Mệnh lệnh tuyệt đối

Thú thật là kant1chưa bao giờ tôi lại ở trong cảnh huống hết sức khó khăn như bây giờ. Hoàn hồn sau một biến cố may mắn thoát chết do máy bay rơi xuống sa mạc, tôi lê đến lấy khẩu súng của anh phi công còn bê bết máu. Đút khẩu súng vào túi quần với nhiều toan tính, tôi nhìn đến chỗ đồ ăn thức uống và hai người lạ kia với câu hỏi “tôi phải làm gì?” Trong sa mạc nóng bức này, với chút nước kia chỉ đủ cho cả ba người sống thêm một tuần, vậy tôi có nên giết chết hai người kia để kéo dài sự sống cho chính tôi hay cả ba cùng chung chia nguồn thực phẩm hạn hẹp này. Nếu giết hai người kia may ra tôi còn sống để chờ máy bay đến cứu trong vòng mười ngày tới. Như thế tôi có ích kỷ khi chỉ biết chăm lo cho bản thân, hay tôi phải theo một mệnh lệnh rằng không được giết người. Hai trường phái luân lý này giằng co đến nỗi tôi không ngường tự hỏi “tôi phải làm gì đây?”

Chính khi tra vấn là lúc tôi lắng nghe chủ nghĩa vị kỷ (Egoism) thúc tôi cứ việc bắn, hãy vì bản thân và nghĩ đến an nguy mạng sống cá nhân mình mà can đảm loại đối thủ đang cạnh tranh nguồn nhu yếu phẩm có hạn kia. Thật vậy, trường phái này hứa cho tôi hạnh phúc bên nguồn lương thực tương đối đủ cho một mình tôi, hứa cho tôi đủ thời gian để hy vọng được cứu sống. Hơn nữa, chăm lo cho mạng sống mình thì có gì sai trái đâu. Vả lại, nếu tôi không giết họ thì cả ba người đều chết đói. Tốt hơn là mở lối thoát cho chính tôi sống có tốt hơn chăng? Dẫu biết rằng cảm thức chung là con người có trách nhiệm tự nhiên để hướng đến người khác, tạm gác tư lợi sang một bên, nhưng ích kỷ không cho phép tôi quên đi tư lợi trước mắt của mình. Nó biện minh rằng tôi cứ nổ súng để đấu tranh sinh tồn vì đó là nhu cầu căn bản và phải lẽ của kẻ theo lập trường vị kỷ chủ nghĩa.

Tôi đưa tay vào túi quần, định rút súng hạ ngục hai người kia…nhưng chần chừ vì lý trí mách bảo tôi rằng hướng dẫn trên chưa thấu đáo và thuyết phục. Đành rằng quyền định đoạt và lợi thế đang thuộc về tôi, nhưng cứ hành động theo vị kỷ, thì không có nền tảng khách quan, phổ quát và hướng thiện. Theo tự nhiên, tôi muốn tốt cho mình nhất đến nỗi bất chấp gạt bỏ những gì ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân. Như vậy, vị kỷ đã bỏ qua hoặc xem khinh lòng vị tha, tình yêu đồng loại, công bằng, tình bạn và sự sống. Hóa ra, luật luân lý phụ thuộc vào những gì có lợi cho tôi lại có nguy cơ rơi vào hạn hẹp, phi lý và vô nhân đạo. Nghĩ thế, tôi nhanh chóng thụt tay lại và hướng lên trời cao để mong quên đi ý hướng bạo tàn kia, rồi tiếp tục tự hỏi “tôi phải làm gì?”

Nhìn lên “bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi”, tôi thực sự bị thúc đẩy bởi một mệnh lệnh tuyệt đối (The Categorical Imperative) vốn là mệnh lệnh đạo đức đích thực mà I. Kant đã lập luận. Theo đó, mệnh lệnh này áp dụng không chỉ cho tôi mà cho mọi người và ngay tức khắc phải làm theo. Mệnh lệnh này giúp tôi hành động theo châm ngôn (maxim) mà từ đó tôi đồng thời có thể muốn nó trở thành một luật phổ quát. Một trong những châm ngôn là “không được giết người”. Dù hoàn cảnh khó khăn sống còn lúc này, hay khi thuận lợi vui sướng, người ta cũng không có quyền vi phạm châm ngôn này. Mặt khác, ta có thể biết được mệnh lệnh tuyệt đối, vì Kant nại đến tiếng lương tâm. Tiếng ấy không ai có thể chối bỏ hay cưỡng lại được, cả khi người ta nghĩ nó không phải là tiếng lương tâm. Kant cho rằng mệnh lệnh tuyệt đối theo nẻo đường của tiếng nói lương tâm sẽ cho con người một cuộc sống bình an. Do đó, lúc này tôi chùn tay gạt đi ý định cướp đoạt mạng sống của người khác.

Quả thực, sự sống con người không chỉ là quà tặng quý giá thánh thiêng vốn chỉ có Thiên Chúa mới có quyền định đoạt, mà nó còn là quyền bất khả xâm phạm. Bởi đó, theo mệnh lệnh này thúc đẩy, vốn là quy luật luân lý trong tôi, có sức mạnh vượt thắng được những ích kỷ nhỏ nhen, âm mưu ác độc. Nếu như tôi một mực bảo vệ mạng sống của mình, thì đồng thời người khác cũng yêu quý mạng sống của họ biết bao; do vậy, lúc này ai cho tôi quyền cướp đi sự sống của hai người kia!? Chẳng lẽ vì mục đích cứu mình mà dùng phương tiện giết người sao? Tôi bị thuyết phục bởi lập luận khi Kant cho rằng “hiện hữu nhân tính cá thể có giá trị tuyệt đối trở thành nguyên tắc của nền tảng đạo đức tối cao.” Theo đó, mệnh lệnh này đang kéo tôi về phía từ bỏ ý tưởng ám sát để bắt tay nở nụ cười làm bạn với hai người kia trong lúc khó khăn này, còn hơn là gây thêm tang tóc cho nhau.

Hơn nữa, nếu từ góc nhìn của chủ nghĩa vị kỷ thì người khác có nguy cơ trở thành phương tiện để tôi đạt được mục đích bằng mọi giá. Tuy nhiên, lúc này tôi thấy an tâm hơn vì theo hướng dẫn của mệnh lệnh tuyệt đối: “hãy hành động sao cho bạn đối với con người bạn hay ở con người khác, trong mọi trường hợp như là một mục đích tự tại, chứ không bao giờ là phương tiện.” Có thể bị xúi dục của vị kỷ chủ nghĩa mà tôi cả gan toan tính giết người để biện minh cho mục đích cao cả là cứu mạng sống mình. Hành vi đó không hợp với đạo đức phổ quát và phi luân lý! Ngược lại, khi tuân theo mệnh lệnh tuyệt đối, tôi khẳng định giá trị tối thượng của mỗi nhân vị có lý trí, có tự do và có quyền làm người.

Tôi quay sang nhìn hai người lạ kia với lòng hối hận và xấu hổ vì những toan tính ích kỷ nhỏ nhen của mình.

Như vậy, sau những giằng co, thôi thúc và mách bảo trái chiều xảy ra trong dòng cảm xúc và suy nghĩ, lúc này lòng tôi lắng xuống mà vứt bỏ ý tưởng đen tối là giết hai người vô tội kia. Bây giờ tôi biết “tôi phải làm gì” rồi và cảm ơn những chỉ dẫn của quy luật luân lý vừa phổ quát, vừa tuyệt đối để giúp tôi có thể phân biệt đúng sai, phải trái mà hành động đúng đạo đức và hợp luân lý. Theo đó, tôi lết đến chỗ hai người kia với ý hướng muốn hỏi thăm và cùng chung chia nỗi đau tai nạn này. Cho dù không biết chính xác khi nào cứu hộ đến, lúc nào nhu yếu phẩm và nước uống hết, nhưng chúng tôi hy vọng phép lạ sẽ xảy ra để cứu cả ba người chúng tôi. Nếu không, ít là lúc này hành động theo mệnh lệnh tuyệt đối cho tôi cảm nhận được sự bình an và hy vọng vốn là động lực để tôi tiếp tục đối diện với thách đố, sống chan hòa và cầu mong thoát nạn.

(Bài viết từ môn Triết học đạo đức)

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

 

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *