Mẹ Sầu Bi

theotokos_lamentation

“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người” (Ga 19,25)

Tiếp theo sau lễ Suy Tôn Thánh giá, Hội Thánh cử hành lễ Đức Mẹ Sầu Bi hay Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ, Và sự sắp xếp này rất có ý nghĩa, vì trong tâm hồn thanh khiết của Đức Mẹ cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu được phản chiếu cách trung thực, đến độ nếu có ai không hiểu được hay không thể suy niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trên Núi Sọ thì có thể chiêm ngắm cuộc Khổ Nạn trong tâm hồn Đức Mẹ. Đức Mẹ đứng dưới Thánh Giá để khóc thương Con yêu dấu với tình yêu lớn nhất của một bà mẹ, nhưng cũng để góp phần đau khổ với Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc. Đó là điều mà thần học gọi là sư đồng công cứu chuộc của Đức Trinh Nữ Maria.

Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn Đức Maria hiệp thông cách mật thiết vào sự đau khổ của Con mình để cứu độ trần gian. Có sự đau khổ của Đầu và sự cộng tác của Nhiệm Thể trong chương trình cứu chuộc. Maria là thành phần ưu tú của Hội Thánh vừa đón nhận ơn cứu độ vùa cộng tác vào ơn cứu độ. Hay nói cách khác, trong chương trình tái tạo nhân loại của Thiên Chúa, bên cạnh “Adam mới” có sự cộng tác của “Eva mới”. Câu nói, rất khó hiểu của Phaolô nếu áp dụng cho mọi người, thì trở nên rõ ràng hơn khi áp dụng vào trường hợp Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Khi suy niệm về sự đau khổ của Đức Mẹ, Hội Thánh có thói quen nói đến “Bảy sự thương khó”, trước tiên để chỉ những đau khổ Mẹ phải gánh chịu trong tương quan với các biến cố đời sống Chúa Giêsu như được ghi lại trong Phúc âm và Thánh Truyền. Các biến cố, được Phúc Âm ghi lại, vốn làm cho tâm hồn Mẹ tan nát, khi đồng hành với con trong sứ mệnh cứu thế. Nghĩa là Hội Thánh không nói đến những đau khổ riêng tư của loài thọ tạo, như đau ốm bệnh tật. Kế đến số bảy, theo Kinh Thánh, là một cách diễn tả một số lượng lớn lao, không nhất thiết gắn liền với một con số chinh xác.

Ngoài ý niệm về những đau khổ không cùng mà con số bảy diễn tả, Hội Thánh còn muốn nhắc nhở chúng ta về cường độ đau khổ trong tâm hồn Đức Maria mà nhân loại không hề biết tới. Một tâm hồn càng thánh thiện thì càng đau khổ trước sự lan tràn của tội. Một tâm hồn càng thanh cao tế nhị trong nhận thức thì càng đau khổ trước sự bất công, thiếu tế nhị của kẻ thất phu. Một bà mẹ thương yêu con mình càng nhiều thì càng đau khổ trước sự đau khổ của con. Những nhận đinh này giúp chúng ta có một chút cảm nghiệm về sư đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria. Có thể nói là mọi đau khổ của Chúa Giêsu đều tạo nên âm vang trong tâm hồn Đức Mẹ. Và sự đau khổ của Đức Mẹ là một sự đau khổ lớn nhất mà một thụ tạo có thể cảm nghiệm, bên cạnh sự đau khổ của Ngôi Lời Nhập Thể.

Bảy Sự Thương Khó

Hội Thánh có thói quen tìm trong Phúc âm những biến cố liên quan đến sự đau khổ của Đức Mẹ ngay từ khi Cụ già Simeon tiên báo: “Một lưỡi gươm xuyên thấu tâm hồn bà” (Lc 2,35) khi Thánh Gia đình dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ. Lời tiên báo có nghĩa Trái tim Đức Mẹ phải tan nát vì đau khổ. Khi người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Chúa Giêsu trên Thập giá, thì hình ảnh lưỡi gươm của Simeon càng thêm hiện thực.

1. Lời tiên báo của Cụ Simeon (Lc, 2, 34-35)

2. Thánh Gia trốn sang Ai cập (Mt 2, 13-21)

3. Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ (Lc 2, 41-51)

4. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Nẹ và Chúa Giêsu trên con đường Thánh Giá (Luc, 23, 27-31)

5. Maria nhìn ngắm sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá (Jn, 19, 25-27)

6. Đức Mẹ ôm lấy xác Con khi hạ xác khỏi thập giá

7. Đức Mẹ đưa táng xác Con trong mồ thánh

Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm thân xác Chúa Kitô chịu đóng đinh trong vòng tay Đức Mẹ (x. Bức tượng Pietà của Michel- Angelo) để nghiệm thấy ác tính của tội và thông phần đau khổ với Mẹ Thiên Chúa.

“Lạy Rất Thánh Đức Mẹ xin giúp con ghi tạc vào lòng con những thương tích Chúa”

(Lm. Antôn Ngô Văn Vững, SJ)

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 01-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 01/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Ơn gọi nên …

Mến Yêu Hằng Ngày, 31-10-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 31-10-2024 (Lc 13,31-35) Cũng vào giờ ấy, có mấy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *