Ngày cuối năm

Một năm trôi qua thật nhanh, mới thế mà nay đã là ngày cuối cùng của 2020. Ngày cuối năm vẫn như bao ngày khác, vẫn đủ 24 giờ, nhưng dường như có chút gì đó khựng lại chùng chình, dùng dằng, níu kéo và trống trải. Thời tiết Sài Gòn có nắng nhẹ, gió hiu hiu, trông loáng thoáng buồn nhưng lại vừa vặn với không khí cuối năm. Những kỉ niệm cũng ùa về nhẹ nhàng như con gió, làm đôi lúc chính mình lay động, làm ta suy tư, trầm lặng hơn. Cuốn lịch cũ mỏng dần đi để bắt đầu một cuốn mới, trang mới. Thế nhưng vẫn không xoa dịu được những nỗi đau, những nước mắt của năm qua.

Một năm cả thế giới điêu đứng vì Covid-19, từ những con phố náo nhiệt bậc nhất thế giới ở New York đến những ngôi làng ở tận cực Bắc xa xôi. Kinh tế bị ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp và nghèo đói tăng cao. Để phòng dịch, các quốc gia “đóng cửa” biên giới với nhau, còn trong nước thì người ta áp dụng các biện pháp “ngăn sông cấm chợ,” giãn cách xã hội, cách ly tập trung. Các hoạt động tụ họp đông người bị giảm thiểu hay bị cấm, bất kể vì mục đích giải trí hay tâm linh. Nhiều người rơi vào khủng hoảng tâm lý vì thiếu tương quan và gặp gỡ thể lý, vì cảm thấy cô đơn.

Một năm “khúc ruột Miền Trung” chịu mưa bão thất thường và dồn dập, kèm theo những vụ sạt lở kinh hoàng và lụt lội mênh mông. Một năm mà thời tiết và khí hậu càng ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo hơn. Thiên nhiên không chỉ nhắc nhở mà còn đang phản kháng con người về sự xa cách với tự nhiên do chính anh gây ra, sau những chuỗi hành động tàn phá môi trường khiến không gian xung quanh ngày càng trở nên thù địch.

Một năm với nhiều “trật đường,” nhiều thay đổi. Nhiều người “vỡ kế hoạch” vì không thể đi nước ngoài hay không thể hồi hương, nhiều kẻ “gãy gánh” không thực hiện được những dự định của mình. Với Covid-19, nhiều thói quen của con người phải thay đổi, người ta cũng phải tập để hình thành nhiều thói quen mới như đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, cúi chào thân tình thay cho bắt tay nồng nhiệt,… Trong “cái khó ló cái khôn,” không thể gặp gỡ và làm việc trực tiếp, người ta nghĩ đến việc làm việc và hội họp qua Zoom, cũng như học online, và cả tham dự Thánh lễ trực tuyến,… Trong cơn dịch, người ta kêu gọi sự ý thức về cái “chúng ta” thay cho “cái tôi” hẹp hòi; những thành phần dễ bị tổn thương hơn trong xã hội như người già, người bệnh, trẻ em… được chú ý chăm sóc và bảo vệ hơn. Tương quan hàng xóm láng giềng và tình cảm gia đình được tái khẳng định và xây dựng. Người ta tập trung vào sự thinh lặng, cầu nguyện và sống phó thác nhiều hơn.

Không chỉ trong năm 2020 này, mà trong đời mỗi người cũng có nhiều lần kinh nghiệm sự “trật đường” như thế. Có thể là trong một cơn thử thách nghiêm trọng nào đó: khi bị thất bại trong nghề nghiệp, có người thân qua đời, khủng hoảng đức tin, đổ vỡ một quan hệ tình cảm… “Sự trật đường” cũng có thể xảy ra nhân một biến cố nào đó, chẳng bi thương cũng chẳng li kì, mà chỉ bất ngờ làm gián đoạn sự đều đều của một cuộc sống không có chuyện gì đặc biệt như chuyển nhà, thăng chức, một lần tiếp khách lâu hơn thường lệ, một lần đọc một tác phẩm hấp dẫn…

Dịch bệnh, thiên tai là điều chẳng ai muốn xảy ra nhưng điều được xem ra là “đường vòng,” là trật đường so với lộ trình quen thuộc lại khơi mào cho một sự thay đổi sâu xa cái nhìn của ta về Thiên Chúa, về thế giới và về bản thân. Chỉ khi nào tiếp cận với những thực tế không quen thuộc ấy thì các hàng rào bảo vệ của tâm lý và đạo đức mới dần dần sụp đổ, những hàng rào đã từng ngăn cản không cho ta sẵn sàng đón nhận sự khác biệt của Thiên Chúa và tha nhân. Chỉ khi nào chấp nhận bị trệch đường một ít, ta mới nghe được những câu hỏi mới, hơn nữa mới có thể luôn mở ngỏ câu hỏi: “Tôi là ai?” và quan trọng hơn là “Tôi dành cho ai?” Chỉ khi nào còn ngạc nhiên, ta mới khám phá được vị Thiên Chúa “khôn dò khôn thấu.” Muốn hiểu mình thì phải chấp nhận đi đường vòng. Cuộc sống hằng ngày bị biến đổi sâu xa, dù cách tổ chức bên ngoài vẫn như cũ.

Một năm kết thúc với cái “bình thường mới.” Ngày cuối năm nhìn lại và bước đi. Không có gì là hoàn toàn trần tục nếu biết cách nhìn. Vẳng nghe tiếng ông Gióp an ủi khích lệ mình và ta: “…Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy: xin chúc tụng danh Chúa” (G 1,21; 2,20). Và giống như ông Gióp, ta hãy để cho mình được biến đổi dựa vào kinh nghiệm luôn luôn mới mẻ của mình về tình thương vô vị lợi của Thiên Chúa.

Gió Biển

Kiểm tra tương tự

Lời cầu nguyện đầu năm học mới

Bạn muốn bắt đầu năm học mới đúng nghĩa? Lời cầu nguyện sau đây có …

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …

2 Bình luận

  1. Ban truyền thông của dòng có thể cho con xin file mp3 của bản nhạc không lời trong bài viết được không ạ? Con cảm ơn nhiều ạ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *