Ngỡ ngàng, NHƯ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH

Đặt chân lên cánh đồng truyền giáo, bước đầu lúng túng. Mỗi lần nhìn lại, không khỏi ngỡ ngàng.

God

            Ngỡ ngàng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang diễn ra trong cái thế giới đơn sơ nghèo nàn này. Phải chiêm ngắm những nụ cười rất tươi trên những khuôn mặt gầy còm mới thấy hết nét diệu kỳ và dễ thương của cuộc sống. Thế còn những khuôn mặt đau yếu đang thều thào qua hơi thở?

            Một buổi chiều hai người bạn đem về trạm xá một bé trai 14 tuổi, em bị đau 2 tuần lễ, đã 3 ngày rồi bỏ ăn, đôi môi bất động, cặp mắt mở lớn như hòa quyện trong cái lặng lẽ muôn đời của Thiên Chúa. Thế nhưng, trong khoảnh khắc của cái bất tận này: Thiên Chúa lên tiếng.

            Bù Dôh sáng nay có đám cưới, vui lắm. Cô dâu nhỏ xíu, lùn tũn. Còn chú rể thì cao ráo, cứ coi như không cần bảnh trai. Họ nhà gái mãi tận Phước Long. Nói vui vì khi nhà gái tới chú rể với bà con nhà trai đi rẫy hết trơn, còn cô dâu thì đi cắt rau heo. Thế nhưng, lại cũng chỉ cần một khoảnh khắc, cái khoảnh khắc thường hằng của buôn làng, và bà con họp mặt đầy đủ. Nói nói cười cười. Cuộc sống ấm áp lạ thường. Dĩ nhiên, người vui nhất hôm nay là cô dâu rồi, một cô bé sinh ra trong cảnh nô lệ vì cha cô trước đây bị ông nội bán cho người ta. Thế rồi cha chết, mẹ chết, nhưng cô vẫn phải tiếp nối kiếp sống nô lệ, bị nhà chủ bắt làm rẫy và coi rẫy, cuối tuần mới được về. Mấy lần bỏ trốn không xong, bị đánh tơi bời, và lần này không những trốn được mà lại còn lấy được chồng. Tình yêu là thế, cái nhân duyên thoạt nhìn thấy nó nhỏ nhoi quá nhưng lại khơi nguồn từ mãi tận xa kia, trong mối giao duyên của đất trời, làm nẩy sinh những đứa con tự do.

            Lớp giáo lý viên lần này có một bé gái mới 13 tuổi, cô bé ngơ ngác như nai con ngồi giữa bầy nai mẹ. Không sao, vì nhiều nai mẹ cũng ngơ ngác không kém. Cuối khóa, kết quả thật bất ngờ, cô bé lanh lẹ và tự tin hơn bao giờ hết. Thế còn một ông già cả tuần không nói nửa lời? Bằng giọng nói quả quyết, ông chia sẻ: Tôi vừa chợt tỉnh sau cơn mê dài, hôm nay biết Chúa rồi, tôi vui lắm, tôi sẽ bỏ rượu, sống hiền hòa với mọi người.

            Một cô bé Quảng Tín, mới hết lớp hai đã được đính ước, bữa đó nhà trai mổ con heo lớn cả tạ. Thế rồi khi vừa học xong lớp 6, cô bé đã được nhà trai sắp xếp cho học may để chờ mùa điều tới là xin cưới. Dĩ nhiên, học may thì phải bỏ học chữ. Dù sao tình yêu cũng mạnh hơn cái chữ, và cô bé đã đến ở với chị em để vừa học may vừa học giáo lý và cầu nguyện. Tháng đầu mọi chuyện xuôi chảy, nhưng tháng thứ hai rồi thứ ba mọi người mới thấy nên cho em về tiếp tục học phổ thông, bởi lẽ em học rất khá, lại sẵn nội tâm trong sáng, và cũng muốn đi tu. Thế là cả một kế hoạch để đưa em về được thảo ra: Phải giải thích cho ba má em hiểu, phải xin các Giáo Lý Viên dàn xếp với nhà trai, phải có người đỡ đầu để em an tâm học tập. Tất cả đều được giải quyết, nhưng cuối cùng, khi cắp sách đến trường, cô bé mới chợt nhận ra rằng mình đã yêu anh ấy thật rồi, và lại một kế hoạch mới cho cô bé đi “cưới” chồng. Lạy Chúa là Đấng đã se kết nên duyên phận, xin đừng cười chúng con cái tội múa rìu qua mắt thợ.

Cô gái bị bệnh phong phải đưa đi Bến Sắn điều trị, 2 năm sau trở về, có thêm người bạn trai cùng số phận. Một túp lều lý tưởng, ba chị em đùm bọc nhau đắp đổi qua ngày, tránh sao khỏi cảnh vay ăn mỗi khi thiếu hụt, cuộc sống có vay có trả là dĩ nhiên rồi, nhưng người vay không biết cộng trừ, còn người bán thì không cần biết đã bán bao nhiêu mà chỉ cần đưa ra một con số muốn đòi để chiếm vườn, và chuyện phải đến đã đến, ba cha con chủ quán dao rựa gậy gộc đến đập phá tan tành căn chòi và còn đánh người nữa. Rất may các em còn có chỗ cầu cứu, và một nữ tu đã vào cuộc, chị đứng ra nói chuyện với chủ quán và thanh toán nợ nần. Đêm về, một mình đối diện với Chúa Giêsu Thánh Thể, kể cho Chúa nghe chuyện ngày qua, mắt chị nhạt nhòa.

Một ông già mù, theo sau là một bé trai mù, cô con gái ước chừng 20 tuổi, tay ẵm đứa con tuổi rưỡi mà bụng đã mang bầu 6 tháng, anh chồng vừa chết sau 2 tháng đau nặng. Thế rồi ngày tháng đều đặn trôi và một bé gái chào đời: hai đứa con chia nhau hai bầu sữa mẹ. Thoạt nhìn ai cũng tự hỏi gia đình này sống được mấy bữa? Cứ mỗi lần đứng nhìn bà mẹ trẻ tay ẵm tay bồng, lếch tha lếch thếch, tôi lại lặng người trước mầu nhiệm cuộc đời, sự sống tưởng như đã cạn mà vẫn trào dâng, cho con người những nụ cười thanh thản, vô tư, và tôi thực sự đã gặp được Đấng vô hình.

            Sáng Chúa Nhật Đấng chăn chiên nhân lành, trong ngôi thánh đường khang trang ở thành phố, vị linh mục tiến ra cử hành thánh lễ mừng kim khánh (50 năm) hôn phối cho một gia đình được kể là gương mẫu. Từ thánh lễ cho tới bàn tiệc, vị mục tử tỏ ra vui sướng và hãnh diện vì đã góp phần đào tạo nên gia đình này: những con chiên không những ngoan đạo mà còn thành đạt trong cuộc sống.

            Thế nhưng, cũng chính Đức Giêsu đang được Hội Thánh tôn vinh trong ngôi giáo đường hôm nay lại hướng lòng tôi đến những buôn làng xa xôi, ở đó không hề có bóng dáng linh mục, cũng chẳng có lấy một tu sĩ, cả một đoàn chiên đông đúc tản mác không người chăn dắt, và từ những chân trời xa xôi kia, tiếng kêu cứu của Con Thiên Chúa hoà nhập với tiếng kêu của con người: tôi đói? Điều đó làm dội lại trong lòng người lời than thở ngày nào: Ta thương dân này.

            Con Thiên Chúa đã làm người và đã rơi lệ trên mặt địa cầu, Đấng chăn chiên nhân hậu mãi mãi rơi lệ trên bước đường mải miết tìm kiếm những con chiên tản mác. Và Hội Thánh của Chúa Giêsu tiếp tục bị dìm ngập trong nỗi xót xa ngàn đời này.

Chuyện diễn ra vào một bữa cơm trưa, thanh đạm, nhưng cả chủ lẫn khách đều cười nói vui vẻ. Bữa ăn đã để lại cho khách nhiều ấn tượng đẹp, và khung cảnh của cuộc sống nơi đây làm khách ngỡ ngàng. Anh ta tự hỏi tại sao 3, 4 chị em gái chân yếu tay mềm lại có thể sống hồn nhiên như thế trên mảnh đất này, và anh đã nhận được câu trả lời khi gặp vị chủ nhà nãy giờ vẫn gần như dấu mặt. Anh kể lại: tôi vào nhà nguyện của các chị, nhìn Chúa Giêsu nhỏ bé và lặng lẽ trong nhà tạm, tôi biết tại sao các chị trẻ ở cộng đoàn này dám liều như vậy. Bữa ăn thật đơn giản, dù đã được báo trước, nhưng vẫn đầy tiếng cười, đem chúng tôi vào thực tại của hiện trường tông đồ! Bao anh chị em nghèo đang cần những người bạn đích thực của Chúa Giêsu đến chia sẻ. Bà con trong các buôn làng xa xôi đang đói Lời Chúa, Thiên Chúa hôm nay vẫn đang lập lại câu hỏi muôn đời: Ta sẽ sai ai đây?

Mưa dai dẳng ngày càng nặng hạt. Tính đến hôm nay trời đã tầm tã đầy nửa tháng. Sáng nay chủ bếp vắng nhà nên bà con phải dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng. Cô bé trẻ cứ hì hục cạy từng miếng cơm cháy dính đáy nồi hồi hôm. Bếp lửa dần dần bừng lên dưới bàn tay điêu luyện của chàng trai trạc ngoài ba mươi. Nhìn từng vá cơm cháy đang được xới bỏ sang một bên, anh nhớ đến đàn con bốn đứa, lòng anh như chùng xuống! Anh cũng nhớ đến Bù Tơ giờ này đang ở cao điểm của mùa đói. Năm nay, Bù Tơ quê anh mất mùa nên bà con phải vào rừng hái lá, bẻ măng, đào củ để cầm hơi. Chần chừ chốc lát, anh mạnh dạn đề nghị hấp lại cơm cháy để ăn, lời đề nghị của anh thật thực tế nhưng không được hưởng ứng. Những cô bé nấu cơm sáng nay còn quá trẻ, nên không sao hiểu hết nỗi lòng anh, một người đang mang trên vai gánh nặng gia đình, các bé cứ nhất quyết từ chối lời đề nghị của anh với đủ thứ lý do để chung quy là vứt cháy cho gà. Trong mắt anh, tôi đọc thấy sự sửng sốt lẫn xót xa. Giờ cầu nguyện vừa qua anh chiêm ngắm các môn đệ đang cùng Thầy nuôi đám dân đói khổ. Anh nhớ đàn con giờ này đang ngồi mơ có hạt cơm lót dạ. Sáng nay, trước mắt anh là nồi cơm nóng hổi thật đầy, nhưng anh không sao nuốt nổi. Tôi hiểu lòng anh nên tim mình quặn thắt nỗi đau của người lớn. Tôi nhận ra mình chưa bao giờ gần bà con buôn làng như sáng này!

Đến thăm nhà một Giáo Lý Viên, một chàng trai trẻ vai gánh vác cộng đoàn, vai kia gánh vác mẹ già với vợ và 3 cháu nhỏ, tôi đọc thấy trên khuôn mặt của bà mẹ thoáng nét buồn khi nhìn con lầm lũi vào rừng. Bà nói: con nó bệnh hoài mà vẫn phải đi.

            Khắp nơi bà con chạy tới xin mượn gạo. Chúng tôi nhìn đám đông, nghe vang dội trong lòng lệnh truyền của Thầy: anh em hãy lo cho họ ăn! (Mc 6,37), nhưng biết lấy gì cho bà con đây. Cơn đói tràn lan, cả trăm tấn gạo mới đủ cho mỗi nhà một bao 50 kg. Đứng nhìn bà con đi vay mượn mà lòng xót xa: ăn một bao gạo hôm nay, mai ngày phải trả gấp rưỡi, có nơi gấp đôi. Ngày xưa đói bà con kéo nhau vào rừng đào củ chụp, nay rừng không còn, củ chụp cũng biến theo, và thế là chỉ còn mỗi một cách đi vay nợ. Cứ mỗi năm như thế này, đất vườn bị mất dần, bà con lại phải đi rất xa, xa lắm để kiếm đất mới. Biết bao cảnh ngộ đau lòng và khó xử cho người được sai đến đây.

            Mới sáng nay thôi, 2 chị em bệnh phong cùng với 3 mẹ con đội mưa gió 10 cây số đường rừng, đem theo 2 con gà đến xin đổi gạo. Được quá, tôi xin nhận một con và cho làm thịt ngay, gọi là gặp nhau ăn một miếng này, miếng nghĩa tình chứa đựng lời thề, và thế là tôi nợ người, nợ nhiều quá, biết bao giờ trả cho xong. Nhìn theo bóng dáng của 5 con người nhạt nhòa trong mưa gió, tôi muốn cất bước đi theo mà sao đôi chân còn ngập ngừng. Chúa ơi, bước đường sứ vụ thì ngút ngàn trong khi con người quá nhỏ bé, mỏng manh. Và cơn mưa ngoài kia đã thấm ướt lòng tôi tự hồi nào.

            Hai vợ chồng trẻ trong một mái nhà tranh nhỏ bé. Chồng hàng tuần đi về làng cũ dạy giáo lý, vợ đi theo tập hát cho thiếu nhi, ông bà nội ở nhà ẵm cháu. Thế nhưng những con người dễ thương kia lại có cuộc sống không dễ chút nào. Ngày mới cưới nhau được mấy tháng, anh chồng bị té xe gần chết, nhìn cô vợ lặng lẽ bên chồng, ai cũng cảm thấy nỗi âu lo phiền muộn. Và kìa, khi cô ta mở miệng nói, vẫn nụ cười tươi vui trên khuôn mặt hiền dịu. Tôi đứng nhìn người con gái bé nhỏ mà tưởng như lạc vào một khung trời xa xôi, êm ả, và tôi nghe rõ tiếng nói của Con Thiên Chúa đang vang dội trên khuôn mặt bé nhỏ này: Thầy ban bình an của Thầy cho các con, không giống như thế gian ban tặng. Và anh chồng bình phục sau 2 tuần lễ.

Năm tháng trôi mau, họ đã có một đứa con trai, không khỏe lắm. Một buổi sáng tình cờ tôi ghé ngang nhà, cô vợ ôm lấy tôi khóc nức nở và nói: con khổ quá, sao Chúa không thương con? Mà thật, hai đứa khổ thật, khổ từ ngày cưới nhau đến giờ, ông bố chồng thì đau lên đau xuống, mới đây lại bị mắc bệnh lao, và chỉ sáng nay thôi, ông bị ói ra mật xanh mật vàng phải đưa đi bệnh viện, còn đứa con thì đang lên cơn sốt, nhà cửa chẳng có gì để chữa chạy, mùa đói này hơi dài đấy.

Bố con gặp nhau, những khuôn mặt hoàn toàn xa lạ mà sao quá thân thương. Các con đến đây từ chiều hôm trước, tất cả là 9 người, đi bộ 40 cây số đường rừng, bơi qua sông Rlấp mùa nước lũ, đem theo một con gà với lại mấy ký bắp xay. Bố tới đúng hẹn, và thế là bữa cơm bắp thịt gà được dọn lên ngon lành. Bữa ăn vui quá, bố con quấn quít lấy nhau. Ông bố cười cười nói nói mà bụng thầm thương những đứa con lưu lạc xa xôi đang mùa đói khát, còn các con thì kể hết chuyện này tới chuyện kia, nói tới nói lui gì cũng không ngoài cái đói, dù sao thì cũng quen rồi. Nhai từng miếng cơm bắp, nuốt từng miếng ân tình, thử hỏi kiếm đâu được bữa tiệc ngon như thế này. Cuối cùng bàn chuyện dựng nhà nguyện, phân công rõ ràng: con vào rừng chặt cây và đốn tre, cùng nhau dựng nhà, bố lo phần cơm gạo với tấm lợp. Thời nào và ở đâu chả vậy, ông bố phải lo cái nóc là đúng thôi. Gặp nhau đấy rồi chia tay đấy, đường đi đôi ngả nhưng chung một số phận: người bước đi bằng đôi chân chai cứng, kẻ dõi theo trong lời nguyện lên đường, biết rằng đời sứ vụ đã gắn chặt ta với người.

Đường vào làng bữa nay lầy lội và trơn trượt quá, ếch nhiều thật, 6 người trên 3 chiếc xe gắn máy không lo đi mà cứ lo vồ ếch mãi, những con ếch nhỏ thôi mà cũng ham bắt, vui quá. Tới làng, bữa cơm dọn ra chẳng có miếng thịt ếch nào, chỉ thấy kẻ bị sưng tím người bị phỏng bô, bữa cơm như thế mới đáng tiền.

Trời về khuya, vì có khách, do đó bà con họp nhau bên ché rượu cần, vừa uống vừa chuyện trò vui vẻ. Giữa cảnh ồn ào của người lớn, một bé trai 4 tuổi trần truồng, ngồi trên một cái nia bên cạnh nồi cơm chỉ còn vài miếng cháy, tay cầm con cá khô, tỉnh bơ ăn trước mặt mọi người. Bé ăn ngon quá làm tôi chỉ ngồi nhìn thôi cũng thấy thèm: tay gỡ chút thịt nhỏ còn dính ở xương cá bỏ vào miệng, rồi cắn thêm miếng cơm cháy nhai chậm rãi, thỉnh thoảng với bầu nước uống thêm một ngụm, cứ thế bé ngồi suốt buổi tối. Tôi đến ngồi bên cạnh, phụ gỡ cháy trao vào tay bé, thằng bé cũng chẳng bảo sao, miếng cơm cháy với cá khô như thể đưa bé vào một thế giới riêng, thế giới của chim trời không gieo không gặt, không chê không hờn, vớ được là ăn, cũng chẳng vội vã, chẳng sợ ai tranh giành, lẳng lặng nhâm nhi từng miếng cho đến khi hết sạch sành sanh mới đứng dậy, mỉm cười e lệ.

Tôi tủm tỉm cười theo, lòng miên man suy nghĩ. Tôi nghĩ về ngày mai của bé, cánh chim trời sẽ tung bay trong gió, hòa mình giữa nắng mưa, sẽ lại trải qua những ngày giông gió như hôm nay. Mấy miếng cơm cháy bữa trưa còn sót lại, một chút cá khô, và thế là chim trời đã có được bữa ăn ngon lành. Nụ cười của bé trai tiếp tục theo tôi vào giấc ngủ, nụ cười thiên thần nhỏ để lộ khuôn mặt của Thiên Chúa và bàn tay yêu thương của người giữa đất trời. Tôi nhắm nghiền đôi mắt, tận hưởng một thoáng thiên đàng. Một thoáng thôi vì lúc này hơn lúc nào hết, tiếng gọi của Thiên Chúa vang dội khắp các buôn làng, và tôi tiếp tục hòa mình với đoàn người đang trên đường đến với những người anh em, biết rằng bước đường sứ vụ đã nối kết để tất cả có chung một phận người, trong thân phận của Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

 Chiều nay bỗng dưng thấy tiếng xe tắt máy trước cửa nhà, tôi nhìn và quan sát có chiếc xe chở ba. Người phụ nữ trạc tuổi tôi xuống xe, băng qua đường, tiến thẳng vào nhà tiến thẳng tới tôi, bước đi của chị làm tôi nghĩ ngay có điều gì đây. Nhìn vẻ mặt chị ta, tôi thốt lên một tiếng: chẳng lẽ đứa bé chết rồi. Thật vậy, khi đến nơi chị ta nói: con nghèo quá, không có tiền mua đinh? Khi đến gần tôi thấy cách âu yếm của chị với em bé làm tôi nghĩ là em ngủ, tôi hỏi và nhìn vào đôi mắt chị, cho dù chị không khóc, tôi biết em bé trên tay chị đã chết, và tôi nghĩ về tấm lòng người mẹ và tư cách làm mẹ, tôi lặng lẽ bước vào lấy tiền trao cho chị, chị cám ơn và ra đi. Tiễn hai mẹ con ra khỏi cổng và đứng nhìn cho đến khi hai mẹ con đi khuất, lòng tôi như bị cuốn hút vào thế giới linh thiêng của những con người bình thường, tôi thầm thưa với Chúa: Chúa ơi, làm mẹ thì dễ, nhưng tấm lòng của người mẹ thì khó quá, đối diện với mọi tình huống, con không dám xin, nhưng con cũng không thể từ chối trách nhiệm này. Con chỉ dâng lên Chúa nhịp đập của con tim đang chia sẻ từng cơn đau của những con người Chúa đã đặt vào tay con.

15 anh chị em họp nhau trong 2 ngôi nhà nền đất, vách thưng sơ sài, nằm giữa nương rẫy, ẩn mình sau một con suối. Một nhà dùng làm nơi cầu nguyện, nhà kia để nấu nướng, ăn uống và ngủ nghỉ. Khung cảnh thật tĩnh lặng và ấm áp.

4 nữ tu thay nhau tháp tùng anh em, nghĩa là vừa hướng dẫn, vừa cùng cầu nguyện, chia sẻ và nấu cơm.

Ngoài trời mưa dầm đã ba tuần chưa dứt, quanh nhà lầy lội, trong nhà gần 20 con người chuyên chăm cầu nguyện, tập hát thánh ca, chia sẻ Lời Chúa và chia sẻ những bữa cơm ngon lành, phải nói là ngon lắm, mặc dù cơm bữa nào cũng nguội đến nỗi vừa ăn vừa xắn, đồ ăn tinh ròng cá khô rồi khô cá với mấy tô canh nấu bằng nước múc từ đại dương. Cứ nhìn các chị ăn một hơi 2 tô là biết cơm ngon chừng nào.

Những ngày này, cuộc sống nơi đây thật ngọt ngào. Các chị lấm lem, hết vào bếp rồi ra suối, vừa ăn sáng xong đã lo nấu cơm trưa, cẩn thận nướng từng con khô, và cứ thế, xong cơm trưa là nấu cơm tối rồi lại cơm sáng. Phải tranh thủ thời gian để có đủ giờ tháp tùng anh em cầu nguyện và tập hát, trong khi đó củi chụm lúc nào cũng ướt nhẹp, hơi vất vả đấy, nhưng có hề gì khi cuộc sống đong đầy tình yêu.

           Ở giữa anh em như người phục vụ Lời và phục vụ anh em, cùng cất tiếng nguyện cầu với trọn tâm tình, chia sẻ từng bữa ăn và ăn rất ngon. Đời sứ vụ là thế, các chị đã dấn bước thật hồn nhiên.

            Chuyện diễn ra vào những ngày cuối tháng tám, khi người của Chúa gặp người đời, đáng lẽ mỗi bên nhường nhau một tí, đàng này chẳng ai muốn chịu ai, và thế là phải áp dụng nguyên tắc để coi ai thắng ai thua. Dĩ nhiên việc Chúa thì muôn đời chứ người đời thì mấy thuở. Dù sao, trước mắt ngôi nhà nguyện tạm đóng cửa. Lệnh thì đơn giản nhưng thật khó thi hành, vì đói ăn thì được chứ đói Lời Chúa làm sao chịu nổi, và thế là người Giáo Lý Viên trụ trì phải một phen tất tả ngược xuôi, mà ông này lại hai vợ.

            Khó hiểu thật, một con người hai vợ lại có thể đưa lưng ra gánh vác cả một giáo đoàn non trẻ, chuyện chỉ có thể xẩy ra trên các cánh đồng truyền giáo, và là việc Chúa làm. Sáu năm trước, một chàng trai trẻ được sai đến đây để loan báo Tin Mừng, anh ta không biết phải bắt đầu từ đâu, vùng đất xa lạ quá, tiếng nói cũng hơi khác, nhưng có hề gì vì người được sai đi luôn có bàn tay Chúa dẫn đưa, và anh đã gặp ông qua một cơn bệnh hiểm nghèo, Lời Chúa đã đưa ông ra khỏi cảnh tăm tối mê tín lạc hậu, ông không còn phải vay mượn trâu bò để cúng tế Bà Rừng nữa. Trước Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót, chàng trai trẻ cùng với ông giang tay khấn nguyện, ông đem đặt mạng sống mình trong tay Ngài. Những ngày tiếp theo, ông dần dần bình phục, ông tiếp sức với chàng trai trẻ, và Tin Mừng được loan báo không chỉ làng của ông, mà là 5 làng, số bà con tin theo đến nay đã hơn 800 người, trong đó 350 người đã được lãnh nhận bí tích rửa tội.

            Thế còn người đầu tiên của vùng này, ông có 2 vợ với con cái chung một mái nhà. Con cái ông đã lãnh nhận bí tích rửa tội, còn ông và các bà vợ thì vẫn cứ đợi đấy. Ngày đầu tiên gặp Chúa, ông đã bước theo với trọn niềm tín thác, chuyện của ông với các bà vợ cũng vậy, ông không biết phải giải quyết ra sao ngoài việc đem đặt tất cả trong tình thương của Người.

Cho đến hôm nay, thời gian vẫn không làm nhạt nhòa trái tim ông. Ngôi nhà nguyện bị đóng cửa, ông lo âu mất ăn mất ngủ, dù trời mưa tấm tã, ông không thể ngồi yên, đường trơn trượt làm ông bị té sưng chân, nát cả đầu xe gắn máy, ông vẫn đi, và cánh cửa nhà nguyện đang được mở ra đón mưa trời làm dịu cơn khát của muôn người.

            Bán đất, chuyện đau lòng nhưng lại diễn ra hằng ngày. Bán đất vì đói quá, vì cần tiền chữa bệnh. Bán đất để dựng nhà, để mua xe gắn máy. Trong bất cứ tình huống nào, bà con cũng mất dần đất đai. Mùa này, mùa đói hàng năm, bà con còn mất đất vì bị xiết nợ. Cuộc sống đã tả tơi càng thêm tơi tả. Công lệ này chẳng buông tha một ai.

            Mười năm về trước, một chàng trai còn rất trẻ đã lên ngôi trưởng sóc, đủ biết anh ta lanh lẹ chừng nào. Ngay từ năm 1991, anh đã dựng được ngôi nhà gỗ vuông rộng rãi, bước đầu lợp tranh, rồi sau đó lợp ngói và gần đây anh cho lát gạch tàu. Cũng từ năm 1991 này, anh đã chập chững trên đường truyền giáo, và đến năm 1994, anh đi tới tận các buôn làng xa xôi, đến nay anh đi ít hơn thôi chứ chưa dừng bước. Thế còn công việc làm ăn? Cũng như bao người, anh vừa bán đi mảnh đất để có tiền chữa bệnh cho vợ, mảnh đất anh đã dành cho con trai của mình đúng vào lúc con trai anh sinh con đầu lòng. Hoàn cảnh của anh thật khó xử.

            Tôi đứng nhìn anh, đứa con đầu lòng của đời sứ vụ, và thật lặng lẽ, tôi đem chuyện anh ra giãi bày trước Con Thiên Chúa làm người, tôi bắt gặp bóng dáng Người đâu đây giữa cuộc sống phàm trần này, và tôi hiểu tại sao Người cũng đã phải trải qua

Đói no, gian khổ, nhọc nhằn trên bước đường sứ vụ.

Kiểm tra tương tự

Tham gia là một ơn gọi?

Tham gia vào giáo xứ không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, nhưng còn …

Truyền giáo là sống với dân

Phóng viên: Con chào cha, được biết cha đang truyền giáo tại Hungary. Mong cha …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *