Người Chứng Thứ Nhất – Chương VIII: Một bản án

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG VIII: MỘT BẢN ÁN

Anre PhuYen 7Ở vào một thời chưa có điện khí, dinh trấn Thanh Chiêm mặc dầu là nơi đô thị, ban đêm cũng chìm trong bóng tối như các xóm làng khác. Có khác chăng chỉ là mấy ngọn đèn dầu le lói ở một vài điểm canh, trong dăm ba quán rượu, hoặc trên mấy mạn thuyền.

Lúc ấy phỏng cuối canh một sang canh hai. Trên sông Sài giang, từ ngả Hội An lên, một chiếc thuyền cặp bến Chợ củi, phía trước dinh trấn. Dưới ánh đèn mờ tỏ, một toán lính đổ bộ, áp giải một người trai trẻ, hai tay trói giặt cánh khỉ. Đoàn người tiến thẳng vào dinh trấn, qua một cửa nhỏ có lính canh.

Mặc dầu đêm tối, ông Nghè Bộ truyền giải ngay “tội nhân” đến phòng văn.1 Thấy tù nhân diện mạo khôi ngô, hiền lành, nhã nhặn như thiên thần, quan động lòng hỏi lính: “Người này là ai mà bay bắt? Sao không bắt tên Ynhaxô như lệnh truyền?”

Viên cai đội thưa: “Tên Ynhaxô không có ở nhà giáo sĩ người Au, nhưng chúng tôi bắt được tên này ở đó là người có đạo và cũng giảng đạo như Ynhaxô. Dầu bị bắt rồi, suốt dọc đường y vẫn luôn luôn nói đến đạo Thiên Chúa, và xúi giục chúng tôi bỏ đạo ông cha theo đạo ấy”.

Ông quan nghĩ bụng: tuổi trẻ non dại nào có gan dạ gì, thế nào mình chẳng cải hóa được nó. Ông bắt đầu bằng những lời dụ dỗ, đại ý nói nếu đã trót theo “tả đạo” vì dại dột chứ không vì tà tâm, mà bây giờ biết nghe theo lời quan, nhất quyết từ bỏ, thì quan sẽ thương giúp mọi bề, nhưng nếu cố tình không nghe, quan sẽ có cách khiến cho hối không kịp.

Tù nhân trẻ tuổi – chính là thầy giảng Anrê- mỉm cười lộ vẻ bình thản và cương quyết. Thầy chỉ nói vắn tắt rằng quan có thể giết thầy cách dễ dàng, nhưng quan và cả bộ hạ không thể nào làm lay chuyển được Đức Tin và lòng kính mến Chúa Giêsu trong tâm hồn thầy.

Ông quan xưa nay quen thấy một lời mình phán ra, những kẻ cứng lòng nhất cũng phải run sợ, lần thứ nhất gặp một thanh niên tín hữu cưỡng lời như vậy, lấy làm tức giận vô cùng, không nói lại nửa lợi. Thật hợp như lời Kinh thánh: “Chúa chọn kẻ yếu để làm xấu hổ kẻ mạnh” (Infirma mundi elegit Deus ut confundat fortia)2. Ông truyền lính đưa Anrê giam trong ngục và đóng gông vào cổ, để rồi mai sẽ định liệu: hoặc là y sẽ đổi lòng, hoặc là y muốn chết, sẽ được chết.3

Lệnh quan được thi hành tức khắc: bọn lính lấy gông rất nặng đóng vào cổ thầy giảng Anrê và giam chung một ngục với đồng đạo Anrê già.

Ai hiểu được sự vui mừng của hai môn đệ Chúa Giêsu khi họ gặp nhau và thấy mình đều được chịu gông cùm xiềng xích như Chúa mình, và giống Bổn mạng mình là thánh Anrê tông đồ. Họ ôm lấy nhau, vui mừng với hạnh phúc chung, và họ khuyến khích nhau ngày mai xông pha chiến trường, trong khi cửa Thiên đường như đã mở sẵn chờ đón họ.

Hai người sống qua đêm ấy trong ơn yên ủi không kể xiết. Đối với họ, nhà ngục này đã phảng phất hương vị của thiên đàng.

Phiên tòa chớp nhoáng

Đêm hè qua mau chóng. Sáng hôm sau, 26 tháng 7. Ông Nghè Bộ triệu tập một phiên tòa để giữ đôi chút hình thức pháp lý cho tội ác ông sắp phạm.4

Ông cựu trấn thủ Phú Yên, phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, rất có cảm tình với Công giáo, lúc ấy đã về ở Quảng Nam, cũng được triệu thỉnh đến tòa để hỏi ý kiến.5 Ông này ngỏ ý rằng: vụ án hai can phạm này, nên đưa lên phủ chúa xét xử mới phải, vì họ theo tôn giáo mới, mà người đến truyền giáo lại có phép của nhà vương, thì chính nhà vương mới định rõ được họ có tội hay vô tội.

Ông nói thế tưởng là thuợng sách để cứu những người vô tội khỏi bị luận xử vì lòng thù ghét.

Nhưng quan cai bộ không theo đề nghị ấy, vì nó trái với ý định thầm kín của ông quyết hại người Công giáo. Ông tuyên bố rằng ông được quyền chúa Thượng cho phạt tử hình những người ấy – điều mà sau này Công Thượng vương không nhìn nhận – Ông không phải khó khăn gì để kéo các quan khác – chức nhỏ hơn – về phe với ông. Thế là ông đã có đa số, ông liền quyết định xử tử hai giáo hữu, mà không cần lời biện minh nào khác.

Sau khi quyết định như thế rồi, ngừơi ta mới điệu hai thầy giảng từ nhà lao ra trước công đường để nghe tuyên án.

Hai đồng đạo bước chân đi vững mạnh, không hề sợ hãi, lại hân hoan “như đi dự tiệc cưới”6; vai mang gông nặng, họ vẫn tỏ ra khoan khoái dễ chịu vì đó là “những xe chở họ về nước thiên đường”.7

Họ đến trước mặt các quan với vẻ mặt vui tươi. Không một câu hỏi, không một lời biện hộ, không một chứng tá, ông Nghè Bộ dõng dạc đọc bản án: tử hình cho hai tín hữu, và đốt các đồ đạo đã tịch thâu! Liền sau đó, lính điệu hai tội nhân về ngục, và cho biết bản án sẽ thi hành nội trong ngày hôm ấy.

Trứơc cũng như sau, hai người chẳng nói nửa lời, chẳng phàn nàn chi, chẳng đòi thượng tố lên Phủ chúa. Họ chẳng kêu ca bản án bất công, vì một mình ông Nghè Bộ vừa là nguyên cáo, vừa là nhân chứng, lại vừa là quan tòa! Họ ưng nhận bản án và trở về nhà ngục, vui mừng như người chiến thắng, hết lòng ngợi khen Thiên Chúa. Họ chỉ tỏ vẻ buồn khi nghe quan truyền đốt ảnh tượng và các đồ đạo, khiến những người bàng quan phê bình họ chẳng lo cho mạng sống mình, lại lo đồ đạo phải đốt! 8

Phiên tòa đã diễnra cách đột ngột và bất thường đến nỗi – theo lời cha Đắc Lộ – “nhiều người công nhiên kết án sự hấp tấp của các quan, nội trong một ngày vừa bắt giam, vừa tra xét, vừa kết tội tử hình, lại còn định hành quyết ngay hai giáo hữu chẳng có tội tình gì kia”.9

Sử liệu ghi chép rằng, sáng hôm ấy, gió thổi mạnh, sông Sài giang cuồn cuộn nổi sóng, thuyền ngược sông cực kỳ vất vả10. Người ta có thể hình dung đó là một buổi sáng không có mặt trời, một buổi sáng biển động sóng gầm… Phải chăng trời đất cũng đã muốn cảm thông cùng lòng ngừơi trong một ngày tang tóc đầu tiên của giáo hữu nước này?

Chú thích
(1) Đoạn này theo A.R, Glorieuse mort, chương III, tr.25-28

(2) Thư I Corintô, I, 27 – Relacao dẫn lời Kinh thánh này ở ch.9.

(3) Linh mục Bỉnh trong Truyện Đàng Trão tường thuật cuộc đối thoại giữa ông Nghè Bộ và thầy giảng Anrê như sau:

“Tối đêm hôm ấy thì cuân cuốc mới điệu thầy Anrê trẻ về đến Kẻ Chợ Cachao (thủ phủ dinh Quảng Nam) liền điệu tù cũ (cùng) đồ đạo vào giải nạp cho Oũ Nghè Bo, mà quan thấy thầy ấy hãy còn trẻ tuổi, thì nghĩ rằng mình được trận chẳng sai. Liền hỏi rằng: Quê mày ở đâu trão nước này. Thầy ấy thưa rằng: Quê tôi ở xứ Ranran (Phú Yên). Điều hỏi thứ hai thì rằng: Mày giữ đạo đí gì? Thầy ấy thưa rằng: Tôi là bổn đạo mà thờ phượng Chúa Blời đất. Điều thứ ba thì hỏi rằng: Vì làm sao mà ở vuối thầy cả Portuguès (Bồ Đào Nha). Thầy ấy thưa rằng: Tôi ở vuối người mà học sự đạo cho chín. Quan ấy hỏi nắn lại điều hỏi thứ 2, cũ (cùng) thứ 3, mà lên cung gắt gão (gỏng), mặt mũi thì giận dữ. São (song) le thầy ấy cứ ở vững vàng mà thưa những mlẽ (nhẽ) chắc chắn mà chẳng sợ, thì quan ấy bảo rằng: Phải bỏ đạo Portugùes mà giở lại đạo nước nhà mình. Nghĩa là bỏ đạo Đ.C.J (Đức Chúa Giêsu) mà theo đạo Thích Ca. Thầy ấy thưa rằng: Thà chịu mọi sự khó mà chẳng thà bỏ đạo rất thánh mình đã chịu. Vì chưng mình ước chịu chết cho đựơc cám ơn blả (trả) nghĩa Chúa Blời đất đã dựng nên mình cũ (cùng) đã chịu chết vì mình. Quan ấy xấu hổ vì chẳng nạt được một con trẻ, thì giận, liền gầm thét như sư tử, mà gọi cuân lính đem tù ra khỏi trước mặt mình, cũ (cùng) điệu vào giam trão (trong) ngục đóng gòu (gông) cu (cùng) canh giờ cho cẩn thận, cho đến sáng ngày sẽ điệu ra cửa cù (công) đường mà luận phạt nhu tội đã đáng”. (truyện Đàng Trão, tr.54-55) – Đối chiếu: Relacao, ch.9

(4) Đoạn này theo: Glorieuse mort, chương IV – P.B, Truyện Đàng Trão, đoạn 6.– Relacao, chương 9.

(5) Cha Đắc Lộ chỉ nói trống: “L’ancien gouverneur qui avait fovorisé les chrétiens” (Glorieuse mort, tr.31), “l’ancien gouverneur don’t la femme est chrétienne, très vertueuse” (Relation des progrès foi, tr.30). Dầu không có tài liệu khác phù hợp, cùng đoán được đó là ông cựu trấn thủ Phú Yên, lúc này ở Quảng Nam, có lẽ hưu trí như đã nói trên. Tài liệu Relacao của cha Matihias da Maya (chương 9) xác nhận điều đó, vì nói rõ ràng đó là ông cựu trấn thủ Phú Yên, mà vợ là bà nhân đức Maria Mađalêna, rửa tội năm 1636 ở Phú Yên.

(6) và (7) Glorieuse mort, tr.31, 32

(8) Ph.B. Truyện Đàng Trão, tr.58

(9) A.R Glorieuse mort, tr.33

(10) A.R Glorieuse mort, tr.30

Kiểm tra tương tự

Dọn đường cho Chúa

  Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta …

Thánh Lucia – Ánh sáng dẫn lối cho Mùa Vọng

  Ngày 13 tháng 12 là ngày kính thánh Lucia, một trinh nữ tử đạo. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *