Mẹ ơi! Con đã về…

Mẹ kính yêu của con,

Dù rằng con đã về bên mẹ, nhưng con vẫn muốn viết và gửi đến mẹ những dòng tâm tình này. Chẳng phải con muốn rườm rà, nhưng con biết khi đọc mẹ sẽ cảm được nhiều hơn.

Cứ mỗi lần chiếc điện thoại trong túi áo của con reo lên vào tầm chín hay mười giờ tối, thì con biết ngay đó là mẹ. Con lưu trên màn hình điện thoại của mình tên là “Mama” kèm với tấm hình hồi tết vừa rồi con chụp với mẹ. Mẹ con ta cười tươi hớn hở, áp sát mặt nhau cùng chụp một tấm thật đẹp. Con cứ ngó màn hình điện thoại mãi mà chẳng muốn nghe máy, không phải vì con không muốn nghe điện thoại, nhưng vì con muốn nhìn tấm hình mẹ con ta được ánh đèn điện thoại chiếu sáng, rung rinh, sinh động và dễ thương.

“Alô! Mama ơi! Con nè!”. Chắc chắc câu đầu tiên mẹ sẽ hỏi con là: “Sao rồi con? Khỏe không?”. Cả ngày con thấy mình mệt mỏi, lúc mẹ gọi cũng là lúc con đã chợp mắt gần cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị ca làm sớm. Nhưng nghe giọng nói ấm áp của mẹ, mắt con sáng rỡ và vui biết chừng nào. Cuốc điện thoại gần nhất mẹ hỏi: “Chừng nào con về?”, con ấp a ấp úng không trả lời ngay được. Dù mẹ thừa biết con chẳng trả lời được, nhưng lần nào mẹ cũng nhắn: “Về sớm nha con! Mẹ đợi! Nấu canh chua, kho cá rô đồng cho con ăn!”. Nghe tới đó, con rớt nước mắt.

Ngày mẹ nghe con tham gia chiến dịch chống dịch Covid tuyến đầu, mẹ chẳng hiểu tuyến đầu tuyến cuối là gì, chỉ thương mẹ quanh năm làm việc và lo lắng cho gia đình. Thông tin dịch Covid thì mẹ nghe đài nhắc nên cũng biết đôi chút. Nhưng cái chuyện tham gia chống dịch tuyến đầu là gì “con nói cho mẹ tỏ?”. Con lặng xíu tìm cách nói cho mẹ dễ nghe và dễ chấp nhận, vì nếu mẹ biết con vào làm việc trong môi trường bệnh tật và nguy hiểm, hẳn mẹ lo lắm, vì con biết tính mẹ của con mà. Sau một hồi nói chuyện, mẹ đã hiểu. “Mama nè! Con học ngành bác sĩ mà. Bác sĩ là để cứu người. Mà giờ nhiều người cần cứu, nên con đến cứu họ.” Mẹ bên kia “ờ! ờ!…” nhưng không quên dặn: “Giữ sức khỏe nha con! Rãnh về với mẹ!”.

Bước vào môi trường chiến đấu khốc liệt với đại dịch Covid, mặc trên người bộ đồ bảo hộ cả ngày trừ lúc đi ngủ được tháo ra xíu để thở. Chạy từ khu này sang khu khác liên tục mỗi người có điện thoại cần đến bác sĩ hỗ trợ. Chứng kiến bao nhiêu cái chết trước mắt mình, thậm chí trên tay mình, nhiều lúc con thấy mình bất an… Dù rằng một bác sĩ như con đã không ít lần tiếp xúc với những chuyện như thế, nhưng trái tim con người vẫn xao xuyến và lúc ấy, con… nhớ mẹ. Con mong gì nghe tiếng mẹ “khỏe nha con!” là con sẽ khỏe ngay lập tức, như thể vừa uống thứ thần dược có tên là “tình mẹ” vậy. Mỗi khi con nhìn đồng bào mình ra đi vì đại dịch, chứng kiến những giọt nước mắt muộn màng, nghe những tiếng than đau đớn của bệnh nhân, con hiểu… họ cũng cần tình thương như con cần tình mẹ vậy. Nhờ đó, con gửi trao cho mọi người tình yêu và sức mạnh mà mẹ đã trao cho con. Con cố gắng chữa trị cho bệnh nhân vì… bệnh nhân, vì mẹ, và… vì đạo đức nghề nghiệp của mình nữa.

Hôm nay con về với mẹ! Trong khi đồng nghiệp của con vẫn làm việc. Con không nghĩ tới chuyện mình được về ngay lúc này, vì con vẫn muốn tiếp tục mẹ à! Cuộc chiến vẫn còn dai dẳng và con muốn chiến đấu tới cùng. Choáng váng! Chỉ một cơn choáng váng, ngã quỵ và con hay tin mình cũng không thoát khỏi tình cảnh như anh chị em bệnh nhân nơi bệnh viện dã chiến này. Phút chốc, con thấy mình yếu dần, yếu dần… nhưng trong tâm thức con vẫn có mẹ, có anh chị em đồng nghiệp, có anh chị em bệnh nhân thân yêu.

Mẹ phải giữ gìn sức khỏe nhé! Như những gì mẹ dạy con về đạo làm người, con đã sống hết mình vì điều ấy. Sống cùng, sống với và sống vì người khác. Con vẫn yêu mẹ, yêu anh chị em đồng nghiệp và anh chị em bệnh nhân. Hôm nay, con không còn cơ hội phục vụ nữa… con về với mẹ… ăn canh chua, cá kho tộ với mẹ… mẹ ơi!

Silicat

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *