[Mở lòng] – Thứ Hai sau Chúa Nhật II mùa Chay

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13). 

Hôm qua, qua lời của thánh Phao-lô chúng ta đã cùng nhau chiêm ngắm tình yêu hiến dâng của Thiên Chúa. Qua đó chúng ta nhận ra được rằng: điều căn bản trong đời sống người Kitô hữu là đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và tin tưởng vào tình yêu của Ngài.

Hôm nay, chúng ta cùng đi sâu hơn nữa vào tình yêu hiến dâng của Chúa. chúng ta nghe Đức Benedicto 16 giải thích về bản chất và yếu tính của tình yêu, cụ thể ngài dẫn chúng ta đi vào cuộc đời của Chúa Giêsu: Tình yêu bao gồm toàn bộ hiện thực của cuộc sống trong mỗi chiều kích của nó, kể cả thời gian. Khó mà khác đi được, vì hứa hẹn của tình yêu hướng đến một mục tiêu chung cuộc: tình yêu nhắm đến sự vĩnh viễn. Tình yêu thật sự là “một trạng thái ngây ngất”, không phải trong ý nghĩa của một thoáng mê say, nhưng hơn thế nó như là một cuộc hành trình, một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín hướng vào bên trong để vươn tới sự tự do qua việc cho đi chính mình, và như thế hướng đến sự khám phá đích thật chính mình và chung cuộc là sự khám phá về Thiên Chúa: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống”(Lc 17,33), như Chúa Giêsu đã nói trong suốt các sách Tin Mừng (x. Mt 10,39; 16,25; Mc 8,35; Lc 9,24; Ga 12,25). Trong những lời này, Chúa Giêsu vẽ ra con đường của chính Ngài, qua thập giá dẫn đến Phục Sinh: con đường của hạt lúa rơi xuống đất và chết đi, để sinh nhiều hoa trái. Bắt đầu từ những chiều kích thâm sâu trong lễ hy sinh của Ngài và trong tình yêu đạt đến mức viên mãn sau đó, Ngài vẽ ra cho chúng ta thấy qua những lời này đâu là yếu tính của tình yêu và thực sự đâu là yếu tính của chính cuộc sống„ (Đức Benedicto 16, Deus caritas est, 6).

Yếu tính tình yêu chính là một trạng thái ngây ngất (ecstasy). Nhưng tình trạng ngây ngất này không phải là một thoáng mê say của cảm giác, của thân xác, của thỏa mãn. Không, tình trạng ngây ngất này là một tiến trình rất đẹp của tình yêu. Tiến trình vượt ra khỏi chính mình, để kết hiệp với người mình yêu, nhờ đó cảm thông, chia sẻ, hy sinh và hiến dâng cho người mình yêu, hầu người mình yêu được hạnh phúc tràn đầy. Trong ý nghĩa đó, chúng ta chiêm ngắm chính Đức Kitô đã ngây ngất yêu thương chúng ta thế nào ? Ngài đã vượt ra khỏi chính mình ra sao ? Trở thành người như chúng ta, Ngài đã kết hiệp và chia sẻ cuộc sống ở trần gian này với chúng ta như thế nào ? Ngài đã hiến dâng chính mình, chịu chết cho chúng ta ra sao?

Tôi từ từ chiêm ngắm và suy niệm về tình trạng yêu ngất ngây (ecstasy) của Chúa Giêsu dành cho tôi. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình“. Lời nói này của Ngài không rỗng tuếch. Lời nói của Đức Kitô thật đẹp và thật tròn đầy. Cái đẹp và cái tròn đầy được thể hiện qua chính đời sống của Ngài. Ngài đã bước ra khỏi chính mình Ngài (sortir de soi-même), để bước vào con đường của tôi, trở nên bạn đường của tôi, chia sẻ với tôi cả niềm vui cũng như nỗi buồn, và cuối cùng Ngài đã chết vì tôi. Vì thế, nhìn lên Chúa Giê-su trên Thánh Giá đang chết vì tôi, tôi có muốn bước ra khỏi chính tôi để đến với Ngài không ? Tôi có muốn kết hiệp với Ngài và chia sẻ cuộc sống với Ngài không ? Kết thúc tôi tâm sự với Chúa và thầm đọc chậm lời kinh Lạy Cha. Tôi cũng nhớ tới bài tập sống trong tuần.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.

Kiểm tra tương tự

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa

Một trong những danh hiệu truyền thống dành cho thánh Giuse là “Người yêu mến …

Giáo dục Kitô giáo theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô

  Tôi đang làm việc trong trường Dòng Tên. Trong những ưu tư về giới …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *