống này, muốn sống cho trọn vẹn nhưng mặt khác con người lại không đủ lớn để bao quát tất cả thực tại cho nên con người mãi “tay trơn buồn ôm nối tiếc” để rồi chấp nhận những thực tại dần dần qua đi. Bị giằng co và lôi kéo từ nhiều phía, giữa đi và về, giữa tự do và sự tất định, giữa sự bảo tồn và tan biến, con người ngày càng ý thức hơn tình trạng trống rỗng và sự khỏa lấp những trống trải đó. Vậy con người phải làm gì để sống trong những đối cực đó?

Trước tiên là chấp nhận. Chấp nhận là thái độ đầu tiên để con người dám đối diện với chính mình. Càng ý thức được tình trạng của chính mình, con người càng có khả năng chọn thái độ sống thích hợp cho hiện trạng của mình. Kế đến, thái độ cần thiết là thái độ tan biến. Tan giữa đời làm sóng mênh mông.[4] Đó là có thể được gọi là “sự hòa nhịp cá thể vào tuyệt đối” như cách hiểu của triết học Ấn Độ hay Tinh Thần đã trở về với Chính Mình trong Triết Học Về Tinh Thần tuyệt đối của Hegel, còn Trịnh Công Sơn thì dùng những ngôn ngữ giàu tính hình tượng và chất thơ hơn để nói về tình trạng “đồng nhất”. Con người vốn mang trong mình niềm khát khao vô hạn, bị giằng co bỏi những tận cực và thường xuyên bị đối diện với những giới hạn của mình là cái chết. Giới hạn đó buộc con người phải quay về với cuộc sống hiện tại của mình để sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Sống trọn giây phút hiện tại chính là để được lấp đầy, chiếu sáng và bao phủ bởi ánh sáng “tối tăm” và trống rỗng của mặt trời trong tim. Nói cách khác, cái trống rỗng của con người được đồng nhất với cái trống rỗng tuyệt đối của thâm sâu. Sự đồng nhất giữa khoảng rỗng cá thể và tinh thần “thế giới”, “tuyệt đối”, hay sự chiếu sáng toàn bộ của “hữu thể lên trên Toàn Thể” là sự khỏa lấp mọi khao khát trong con người. Đó có thể là con đường “giải thoát” trong các tôn giáo?! Nhưng làm thế nào để con người có thể có được điều đó trong giây phút hiện tại này? Con người có thể sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại này bằng tình yêu, sự hòa giải và tha thứ.

Bằng tình yêu, hòa giải, và sự tha thứ, con người tự mình “để gió cuốn đi”[5], để chìm dưới “chân cội nguồn”[6] và để rồi “rớt xuống hồ làm nước long lanh”[7]. Cuộc sống con người với sự đan bện của những ý thức hệ, những quan điểm, những giới hạn, sự bất đồng và cả hận thù, tất cả những điều đó có thể làm cho con người bị giam cầm và mất tự do. Tình yêu, tha thứ và hòa giải là cách để con người thoát ra khỏi những “gông cùm” và để được tự do. Tha thứ và hòa giải giúp con người cởi bỏ chính mình, còn tình yêu giúp con người chìm vào “hư không”, chìm vào Tinh Thần, chìm vào “thiên thu”. Đó phải chăng là lúc con người đã hành sử theo “Mệnh Lệnh Tuyệt Đối” hay luật tự nhiên và chính điều này làm cho con người không còn thuộc về công dân của thế giới này nhưng là công dân của vũ hoàn.

Tóm lại, con người làm một hữu thể mang trong mình niềm khao khát vô tận. Tiến trình của sự khao khát vô tận là hành trình mà trong đó con người phải chịu giằng co của những đối cực. Đối cực của sự đi và về, tự do và sự tất định của sự tăng trưởng và tan biến, cuối cùng của đối cực đó cho con người thấy giới hạn của chính mình. Giới hạn cuối cùng tra vấn con người về ý nghĩa của cuộc hiện sinh và thái độ sống trong giây phút hiện tại. Tình yêu, tha thứ và hòa giải giúp con người sống tự do. Tự do để rồi được chìm sâu trong Tinh Thần, trong Thâm Sâu tuyệt đối và trong Ánh Sáng. Đó chẳng phải là lúc con người đã tự nhấc mình từ không gian nhỏ hẹp của tù đầy sang không gian bát ngát của vũ hoàn.

Gioan Phạm Duy Anh, S.J.

Học Viên Triết II

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên

[1] Trần Thái Đỉnh, TRIẾT HỌC HIỆN SINH, Công Ty Sách Thời Đại & NXBVH, TPHCM 2012, Tr 44-47

[2] Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…
£m êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn

                             Chiều – Xuân Diệu

[3] Trần Thái Đỉnh, TRIẾT HỌC HIỆN SINH, Công Ty Sách Thời Đại & NXB Văn Học, Tr.30

[4] Trịnh Công Sơn, Ra Đồng Giữa Ngọ

[5] Trịnh Công Sơn, Để Gió Cuốn Đi

[6] Trịnh Công Sơn, Đóa Hoa Vô Thường

[7] Trịnh Công Sơn , Như Cách Vạc Bay

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

2 Bình luận

  1. Cám ơn tác giả, bài viết hay và dễ đọc dù đề tài khó. Tôi đã tìm mãi trên internet về đề tài này, nay mới gặp được bài này. Xin tác giả có thể cho tôi xin vài nguồn tham khảo của các triết gia bàn về vấn đề này, “cái trống vắng bẩm sinh, khoảng trống vô tận hiện hữu bên trong con người”.
    Xin đa tạ!

  2. De nghi co them viet tuong tu. Xin cam on ! “Cho vinh danh Chua hon” !

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *