Ngài Đến Đây Làm Gì?


3. Ngài đến cứu chuộc loài người.

Còn một chiều kích nữa của con người cũng phải được cứu chuộc, đó là chiều kích xã hội. Nó hàm chứa lời tuyên xưng: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi”. Lời tuyên xưng này không chỉ có nghĩa là Ngài đến để cứu hết mọi người, như một tổng số những cá nhân riêng rẽ. Nó còn bao hàm chính cái tính xã hội của con người nữa, vì đó là một chiều kích không thể tách rời khỏi con người và cuộc sống của con người. Tính xã hội của con người không phải là “tính bầy đàn” của loài vật, vì con người có ý thức về tương quan này và làm chủ tương quan này. Loài người không phải là một tập hợp những cá thể có cùng một bản chất, nhưng là một cộng đồng được kết nối bằng tình huynh đệ. Vậy thì nói rằng Ngài đến cứu rỗi chúng tôi có nghĩa là Ngài cứu cả chiều kích xã hội này nữa, để làm cho loài người chúng tôi thật sự là loài người, liên kết trong một tình huynh đệ.

a. Tội lỗi làm cho loài người tan rã

Trong dự định của Thiên Chúa, như sách Sáng Thế trình bày, thì cả loài người mới là hình ảnh của Thiên Chúa, và cả loài người phải liên kết với nhau để chinh phục mặt đất (St 1,26-30). Nhưng tội lỗi làm đứt nát sợi giây liên kết loài người.

Sợi dây liên kết thứ nhất là tương quan giữa đàn ông và đàn bà, “< trở thành “cái người đàn bà mà Chúa đặt bên tôi”, một món đồ phụ tùng ở bên ngoài. Người bạn duy nhất xứng đáng với ông thì đã trở thành “mụ ấy hái trái cây và đưa cho tôi và tôi ăn”. Và mối tình khắng khít làm cho hai người nên một xương một thịt bây giờ trở thành một tương quan thống trị: người đàn ông trở thành đối tượng thèm muốn của người đàn bà, và người đàn bà trở thành đối tượng thống trị của người đàn ông (St 3,16). Thế là mối tương quan thứ nhất giữa người với người, để loài người được tồn tại và phát triển, đã bị tội lỗi làm cho biến chất đi rồi. Cả hai đã từ chối một Tình Thương siêu việt vẫn làm cho mỗi bên nhận ra bên kia là một quà tặng của Tình thương, là bạn đồng hành để đến với Tình Thương: Đứng trước sự mất mát to lớn ấy, người bạn đồng hành trở thành kẻ cám dỗ, cái nhìn yêu thương trở thành cái nhìn hằn học, oán hận. Và đứa con lẽ ra là hoa trái của tình yêu trở thành hoa trái của nỗi đau của người đàn bà.

Sợi dây thứ hai nối kết loài người là tình anh em. Sách Sáng Thế trình bày sự xuất hiện và biến chất của tình huynh đệ ở chương 4 và chương 11. Đứa con đầu lòng xuất hiện làm cho người mẹ reo vui sung sướng:”Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người” (St 4,1). Đứa con thứ hai xuất hiện là niềm vui cho đứa con thứ nhất, vì là em nó. Trong bản văn Hip-ri, đứa con thứ hai được gọi là “em nó” trước khi nhận cái tên là Abel. Tình huynh đệ không xuất phát từ một quy luật pháp chế nào, nhưng dựa trên chính sự kiện hai người cùng là người, do người sinh ra. Trách nhiệm đối với anh em cũng phát sinh từ đó, chứ không chờ đợi một luật lệ nào. Sau này khi Ca-in đã giết em, Chúa hỏi: em ngươi đâu? Ca-in dùng một từ pháp luật để vặn lại Chúa: “Tôi là người canh giữ em tôi sao?”. Diễn ý theo từ pháp luật thì câu ấy nghĩa là “ai trao cho tôi trách nhiệm giữ em tôi hồi nào?” Quả thật trong bản văn thì không hề thấy Chúa tuyên bố cho Ca-in và Abel một luật nào về tình huynh đệ. Nhưng Chúa vẫn hỏi tội Ca-in và đòi nợ máu cho Abel. Vậy thì câu chuyện muốn khẳng định rằng tình huynh đệ và trách nhiệm đối với anh em nằm trong bản chất con người chứ không đợi phải do pháp luật đặt ra. Chính Thiên Chúa đứng ra bảo đảm cho tình huynh đệ. Ca-in dụ em ra ngoài đồng để không có ai chứng kiến lúc hắn giết em. Nhưng hắn lầm, còn có Thiên Chúa bênh vực quyền sống của người em, và chính Thiên Chúa đòi nợ máu cho người em. Đến khi Thiên Chúa tuyên phạt Ca-in, hắn sợ bị người khác giết thì Chúa lại bảo đảm mạng sống cho hắn: “Kẻ nào giết Ca-in sẽ bị báo oán bẩy lần” (St 4,15).

Tình anh em đã biến chất như thế nào?

Chương 4 của sách Sáng Thế trình bày hai bước của sự biến chất này. Bước thứ nhất là Ca-in coi Abel là kẻ chia bớt phần của mình. Hình ảnh dùng để diễn tả là hai người cùng dâng của lễ, Abel được Thiên Chúa nhận, Ca-in không được Thiên Chúa nhận. Câu chuyện không hề nói đến lý do tại sao người này được nhận, người kia không, và chỉ khai thác thái độ của Ca-in đối với em mình. Ca-in tức giận: hắn lầm lì mưu tính một mình. Rồi một ngày kia hắn rủ em ra ngoài đồng. Không ai chứng kiến. Hắn xông vào giết em. Đến đây chúng ta thấy rõ ý đồ của Ca-in: hắn muốn loại trừ đứa em để không còn ai chia bớt phần của hắn, hắn sẽ độc chiếm cả Thiên Chúa và mặt đất. Bước thứ hai: hắn giết tình huynh đệ ngay khi lạm dụng sự tin tưởng của đứa em để lập mưu giết em, và khi giết em rồi thì hắn đã chôn tình huynh đệ. Lời Thiên Chúa tuyên phạt Ca-in diễn tả nỗi cô đơn của hắn sau đó: “Ngươi sẽ là kẻ lang thang trên mặt đất”. Không phải Thiên Chúa làm cho hắn trở thành kẻ lang thang, nhưng chính hắn đã tự đẩy mình vào thân phận cô độc lang thang khi hắn giết em. Hắn muốn độc chiếm Thiên Chúa thì Thiên Chúa đuổi hắn đi; hắn nhìn nhận “từ nay tôi sẽ phải ẩn xa mặt Chúa” (St 4,14). Hắn muốn độc chiếm mặt đất thì hắn trở thành kẻ lang thang cô độc, và hắn sợ rằng “người đầu tiên gặp hắn sẽ giết hắn” và chính mặt đất cũng sẽ không sinh hoa mầu cho hắn nữa. Ca-in đã không muốn có người em đồng hành để làm chủ mặt đất thì Ca-in cô độc và không làm chủ được mặt đất. Ca-in đã giết tình huynh đệ và giết em. Bài ca của Lamek ở cuối chương 4 là một lời tuyên bố rằng tình huynh đệ đã chết: “Ta đã giết một người vì ta bị một vết thương, ta đã giết một đứa trẻ vì ta bị trầy; vì Ca-in được báo thù gấp bẩy, còn Lamek được báo thù gấp bẩy mươi bẩy” (St 4,23-24).

Câu chuyện tháp Babel ở chương 11 sách Sáng Thế trình bày tình anh em bị biến chất một cách khác: nó biến thành sự đồng lõa. Con cháu ông Nô-ê hợp nhau xây một ngọn tháp cao thấu trời để lưu danh hậu thế trước khi chia tay nhau đi tìm nơi sinh sống trên mặt đất. Câu chuyện có vẻ vô tội vạ. Nhưng trong nhãn quan của Kinh Thánh coi trời là nơi Chúa ngự, thì đây là hành động khiêu khích Thiên Chúa. Con cháu Nô-ê hợp ý với nhau để khiêu khích, để chọc trời. Sự hòa hợp trong tình anh em đã bị họ biến thành sự đồng lõa. Bởi vậy Thiên Chúa ngó xuống coi họ làm cái trò gì, và Thiên Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ trở nên bất đồng để họ không còn hiểu nhau được nữa, không còn hòa hợp với nhau được nữa. Câu chuyện này thuộc loại chuyện giải thích nguồn gốc (trong Cựu Ước có nhiều chuyện loại này), nhằm giải thích tại sao loài người nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đây không phải là một giải thích khoa học, cũng như những chương đầu của sách Sáng Thế không phải là một giải thích khoa học. Sách Sáng Thế đã vận dụng câu chuyện này để trình bày một vấn đề sâu sắc hơn. Khi tình huynh đệ biến thành đồng lõa thì nó tan vỡ. Sự đồng lõa của con cháu Nô-ê bao hàm sự từ chối Tình Thương Siêu Việt liên kết mọi người. Họ muốn xây một ngọn tháp để lưu danh hậu thế thay vì xây dựng con người và cuộc sống, muốn chọc trời thay vì hoàn thành công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Kết quả là họ không còn hòa hợp được với nhau nữa, mỗi người mỗi ý, mỗi người mỗi ngả, “phân tán ra khắp mặt đất”. Sự phân tán này cũng như cảnh bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng trên kia chủ yếu không phải là ở không gian: họ có tiếp tục tụm lại với nhau thì cũng chỉ còn như một rổ cua: xã hội loài người anh em đã tan vỡ, nhường chổ cho chủ nghĩa cá nhân hoành hành.

Tóm lại, những sợi giây liên kết loài người đã đứt tung vì tội lỗi: từ chối một tương quan chiều dọc siêu việt làm trục nối kết, coi anh em là kẻ chia bớt phần nên loại bỏ nhau hay biến nhau thành kẻ đồng lõa. Làm sao nối lại những mối dây ấy?

b. Ngài đến cứu chuộc loài người.

Con Thiên Chúa làm người đã đến để làm cho người người lại được là loài người, nối kết với nhau bằng tình yêu thương bình đẳng và huynh đệ. Ngài đã tái lập loài người bằng cách Ngài đích thân trở nên anh em của con người để cho họ chia sẻ cùng một sự sống, được gọi Cha của Người là Cha của họ; Ngài cho họ một gia tài chung và dạy cho học cách sống tình huynh đệ.

1 – Ngài trở nên anh em của con người

Ngài vốn là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã làm người, đã trở nên cùng huyết nhục với con người. Ngài nhận họ là anh em của Ngài (x. Hr 2,11); không phải chỉ lúc Ngài sống trong thân phận con người tại thế, mà chính lúc Ngài lên với Cha, vào trong vinh quang vĩnh cửu của Ngài, Ngài gọi họ là anh em của Ngài. Ngài nói với Maria Ma-đa-lê-na: “Hãy đi nói với anh em của Thầy…” (Ga 20,17). Trong câu chuyện ngày phán xét (Mt 25,31-46), Ngài nhận những người bé nhỏ nhất, cùng khốn nhất là anh em của Ngài. Trong câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu, Ngài diễn tả chính thái độ của Ngài: Ngài tự nhận là anh em của loài người cần được cứu chuộc. Nếu con người nhận ra Ngài là anh em của tất cả mọi người thì cũng nhận ra mình là anh em của nhau. Để dễ hiểu điều này, chúng ta có thể đối chiếu với câu chuyện của ông Giu-se, vẫn trong sách Sáng Thế, các chương 37; 42-45. Mười người anh của Giu-se đồng lõa với nhau để thủ tiêu Giu-se, cuối cùng họ bán Giu-se làm nô lệ cho bọn lái buôn, vì còn nghĩ đến chút tình ruột thịt không nỡ giết. Khi Giu-se đã trở thành người quản lý nước Ai Cập, mười người anh em này kéo sang mua lúa. Họ không nhận ra Giu-se nhưng Giu-se nhận ra họ. Ông đã bắt họ trải qua hai cuộc thử thách rất đau đớn để biến đổi tình đồng lõa của họ trở lại thành tình huynh đệ đích thật, trước khi cho họ biết ông chính là em của họ. Trong lần gặp lại đầu tiên, ông đã bắt họ chứng thực rằng người em út còn sống thì mới cho họ về. Họ nhận ra tai họa này là để đền tội đồng lõa hại Giu-se. Sau đó ông Giu-se bắt mười người đó phải chứng thực họ là anh em với nhau: ông bắt Si-me-on giữ lại, cho chín người kia về. Nếu họ thật tình làm anh em của nhau, thì họ phải trở lại, đem cả người em út để cứu Si-me-on về. Lần gặp gỡ thứ hai, khi chín người anh trở lại, đem theo người em út cùng cha khác mẹ, nhưng cùng mẹ với Giuse. Ông này lại muốn họ phải chứng thực họ nhìn nhận người em út này là em, nên ông lập kế giữ người em út lại. Họ đã tỏ ra liên đới thực sự với người em út và muốn làm mọi cách để tránh cho người cha nỗi đau đớn phải mất đứa con út. Tình huynh đệ và lòng hiếu thảo của họ được tôi luyện qua hai cuộc thử thách, giờ đây ngời sáng. Giu-se tái xuất hiện giữa họ với khuôn mặt người em. Gia đình được đoàn tụ trong tình hiếu thảo và tình huynh đệ chân thật. Giu-se là nạn nhân của sự ghen tương và đồng lõa của mười người anh, giờ đây đã thành công trong việc giáo dục, gầy dựng lại tình huynh đệ cho mười người anh. Ông bắt họ phải thật tình liên đới với nhau, rồi phải thật tình liên đới với người em út cùng cha khác mẹ nữa. Họ đã đáp ứng đòi hỏi của ông. Họ đã làm sống lại tình huynh đệ. Tương tự như thế, Đức Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người đã tự liên đới với mọi người và với từng người, để làm cho mọi người lại liên kết với nhau nhờ liên kết với Ngài, lại nhận ra nhau là anh em khi nhận Ngài là anh em của mình.

2 – Ngài cho lại chúng tôi một người Cha

Cũng trong câu chuyện Giu-se trên đây, các anh của ông vẫn tự nhận là con cùng một cha, nhưng trong thái độ đối với ông thì họ lại chẳng quan tâm đến cha của họ, họ sẵn sàng nói dối cha. Họ muốn phủ nhận Giu-se là em của họ thì họ cũng làm như không còn nhận Gia-cop là cha của họ nữa. Bởi thế trong khi giáo dục lại tình huynh đệ cho họ, Giu-se cũng giáo dục lại lòng hiếu thảo nữa. Miệng họ vẫn bô bô rằng họ là một nhóm mười hai anh em con cùng cha, nhưng cách cư xử của họ không phải như vậy. Bây giờ họ phải thành thật nhìn nhận ông Gia-cob là cha của cả mười hai người, không trừ ai, thì tình anh em mới sáng lên được: Họ sẵn sàng liên đới với Si-me-on cũng như với Ben-gia-min vì nghĩ đến người cha ở nhà. Họ chứng tỏ được tình cảm đậm đà đối với cha và đối với em họ đến nỗi “Giuse cầm mình không được” nữa mà phải chấm dứt cuộc thử thách (St 45,1).

Để tái lập sợi dây liên đới huynh đệ giữa loài người, Con Thiên Chúa cũng cho loài người một người Cha: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17). Con người là anh em với nhau vì cùng là anh em của Ngài, và cùng một Cha với Ngài. Ngài đến để tỏ cho họ biết Cha của họ. Ngài nói với họ lời của Cha, Ngài tỏ cho họ những việc của Cha, Ngài giãi bày cho họ thấy tình thương của Cha trên trời qua những câu chuyện, những lời chỉ bảo, những lời kinh Ngài dạy (Bài Giảng trên núi, Mt 5-7; Ga 5). Ngài giải bày cho họ thấy Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi Ngài có thể nói trong bữa Tiệc Ly: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha rồi” (Ga 14,9). Ngài tỏ cho con người thấy Cha của Ngài để cho họ cũng được gọi Cha của Ngài là Cha của mình. Bài kinh duy nhất Ngài dạy để thưa với Thiên Chúa mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”. Tất cả thái độ Ngài dạy để sống với Thiên Chúa là thái độ làm con của Cha trên trời (x. Mt 6).

Không những Ngài cho được gọi Cha của Ngài là Cha của chúng ta, Ngài còn cho những ai đón nhận Ngài trở nên “cùng huyết nhục” với Ngài, vì Ngài cho họ chính sự sống của Thiên Chúa, sự sống Ngài đã lãnh nhận bởi cha Ngài từ đời đời. Ngài tuyên bố: “Ý muốn của Cha Ta là thế này: ai thấy người Con và tin vào Người thì được sự sống đời đời; và Ta, Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40). Bởi vậy Thánh Gioan kêu lên: “Hãy xem Thiên Chúa yêu thương chúng ta chừng nào, vì chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và thật sự chúng ta là như vậy”(1 Ga 3,1), vì được sống sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa ngay từ bây giờ: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha!” (Gl 4,6). Thế là cùng với người Cha, Con Thiên Chúa đã cho chúng ta một gia nghiệp chung, vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2). Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “nhà Cha” và “chỗ ở” để nói với các môn đệ điều ấy: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở … Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3). Như vậy chúng ta là anh em với nhau vì chúng ta có cùng một Cha và cùng một gia nghiệp.

Chúa Giêsu sẽ dựa vào đó để xác định và đòi hỏi sự bình đẳng giữa mọi người. Đứng trước luật ly dị rất là dễ dãi và đầy tính cách đàn áp phụ nữ, Chúa Giêsu đã đòi lại quyền bình đẳng cho người phụ nữ. Ngài nhân danh kế hoạch của Thiên Chúa về con người để đòi người đàn ông và người đàn bà đã thành vợ chồng với nhau phải thật sự đối xử với nhau như xương thịt của nhau (x. Mt 19, 1-9). Ngài đòi phải tôn trọng cả những người mà người ta cho là thấp hèn nhất, vì Cha trên trời yêu thương và bảo vệ những người ấy (x. Mt 18, 10-14). Ngài đòi phải yêu thương mọi người để xứng đáng là con Cha trên trời, vì Cha trên trời không loại trừ ai (x. Mt 5, 43-48). Ngài đòi phải cứu giúp, nâng đỡ những người cùng khốn nhất, vì họ là anh em của Ngài và Ngài sẽ nhân danh Cha Ngài mà xét xử mọi người, chỉ có ai yêu thương giúp đỡ anh em mới được vào Nước Trời (x. Mt 25, 31-40). Thế là Chúa Cha và gia nghiệp chung trở thành cái trụ đứng nâng đỡ những tương quan chiều ngang giữa người với người.

3 – Ngài đến đây dạy chúng tôi sống tình huynh đệ

Con Thiên Chúa đến làm anh em của con người, không phải chỉ nối kết họ lại thành anh em với nhau, Ngài còn cho họ một kiểu mẫu để sống tình huynh đệ nữa. Đối lại với thái độ coi anh em là kẻ chia bớt phần của mình, Ngài đã tự ý chia cho họ tất cả: Ngài cho họ được cùng làm con Thiên Chúa với Ngài, được sự sống của Ngài, được biết tất cả những gì Ngài đã nghe biết nơi Cha Ngài. Tình anh em chân thành bao gồm cả tình bạn. Trong bữa Tiệc Ly Ngài gọi các môn đệ là bạn hữu (Ga 15,15).

Đối lại với thái độ và hành động “giết em”, Ngài đến hiến mạng sống vì anh em: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Ngài đã đến để làm tôi tớ mọi người và đem chính mạng sống Ngài để phục vụ mọi người, làm cho mọi người được sống. Mỗi lần môn đệ của Ngài tranh giành địa vị với nhau, Ngài đều dạy họ phải phục vụ, Ngài tuyên bố rõ ràng: Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã làm một cử chỉ của người tôi tớ: Ngài bưng nước rửa chân cho các môn đệ. Qua cử chỉ ấy, Ngài muốn cho các môn đệ bài học về phục vụ, đồng thời diễn tả tượng trưng việc Ngài đem mạng sống Ngài mà phục vụ (Ga 13,1-6).

Đối lại với thái độ đồng lõa, Ngài kêu gọi mọi người đi với Ngài về nhà Cha. Khi gọi môn đệ, Ngài bảo: “Hãy theo tôi”. Khi môn đệ hỏi Ngài rằng theo Ngài thì họ được cái gì, Ngài cho họ biết sẽ được chia phần với Ngài trong cuộc sống vĩnh cửu (x. Mt 19, 27-29). Ngài chỉ xin Cha Ngài một điều là: “Con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha ban cho Con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Ngài mời gọi tất cả đồng hành.

4 – Ngài đã cứu chuộc bằng thập giá và phục sinh

Tất cả công trình cứu chuộc loài người ấy, Ngài đã thực hiện trên thập giá: “Ngài vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Chính trong giờ phút bi đát nhất của con người, Ngài đã ngước mặt lên đón nhận Chúa Cha cho nhân loại: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46), và Ngài dang tay ra thu họp, giảng hòa nhân loại với nhau và với Thiên Chúa: “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2, 14-18). Nhờ Ngài dang tay chết trên thập giá, cả nhân loại được sum họp trong gia đình có Thiên Chúa là Cha. Ngài đã cứu chuộc loài người, đã ban cho con đường bảo đảm nhất để thể hiện tình anh em đích thực: “Ngài chết để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi” (Ga 11,52). Cái chết của Ngài có sức mạnh ấy là vì Ngài chết và sống lại để trở thành Đấng ban phát Thánh Thần. Chính Thánh Thần là sợi giây hiệp nhất. Sách Tông Đồ Công Vụ diễn tả biến cố Thánh Thần hiện xuống như một cuộc tái lập sự hiệp nhất mà tội “Babel” đã phá hủy: Thánh Thần làm cho mọi người lại hiểu cùng một ngôn ngữ để đón nhận củng một Tin Mừng (x. Cv 2,1-11). Và cuối cùng, Ngài sẽ hoàn tất công trình cứu chuộc loài người, khi Ngài làm cho cả loài người được sống lại vinh quang và sống mãi trong ánh sáng hạnh phúc vô cùng của Thiên Chúa.

 

Kiểm tra tương tự

Hẹn hò trực tuyến – Thật nản lòng!

Ngày nay, các bạn nữ Công giáo độc thân chẳng dễ dàng gì để tìm …

Tolle Lege: Lời mời gọi đọc sách

Có lẽ nhiều người khó chịu với trào lưu khuyến khích văn hóa đọc. “Với …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *