[Mở lòng] Thứ Năm tuần Thánh

“Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,23-26)

“Ở đây Giêsu liên hệ tới những điều căn bản của Cựu Ước. Một đàng Chúa Giêsu hướng về giao ước ở núi Si-nai. Qua đó Ngài muốn làm cho rõ ràng rằng, điều đã được bắt đầu ở Si-nai, giờ đây sẽ được diễn ra: Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với loài người, giờ đây được hoàn tất. Bữa tiệc ly là sự thiết lập giao ước mới. Một cộng đoàn huyết thống giữa Thiên Chúa và nhân loại được kiện toàn, bằng cách chính Chúa đã trao ban mình cho loài người…

Ở đây cũng có hình ảnh của Thập giá. Vì khi Đức Kitô ban mình và máu, ban chính mình, thì điều kiện phải có là, Ngài đã thực sự trao ban. Như vậy, những lời của Đức Kitô chứa đựng tinh thần của Thập Giá. Tinh thần này được diễn ra, khi Thiên Chúa biến đổi bạo lực chống lại Ngài trở thành hành động của sự tự hiến dâng mình cho nhân loại.

Một điều nữa cũng tiềm ẩn ở đây. Đó là sự Phục Sinh. Mớ thịt chết, thân xác chết người ta không thể cho đi để làm của ăn. Chỉ vì Ngài sống lại, nên mình và máu của Ngài trở nên mới. Đó không còn là việc ăn thịt người nữa, mà là sự hiệp nhất với Đấng Phục Sinh sống động (Joseph Ratzinger, Gott und die Welt, S. 350-351).

Thứ năm tuần thánh, ngày giáo hội không chỉ nhớ lại mà còn làm sống động lại bữa tiệc thành lập bí tích thánh thể của Đức Kitô. Bữa tiệc này, với lời nói và hành động hiến dâng của Đức Kitô, từ đó đến nay hơn 2000 năm rồi, vẫn là bữa tiệc sống động và được mừng mỗi ngày trên khắp mọi nơi trên địa cầu. Điều này không chỉ là một hiện tượng của quá khứ, mà có thể nói rằng, là hiện tượng kéo dài mãi mãi, cho đến khi bữa tiệc trên núi thánh sẽ được diễn ra trong ngày sau cùng.

Đọc và suy niệm lời của Đức Kitô trong thư của thánh Phao-lô, chúng ta nhận ra được nhiều ý nghĩa sâu xa. Đó chính là tiến trình cứu độ của Thiên Chúa. Tiến trình bắt đầu từ giao ước cũ đến giao ước mới. Tiến trình của một Thiên Chúa trao ban chính mình cho nhân loại, để ký kết giao ước tình yêu với muôn người.

 

Tiến trình này nở hoa trên cây Thập Giá, nơi sự hiến dâng đạt đến mức tột đỉnh. Nhưng nếu tiến trình tình yêu này chỉ kết thúc nơi cái chết thê thảm kia của Đức Kitô, thì có lẽ mọi truyện đã đi vào dĩ vãng lâu rồi và chẳng có ai nhắc tới làm chi. Thập giá là cây nở hoa. Nhưng hoa kia không chỉ đẹp rồi tàn, mà Thiên Chúa còn biến cái đẹp bên ngoài, thành cái đẹp vĩnh cửu. Cái đẹp của hoa giờ đây đâm trái Phục Sinh. Hôm nay, chúng ta hãy cùng vào bàn tiệc thánh với Đức Kitô. Chúng ta thực sự ý thức về ý nghĩa sâu xa của bàn tiệc thánh. Bàn tiệc thánh hiến – bàn tiệc tình yêu. Một tình yêu hiệp nhất con người với Đức Kitô chết đi và lại Phục Sinh. Chúng ta ở lại trong tương quan hiệp nhất này, để hưởng cái vị đắng của khổ đau và vị ngọt của tình yêu thánh hóa khổ đau trở thành niềm vui Phục Sinh trường cửu.

 

Cuối cùng chúng ta tâm tình với Giêsu và đọc kinh lạy Cha.

 

Tôi nhớ tới bài tập sống trong tuần thánh: tập giữ thinh lặng cả bên ngoài lẫn bên trong.

Kiểm tra tương tự

Thượng Hội Đồng: Người kiêu ngạo không nghe tiếng Chúa và người khác

Sáng thứ Tư ngày 2/10/2024, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ …

Là người Công giáo, để vượt qua những khác biệt, ta phải đón nhận “ân sủng của sự tự vấn”

Vào ngày Giáng sinh năm 1914, tại tiền tuyến của chiến hào giữa lực lượng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *