Ngôi Lời đã làm người: Một khái quát về đức tin Công Giáo – Phần III(tt)

Chương 3: Tội Lỗi Và Ơn Cứu Độ

5.  Chúng ta được cứu vì điều gì: ân sủng và tình yêu

 

Cho đến nay, chúng ta đã và đang tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của chủ đề ơn cứu độ. Chúng ta đã và đang nhìn vào sự đổ vỡ, tội lỗi và sự dữ trong thế giới và trong chính chúng ta. Nhưng một khía cạnh quan trọng không kém của ơn cứu độ là đời sống mới, thực tại mà chúng ta được mời gọi để đi vào. Có nhiều cách khác nhau để diễn tả đời sống mới này. Nó được gọi là ân sủng, là sự sống và tình yêu của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta. Đức Giêsu gọi đời sống đó là Triều Đại Nước Thiên Chúa, một đời sống trong tương quan hài hòa giữa Thiên Chúa và dân của Người. Đó cũng là đời sống chúng ta được tạo nên. Chúng ta sẽ khám phá những chủ đề này trong phần sau của cuốn sách, vì thế, nơi đây chúng ta sẽ chỉ tóm tắt một vài ý niệm then chốt về đời sống mới, một đời sống mà người Kitô hữu được mời gọi hướng đến.

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thay đổi chúng ta. Tình yêu ấy cho chúng ta một viễn tượng và một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Tình yêu ấy mời gọi chúng ta lớn lên. Nó giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và tuyệt vọng. Chúng ta hãy nhìn vào một ví dụ cụ thể hơn. Tôi đã tiếp xúc với nhiều sinh viên có cha mẹ là những người nghiện rượu. Các em này thường phải gánh chịu những hình ảnh tồi tệ về chính mình. Họ sống trong xấu hổ và mặc cảm. Họ thường gặp khó khăn trong việc kết bạn lâu dài. Một số gặp khó khăn về hành vi trong học đường; số khác thì tốt một cách cực đoan để trở thành anh hùng trong gia đình. Tất cả những sinh viên này cần sự giúp đỡ một cách nào đó. Nhiều người trong số sinh viên này thực sự đã cố gắng giải quyết những khó khăn đang gặp phải. Họ vượt thắng được những mặc cảm và trong mức độ nào đó thoát khỏi những hệ quả tiêu cực đến từ chứng nghiệm rượu trong gia đình họ. Những sinh viên này thật sự đã lớn lên, đảm nhận những rủi ro và đã thay đổi. Họ thoát khỏi những sợ hãi và sống tự do hạnh phúc hơn. Chúng ta cũng gặp thấy các tác động tương tự trên những người gặp được Đức Giêsu. Ngài mời gọi họ đi đến một hiểu biết mới về chính bản thân họ. Ngài biến đổi những ngư phủ thành các vị tông đồ. Nhờ gặp gỡ Ngài, các cô gái điếm nhận ra nhân phẩm của họ; và con người thường được chữa lành khỏi những thái độ tiêu cực đang giam giữ họ. Đối với thánh Phaolô, người Kitô hữu được gọi là một “tạo vật mới”. Đời sống của chúng ta phải có một điểm nhấn khác. Chúng ta phải sống “trong Đức Kitô.” Chúng ta phải tự do để yêu mến.

  1. Ơn cứu độ liên quan đến toàn thể con người. Khi chúng ta nghĩ về ơn cứu độ, chúng ta thường nghĩ đến cứu độ phần linh hồn. Nhưng ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta tác động đến toàn thể con người: tâm trí, cảm xúc và thân xác. Khi Đức Giêsu đến với người mù, người đau yếu và người đáng bị khiển trách, ngài chữa lành họ. Quyền năng cứu độ của Thiên Chúa không chỉ giới hạn vào những gì “thiêng liêng”. Đối với những người nghiện ngập, lời mời gọi của ơn cứu độ mang lại kết quả có tính thể lý: nó mang đến sự giải thoát cho cơ thể anh ta khỏi tác hại phá hủy của ma túy.

Ơn cứu độ bắt đầu ở đây và ngay bây giờ. Hầu hết những người Công Giáo mà tôi gặp đều nghĩ ơn cứu độ thuộc về một thế giới khác. Họ xem ơn cứu độ như một cái gì đó xảy ra sau cái chết. Điều đó chỉ đúng một nửa. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa ban cho chúng ta ngay ở đời này. Khi Đức Giêsu sống trên trần gian, Ngài đã nói về việc chúng ta phải đối xử với nhau ở đây và ngay bây giờ như thế nào. Nhiệm vụ của một Kitô hữu là phải mở ra với Triều Đại của Thiên Chúa ở đây, ngay trên mặt đất này (như Đức Giêsu đã cầu nguyện “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”) Chúng ta phải xây dựng tình bạn, gia đình và xã hội tràn đầy tình yêu và công bình của Thiên Chúa.

  1. Ơn cứu độ là một tiến trình. Một số Kitô hữu nói về “được cứu” như thể điều đó là một biến cố xảy ra một lần cho tất cả. Đôi khi, một Kitô hữu “được tái sinh” là người đã và đang dấn thân vào cuộc hoán cải đầy nghị lực trong chính cuộc sống của mình và chấp nhận Đức Giêsu là Chúa, là Đấng cứu độ của mình. Người Công giáo đồng ý tầm quan trọng của việc chấp nhận Đức Giêsu là Chúa và là Đấng cứu độ. Tuy nhiên, vì ơn cứu độ tiên quyết là một mối tương quan, nên ơn cứu độ được quan niệm như một tiến trình hơn là một sự kiện xảy ra một lần và cho mãi mãi. Một người nghiện rượu đã ngừng uống rượu luôn nhắc nhở chính anh ta hoặc cô ta rằng mình đang (chứ không phải đã) hết nghiện rượu. Những người như thế đang sống giữa một tiến trình. Nó tương tự với ơn cứu độ và đức tin. Chúng là một tiến trình.
  2. Ơn cứu độ được hoàn tất trong sự bất diệt với Thiên Chúa. Niềm hy vọng của chúng ta không bị giới hạn trong thế giới này. Sự phục sinh của Đức Giêsu mặc khải rằng quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết. Tình yêu Thiên Chúa ban cho chúng ta không kết thúc với cái chết của chúng ta. Chúng ta được hứa sẽ chia sẻ sự phục sinh của Đức Kitô. Theo truyền thống, người Kitô hữu gọi thực tại này là “thiên đàng.” Bất kể chúng ta gọi là gì, ơn cứu độ có nghĩa là hy vọng vượt lên trên sự chết.

 

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

 Bạn có bao giờ gặp những Kitô hữu “được tái sinh” chưa? Bạn có thể mô tả họ như thế nào không? Đức tin của bạn có thay đổi bạn tí nào không?

 

6.      Thiên đàng, hỏa ngục và luyện ngục

 

Như chúng ta đã xem xét, ơn cứu độ chỉ đạt đến giới hạn cuối cùng của nó sau cái chết. Chúng ta hãy xem xét một cách kỹ càng hơn những phạm trù thiên đàng, hỏa ngục và luyện ngục thật sự có ý nghĩa gì.

                  Thiên Đàng.

Đối với tôi, những hình ảnh quen thuộc nhất về thiên đàng dường như lại giống với hỏa ngục: thò đầu ra từ những đám mây và chơi đàn hạc mãi. Nếu Thiên Chúa muốn con người lên thiên đàng, thì có lẽ cần phải nhiều hơn thế! Trong Kinh Thánh, thiên đàng được mô tả qua những hình ảnh. Trong thánh kinh Do Thái, đời sống sau cái chết không phải là một đề tài quan trọng đối với người Do Thái cho mãi tới khoảng năm trăm năm trước khi Đức Kitô được sinh ra. Vào thời của Môsê, Đavít và Salômôn, dường như không có bất kỳ ý niệm rõ ràng nào về thiên đàng như là đời sống vĩnh cửu. Khi mới xuất hiện, những ý tưởng này không mô tả về điều gì sẽ xảy ra cho một cá nhân sau cái chết, nhưng chỉ đơn giản nói về thời gian cuối cùng, một thời gian Thiên Chúa mặc khải sự công chính của Ngài và lời hứa của Ngài được hoàn tất. Một trong những hình ảnh quen thuộc nhất được sử dụng là hình ảnh bữa tiệc:

 

Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước (Isaia 25, 6-7).

 

Hạn từ “thiên đàng” thực sự không phải là một hạn từ quan trọng trong Tân Ước có liên quan đến sự viên mãn cuối cùng của đời sống con người. Trong Tân Ước, Đức Giêsu nói về triều đại Thiên Chúa đang đến. Ngài đề cập đến triều đại Thiên Chúa ở cả hiện tại lẫn sự viên mãn của nó trong tương lai. Triều đại Thiên Chúa được phác họa tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và những tác động của nó trên con người. Trong các dụ ngôn của mình, Đức Giêsu cũng so sánh triều đại Thiên Chúa với một bàn tiệc vĩ đại. Nơi bàn tiệc này, Thiên Chúa mời tất cả chúng ta vào dự, nhưng chúng ta có thể từ chối lời mời của Ngài. Vào thời của Chúa Giêsu, giữa người Do Thái không có sự thống nhất với nhau về niềm tin liên quan đến đời sống sau cái chết. Đức Giêsu đứng về phía những người tin vào sự sống đời sau. Ngài căn dặn cần đề phòng những nguy hiểm của lối sống chỉ tập trung vào hạnh phúc đời này.

Trong các thư của mình, Thánh Phaolô cho thấy rõ ràng rằng sự phục sinh của Đức Kitô được hứa ban cho tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài so sánh Đức Kitô với A-đam “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15, 21-22)

Sự viên mãn của đời sau liên quan đến hạn từ “phục sinh” hơn là hạn từ “thiên đàng”. Sự viên mãn nay (này) không phải là một nơi cho bằng một mối tương quan. Những người ở “trong Đức Kitô” là “ở thiên đàng.” Mối tương quan này đã bắt đầu ngay ở thế gian này, vì vậy chúng ta có thể có kinh nghiệm về những khoảnh khắc mờ nhạt về điều sẽ xảy ra ở tương lai. Những khoảnh khắc đó có thể được tìm thấy tại một thời điểm, giây phút hay người nào đó khi tình yêu Thiên Chúa hiện diện mãnh liệt. Đó có thể là ngày sinh của một em bé, nơi tình yêu của vợ chồng, nơi hòa bình giữa các quốc gia, nơi việc chăm sóc những người nghèo đói, nơi cử hành Thánh Thể, nơi thời khắc thứ tha. Như thế, thiên đàng vừa là kinh nghiệm cá nhân và vừa là kinh nghiệm có tính tập thể.

Cuối cùng, thiên đàng là một món quà đến từ Thiên Chúa. Đó là tình yêu trọn vẹn và tràn đầy của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Một mặt, chúng ta không có cách nào dành lấy nó. Chúng ta không thể làm gì để khiến Thiên Chúa phải ôm lấy chúng ta trong tình yêu vĩnh cửu của Ngài. Đó hoàn toàn là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa. Mặt khác, chúng ta phải đón nhận nó. Chúng ta không được khước từ! Việc khước từ dẫn chúng ta đến khái niệm hỏa ngục.

 

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

 Dùng trí tưởng tượng của bạn để tưởng tượng xem: thiên đàng sẽ như thế nào? Điều tốt nhất nơi thiên đàng là gì? Bạn muốn xem thấy điều gì nhất nơi kinh nghiệm này?

 Hỏa Ngục

Hỏa ngục là một thuật ngữ chung chung được dùng để mô tả về một nơi đau khổ vĩnh viễn dành cho những linh hồn bị đọa đày và ma quỷ. Nếu thiên đàng thường được nghĩ là ở “trên trời”, thì hỏa ngục lại ở dưới địa ngục. Nhưng tương tự như thiên đàng, hỏa ngục cũng không phải là một nơi cho bằng là một tương quan, hay nói đúng hơn, đó là một tương quan bị phá hủy. Trong Tân Ước, Đức Giêsu dùng một hình ảnh quen thuộc để diễn tả hỏa ngục: “Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa Gehenna” (Mt 5, 30). Gehenna là một địa danh ngoài thành Giêrusalem. Gehenna đã từng là địa điểm dân ngoại sát tế con người và vào thời Đức Giêsu, nó giống như một hố rác với “ngọn lửa không thể dập tắt.”

Có nhiều cách thức trong nỗ lực hiểu giáo huấn của Giáo Hội về hỏa ngục. Thứ nhất thực thi sự công bằng. Như một tội phạm bị tuyên án bởi một thẩm phán, thì Thiên Chúa cũng kết án những người sống trong tội lỗi nhưng không chịu hoán cải. Những người bất chính đời này bị kết án trong cuộc phán xét chung. Chúng ta thấy điều này trong dụ ngôn về người phú hộ và anh La-da-rô (xem Lc 16). Vì người phú hộ đã không để ý đến người ăn xin trước cổng nhà mình, nên ông bị kết án chịu hình phạt đời đời.

Cách thứ hai có thể hiểu hỏa ngục như một cách thức nhằm ngăn chặn những hành vi vô luân. Dường như Đức Giêsu đã dùng cách này trong đoạn văn được trích dẫn ở trên về Gehenna. Hỏa ngục là cách Thiên Chúa dùng để dạy con người cư xử đúng đắn.

Ngày hôm nay, hầu hết các thần học gia giải thích hỏa ngục như một tuyên bố về sự tự do của con người. Chúng ta có khả năng chấp nhận hoặc khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa. Nếu chúng ta khước từ, chúng ta áp đặt hỏa ngục trên chính cuộc đời chúng ta. Hỏa ngục không phải là lời kết án của Thiên Chúa cho bằng được thực hiện bởi chính chúng ta. Đây là điểm then chốt. Khi người ta hỏi “Làm sao một Thiên Chúa tràn đầy yêu thương và thương xót lại có thể ném một con người xuống hỏa ngục?” Câu trả lời là con người tự chọn điều đó cho mình. Thiên Chúa ban cho họ ơn cứu độ và ân sủng, nhưng con người lại khước từ.

Một điều quan trọng cần lưu ý rằng, Hội Thánh không bao giờ nói rằng một ai đó đã xuống hỏa ngục, Hội thánh chỉ dạy rằng hỏa ngục là một khả thể. Có thể tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng tất cả. Nhưng Đức Giêsu cảnh báo giả định như thế khi người nói: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).

 

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

 Bạn có thể mô tả hỏa ngục như thế nào? Đối với bạn hỏa ngục là gì? Đành rằng không thể có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này, nhưng đoán thử xem: trung bình, bao nhiêu người trong số một trăm người lên thiên đàng. So sánh câu trả lời và những lý do bạn đưa ra với câu trả lời và những lý do của người khác.

 Luyện Ngục

Thêm vào giáo huấn của Hội Thánh về thiên đàng và hỏa ngục, có khả thể thứ ba sau khi chúng ta chết. Nó được gọi là luyện ngục. Giáo huấn của Hội Thánh về ngục không trực tiếp đến từ Thánh Kinh. Luyện ngục là một nơi hay một tình trạng con người “được thanh luyện” do những tội của họ, để họ có thể diện kiến Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu. Ý tưởng ẩn sau điều này là trước khi con người có thể diện kiến sự viên mãn của tình yêu Thiên Chúa, thì người ấy phải được tự do thoát khỏi những cản trở đối với một tình yêu như thế (tội lỗi). Đó là luyện ngục. Tiến trình thanh luyện có thể được hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của những người đang sống. Những người đang trong luyện ngục là người công chính và sẽ được cứu.

Như chúng ta đã đề cập trước đây, đức tin luôn đưa đến những hệ quả trong thực hành. Thật khó để áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, có một hệ quả quan trọng có thể được áp dụng: các tương quan của chúng ta vẫn được duy trì bất chấp cái chết. Nếu người thân yêu của bạn qua đời, thì tương quan của bạn với người ấy vẫn tồn tại trong tình trạng thiêng liêng. Người thân yêu của chúng ta trở thành một phần của chúng ta và họ tiếp tục sống trong chúng ta. Tín điều về luyện ngục khuyến khích chúng ta tiếp tục gìn giữ những tương quan ấy sống động nhờ ký ức và kinh nguyện.

 

Phản tỉnh cá nhân và thảo luận

 Bạn có duy trì tương quan với những người thân yêu đã qua đời không? Nếu có, bạn duy trì mối tương quan này như thế nào?

 Câu Hỏi Ôn Tập

  1. Mười một chương đầu của sách Sáng Thế quan tâm đến điều gì? Những vấn nạn nào được đề cập đến?
  2. Những khác biệt giữa ý nghĩa tôn giáo và ý nghĩa khoa học khi tiếp cận những trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế là gì?
  3. Ba điểm chính của trình thuật sáng tạo trong Sáng Thế là gì?
  4. Tác giả muốn truyền đạt điều gì trong trình thuật sa ngã? Câu chuyện này nói với chúng ta điều gì về tội lỗi và sự dữ?
  5. Đức Giêsu là A-đam mới theo cách thức nào?
  6. Tội nguyên tổ là gì?
  7. Khác biệt giữa tội trọng và tội nhẹ là gì?
  8. Tội xã hội có nghĩa gì?
  9. Hãy mô tả đầy đủ ý nghĩa cách người Kitô hữu hiểu về ơn cứu độ. Chúng ta được cứu khỏi cái gì và vì điều gì?
  10. Giải thích: “Thiên đàng là một mối tương quan hơn là một nơi chốn.”
  11. Chúng ta có thể tự mình đạt được phần thưởng thiên đàng không?
  12. Đâu là hình ảnh mà Đức Giêsu dùng để nói về hỏa ngục? Thiên Chúa giàu lòng thương xót làm sao có thể ném một người xuống hỏa ngục?
  13. Trình bày ý nghĩa của luyện ngục?

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 2: Một tay ăn nhậu và nguồn gốc bất thường

“Ngoài việc bị phe chống đối cáo buộc là một kẻ bịp bợm và làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *