Năm mới nhận “lì xì” của người nghèo

 

Trời Sài Thành nắng dịu sắc Xuân, người muôn chốn lao xao quây quần. Kẻ ấy hăm hở tay bánh trái trao, tay bao lì xì. Bất kể gặp được người bạn hàng rong, bác bán vé số hay ông xe ôm nào, kẻ ấy đều tặng họ những gì có thể tặng, lì xì cho họ những gì có thể lì xì và nói với họ những gì có thể nói, với ước mong chia sẻ một chút niềm vui đầu năm với họ.

Một ngày cứ thế qua đi, khi trở về nhà, kẻ ấy nhận ra rằng không hẳn là mình đã lì xì cho người nghèo, cho bằng chính người nghèo đã lì xì cho kẻ ấy. Họ đã lì xì cái nghèo của họ, sự đơn sơ chất phác của họ, những lời chúc, lời cám ơn, nụ cười và đặc biệt là những “nỗi lòng” của họ…

  • “Nhà bà có ba người con ở thành phố mà chẳng đứa nào chịu nuôi bà hết. Ban ngày bà đi ăn xin, tối đến thấy cửa nhà nào có thể nằm được thì nằm thôi. Hôm sau lại tiếp tục như vậy.”
  • “Bố mẹ bác chết hết rồi. Chẳng còn người thân nào nữa. Cũng chẳng biết quê hương ở đâu vì bố mẹ bác cũng mồ cô từ nhỏ. Mấy ngày Tết tranh thủ đi bán vé số, có ít còn hơn không cháu ạ.”
  • “Quê cô ở mãi miền Bắc cơ. 5 năm nay bác không về rồi. Có tiền đâu mà về hả cháu.”
  • “Chúc cháu làm ăn phát tài. Năm nay lấy vợ nhée”.
  • “Bà quê ở miền Tây. Ở lại thành phố bán vé số để nuôi đứa cháu nhỏ ăn học. Tội nghiệp nó! Nó được 12 ngày tuổi thì bố mẹ bị tai nạn chết cả hai. Giờ bà nuôi nó cũng lên được lớp 4 rồi.”
  • “Chân ông đau quá! Không đi bán như người ta được nên đành phải ngồi một chỗ. Ngày bán được có mấy chục tờ thôi. Giờ già yếu rồi, cũng chẳng ăn uống được mấy. Thôi thế cũng tốt rồi.”
  • …..

            Những món quà quý giá đó làm cho tâm hồn kẻ ấy được trở nên hài hoà và bao dung hơn. Nhờ đó, kẻ ấy nhận ra rằng, thế giới này nếu như ai cũng sống một cuộc sống với những nhu cầu tối thiểu như người nghèo, cởi mở như người nghèo, vô tư như người nghèo thì hẳn người ta sẽ không phải lao công vất vả đến kiệt sức dưới ánh mặt trời hay phải khai thác trái đất này đến kiệt quệ như thế!

            Tối đến, khi vắt tay lên trán nhìn lại ngày đã qua, một mặt kẻ ấy thường tự trách mình vì đã lì xì cho họ ít hơn những gì mình có thể lì xì, không đơn thuần là chuyện vật chất, nhưng là tấm lòng thành. Mặt khác, tâm hồn kẻ ấy không khỏi thắc mắc là vì sao một ai đó lại cứ phải chịu đau khổ cách tàn nhẫn và bất công, trong khi họ thực sự không đáng phải chịu đau khổ như vậy; hoặc những đau khổ ấy không nên xảy đến với họ vì cuộc đời họ đã thê thảm lắm rồi. Thậm chí kẻ ấy nhận thấy rằng chính mình mới là người đáng phải chịu đựng điều đó, sớm hơn họ về mặt thời gian và dữ dội hơn họ về mặt cường độ. Thế nhưng trớ trêu thay, chính kẻ ấy và không ít những trái tim vô tình khác vẫn miệt mài kiếm lời trên mồ hôi của người nghèo; hoặc chấp nhận sự giúp đỡ của những người thậm chí còn có một cuộc sống tồi tệ hơn chính mình!

Hv. Văn Tài, S.J.

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *