[Mở lòng] – Thứ Năm sau Chúa Nhật I mùa Chay

“Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng” (Tv 145,10-11).

Hôm qua, khi chiêm ngắm lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong đời sống xung quanh, có lẽ chúng ta đã cảm nhận được những dấu ấn tình yêu, dấu ấn của lòng nhân hậu hay thương xót của Chúa nơi anh chị em. Điều đó chắc chắn đưa lại cho chúng ta niềm vui sâu xa.

Chúng ta có thể diễn tả niềm vui đó qua lời ca ngợi tri ân chúc tụng, như chính thánh vịnh gia nhắc đến: “muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài.” Nhưng không chỉ dừng ở đó, thánh vịnh gia còn đi tiếp: “nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.”

Triều đại được nhắc đến ở đây được nhìn trong chương trình cứu độ của Chúa đối với mọi người nam và nữ. Thay vì dửng dưng đối với nhân loại, Chúa muốn thiết lập dưới đất một vương quốc hòa bình, và muốn được như vậy thì Chúa đi vào lịch sử của chúng ta, qua những công trình kỳ diệu và những việc làm quyền phép. Không như những nước thế gian, thường bị đánh dấu bởi quyền lực hoặc có khi áp bức, thánh vịnh khơi lên một nước đầy lòng nhân hậu, ân sủng và công chính, và Thiên Chúa là Vua “chậm giận và giàu tình thương.”

Trở về với mình, trong giờ cầu nguyện, khi đọc những lời Thánh Vịnh trên, một lần nữa tôi được mời gọi tuyên xưng Thiên Chúa chính là Đấng quyền năng, là Đấng tạo dựng nên tôi và muôn vật trong tình yêu, Đấng đi vào cuộc đời tôi và chia sẻ với tôi một lịch sử, Đấng đã làm biết bao điều kỳ diệu cho tôi. Ngoài ra, thánh vịnh gia cũng mời gọi tôi dâng lời tán tạ và chúc tụng Ngài.

Nhưng cụ thể, tôi nên tuyên xưng, chúc tụng và dâng lời ca ngợi Chúa như thế nào? Tôi nên suy nghĩ và chọn một cách thức để diễn tả lời tuyên xưng và lòng tri ân cùng tâm tình chúc tụng Chúa, để qua đó tôi diễn tả được điều tôi ao ước: “ Thiên Chúa là Vua “chậm giận và giàu tình thương” của đời tôi, và triều đại Ngài chính là nơi tôi xin chọn để nương thân.

Cách thức diễn tả đó có thể qua cử chỉ thờ lạy của tôi với Chúa, của việc tôi “dọn lại” đền thờ bên ngoài và đền thờ bên trong để xứng đáng đón mời Chúa là Vua nhân hậu ngự trị…

Cuối cùng tôi tâm sự với Chúa và đọc một kinh Lạy Cha để kết thúc. Tôi cũng nhớ tới bài tập sống trong tuần.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.

Kiểm tra tương tự

Liệu nữ tu có nên học hành?

Không thể phủ nhận rằng trong Giáo hội, phụ nữ ở các nước thuộc Thế …

Suy Tư Tin Mừng CN 6PS: “Ở lại trong tình thương của Thầy”

Các bạn thân mến!   Chúng ta hay nói Đạo Công Giáo là đạo yêu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *