“Người chạnh lòng thương” (Ngày 14 tháng 2 năm 2021 – Chúa Nhật VI Thường Niên, năm B)

 

“Người chạnh lòng thương”

(Lv 13, 1-2. 44-46; 1Cr 10, 13 – 11, 1; Mc 1, 40-45)

40 Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! “42 Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. 43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

1 – Người mắc bệnh phong

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta hình dung ra một người mắc bệnh phong và để cho những cảm xúc tự nhiên của chúng ta xuất hiện (ghê người, không muốn nhìn hay tiếp cận, cảm giác buồn nôn…). Chắc chắn trong chúng ta, đã có những người nhìn thấy và hơn nữa đi thăm hỏi những người phong ; nếu không, chúng ta có lẽ đã có lần nhìn thấy người bệnh phong trong phim ảnh, chẳng hạn trong phim Ben Hur.

a. Đau khổ thể lý

Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải : da thịt người mắc bệnh lở loét ; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt ; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể ; sau đó các bắp thịt tiêu đi ; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần.

Chúng ta hãy cảm thông và cầu nguyện cho những người bệnh phong, và nếu có thể, chúng ta hãy giúp đỡ san sẻ. Bởi vì chính chúng ta là những người được nâng đỡ trước tiên khi chúng ta nghĩ tới những người cùng khổ. Thật vậy, khi liên đối với người cùng khổ, chúng ta sẽ tương đối hóa những nỗi khổ của chúng ta, chúng ta thấy nhẹ nhàng hơn, chúng ta có thể ra khỏi mình để hướng về những người bất hạnh hơn; và năng động này sẽ làm cho chúng ta bình an hơn để đảm nhận thân phận của mình trong niềm hi vọng.

b. Đau khổ tinh thần

Chúng ta vừa nói đến sự đau đớn tột cùng trong thân xác ; nhưng người bệnh phong còn chịu một sự đau khổ còn lớn hơn nữa là bị cách ly khỏi môi trường sống bình thường, khỏi nhà của mình, khỏi những người thân yêu, và có khi còn bị bỏ rơi luôn, không được ai nhìn nhận nữa, như Lề Luật, trong bài đọc thứ nhất, trích sách Lê-vi, truyền lệnh:

Người mắc bệnh phong phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại.

(Lv 13, 46)

Như thế, người bị bệnh vừa đau khổ trong thân xác và vừa đau khổ về tinh thần, vì thiếu tình thương và sự liên đới.

c. Đau khổ thiêng liêng

Vẫn chưa hết, theo quan niệm của Do thái giáo, bệnh phong hủi là hình phạt tiêu biểu nhất của Thiên Chúa đối với người có tội, như sách Lê-vi nói:

Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế!

(Lv 13, 45)

Tội vô hình có trong tâm hồn, Chúa cho nó hiện hình ra bên ngoài và nó xấu xa ghê tởm như là bệnh cùi. Theo quan niệm này, chúng ta có thể giả sử rằng, nếu tất cả mọi tội chúng ta đã phạm trong thầm kín mà lộ ra bên ngoài khiến người ta nhìn thấy được, có lẽ chúng ta cũng không khác người phong cùi bao nhiêu, và có khi còn ghê hơn ! Và điều này hoàn toàn đúng, vì hậu quả của tội nằm ngay trong hành vi phạm tội, không cần phải Chúa phạt ; tội, dù bé dù to, luôn để lại dấu vết nhơ uế trong tâm hồn, và làm đổ vỡ ngay trong lòng chúng ta các mối tương quan : với chính tôi, với người khác, với cộng đồng và với chính Chúa. Vì thế chúng ta cũng là những người mắc bệnh phong đầy người, nhưng vô hình.

* * *

Như vậy, nỗi đau của người bị bệnh có tới ba chiều kích : đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tinh thần, và đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa trừng phạt, và nhiều khi vì những tội gì cũng chẳng rõ hay vì những những tội chẳng đáng bị phạt như thế.

Thật ra, chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm tương tự : khi chúng ta bị đau, chúng ta rất nhạy cảm với sự hiện diện chăm sóc và yêu thương của người thân, và vì người thân không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường có cảm thức bị bỏ rơi, bị quên lãng, nhưng thực ra không phải như vậy ; hơn nữa, chúng ta còn có thể tự hỏi : Tại sao tôi lại ra nông nỗi này ? Đây có phải là một hình phạt của Chúa không ? Tôi đã làm gì để bị như thế này ?

 

2 – “Người chạnh lòng thương”

Tuy nhiên, Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta ngừng đặt câu hỏi: tại sao lại bệnh tật, tại sao lại đủ mọi khổ đau, phải chăng là hình phạt? Bởi vì, càng đặt câu hỏi, chúng ta sẽ càng bị dồn vào ngõ bí và tự làm khổ mình. Hơn nữa, ma quỉ sẽ thờ cơ gieo vào lòng trí chúng ta nọc độc quên ơn và nghi ngờ, từ đó hình ảnh một hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa (x. St 3, 1-7).

Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy đảm nhận thân phận sinh lão bệnh tử của con người và số phận thăng trầm và đôi khi đầy tai họa của riêng mình, bằng cách thả mình vào tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô. Thật vậy, Ngài chạnh lòng thương người bệnh phong và chữa anh lành bệnh, một cách vô điều kiện; anh chỉ cần bày tỏ lòng ước ao thôi:

Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.

(c. 40)

Với nỗi đau khổ tột cùng như thế, nhưng người bệnh vẫn không đánh mất đi lòng ước ao, và lòng ước ao của anh thật lớn lao. Thật vậy, anh đã vượt qua mọi rào cản luật lệ để vào thành, chạy đến, sấp mặt xuống và kêu xin :

  • « Nếu ngài muốn » : lòng ước ao là như thế, một đằng hướng tới ơn huệ, nhưng đàng khác luôn tôn trọng tự do của Đấng ban ơn huệ.
  • « Ngài có thể » : lời này diễn tả lòng tín thác nơi quyền năng chữa lành của Đấng ban ơn.
  • « Làm cho tôi được sạch » : lòng ước ao hướng tới không chỉ ơn chữa lành thể xác, nhưng còn hướng tới ơn được nên « thanh sạch » trong tâm hồn.

Để đáp lại lời kêu cầu của người bệnh, Đức Giê-su đã đụng vào anh trước khi nói : « Tôi muốn anh sạch đi ». Đụng vào người cùi, thì theo luật, người ta sẽ bị ô uế cả trong thân xác lẫn tâm hồn. Như thế, Đức Giê-su đã chia sẻ nỗi đau, căn bệnh « ba chiều kích » của anh. Ngài đã mang lấy thân phận con người ở mức độ thấp nhất, cùng khổ nhất, cùng tận nhất về mọi phương diện, trước khi ban lời chữa lành : « Tôi muốn, anh sạch đi ». Và lời chữa lành của Đức Giê-su có sức mạnh giống như lời sáng tạo: “lập tức, bệnh phong biến khỏi anh”.

Chúa cũng nói với chúng ta lời chữa lành như thế, chúng ta hãy lắng nghe và cảm nghiệm hiệu quả tức thì nơi thân xác, tâm hồn, cuộc đời của chúng ta hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Bởi vì, chúng ta, có thể nói, là những người phong hủi vô hình. Vậy, chúng ta hãy can đảm nhìn vào những « vết hủi » nơi con người chúng ta, không phải để lên án hay tuyệt vọng, nhưng để diễn tả lòng ước ao như người bệnh trong bài Tin Mừng : « Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”, và để cảm nếm lòng thương xót bao la vô hạn của Chúa, và lòng mến lớn lao đối với Chúa sẽ phát sinh từ kinh nghiệm này, như đã phát sinh nơi người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7, 36-50).

3 – “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta”

Trước khi nói lời chữa lành: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào người bệnh. Phép lạ chữa bệnh này mang lại cho chúng ta niềm hi vọng thật bao la cho loài người và từng người tật nguyền chúng ta. Bởi vì, như chúng ta nói ở trên, đụng vào người cùi, theo luật là bị ô uế cả trong thân xác lẫn tâm hồn. Đó chính là cách Đức Giê-su chạnh lòng thương và chữa lành chúng ta, là cách Người bày tỏ sự cảm thông và tình thương của Thiên Chúa đối với loài người đau khổ của chúng ta, với nỗi đau khổ của mỗi người chúng ta: Người không lấy đi đau khổ, nhưng mang vào mình đau khổ của loài người của chúng ta (Mt 8, 7 và Rm 8, 3 ; 2Cr 5, 21 ; Gl 3, 12).

Thật vậy, Đức Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, thay vì cất hết đi mọi bệnh tật của cả loài người, Ngài lại mang hết vào mình và đưa lên Thập Giá, như lời ngôn sứ Isaia đã nói:

Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta

(Mt 8, 17)

Trên Thập Giá, Con Thiên Chúa để cho mình bị hành hạ, thân thể của Ngài bị nát tan còn hơn cả người mắc bệnh phong. Nhưng ở nơi Ngài, đau khổ và sự chết không phải là dấu chấm hết, thân phận con người không phải đường cùng, nhưng là đối tượng của tình thương và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và là con đường dẫn đến sáng tạo mới, đến sự sống mới, không còn bệnh tật, đau khổ, than khóc và chết chóc. Chính khi Đức Giê-su mang thương tích và bị loại trừ trên Thập Giá, là lúc tình yêu Thiên Chúa trở nên rạng người nhất, và cũng là lúc Ngài được tôn vinh, được nhận biết, được hiển linh. Như thế, trước khi đáp lời loài người đau khổ, Thiên Chúa nơi Đức Giê-su, nhận lấy đau khổ của con người làm của mình.

* * *

Và bài Tin Mừng hôm nay đã loan báo trước vinh quang lớn lao này của Đức Giê-su rồi. Thật vậy, chính khi “Ngài phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành”, nghĩa là bị loại trừ, lại là lúc, “dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người”, nghĩa là Ngài được tôn vinh và được nhận biết.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 17-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 17/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh Hằng …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 16-04-2024

     TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 16/04/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​Bánh sự …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *