Mùa Chay-Thời gian mở lòng ra cho Đấng là nguồn của lòng thương xót (8)

Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ.

Nâng chén

 

Nâng chén lên là lời mời nhấn mạnh và chúc mừng sự kiện được ngồi cùng bàn chung với nhau. Khi chúng ta nâng chén lên, nhìn vào mắt nhau, chúng ta muốn nói: “Đừng lo âu, mình đón tiếp nhau. Đừng sợ chạm trán với cuộc đời và hãy khuyến khích nhau mến chuộng những gì cuộc đời dành cho chúng ta”.

Tất cả các ngôn ngữ đều có một công thức để cụng ly, để chúc sức khỏe, tiếng la tinh là “Prosit”; tiếng Đức là “Zum Wohl”; tiếng Anh là “Cheers”, tiếng Pháp là “À votre santé”, tiếng Ý là “Alla tua salute” Tiếng Do thái là: “L’chaim”, và tiếng Việt chúng ta là : “Xin chúc mừng”. Nâng chén và cụng chén để chúc mừng cuộc đời ! Mừng cuộc đời của anh, của chị và của tôi.

Có thể đó là lời chúc hay nhất. Chúng ta cùng nâng chén cuộc đời, để khẳng định cùng sống với nhau, cùng mừng cuộc đời như quà tặng của Thiên Chúa. Khi chúng ta có thể cầm chắc chén của mình, chén đầy buồn phiền và niềm vui lẫn lộn, nhận biết đó là cuộc đời chúng ta và là cuộc đời duy nhất chúng ta có, lúc đó chúng ta có thể nâng chén lên cho những người khác cùng thấy, để họ có can đảm nâng chén của họ lên. Như thế, khi chúng ta cùng nâng chén lên, không e ngại, chúng ta nói sẽ nâng đỡ nhau trên con đường đi chung, thế là chúng ta đã tạo một cộng đồng.

Trong cộng đồng đó, có mặt chính Đức Kitô là trung tâm điểm, Đấng đang cầm chiếc chén đẹp nhất và đầy nhất, cái đẹp của một vì Thiên Chúa sẵn sàng kề vai vác tất cả những khó nhọc và bệnh hoạn của chúng ta, cái đầy của tình yêu vượt trên tất cả mọi mức đo của cuộc đời này.

Chắc chắn, trong một cộng đồng, không phải chỉ có toàn những chuyện hòa hợp, cũng không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng kết hợp giữa những người trong cộng đồng được, là do chúng ta tin rằng chúng ta không sống đơn độc, chúng ta chấp nhận đời sống là hỗn hợp của thành công thất bại, của những lúc thăng lúc trầm. Các vết thương cá nhân, gần như không thể chịu đựng, nếu chúng ta sống một mình, thì sẽ trở thành nguồn chữa lành, nếu chúng ta sống trong cộng đồng huynh đệ, thân tình, và cùng săn sóc lẫn nhau. Và tinh thần huynh đệ đó được chính Đức Kitô là trung tâm điểm, là mẫu gương tuyệt hảo nhất sống và chỉ bảo cho chúng ta. Đó chính là tình yêu không lơ đi trước những đau khổ của người Sa-ma-ri đang bị nạn ở giữa đường ; là sự cảm thông đầy nhân hậu của đối với người phụ nữ tội lỗi đến khóc lóc sướt mướt bên chân Ngài trong nhà một người biệt phái ; là đôi mắt đầy nhân từ nhìn thấy nỗi đau của người phụ nữ bị gù lưng từ bao nhiêu năm trời, cái gù lưng vì bị thần dữ chế ngự. Không thể cứ như thế được, và Ngài đã gọi bà ra khỏi hàng ghế trong hội đường, trước mặt mọi người, Ngài đã cho bà đứng thẳng lên, cái gù kia phải chia tay vĩnh viễn với cái lưng của người phụ nữ này, để giờ đây bà có thể ngẩng cao đầu nhìn trời, nhìn đời và nhìn biết bao nhiêu người thân thương khác. Thật vậy, Đức Kitô đã sống tinh thần huynh đệ, tinh thần tình yêu thật tuyệt vời. Ngài luôn là nơi để cho anh chị em của Ngài được chạy đến, nghỉ ngơi và được bồi dưỡng, Nơi Ngài, tất cả mọi ách, tất cả mọi gánh dù nặng và dù khó nhọc đến mấy, cũng đều trở nên êm ái và nhẹ nhàng (x. Mt 11, 28-30).

Vì thế, chúng ta cùng với Đức Kitô, nâng chén lên, cụng ly để chia sẻ cho nhau tất tả những nỗi niềm của cuộc đời này, cái vui và nỗi buồn, cái khổ đau và niềm hạnh phúc. Chúng ta hãy trao cho nhau những “tổ ấm”, để cùng nhau nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức lực, trao cho nhau những gánh nhẹ nhàng và ách êm ái, chứ đừng “sản xuất” ra những gánh nặng và “ách chông gai”, để bắt người khác vác, còn mình thì chẳng màng tới.

Thật vậy, Chúng ta “nâng” đời sống chúng ta lên mỗi lần chúng ta nói và hành động cho nhau.

Một khi “cầm” được đời sống trong tay, chấp nhận trọn vẹn, đời sống của chúng ta trở thành đời sống cho người khác. Lúc đó, chúng ta không còn so sánh, không còn hỏi xem đời mình tốt hơn hay xấu hơn, bởi vì khi sống cho người khác, không những mình khẳng định cá thể của mình, mà chúng ta còn nhận thấy vai trò không thể thay thế được của mình trong bức khảm ghép của gia đình nhân loại. Bonhoeffer đã nói rằng, Đức Kitô luôn sống cho người khác, và khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su, thì chúng ta cũng cần phải tham dự vào cuộc sống của Đức Kitô, là chúng ta cần phải sống cho người khác nữa. Vâng, sống cho người khác để cùng người sống và sống dồi dào hơn, như chính Đức Kitô đã sống cho chúng ta, để đời chúng ta ngày càng được phong phú và dồi dào hơn (x. Ga 10,10).

Vì thế, nâng chén lên có nghĩa là chia sẻ đời sống, để chúng ta có thể yêu mến các việc làm tốt của nhau, và cùng sẻ chia những đau khổ và khó khăn trong cuộc đời. Khi chúng ta tin chắc chúng ta được gọi để sống cho nhau, thì, với tất cả lòng tin, chúng ta sẽ tạo cơ hội để người khác biết chúng ta. Đó là cộng đồng xây dựng trên cởi mở và chia sẻ, để từ đó chúng ta có thể uống, và cạn chén của mình. Trong một cộng đồng như vậy, khi chúng ta nâng chén lên và nói: “Mừng cuộc đời!”, chính là cuộc đời “thật” mà chúng ta muốn nói đến, chứ không phải chỉ những gì đau đớn và buồn phiền, nhưng còn là vui tươi và thích thú. Và như thế, những lời chúc khi cụng ly sẽ tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó, và sẽ trọn vẹn hơn khi mỗi ly rượu, mỗi chén uống được chúc phúc.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *