Mùa Chay-Thời gian mở lòng ra cho Đấng là nguồn của lòng thương xót (5)

Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ.

“Con có thể uống chén mà ta sắp uống không?

Tâm tình của thánh I-nhã nhắc nhớ tôi nhớ lại tâm tình của Đức Kitô đối với các môn đệ của Ngài. Chuyện kể rằng, Đức Kitô cùng các môn đệ lên đường đến thành Giê-ru-sa-lem, và Người lại dẫn đầu các ông nữa chứ (Mc 10, 32-34). Đúng là hình ảnh của một vị Thầy, một vị thủ lãnh thực sự. Đi sau Chúa Giê-su, chẳng hiểu sao các môn đệ và cả những người theo sau đều sợ hãi. Phải chăng cái sợ hãi của những con người không có đủ sức mạnh và lòng can đảm, của những con người thiếu niềm tin, những con người chưa hiểu thấu được tinh thần tự hiến và tinh thần tình yêu của Thầy mình. Và có lẽ nỗi hãi sợ đó tăng lên, khi các ông được Thầy kéo riêng ra một bên và nói cho các ông biết ý định của Thầy. Con đường lên Giê-ru-sa-lem lần này không phải là đường trẩy hội ăn mừng, con đường của vinh quang theo con mắt bình thường của đời người. Mà đó là con đường “bị trao nộp” của Thầy, con đường Thầy bị đưa ra vòng móng ngựa, dù Thầy chẳng có tội tình chi. Không tội tình, nhưng cuối cùng Thầy vẫn nhận một bản án tồi tệ nhất : xử tử. Không chỉ bị kết án tử, mà Thầy còn tiếp tục bị nộp, và lần này là bị nộp cho dân ngoại nữa chứ. Và rồi trước khi chết, Thầy sẽ phải đón nhận những hành động dã tâm của con người : cái nhạo báng vào Người, cái khạc nhổ vào mặt, và bao roi đòn không thương tiếc được bao bàn tay hung ác vung ra trên thân thể Thầy. Cuối cùng là cái chết thê lương và tồi tệ nhất chờ Thầy trên ngọn núi của cuộc đời này. Có ai thấu hiểu những điều Thầy vừa dãi bày từ tấm lòng sâu thẳm ? Những lời Thầy nói rót vào tai của những người thân là các môn đệ, nhưng chẳng biết có được mấy chữ trong lời đó được các ông đón nhận và giữ lại? Có tâm hồn nào trong nhóm các ông rung động và xót thương cho Thầy ? Chẳng biết nữa.

Chuyện kể tiếp rằng, sau đó thì hai môn đệ, là hai anh em, Gio-an và Gia-cô-bê, lại xin được nói nhỏ với Thầy một điều gì đó (Mc 10, 34-40). Phải chăng đó là tâm tình cảm thông của hai ông, là lời an ủi hai ông muốn giành cho Thầy ?

“Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.

Ủa, tại sao lại là một lời xin xỏ ? Phải chăng từ trong sâu thẳm của lòng mình, hai ông không còn chỗ cho chữ “cảm thông” và “xót thương”. Phải chăng tấm lòng của hai ông đang đầy tràn “ước ao” của riêng mình, và đầy đến nỗi tất cả những gì Thầy vừa nói, dù có chân tình và thê lương đến mấy, cũng chẳng có “kí-lô” nào trên hai ông ? Phải chăng Thầy chưa thực sự là một phần của chính hai ông, nên con tim của hai ông chưa tìm được nhịp đập của con tim Thầy ?

“Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?”

Chẳng bực bội, chẳng buồn phiền, nhưng rất bình tâm Thầy đã hỏi lại như thế.

“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.

Ô la la, sao mà lời xin thật đến thế. Thật đến nỗi làm đau lòng người. Đau vì đang khi Thầy nói đến con đường đau khổ với roi đòn, với sỉ nhục, với chén đắng và với cái chết thê lương, thì hai ông lại nói đến “cái ghế”, nhắc đến “vinh quang” mà các ông đang muốn được hưởng. Đúng là một lời xin rất thật nhưng lại rất mù quáng.

Hiểu thấu được sự mùng quáng này, và Đức Kitô cũng cảm thông được lòng nông cạn của hai ông, những người là một phần của chính Ngài, nên Ngài đã đáp lời :

Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”.

“Thưa được”.

Câu trả lời của hai ông sao mà oai đến thế ! Hai ông có biết chén đó là chén gì không ? Cái chén đó có tương hợp với “cái ghế” và “vinh quang” mà hai ông đang ao ước không ? Câu trả lời của hai ông có thực là dấu hiệu hai ông mở lòng mình ra cho Đấng của lòng thương xót, là Thầy của hai ông, là một phần của chính hai ông không ? Nhưng đừng quên rằng, để mở lòng thực sự cho Thầy, thì trước hết cần phải bước ra khỏi chính mình, từ bỏ tất cả những gì mình có, cả những cái ước ao có trong tương lai, như cái ghế và vinh quang, và cuối cùng là từ bỏ chính mình, thì mới có thể bước vào con đường gặp gỡ Thầy, mới có thể đi con đường của chén đắng và con đường của Thánh Giá với Thầy (x.Mc 8, 34-37).

Chúng ta hãy để lời Thầy vang lại cách sống động trong đời sống thực tế  của chúng ta: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,39). Gẫm suy lời Thầy thật cẩn thận. Lời đó là một câu hỏi đang giằng xé chúng ta, bắt chúng ta phải trằn chọc suy nghĩ. Nhưng nghĩ không thì chưa đủ, tư tưởng cần phải hướng tới hành động. Vâng, đường Thầy đi là vậy, chén Thầy uống là thế, giờ đây có ai muốn cùng Thầy đi con đường đó, có ai muốn chia sẻ chén Thầy đã uống không ?

Henri Nouwen, một nhà thiêng liêng học người Hà-lan, người đã sẵn sàng bỏ ghế giáo sư đại học với vẻ vinh quang của cuộc đời, để bước vào cộng đoàn Arche, và chia sẻ cuộc sống với những người mà cuộc đời gọi là “kẻ điên – người mát”. Ông đã chia sẻ như sau : “Khi Đức Giêsu hỏi các bạn của người là Giacôbê và Gioan, con ông Zêbêđê, “Các con có thể uống chén mà ta sắp uống không?” là Người đặt câu hỏi đi thẳng vào tâm điểm chức thánh và cuộc đời của tôi. Trong nhiều năm, khi cầm chén thánh đẹp đẽ óng ánh trong tay, việc trả lời cho câu hỏi này hình như chẳng có gì là khó đối với tôi. Tôi, một linh mục vừa chịu chức, đầy ý tưởng và lý tưởng, cuộc đời hứa hẹn nhiều chuyện phong phú. Tôi háo hức uống chén này!

Ngày hôm nay, ngồi trước cái bàn thấp nhỏ, chung quanh tôi là các anh chị em bị khuyết tật, các trợ tá và người hướng dẫn họ, đưa cho họ rượu đựng trong chén bằng thủy tinh, câu hỏi đó trở thành một thách đố thiêng liêng. Tôi có thể, chúng ta có thể uống chén mà Đức Giêsu đã uống không?”

Đức Giêsu hỏi hai môn đệ của người: “Các con có thể uống chén Ta sắp uống? ” Họ trả lời : “Thưa có”, nhưng họ không có một khái niệm gì về những gì họ đang nói. Chén của Đức Giêsu là chén đau khổ, không phải chén của riêng Người, mà của cả toàn thể nhân loại. Đó là chén đầy đau khổ thể xác, tinh thần và thiêng liêng. Đó là chén của thiếu thốn, của bức hại, của cô đơn, của loại trừ, của bỏ rơi, của lo lắng. Đó là chén đầy cay đắng. Ai muốn uống chén này? Tiên tri Isaia gọi đó là “chén phẫn nộ của Thiên Chúa “. “Từ tay Đức Chúa, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng” (Is 51:17); đó là chén mà thiên thần thứ nhì trong sách Khải Huyền gọi là: “thứ rượu cuồng loạn ” (Kh 14:8), thành Babylone đã cho mọi nước uống.

Khi đến lúc phải uống chén này, Đức Giêsu nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được “ (Mt 26:38). Cơn hấp hối của Người quá cực độ đến nỗi mồ hôi người như những giọt máu rơi xuống đất ” (Lc 22: 44). Các bạn Giacôbê và Gioan, hai người mà Người hỏi họ có uống được chén Người sắp uống, đi theo Người nhưng họ đã ngủ, họ không còn sức để thức với Người, chia sẻ nỗi buồn và lo lắng của Người. Vâng, họ vẫn chưa xác tín và yêu cho đủ để có thể nói : “Thầy là một phần của chính con”. Vì thế, Thầy đau, Thầy hấp hối là chuyện riêng của Thầy, điều ấy hình như vẫn chưa có “kí-lô” nào đối với hai ông.

Trong một lúc cô đơn cùng cực, Chúa Giê-su té xuống đất và thốt lên lời cầu xin: “Lạy Cha, nếu được xin Cha cất chén này! “ Đức Giêsu không thể nào đối diện với chén đắng. Thật quá đau khổ và quá lo lắng. Người không nghĩ sẽ có thể uống được chén đau khổ này.

Làm sao Chúa Giê-su có thể nói lời xin vâng? Phải trả lời gì bây giờ? Dù bị đau khổ vì bị ruồng bỏ và bỏ rơi, Đức Giêsu luôn luôn kết hiệp mật thiết với Đấng mà Người gọi là “Abba “. Và đừng quên rằng, tiếng Abba là tiếng “cha” trong nghĩa thân tình như tiếng “ba” của người Việt mình đấy. Lòng tin tưởng của Người vượt quá thái độ bất trung, lòng tuân thuận vào tình phụ tử vượt quá tuyệt vọng và tình yêu vượt quá hãi sợ. Chính nhờ tình mật thiết này, mà Đức Giêsu mới có thể xin Đấng đã gọi Người là “Con yêu dấu ” cất chén đắng cho Người. Dù trong cơn lo lắng tột độ, mối dây liên hệ này không bị cắt đứt. Đó là mối dây không sờ và không nói lên bằng lời được, mối dây tuyệt vời và không hủy hoại được. Chính trong hiệp thông mật thiết với Cha mà Người chấp nhận uống chén đắng: “Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Đức Giêsu không nhường bước trước tuyệt vọng và không đẩy lui chén đắng. Người cầm chén chắc nịch trong tay, muốn uống đến giọt cuối cùng. Đó không phải là một hành vi biểu lộ ý chí trước thử thách hay biểu lộ tính anh hùng, nhưng hành vi xuất phát từ sâu thẳm tâm hồn, đó là tiếng “vâng ” với Abba, là “Ba” Ngài, và Đức Kitô cũng nói “vâng” với tất cả nhân loại, một lời nói vâng thiết tha vì tình yêu của một quả tim tan vỡ.

Ngoài ra, tiếng xin vâng không điều kiện của Đức Giêsu với Chúa Cha đã cho Người sức mạnh để uống chén, không phải trong thái độ thụ động cam chịu, nhưng tin chắc giờ chết sẽ là giờ vinh quang. Tiếng vâng tuân thuận là hành vi sáng tạo, một hành vi mang nhiều thành quả. Tiếng xin vâng cất bỏ được số mệnh phủ phàng: sứ mệnh của Người được tiếp tục. Thay vì một kết thúc không tránh được, thì cái chết của Người trở thành khởi đầu của một đời sống mới. Tiếng vâng là lời loan báo hạt giống gieo vào lòng đất sẽ cho một mùa gặt dồi dào.

Lắng nghe trước tiếng xin vâng của Đức Kitô, chúng ta đáp lại thế nào đây ? Chúng ta có dám mở lòng để nói tiếng xin vâng với Chúa không ? Tiếng xin vâng thành tâm phát xuất từ tấm lòng yêu thương của chúng ta với Chúa, chứ không phải là tiếng “thưa có” đầy nông cạn, nông đến nỗi không cảm được cái đau của Chúa và chẳng thông hiệp được với Ngài chút nào trên con đường thương khó, cạn đến mức đôi mắt và tâm hồn chỉ dán chặt vào trong “cái ghế” và vinh quang. Vì thế, cần phải nói lời xin vâng với Chúa như thế nào đây ?

Kiểm tra tương tự

NÊN MỘT VỚI VỢ MÌNH

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …

Chăm Sóc Các Loài Thụ Tạo – Ý Cầu Nguyện Tháng 9 Của Đức Thánh Cha

  “Liệu chúng ta có nghe thấy nỗi đau của hàng triệu nạn nhân của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *