Muối đất, ánh sáng và lề luật (8.8.2014 – Lễ Thánh Đa Minh, linh mục)

Muối đất, ánh sáng và lề luật
(Mt 5, 13-19)

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp thông với tất cả các tu sĩ Đa-minh trên toàn thế giới và nhất là với các tu sĩ nam nữ Đa Minh tại Việt Nam để tạ ơn Chúa, vì Người đã ban cho Giáo Hội một “VỊ NGÔN SỨ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT TỪ TÂM”, là thánh Đa Minh.

Xin Chúa cho đời sống và sứ vụ của Quí Cha, Quí Thầy, Quí Soeurs Đa Minh và của tất cả con cái nam nữ sống theo linh đạo Thánh Đa-Minh được rạng ngời Ánh Sáng Chân Lý của Đức Ki-tô, ngang qua việc chiêm niệm, thực hành và rao giảng Lời Chân Lý của Người với “lòng thương xót từ tâm”, theo gương thánh Đa-minh, và nhờ lời cầu bầu của Thánh Nhân.

I. “Anh em là muối cho đời… Anh em là ánh sáng cho trần gian” (c. 13-16)

1. Muối và ánh sáng

Trong “Bài giảng trên núi”, sau khi công bố các mối phúc, Đức Giê-su nói với các môn đệ, và qua các môn đệ, Ngài nói với tất cả chúng ta, là người Ki-tô hữu: “Chính anh em là muối cho đời”; “chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Hai lời mời gọi này của Đức Giê-su thường được hiểu tách biệt nhau và theo nghĩa thực hành: làm muối cho đời, nghĩa là, bằng hành động làm cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, môi trường sống của mình trở nên “mặn mà” trong tình thương thân tương ái; làm ánh sáng cho trần gian, nghĩa là làm gương sáng về đời sống đức tin và niềm hi vọng giữa lòng cuộc sống.

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi dành thời giờ để suy đi nghĩ lại trong lòng lời của Đức Giê-su, theo gương Đức Maria. Khi đó, chúng ta sẽ khám phá nhiều ý nghĩa rất bất ngờ có liên quan đến mầu nhiệm Đức Ki-tô và giúp giúp chúng ta “cảm nếm” Lời Chúa. Chính sự hiểu biết sâu sa Đức Ki-tô mới có sức mạnh chinh phục con tim chúng ta và tạo ra một cách sống đích thật và bền vững, theo Chân Lý của Người.

Trước hết, hạt muối và ánh sáng là hai thực tại có bản chất và giá trị rất tương phản nhau:

MuốiÁnh sáng
1. Về mặt vật lí, muối có lẽ có cấu tạo đơn giản.2. Ở bình diện biểu tượng, muối được dùng trong các lối nói ẩn dụ (“hạt muối cắn đôi”…) và cũng được dùng làm biểu tượng (chẳng hạn muối và bánh mì ở Nga, diễn tả lòng hiếu khách).

3. Tuy cả hai đều cần cho cuộc sống, nhưng muối rất rẻ.

4. Muối được đặt ở trên bàn ăn hay trong nhà bếp trong một góc nào đó.

1. Ánh sáng phức tạp và kì diệu hơn; được nghiên cứu nhiều hơn.

2. Nhưng ở bình diện này, ánh sáng chắc chắn hơn hẳn hạt muối: Ánh Sáng Tin Mừng; ánh sáng là biểu tượng của sự sống, bởi vì nhìn thấy ánh sáng, có nghĩa là đang còn sống; Ngôi Lời là ánh sáng; ánh sáng soi đường, soi lối, soi lòng: “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi”…

3. Còn ánh sáng đắt tiền hơn (khác nhau giữa tiền muối và tiền điện hàng tháng! Nhiên liệu để đốt sáng; các phương tiện chiếu sáng…; và càng ngày càng có những phương tiện chiếu sáng cầu kì, đắt tiền, vì còn là đồ trang trí nội thất).

4. Trong khi các phương tiện chiếu ánh sáng luôn ở vị trí cao để soi sáng và ở khắp nơi.

Chúng ta tạm so sánh đơn sơ như thế để làm bật lên sự khác biệt và để giúp chúng ta cảm nhận được phần nào sự nghịch lí trong lời mời gọi của Đức Giêsu: muối và ánh sáng tương phản với nhau như thế, nhưng Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở nên cả hai, cả muối lẫn ánh sáng cùng một lúc. Vậy thì làm sao có thể thực hiện được? Vừa là muối, nghĩa là trở nên tầm thường, nhỏ bé và phải tan biến đi để “ướp cho mặn đời”? Vừa trở nên ánh sáng, nghĩa là trở nên điều kì diệu, luôn hiện diện và thu hút sự chú ý của mọi người.

 

2. Nghịch lý Tin Mừng[1]

Nhưng lời của Đức Giêsu còn hơn cả lời mời gọi, vì Ngài nói: “Chính anh em là…”. Là Ki-tô hữu, nghĩa là người thuộc về Đức Ki-tô, người đi theo Đức Ki-tô, thì tất yếu là như thế, tất yếu là một một nghịch lí, tất yếu vừa là muối, và vừa ánh sáng. Và chúng ta chỉ có thể hiểu và sống được, khi chúng ta được soi sáng và được thúc đẩy bởi chính Lời của Chúa và bởi chính ngôi vị của Ngài mà thôi.

Trước hết trong các mối phúc, chúng ta nhận thấy cũng có sự nghịch lí như thế. Thật vậy, nghịch lí giữa muối và ánh sáng, chính là nghịch lí có trong ở trong từng mối phúc: “Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ”. Nghịch lí ở đây là, một đàng là nghèo khó, và một đàng là có cả Nước Trời! Và tương tự như thế, đối với các mối phúc khác.

Chính khi chúng ta có một tinh thần tự do đối với của cải vật chất, không theo đuổi của cải vật chất như là ngẫu tượng, là chủ, là chúa của mình, thì chúng ta có được sự bình an và hạnh phúc của Nước Trời ngay ở đời này rồi. Ngược lại, thật là bất hạnh cho chúng ta, nếu lòng chúng ta gắn bó với những của cải phù vân đời này, coi của đời là chủ, là chúa, là ngẫu tượng, là cùng đích đời mình; trong trường hợp này, bất hạnh không phải ở sau mà ngay ở đời này rồi.

Cũng vậy đối với các mối phúc khác: thật hạnh phúc cho chúng ta nếu chúng ta sống hiền lành, bởi vì Chúa là Đấng hiền lành và chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; thật hạnh phúc cho chúng ta nếu chúng ta biết sầu khổ, nhất là sầu khổ vì lòng mến và vì sự đồng cảm với người khác; thật hạnh phúc cho chúng ta, nếu chúng ta biết biết xót thương và có tâm hồn trong sạch, vì Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và là Đấng Thánh.

 

3. Mầu nhiệm Vượt Qua

Chúng ta là muối và là ánh sáng như thế đó, theo các mối phúc. Và đặc biệt trong mầu nhiệm Vượt Qua, chính khi Đức Giê-su trở nên muối của đất trong cuộc Thương Khó, thì chính lúc đó Ngài trở nên Ánh Sáng muôn dân trong mầu nhiệm Phục Sinh.

Con đường muối và ánh sáng chính là con đường chết và phục sinh, nghĩa là con đường của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Và con đường Vượt Qua của Đức Giêsu, được ghi dấu ở khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử và trong kinh nghiệm đời thường, cũng chính là con đường trở nên muối và ánh sáng của chúng ta hôm nay.

Tôi nằm xuống và tôi thiếp ngủ,
(muối của đất)
Rồi thức dậy, vì Chúa đỡ nâng tôi.
(ánh sáng của trần gian)

(Tv 3, 6)

Và để trở thánh muối cho đời và ánh sáng cho trần gian, Đức Giê-su mời gọi chúng ta không dừng lại ở chữ viết của lề luật, nhưng “hoàn tất” lề luật bằng cách sống theo lời của Người.

II. Đức Ki-tô và Lề Luật (Mt 5, 17-19)

Đức Ki-tô đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10); thế mà con người không thể sống mà không có Lề Luật: Lề Luật cần thiết cho sự sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc và chính sự chết, khi trở thành phương tiện, thậm chí “vũ khí” của Sự Dữ. Vì thế, Đức Ki-tô không thể nào không có lập trường đối với Lề Luật. Và cái chết của Ngài trên Thập Giá, cũng là một cái chết được mệnh danh là công lí của Lề Luật.

Nhưng chính khi Ngài để cho con người lên án Ngài nhân danh Lề Luật, Ngài mặc khải cho loài người chúng ta vấn đề lớn nhất của Lề Luật và khuôn mặt thật của Sự Dữ : Luật một khi bị cắt đứt khỏi nguồn gốc và cùng đích, sẽ trở thành phương tiện hại người; Sự Dữ dùng điều tốt là Lề Luật để thực hiện ý xấu (x. Rm 7, 13).

 

1. Biến cố Sinai và “Bài Giảng Trên Núi”

Trong “Bài Giảng trên Núi”, sau khi công bố các mối phúc, Đức Giê-su trình bày lập trường của mình đối với Lề Luật: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là hoàn tất lề luật”. Và lời giảng dạy của Đức Giê-su về việc hoàn tất Lề Luật sẽ được ứng nghiệm nơi chính cuộc sống của Ngài, một cuộc sống hướng tới mầu nhiệm Thập Giá.

Để giải thích cách Ngài hoàn tất Lề Luật, Đức Giêsu đặt mình đối diện với Mười Điều Răn, vốn là trung tâm của toàn bộ Lề Luật: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng…Còn thầy, thầy nói…”. Ngày nay, Mười Điều Răn vẫn còn hiện diện như bộ luật căn bản của Giáo Hội. Dĩ nhiên, ngoài Mười Điều Răn ra, còn vô số những luật lệ khác mà người giáo dân vẫn đọc lại vào ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, Đó không phải là những điều luật thêm vào, nhưng là một giải thích hay chi tiết hóa Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chi phối tất cả các lề luật khác như ngọn núi vượt trên đồng bằng, hay đúng hơn, chứa đựng tất cả những lề luật này. Chúng xuất phát từ Mười Điều Răn và trở về với Mười Điều Răn. Chính vì thế, lề luật được Đức Giê-su hoàn tất không chỉ là “luật cũ” của Cựu Ước, nhưng là mọi lề luật của loài người, thuộc mọi thời.

Đã được nói cho người xưa… Nhưng Thầy nói với anh em…”[2]. Công thức này được Đức Giê-su dùng tới năm lần, nếu không kể c. 31-32. Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe ba lần đầu (c. 17-37), và chúng ta sẽ được nghe hai lần sau vào Chúa Nhật tới (c. 38-48). Chúng ta chỉ hiểu được tầm mức của những lời này của Đức Giêsu, nếu đặt vào bối cảnh. Đó là những lời được công bố từ trên núi, cho các môn đệ và cho cả đám đông nữa (x. Mt 5, 1; 7, 28). Và vì lời của Ngài đối diện trực tiếp với những điều luật của Mười Điều Răn (x. Xh 20; Đnl 5), chúng ta không thể không so sánh bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi và bối cảnh của Mười Điều Răn.

  • Đức Giêsu đã vượt qua mọi giới hạn có trước, nghĩa là trước đó, người ta chỉ giải thích Luật Mô-sê; ở đây, Ngài đặt chính mình vào chỗ mà từ đó Mô-sê đã lên tiếng công bố Mười Điều Răn.
  • Điều đó vẫn chưa là mới tuyệt đối, vì Mô-sê ban luật nhân danh Đức Chúa, còn Đức Giê-su ban luật mới nhân danh chính ngôi vị của mình. Trong những lời này, Đức Giêsu đặt chủ thể của mình vào chủ thể của Đấng ban Lề Luật ở núi Sinai. Từ núi này đến núi kia, biến cố mà Đức Giê-su tạo ra thật là lớn lao.
  • Ngoài ra, núi Sinai còn là nơi dành cho sự hiện diện của Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Israel[3], bởi lẽ Lề Luật sẽ là gì nếu không có sự Hiện Diện? Con rắn làm cho con người chỉ nhớ tới luật, mà quên đi Đấng Ban Luật, vốn là Đấng đã ban biết bao nhiêu ân huệ trước khi ban luật. Vì thế, có rất nhiều những giải thích lời giảng dạy của Đức Giêsu, có rất nhiều những hướng dẫn thực hành, nhưng thường bỏ quên sự hiện diện, ngôi vị của ngài, Đấng đến để phục vụ cho sự sống con người bằng “tình yêu đến cùng”. Người nghe được mời gọi hiểu biết, cảm mến, đi vào tương quan thiết thân với Ngài, thì mới có thể mở trí mở lòng ra đón nhận những lời lạ lùng này của Ngài.

 

2. Tại sao phải hoàn tất Lề luật?

Tại sao phải hoàn tất Lề luật? Bởi vì một đàng con người không thể sống mà không có Lề Luật, nhưng đàng khác, con người lại “khổ sở” vì Lề Luật!

(1) Thật vậy, trong thực tế, có người dùng Luật để hại người và kẻ đầu tiên là “Con Rắn”, đã dùng chính lệnh truyền của Thiên Chúa để gieo rắc sự nghi ngờ, ghen tị va ham muốn (St 3, 1-7). Chính vì thế, Sách Khải Huyền gọi Satan lả Kẻ Tố Cáo (Kh 12, 7-10). Luật được lập ra là để phục vụ cho sự sống, nhưng trong thực tế, luật trở thành phương tiện hại người, thậm chí giết chết. Như thế, Luật bị cắt đứt khỏi cùng đích là sự sống. Chẳng hạn, có người dùng luật “chớ giết người” để giết người bằng cách vu cáo. Bởi lẽ, để hại người mà mình vẫn an toàn, thì không có cách nào khác là phải dựa vào luật. Chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: « Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7)[4]. Nhưng Ngài dùng chính hành động giết Ngài nhân danh Lề Luật, để “hoàn tất” Lề Luật, theo cách thức của Thiên Chúa.

(2) Ngoài ra, loài người chúng ta, dưới sự mê hoặc của Sự Dữ, khi sống Lề Luật, đã cắt đứt Lề Luật ra khỏi nguồn gốc, là tương quan ơn huệ với Thiên Chúa, qua trung gian xã hội, Giáo Hội, Hội Dòng, gia đình… Hậu quả là, thay vì sống lề luật để bày tỏ lòng biết ơn, để lớn lên trong tương quan tình yêu nhưng không, trong tương quan giao ước, con người dựa vào chữ của lề luật để tạo lập sự công chính của mình; từ đó, sẽ dẫn đến thái độ kiêu ngạo và thú vui dò xét và lên án người khác. Đây chính là thái độ của những người Pha-ri-sêu, kinh sư và luật sĩ. Hoặc ngược lại, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mình “công chính”, khi đối diện với Lề Luật; vì thế, chúng ta luôn bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi. Chính Đức Ki-tô sẽ hoàn tất Lề Luật cách tận căn bằng Thập Giá, để trao ban cho chúng ta sự công chính của Ngài.

(3) Hơn nữa Lề Luật có những giới hạn tự tại. (a)Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: để ngăn chặn sự dữ, dừng lại ở hành vi thôi chưa đủ, dừng lại ở hành vi giết người hay hành vi ngoại tình thôi chưa đủ, bởi vì nguồn gốc của hành vi chính là cõi lòng của con người. Trước khi giết người khác, người ta đã loại bỏ người ấy ở trong lòng của mình rồi; trước khi có hành vi ngoại tình hay nhưng hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi.Chẳng hạn, chẳng ai trong chúng ta đã vi phạm luật “chớ giết người”, và có lẽ đến cuối đời, chắc chắn cũng chẳng bao giờ vi phạm. Nhưng, phải chăng như thế đã là công chính, khi mà cõi lòng của chúng ta đầy giận hờn ghét ghen, khi mà lời nói của chúng ta gây ra tai họa cho người khác, thậm chí có khả năng “giết chết”. Sách Huấn Ca nói:Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm,nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?(Hc 28, 18). Và thánh Gioan nói rằng ai ghét anh em mình đã là kẻ sát nhân rồi. Lời này của thánh Gioan là một kết luận thật chính xác từ chính lời của Đức Giêsu nói: ai giận, mắng hay chửi anh em thì đáng bị xét xử y như người phạm tội giết người. Bởi lẽ, khi ghét anh chị em của mình, là chúng ta đã loại trừ người ấy ngay trong lòng của mình rồi; và nghiêm trọng hơn, lòng ghen ghét là nọc độc gây chết chóc cho người mang nó trong người và cho cả người phải gánh chịu nó. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nào khi nhận ra rằng có ai đó ghét bỏ mình. Bởi vì lòng ghen ghét tự nó có khả năng giết chết. (b) Lề Luật qui định những điều phải làm và những điều phải tránh; nhưng còn lại rất nhiều hành vi và hành động Lề Luật bỏ ngỏ, không qui định. Vậy, chúng ta phải hành động theo năng động nào, nhằm mục đích gì? Năng động xấu sẽ lẻn vào, nếu chúng ta không sống theo một năng động khác khởi đi từ con tim, là năng động của Thần Khí, là tình yêu, là nhưng không, là vì chính Thiên Chúa, Cha mọi người, như chính Đức Giê-su đã sống đến cùng trong mầu nhiệm Vượt Qua.

3. Đức Giê-su hoàn tất như thế nào?

Đối diện với Luật, Con Rắn (Satan, Sự Dữ, Tội) xúi dục con người quên ơn, nghi ngờ Thiên Chúa, ham muốn, ghen tị và cuối cùng là vi phạm; hậu quả là chết trong tương quan với mình, với Thiên Chúa và với người khác; điều này đúng ở tất cả bình diện: tôn giáo, đời tu, gia đình, xã hội (x. St 2-3 và Rm 7, 7-13). Những người thuộc về Satan cũng dùng Luật như phương tiện để hại người khác.

Kinh thanh(a) Dùng Luật như phương tiện, Con Rắn (Satan, Sự Dữ, Tội) gieo vào “tai” con người nọc độc quên ơn, nghi ngờ Thiên Chúa, ham muốn, ghen tị và cuối cùng là vi phạm; hậu quả là chết trong tương quan với mình, với Thiên Chúa và với người khác; điều này đúng ở tất cả bình diện: tôn giáo, đời tu, gia đình, xã hội). Những người thuộc về Satan cũng dùng Luật như phương tiện để hại người khác.

(b) Ngoải ra, Con Rắn còn dựa vào Lề Luật để rình rập, gài bẫy, vu cáo, lên án.

(c) Trong cuộc sống, hầu như hằng ngày chúng ta nghe đến chán chê qua báo chí, các bài diễn văn hay các bài giảng, vô vàn những lời lên án mọi lỗi lầm của người khác, của xã hội và thậm chí của cả loài người! Hành động này là đúng : vì có luật, có vi phạm, thì phải dựa vào luật mà tố cáo, kết án và thì hành án phạt. Nhưng phải chăng Luật được lập ra với chức năng chính yếu là được dùng để tố cáo và kết án nhau ? Hơn nữa, kết án nhân danh Lề Luật, theo mặc khải Kinh Thánh, lại là hành động đặc trưng của Satan !

Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.

Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?

Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con.

(Tv 19, 13)

Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.

Hoàn tấtlề luật theo Đức Kitô không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức theo chữ viết, nhưng là

Một chuyển động của Thần Khí vượt qua Lề Luật,

bằng cách trở về với khởi đầu và hướng thằng đến cùng đích.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.

[1]Nghịch lý Tin Mừng là nghịch lý được ghi khắc ở khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử và trong kinh nghiệm đời thường, và được Đức Ki-tô làm cho viên mãn, hoàn tất và vĩnh hằng, bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

[2] “Công thức” này ở đây được dịch sát bản văn Hy Lạp.

[3] Nếu khác đi, Luật sẽ không là gì cả. “Này đây, Đức Chúa đã nói với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”, Mô-sê nói (Đnl 5, 4). Và dân chúng đáp lại: “Này Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, đã cho chúng tôi thấy Người thật vinh quang và vĩ đại, và chúng tôi đã nghe tiếng của Người từ trong đám lửa.” (Đnl 5, 24).

[4] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sa-bát, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình rập, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).

Kiểm tra tương tự

Manna: Hãy yêu kẻ thù (Thứ Năm Tuần 23 Thường niên)

Lời Chúa: Lc 6, 27-38  27 “Thầy nói với anh em là những người đang …

Manna: Phúc cho anh em là những người nghèo (Thứ Tư Tuần 23 Thường niên)

  Lời Chúa: Lc 6, 20-26 Ðức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *