Ngày Đức Maria có thai

Con cái luôn là món quà quý giá mà Thượng đế dành tặng cho con người, cho những cặp vợ chồng nơi mái ấm gia đình. Hẳn nhiên vợ chồng Giuse và Maria năm xưa cũng thế. Tuy vậy, năm đầu tiên của Công Nguyên, người ta chứng kiến một hiện tượng mang thai lạ lùng liên quan đến một thiếu nữ Maria. Cô ấy sinh sống ở Nazarét, một làng nhỏ ở miền Galilê. (Chỗ này hiện nay là Nhà thờ Truyền Tin). Dân làng biết cô là trinh nữ đã đính hôn với anh Giuse. Cả Giuse cũng mong chờ ngày nên nghĩa vợ chồng để họ sinh con đàn cháu đống. Tuy vậy, trước khi về sống chung với chồng, Maria đã có thai.

Số là vào một ngày đẹp trời, Maria gặp một thiên thần Gabriel. Người ta không biết Mẹ có nhận ra đó là đấng được Thiên Chúa sai đến không, nhưng chỉ biết Maria vô cùng ngỡ ngàng trước lời chào của Gabriel: “Kính chào bà đầy ơn phúc…bà được chúc phúc giữa các người nữ.” Làm sao Maria hiểu được lời chào ấy vì hai người chưa hề quen biết! Bởi đó, Maria không tin vào tai mắt mình. Mẹ thực sự bối rối. Chưa dừng lại ở đó, Gabriel còn cho Maria biết một tin mà với bất kỳ trinh nữ nào cũng hoang mang, luống cuống: Bà sẽ thụ thai, và sinh một con trai.”

Về phương diện sinh học, ai cũng biết cần điều gì để thai nhi hình thành. Tuy nhiên, trong lần gặp ngỡ này, điều phi thường đã xảy ra cho Maria mà người ta nói đó là phép lạ quan trọng nhất dành cho Maria và cho cả nhân loại. Quan trọng vì bào thai ấy sau này sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao, nghĩa là Con của Thiên Chúa. Tuy lời hứa ấy có vẻ hấp dẫn, lôi quấn người ta, nhưng với Maria lúc này không phải là trọng tâm. Maria hỏi ngay: “Việc đó xẽ xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến người nam?”

Người ta sẽ còn đặt nhiều nghi vấn với câu trả lời của thiên thần Gabriel: Chúa Thánh Thần sẽ đến với bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà. Vì thế Đấng bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa.” Maria chẳng hiểu gì! Thời đó, Chúa Thánh Thần là ai, Đấng Tối Cao là ai và làm sao Mẹ lại mang thai được?! Cuối câu chuyện, người đời ngả mũ tán dương Maria và cảm ơn Mẹ với một lời xing vâng để từ đó nhân loại đón nhận Thiên Chúa xuống thế làm người và ở giữa chúng ta. Đó là mầu nhiệm nhập thể.

Như vậy, sau tiếng xin vâng, sau lời chấp nhận của Mẹ, Giêsu chính thức nên hình hài trong cung lòng của Đức Maria. Ngày hôm đó, người ta gọi là ngày lễ truyền tin cho Đức Maria, ngày Đức Maria chính thức mang thai, làm Mẹ của con Đấng tối cao. Trong câu chuyện này, chúng ta nghe lời nhận xét thú vị của Đức Bênêđictô XVI: “Việc cứu độ thế giới không do con người và không do sức riêng của con người. Con người chỉ có thể mở lòng đón nhận, và đón nhận hoàn toàn nhờ một ân sủng. Việc sinh hạ đồng trinh không phải là một chương của khoa tu đức, cũng không trực tiếp liên hệ đến giáo lý về tư cách là Con Thiên Chúa của Đức Giêsu; nó trước hết và sau hết là thần học về ân sủng, là thông điệp về cách thức ơn cứu độ đến với chúng ta.” (Đức Tin Kitô Giáo, hôm qua và hôm nay, tr.296).

Hẳn nhiên đó là tin vui cứu độ, tin mừng trọng đại của cả nhân loại. Nhưng với Maria, sau ngày ấy là những chuỗi ngày ốm nghén mệt nhoài với bào thai lớn lên từng ngày. Kinh nghiệm đầu tiên mang thai, sắp làm mẹ luôn khiến cô thiếu nữ trăm mối tơ vò. Điều ấy không quan trọng bằng việc giải thích làm sao với vị hôn phu của mình về tác giả cái bào thai ấy! Hẳn là Mẹ chẳng đủ bằng chứng để thuyết phục Giuse chấp nhận bào thai này. Là người chồng, Giuse cũng rối bời với hung tin trên. Giuse từng định tâm bỏ vợ mình cách kín đáo. Thế nhưng sứ thần truyền tin cho Giuse và ông cũng thưa tiếng xin vâng đón Maria, vợ mình về nhà. Nếu như lần truyền tin đầu, Maria chào đón Giêsu thành hình trong lòng Mẹ, thì lần truyền tin cho Giuse, hài nhi thực sự có một gia đình hạnh phúc. Bời đó, hai người tươm tất bao nhiêu có thể, để chào đón đứa con đầu lòng ra đời.

Khi chiêm ngắm Mẹ đón nhận Ngôi Lời nhập thể, chúng ta xin với Maria đồng hành với những người đang mang thai. Họ có thể là những người vợ tốt lành, có thể là những người nữ mang thai ngoài ý muốn. Nhưng dẫu sao, xin Đức Mẹ ban cho họ có nhiều sức khỏe và tình yêu. Sức khỏe để họ vượt qua những khó khăn của thời thai kỳ; tình yêu để họ luôn bảo vệ, chăm sóc và chào đón bào thai ấy mở mắt chào đời. Vì Mẹ có kinh nghiệm thai kỳ, sinh nở, nên chúng ta tin rằng Mẹ cũng giúp những người đang làm mẹ, chuẩn bị làm mẹ với rất nhiều ơn. Để trong hoàn cảnh nào đi nữa, người mẹ vẫn luôn là chỗ dựa an toàn nhất cho bào thai và đứa con mình sinh ra.

Trong những ngày tháng đó, chúng ta không rõ Giêsu trong dạ mẹ lớn lên thế nào, nhưng đó quả là một thời gian tuyệt vời. Đó vẫn luôn là một màu nhiệm, bởi chúng ta thấy ơn cứu độ đến trong sự khiêm cung. Bào thài ấy thực sự là món quà Tình Yêu có sức cứu độ thế giới. Từ đây, Ngôi Lời đã nên xác người phàm, chung chia cuộc sống với con người. Trong ngày lễ truyền tin này, chúng ta xin với Giêsu luôn bảo vệ các thai nhi vô tội. Xin cho các bào thai được lớn lên và được sinh vào kiếp người. Xin đừng để các em gặp hiểm nguy từ chính lòng ích kỷ của người cha, người mẹ. Bởi, mọi trẻ em, ngay khi được thụ thai là có quyền sống.

Ước sao Thiên Chúa luôn che chở cho người mẹ, người vợ, người chồng và cả những người con. Xin Chúa đánh động lương tri của những ai đang muốn phá thai, để họ can đảm cho em bé được chào đời. Còn nhớ khi nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ Têrêsa nói với cả thế giới rằng: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm bảo vệ mọi sự sống vô tội. Vì trẻ em là quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa trao cho gia đình, cho dân tộc, cho thế giới.” Được như thế, chắc hẳn cuộc sống nơi mỗi gia đình luôn có những tin vui, vui như ngày Thiên sứ truyền tin, như trong đêm Ngôi Lời giáng trần vậy.

Mừng Lễ Truyền Tin ngày 25 tháng 3, đúng chín tháng trước Lễ Giáng Sinh.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Làm thế nào để giúp con cái chúng ta tìm thấy ơn gọi của chúng

Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi là cơ hội tuyệt vời để các …

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *