Ngọc Hân công chúa và Quang Trung

VÀI TÀI LIỆU VỀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA VÀ QUANG TRUNG

 

            Tạ Quang Phát phê dịch

L.T.S. : Những tài liệu dưới đây đều được đăng trong Tạp Chí Nam Phong phần Hán văn, chưa được ai dịch ra Quốc văn. Rất tiếc những tài liệu này không được rõ xuất xứ. Tuy nhiên, phải hiểu cho rằng dưới triều Nguyễn mọi tài liệu về Tây-sơn đều bị nghiêm cấm tàng trữ. Các tài liệu về Tây-sơn còn để lại rất ít và hầu hết đều vô danh, không biết ai là tác giả. Thật đã gây nhiều khó khăn cho người khảo sử. Chúng tôi vẫn cứ xin đăng tải để các nhà khảo sử sau này tìm ra sự thực.

 

CHUYỆN TẢN MÁC VỀ CÔNG CHÚA NGỌC HÂN

(Nam Phong Tạp chí, số 103, phần Hán văn, 1926, tt. 20-22)

Công Chúa Ngọc-Hân là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông, và là Hữu cung Hoàng hậu của Thái tổ Vũ hoàng đế nhà Tây-sơn.

Mẹ của công chúa là người ở xã Phù ninh huyện ĐôngNgàn tỉnh Bắc Ninh, tên là Nguyễn thị Huyền được tuyển vào hầu vua Lê, sinh ra Công chúa Ngọc-Hân trong cung năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771).

Công  chúa có dung sắc đẹp tuyệt thế và đức hạnh đều toàn vẹn, được vua Hiển tông cưng lắm. Vua thường bảo: “Con này ngày sau phải gả làm vương phi, không nên gả cho hạng phò mã tầm thường”.

Khi Chúa Tây-sơn Nguyễn Huệ đem mấy vạn quân ra bắc tôn phò vận phúc nhà Lê, nhân Bằng-lĩnh-hầu Nguyễn Hữu Chỉnh thù ứng kết thân hai họ Lê và Nguyễn, vua Lê mới gả công chúa Ngọc-Hân cho chúa Tây-sơn.

Chúa Tây-sơn Nguyễn Huệ đem đủ 200 lượng vàng, lụa là 20 cây, trần bày binh trượng cờ xí, sai quan thị thần bưng tờ tấu đến điện Vạn thọ cầu hôn.

Vua Lê sai Hoàng tử Sùng Nhượng Công tiếp thu, cáo lên Thái miếu. Hôm sau vua Lê lại sai các vị hoàng thân công chúa cùng các bề tôi văn võ đều đem xe ngựa đến chờ ở ngoài cửa điện để đưa Công chúa Ngọc-Hân về phủ chúa Trịnh, nay là chỗ Chúa Tây-sơn Nguyễn Huệ đóng binh.

Chúa Tây-sơn lại sai quan đem tờ tâu xin nghinh hôn, khiến vệ binh đứng ở hai bên đường từ cửa điện đến cửa phủ, nghi vệ rất dồi dào rạng rỡ. Con gái con trai trong kinh thành đứng xem đông keng như bức tường, đều cho là việc hiếm có từ xưa đến nay.

Công chúa đến cửa phủ, Chúa Tây-sơn ngồi kiệu kim long (kiệu rồng vàng) ra đón, mọi việc đều theo như nghi lễ nhà dân.

Công chúa Ngọc-Hân vào cung,  Chúa Tây-sơn bày yến tiệc ở trong và ở ngoài đãi các hoàng thân phi tần công chúa cùng các bề tôi văn võ.

Yến tiệc xong, Chúa Tây-sơn lại đem đủ 200 lượng bạc ra ban tặng và đưa đến ngoài cửa phủ.

Các bề tôi nhà Lê trở về hội ở công đường bộ Lễ đều nói rằng: “Thiên tử được rể quí, nước Nam ta từ nay có nước thông gia.”

Công chúa lúc ấy mới 16 tuổi, lúc mới vu quy còn thẹn thùng, rồi sau cũng yên ổn cùng với Chúa Tây-sơn đến bái yết các tiên đế ở Thái miếu. Lễ xong cùng đi chung xe trở về.

Chúa Tây-sơn tính kiêu căng nói với công chúa rằng:

–          Các vị con trai con gái của nhà vua, mấy ai được vinh hoa như thế?

Công Chúa đáp:

–          Lộc của nhà vua đơn giản ít oi (chúa Trịnh xưng vương trở về sau chỉ để một ngàn xã làm lộc điền cho vua Lê), các con trai con gái của vua chỉ một mùi thanh đạm nghèo khó, chỉ có một mình thiếp là có phần, được phối hợp cùng Lịnh công, tỷ như giọt ngọc nước mưa bay trên không mà được rơi vào lâu đài, đó là cái may mắn của thiếp.

Chúa Tây-sơn rất vui thích.

Khi bịnh của vua Lê trở nặng, Công chúa Ngọc-Hân xin Chúa Tây- sơn vào thăm hầu bịnh. Chúa Tây-sơn từ mà rằng:

–          Nay ta với Hoàng thượng thì nghĩa như cha con. Ta thành thật muốn vào chiêm cận dung quang của Hoàng thượng lúc Hoàng thượng còn để kể nỗi niềm luyến mộ. Nhưng ta mới từ cõi xa đến, người trong nước chưa ắt tận tin. Giả sử ta đến mà Hoàng thượng băng hà thì chẳng là để cho ta một điều phỉ báng vô cùng hay sao? Công chúa hãy về hầu Hoàng thượng, đối  với các anh em của Công chúa, Công chúa hãy nói rõ cho họ lượng thứ cho ta cái ý ấy.

Công chúa từ biệt trở về.

Đêm ấy thần khí của vua Lê tỉnh táo, gọi Hoàng tự tôn (tức vua Chiêu Thống) đến dặn dò việc lớn của quốc gia. Vua Lê lại gọi Công chúa Ngọc-Hân đến dạy đạo làm vợ, dặn dò rất tươm tất. Kế đó vua Lê băng ở điện Chánh ẩm.

Triều đình đề nghị lập Hoàng tự tôn, sai người đến báo cho Chúa Tây-sơn biết.

Chúa Tây-sơn không thuận cho, vì lúc trước khi Công Chúa Ngọc-Hân về với Tây-sơn, Chúa Tây-sơn thường hỏi khắp cả về các hoàng tử có giỏi không Công chúa mọi việc đều nói thật. Chúa Tây-sơn lại hỏi về Hoàng tự tôn nhân phẩm ra sao, thì Công chúa chưa thoát được thường tình của phụ nữ, tự cho là anh thân hơn cháu, sợ Hoàng tự tôn đoạt mất ngôi báu của anh là Sùng Nhượng Công, bèn đáp:

–          Hoàng tự tôn nhân phẩm tầm thường không đủ để đương ngôi cả.

Do đó ý của Chúa Tây-sơn không thích Hoàng tự tôn, cho nên không thuận cho Sứ giả trở về. Triều đình hội nghị phân vân không giải quyết được.

Bỗng có một người trong cử tọa lớn tiếng bảo:

–           Hoàng tự tôn không được lập lên ngôi thì thiên hạ ắt rối loạn, họ Lê ắt phải mất, cái lỗi ấy là ở Công chúa Ngọc-Hân. Công chúa thật đã làm lỡ kế hoạch lớn lao của xã tắc. Nên truất bỏ thuộc tịch của Công chúa đi, để mặc cho Công chúa về với Tây-sơn an hưởng phú quý, trong họ chúng ta không thiếu một con người ấy.

Cử tọa xem lại thì đó là Hoàng thân Vượng quận công.

Công chúa cả sợ, bèn trở về xin với Chúa Tây-sơn. Chúa Tây-sơn bèn thuận cho.

Về sau Chúa Tây-sơn về nam, lên ngôi hoàng đế, phong Công chúa làm Hữu-cung Hoàng hậu. Chúa Tây-sơn cử hành lễ mừng thọ tứ tuần (40 tuổi), Công chúa dâng bài biểu mừng rằng:

“Nay gặp khánh tiết mừng tuổi thọ của Hoàng đế, khúc nhạc Thanh thương ứng luật hợp tiết, cồn hoa đang độ. Cây ngọc đưa hương, cây bích đào dâng quả trường sinh: trăng bạc nhả ánh trong, hồ băng lại nở hoa buổi sáng. Mây mù sắc tía nồng đượm mà khuê phòng hương nức ; khí lành sáng tỏ mà áo xiêm thêm màu. Kính cẩn dâng bài biểu chúc mừng. Cúi nghĩ lấy khí lành trình điềm tốt, tưng bừng màu sắc con phụng con lân ; đầy khắp thiên hạ chiếu về cõi hư không sao Dực sao Chẩn. Điện quế truyền hương; sân tiêu tràn điều mừng.

            Kính nghĩ Hoàng đế Bệ hạ, tài cao thiên cổ, đức hợp với trời và đất. Cung kính thi hành sự trừng phạt của trời lớn lao chấn động vũ công, đất Tây-sơn đẹp đẽ hưng sự nghiệp đế vương ; trần bày đức đẹp vào bản nhạc ca vĩ đại, ở cõi giao dã phía đông đã định xong quy mô của nước nhà. Mặt trời đỏ rạng mà nghiêm đáng tin [quẻ quan] ; sao thọ tinh chiếu sáng mà thiên hạ đều cùng ngưỡng lên trông mong nương tựa [thiên Tiểu biền, phần Tiểu nhã trong kinh Thi] Sao Xu của Bắc đẩu điện vây, ánh sáng nổi lên chen mừng Vạn thọ; cửa trời mây mở, sắc trong thấu triệt mặt kính ngàn thu. Bốn mùa thường điều hòa khiến cái đức của Vua đẹp như ngọc và sáng như đuốc ; trong ức năm mãi vững chiếc lọ vàng.

            Hạ thần đức thẹn với thơ Quan thư, nhân ngượng với thơ Cưu mộc. Trong nội thất theo hầu kề cùng ngồi mặc đồ lộng lẫy, vái mong tính theo tuổi tiên niên kỷ khởi đầu của Bệ hạ một mùa xuân tám ngàn năm ; chốn nội đình kề sát nghe nhạc thiều, ân cần chúc phước của quốc gia được ngàn muôn năm vô hạn”.

            Lại gặp lễ tết Đoan dương, nội đình triều Tây-sơn kính dâng lên Công chúa Ngọc-Hân bài biểu văn như sau:

“Nay kính gặp lễ Đoan dương. Thương ngọc lộ ánh sáng ; ngọc hoàng tông lộ điềm lành. Mặt trời xoay quanh sao Đông-tỉnh ; ánh sáng mở tưng bừng mặt thái-dương khi chính ngọ, sao Bắc-đẩu chỉ cái cán về nam, màu sắc chói lọi sao vụ nữ giữa trời. Cung kính việc tốt lành chung hiệp lúc mùa hương nồng, tin chắc việc vui chung nơi biệt điện. Kính cẩn dâng tờ biểu chúc mừng. Cúi nghĩ cái đức đầu tiên của quẻ Khôn là sâu dày mà nâng chở đã làm đầu lễ nghi nơi khuê các ; ánh trăng duyên gặp gỡ thuộc quẻ Cấu trong sáng, ngưỡng mộ phúc lành ở chốn cung đình. Hương sực nức ở đóa lan mang giắt ; nỗi mừng vui tràn ngập quế cung.

Kính nghĩ Hoàng hậu Bệ hạ là ánh sáng tràn xa lá ngọc dòng dõi Hoàng gia, là chi nhánh của sông Ngân. Lúc Lịnh bà vu quy, cung nhân theo thứ tự (như xâu cá) đã thuận theo pháp độ giúp Lịnh bà giặt giệm áo quần [như thiên Cát-đàm ở kinh Thi], tiếng tốt đã chói lọi nết cung kính thuận hòa theo trăm cỗ xe đưa dâu ; lúc gà gáy Lịnh bà ân cần giúp đỡ Hoàng đế mặc áo đêm lo việc chính. Nền tảng đầu tiên, Lịnh bà đã tán trợ binh đội một lần mặc áo giáp ra chinh chiến thì toàn thắng mà cấu tạo thành. Về tề gia trị quốc Lịnh bà chịu giúp vào việc chinh của Hoàng đế. Lịnh bà lặng nén, hòa nhã để phát huy mãi mãi cái sáng suốt tự nhiên. Thơ ngũ luật (?) hòa hợp với tiếng của vật lớn lao (?) ; sao Thuần thủ ứng với lúc vua làm hoàng đế mặc áo đẹp mà sáng tỏ ; điều tốt lành trùng điệp kéo dài nỗi mừng của con cháu. Con cháu nhiều bực hiền tài như trong thiên Lân-chỉ của kinh Thi và đông đảo sinh lan ra như dây dưa nối tiếp mãi mãi.

Hạ thần thẹn được liệt vào hàng hương phấn, ngưỡng mong được núp dưới bóng huyên. Trình bày thơ Hoàng hoàng giả hoa thuộc phần Tiểu nhã trong kinh Thi để khen sứ thần ở triều phương bắc. Lúc trời nóng lúc trời lạnh đều chuyên cần ý tứ khi ở xa muôn dặm ; xem trái đào trên tiệc của Tây Vương Mẫu, dâng lời chúc cơ nghiệp được lâu dài phát đạt được ức năm như mặt trời đang lên (thăng) như mặt trăng lần đầy (hằng)[1].

Lại có bài biểu rằng:

“Nay kính gặp tiết lành Đoan dương, cỏ chi dâng điềm tốt, cỏ lan nước hương trong. Cọng lau đưa hơi nóng, bộ luật ngọc trúng với chứng nghiệm của ngũ âm ; hoa lựu ra bông, lò vàng luyện thành việc hanh thông của tứ đức. Việc doanh dưỡng lâu dài được đồng đều mà cả hoằng vũ đều vui ; ánh sáng điềm lành chói lọi mà cả cung đình đều được mừng.

Kính cẩn dâng biểu văn mừng chúc. Cúi nghĩ lấy bút son tuyên dương điều tốt đẹp, đoan trang ngưỡng trông theo khuôn phép của ngọc hành ngọc cư mặt trời hồng dâng điều phúc, hòa vui tăng ánh rạng rỡ của cung đền. Mùi hương sực nức chốn cung vi nỗi vui tràn nơi chấn bảng (?)[2]

Kính nghĩ Hoàng hậu Bệ hạ là dòng dõi hoàng tộc (nhà Lê), âm đức cùng rạng rỡ. Đánh đàn rủ áo (?) mà trang nhã hòa mục phong hóa thanh trong. Đọc kinh Thư, khen kinh Dịch làm nền tảng cho việc đẹp đẽ dồi dào (?) ; đưa mày vãy tay áo (?) siêng cần lo tựu thành nghiệp cả. Sinh nhà Hạ, hưng nhà Chu tạo thành việc tôn kinh lớn lao. Hoa đào đang độ mở rộng lớn lao cái đạo thơm tho ; Cây sắn leo quấn cùng đưa đến phúc lớn. Áo xinh ứng với thời buổi tốt mà sắc màu chói lọi, xâu bội ngọc khua lên hòa với thanh âm mở rộng lớn lao ; nơi sạp tre đón chiều thanh lịnh để bày lộ điềm lành, đầy thưng tràn những mối dồi dào tốt đẹp.

Hạ thần lạm chịu lòng yêu thương quý báu, ngưỡng đội việc thành toàn. Mùa thu dài trông ngóng cung vi, vẻ rạng rỡ lớn lao thật đã dựa vào đức cả: mùa hạ dài chiêm bái hội lành, an dưỡng sao đúng với lời nổi tiếng”.

Công chúa ở Phú-xuân sinh được vài đứa con trai con gái. Vừa được bảy năm thì chúa Tây-sơn Nguyễn-Huệ băng. Công chúa có soạn ra một bài văn tế bằng quốc âm (tiếng Nôm) để tế Hoàng đế, trong bài ấy có nhiều câu cảnh giác, đến nay bài ấy được đọc lên còn như oán như than khiến người nghe phải ảo não.

Xem đấy có thể biết Công chúa sắc tài đều hơn. Việc trội xuất ấy rất vượt xa.

Đến khi vua Cảnh-Thịnh lên ngôi, việc nước ngày một sai. Vua-Cảnh Thịnh con của Tả hoàng hậu lên ngôi trở về sau, mọi việc đều giao cho cậu là Bùi-Viết-Tuyên. Bùi-Viết-Tuyên lộng quyền, lòng dân ngày một ly tán, vừa được chín năm thì mất nước.

Dòng dõi nhà Tây-sơn đều không còn sót một ai. Công chúa Ngọc-Hân vì là con của vua Lê được khỏi nạn, năm ấy đã được 32 tuổi mà nét đẹp xinh về dung sắc của Công chúa vẫn chưa hề suy giảm.

Vua thế tổ bổn triều nhà Nguyễn (Gia-long) để yên Công Chúa Ngọc-Hân ở một dịch đình (ngôi đền bên cạnh), cho người hầu hạ cung phụng. Bầy tôi của vua Gia-long có người cho rằng Công chúa Ngọc-Hân là vật thừa dư của Tây-sơn mà can gián vua. Vua Gia-long bảo:

–          Lãnh thổ và nhân dân ngày nay không có một món gì là không phải vật thừa dư của Tây-sơn, thì mới làm sao?

Về sau vua Gia-long cho Công chúa Ngọc-Hân về Bắc theo quê quán của mẹ ở Bắc Ninh, cho đến lúc lâm chung.

Xét lại Công chúa lúc còn nhỏ thì làm con gái vua, lúc trưởng thành làm hoàng hậu, kế theo làm hoàng thái hậu, niềm vinh diệu một đời Công chúa có thể nói là cùng tột. Đến ngày xế bóng, Công chúa Ngọc-Hân không khỏi lưu lạc (nơi quê mẹ), tưởng rằng Công chúa lúc ấy án theo nay mà nhớ lại xưa, há chẳng ảo não mà than thở cho Tạo vật đã trêu người, chẳng có việc gì là không đến được, mà phát sinh nổi cảm khái vô biên chăng?

 

 


[1] Trong bài biểu lắm điển tích tra mãi không ra, xin so hai vế đối mà tạm dịch.

[2] […] Ghi chú của dịch giả.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 2: “Những nhân vật chính” của cuộc chiến

Nhìn bề ngoài, chủ nghĩa đắc thắng có vẻ giống như mọi cơn cám dỗ …

Chúa có là Sự Sống, là Con Đường và là Sự Thật của đời bạn không ?

Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,1-12) Chúa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *