Người Chứng Thứ Nhất – Chương XIII: Vinh quy La Mã

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XIII: VINH QUY LA MÃ

san-pedro-gente2Như đã nói ở trên, sau cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, và trong khi hài cốt thầy được tôn kính tại Ao Môn, thì giáo sĩ Đắc Lộ còn bí mật hoạt động tại Việt Nam một năm nữa, giữa muôn vàn sóng gió. Ngày cũng như đêm, ở đâu, đi đâu, giáo sĩ cũng mang theo thủ cấp vị tử đạo “để được an ủi trong cơn khốn khó, bênh vực trong mọi hiểm nguy, trên đất cũng như dưới biển”1. Và thật sự giáo sĩ “đã không lầm” như chính ngài sẽ minh chứng.2

Chế ngự Thái Bình Dương

Ngày 3 tháng 7 năm 1645, cha Đắc Lộ ngậm ngùi vĩnh biệt đất nước Việt Nam – “vĩnh biệt bằng thể xác, lời giáo sĩ, chứ không phải bằng tâm hồn, vì thực ra tâm hồn tôi để cả ở xứ Nam cũng như xứ Bắc, và tôi tưởng không bao giờ lòng tôi có thể rời được hai xứ ấy”3. Giáo sĩ dàn dụa nước mắt, nửa thương các giáo hữu từ nay bơ vơ không linh mục, nửa thương chín thầy giảng còn mang gông trong ngục, chưa biết số phận ra sao: “Tôi thú thật rằng chưa bao giờ tôi cảm thấy đau lòng như trong cuộc biệt ly này”.4

Các giáo hữu ra tiễn đưa người tại bến Hội An, khóc lóc thảm thiết. Mấy viên chức ở dinh trấn theo giáo sĩ lên tận tàu, đọc bản án trục xuất trước mặt những người bđn: giáo sĩ bị cấm không bao giờ được trở lại Việt Nam nữa, và chủ tàu nào còn chở ông tới, sẽ bị tử hình.

Cha Đắc Lộ chỉ còn một yên ủi duy nhất: đầu của thầy Anrê, “kho tàng quý giá nhất của người”5. Người mang theo xuống tàu.

Trong cuộc hành trình này, vị tiên khởi tử đạo Việt Nam đã tỏ quyền phép chế ngự phong ba, và cứu mạng sống cha thiêng liêng mình để đền ân.

Chính giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật:

“Cả biển Trung Hoa này thường xảy ra những trận phong ba rất lớn, nhất là ở vịnh Hải Nam, là nơi tôi qua lại mười lăm lần, nhưng trong cuộc hành trình này, chúng tôi bị ngược gió và gặp bão dữ dội đến nỗi tưởng chết không có đất cứu.

“Trong cơn bĩ cực chúng tôi gặp phải, thấy các buồm đều gãy, hoa tiêu thất đảm, thuỷ thủ kinh tởm, tôi liền chạy đến cùng vị Bảo hộ vinh quang của tôi.

“Tôi hết sức kính trọng cầm thủ cấp của người lên, đem lại chính giữa tàu, bảo mọi người quỳ xuống, rồi tôi cất tiếng xướng “kinh cầu Đức Mẹ” và cầu nguyện mấy lời cùng vị tử đạo tốt lành.6

“Chưa đọc hết “kinh cầu”, thì phong ba đã yên ngay tức khắc, khiến mọi người kêu lên: “Phép lạ! Phép lạ!”. Gió xuôi buồm thuận đưa chúng tôi về tới Ao Môn bằng an, đúng hai mươi ngày sau khi rời khỏi xứ Nam.

“Thiên Chúa biết lòng chúng tôi tạ ơn vị tử đạo đại danh này biết chừng nào! Nhưng chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa, vì hai ngày sau khi cập bến, chúng tôi được biết, hai chiếc tàu lớn khác, một ở An Độ tới, một khởi hành cùng một lúc với chúng tôi từ xứ Nam, đã bị đắm thảm thương ở chính chỗ chúng tôi đã thoát nạn. Mấy người trong số những người sống sót rất ít ỏi đã kể lại với chúng tôi như vậy, và chúng tôi được biết họ đã bị nạn ngay trong giờ phút chúng tôi gặp nguy. Nhưng trong tàu chúng tôi có một điều lợi mà hai tàu kia không có, ấy là một cái đầu đã bị lìa thân vì Chúa Giêsu, bây giờ đã đáng được quyền sai khiến gió bão, chế ngự phong ba”.7

Đục đá vá tàu

Sau năm tháng lưu trú ở Ao Môn, giáo sĩ Đắc Lộ được cử về La Mã tâu trình Đức thánh cha cử các vị Giám mục sang coi sóc các giáo đoàn ở Việt Nam, và vận động cho công cuộc truyền giáo ở Viễn Đông.

Ngày 20 tháng 12 năm 1645, giáo sĩ đáp tàu bđn trong một đoàn tám chiếc đi An Độ để về Lịch bôn. Ngài mang thủ cấp thầy giảng Anrê, định mang về La Mã chứng minh đức tin của người Việt. Tới Malacca (Nam Dương quần đảo), giáo sĩ rời tàu bđn để chờ đáp tàu Hòa Lan theo lời Bề trên dặn, vì tàu bđn thường ghé rất lâu ở Goa (An Độ) trước khi về Au Châu. Chiếc tàu bđn mà đáng lẽ giáo sĩ cứ đi nếu không có lời dặn ki, sau bị đắm vì đụng đá ngầm: giáo sĩ Đắc Lộ nhìn nhận đó là ơn Chúa Quan Phòng cho mình thoạt nạn.8

Nhưng giáo sĩ sẽ gặp nạn khác và sẽ thoát nạn một cách lạ lùng, do sự can thiệp hiển nhiên của vị tử đạo Việt Nam.

Sau bốn mươi ngày ở Malacca không gặp tàu Hòa Lan về Au Châu, giáo sĩ định đi Djakarta9 thương cảng lớn nhất và là thủ phủ của Nam Dương quần đảo, lúc ấy đã thuộc quyền cai trị của Hòa Lan, vì tại đó thường có nhiều tàu đi Au Châu hơn ở Malacca. Thế là ngày 22 tháng 2 năm 1646, người đáp một chiếc tàu Hòa Lan đi thủ đô Nam Dương. Được ba ngày xảy ra một việc lạ lùng xưa nay chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới.

Ta hãy nhường lời cho người trong cuộc kể chuyện:

“Ngày 25 tháng 2, khoảng hai giờ chiều, gió rất thuận, các thuỷ thủ tỏ ra không thông thạo, chẳng dè chừng một núi đá ngầm cao gần sát mặt nước, tàu của chúng tôi đụng mạnh vào núi đó, phát ra một tiếng động như sét. Sự đụng chạm mãnh liệt đến nỗi tàu bị thủng và dừng hẳn trên đá ngầm.

“Lúc ấy chúng tôi tưởng chết hết không còn phương cứu gỡ. Tôi lên sân tàu coi thì thấy một mảnh gỗ lớn của tàu nổi trên mặt nước, tôi liền khuyên bảo mọi người hãy dọn mình chết và cậy trông ơn Chúa cứu giúp. Chúng tôi giải tội lẫn cho nhau, vì trong tàu có hai cha nữa cũng đi từ Malacca với tôi, rồi chúng tôi quỳ gối xuống tất cả để cầu nguyện cùng thầy giảng Anrê nhân hậu của tôi. Tôi cầm thủ cấp của người trong tay và thân ái nói với người rằng: Hỡi thầy Anrê nhân lành, nếu tôi phải chôn dưới đáy biển này, tôi làm sao mang đầu của thầy về La Mã được! Ngay lúc chúng tôi còn đang cầu nguyện thì tức khắc tàu rời ra khỏi đá ngầm, và chúng tôi bắt đầu đi.

“Nhưng chúng tôi đinh ninh rằng mình đi thẳng xuống đáy biển, vì chúng tôi biết chắc tàu đã bị thủng, và gỗ ván đã nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chúng tôi đang chờ như vậy, thì mấy người thủy thủ bảo rằng tàu không bị nhiều nước hơn trước khi đụng đá ngầm, và điều đó không lạ, vì tàu đã cũ, người ta phải ghép thêm một lớp ván nữa ở nhiều chỗ, và những tấm ván mà chúng tôi trông thấy chỉ là những lượt bề ngoài, lượt bên trong còn nguyên vẹn.

“Tin như vậy, chúng tôi vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình, lòng cảm tạ Thiên Chúa đã cứu thoát chúng tôi bình an. Chúng tôi đi bảy ngày nữa trên mặt biển vô sự, nhưng khi chúng tôi tới bến (Djakarta), chúng tôi mới biết Đức Chúa Trời đã làm ơn cho chúng tôi hơn chúng tôi tưởng nhiều lắm.

“Lúc ấy người ta muốn sửa tàu, và khi đã trục tàu lên cạn, người ta thấy rõ một dấu lạ lùng của Chúa Quan Phòng. Dưới đáy tàu có một lỗ hổng lớn, nhưng núi đá khi làm vỡ đáy tàu, đồng thời cũng làm vỡ một tảng đá lớn, và tảng đá ấy đóng chặt vào chính lỗ hổng mà nó đã khoét ra. Tất cả thành phố kéo đến coi sự lạ ấy. Phần chúng tôi, chúng tôi hiểu rằng ơn ấy đã làm vì chúng tôi, nên chúng tôi cảm phục hơn ai hết, và tạ ơn Đức Chúa Trời và thầy giảng Anrê vì thầy đã lấy lòng thương yêu, dùng quyền thế mình mà giải phóng chúng tôi”.10

Phép lạ này, cũng như phép lạ ở ngoài khơi Hải Nam, được giáo sĩ Đắc Lộ tường thuật và xác nhận tới ba lần trong ba cuốn sách khác nhau: một cuốn tiếng Ý 11, hai cuốn tiếng Pháp 12, xuất bản giữa các thủ đô lớn nhất Au Châu trong hai năm 1652-1653, nghĩa là mới sáu bảy năm sau khi xảy ra sự việc, trong khi hàng trăm người đồng cảnh ngộ còn sống và có thể kiểm soát thực hư.

 Vinh quy La Mã

Sau tám tháng ở Djakarta, mà ba tháng bị người Thệ Phản Hòa Lan cầm tù vì ghét đạo Công giáo, cha Đắc Lộ theo tàu bđn đến Macassar (quần đảo Célèbes) ngày 21 tháng 12 năm 1646, với thủ cấp của vị tử đạo linh thiêng luôn luôn bên mình. Tới tháng 6 năm sau, giáo sĩ mới gặp và đáp một chuyến tàu của người Anh về Au Châu. Tàu này trở qua eo biển de la Sonde, tới hải cảng Surate, thuộc tiểu bang Bombay (An Độ) ngày 30 tháng 9 năm 1647, rồi bốn tháng sau mới lại nhổ neo đi Ba Tư. Tới Ba Tư vào đầu tháng 3 năm 1648, vì không gặp sẵn chuyến tàu vòng qua Hảo Vọng giác, giáo sĩ quyết định theo đường bộ để về La Mã, mặc dầu phải đi qua các xứ Hồi giáo rất hiềm khích đối với Công giáo, và các miền hiểm trở có nhiều giặc cướp. Dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới này, giáo sĩ tự nhận trước cho bản thân mọi bất trắc dọc đường, nhưng không muốn liều mình để mất kho tàng quý giá nhất: giáo sĩ liền gửi thủ cấp vị tử đạo Anrê cùng với ít nhiều đồ vật khác về cho các cha dòng Tên ở Goa để chờ dịp chắc chắn sẽ gửi về La Mã.13

Tiếp theo cuộc hành trình, giáo sĩ qua Aspaan, thủ đô Ba Tư, nay là tỉnh Ispahan, ngược lên xứ Médie nay là Azerbaijan, xứ Arménie thượng – cả hai miền này hiện bị Nga Xô thôn tính – rồi xuyên ngang nước Thổ Nhĩ Kỳ, sau đúng một năm đi bộ, mới tới hải cảng Smyrne trên bờ Địa Trung Hải. Tại đây giáo sĩ đáp tàu Ý Đại Lợi, về đến La Mã ngày 27 tháng 6 năm 1649, sau ngót ba năm hành trình gian khổ.14

Ngày tháng qua, cha Đắc Lộ ở La Mã chờ đợi đã gần ba năm mà chưa được tin tức gì về báu vật của mình. Giữa lúc bất ngờ, thì một ngày trong năm 1652 15, thủ cấp vị tử đạo Phú Yên cũng về tới kinh thành muôn thưở. Bao nhiêu đồ đạc khác của giáo sĩ Đắc Lộ gửi lại Goa đã bị mất hết, tước đoạt hết. “Không một sự gì thoát khỏi cuồng vọng của con người và những tráo trở của hoàn cảnh, chỉ trừ cái đầu của thầy Anrê tôi”! cha Đắc Lộ hiên ngang ghi chép như vậy.16

Người đã lo lắng gửi kho báu ấy về La Mã không ai khác hơn là chính giáo sĩ Mathias da Maya, quản nhiệm dòng Tên tỉnh hạt Nhật Bản và Trung Hoa, trụ sở tại Goa, tác giả bản tường trình Relacao, đã trở nên một sử liệu quý báu.

Khởi hành từ Goa năm 1649 17, thủ cấp vị tử đạo Phú Yên đã phải vòng qua Hảo Vọng giác, ngược Đại Tây Dương, và chắc hẳn đã phải ghé qua thủ đô bđn trước khi vào Địa Trung Hải để tới thủ đô Giáo hội.18

“Tôi tiếp nhận di tích ấy – lời giáo sĩ Đắc Lộ – với một lòng phấn khởi vô cùng. Tôi hôn kính cả ngàn lần, đến khi rời La Mã, tôi để lại cho cha Bề trên Cả. Ngài hân hạnh đặt thủ cấp vị tiên khởi tử đạo xứ Nam trong nhà mẹ Dòng Tên ở thủ đô thế giới”.19

Để giới thiệu vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam với Tòa thánh và thế giới, ngay năm ấy (1652) giáo sĩ viết cuốn Cuộc tử đạo oai hùng của thầy giảng Anrê xứ Đàng Trong bằng tiếng Ý, ấn hành ngay tại La Mã, và đến năm sau viết luôn ra tiếng Pháp in tại Balê. Cha Đắc Lộ còn nhờ một họa sĩ hữu danh người Ý, Giacinto Brandi vẽ hình cuộc tử đạo của thầy giảng Phú Yên in làm phụ bản trong hai sách ấy.

Từ khi về tới La Mã, thủ cấp vị tử đạo Anrê vẫn được giữ tại nhà dòng bên cạnh thánh đường Chúa Giêsu. Đến năm 1773, dòng Tên phải giải tán theo lệnh Đức Giáo hoàng Clêmentê XIV, di cốt của thầy giảng Anrê cũng như các di vật thánh khác của Dòng, được trao lại cho ban quản đốc nhà thờ Chúa Giêsu. Do sự thay đổi ấy, và để tránh sự thất lạc hoặc lầm lẫn về sau, người ta mới nhận thấy sự cần thiết lập một bản chứng thư. Bản này làm ngày 10 tháng giêng năm 1809, nhân danh Đức hồng y Julius Maria de Somalia, phụ tá Đức giáo hoàng Piô VII trong nhiệm vụ cai quản địa phận La Mã, và ký tên Đức cha Benedetto Fenaja, giáo chủ thành Constantinopoli, tá lý địa phận La Mã. Bản chứng thư liệt kê và nhìn nhận “sọ, tóc, răng và khăn liệm của Anrê 20, thầy giảng thuộc dòng Chúa Giêsu, đã đổ máu vì Đức tin ngày 26 tháng 7 năm 1644, hồi 19 tuổi. Những thứ đó đã lấy tự chính nguồn gốc…”

Đến khi dòng Tên được tái lập và xây tòa Bề trên Cả tại số 5 đường Borgo Santo Spirito, thì tất cả các tài liệu và di tích về thầy giảng Anrê được di chuyển về đó, đặt tại tầng lầu thứ hai, (không kể tầng dưới) trong phòng để hình ảnh, di tích và hài cốt các vị Thánh và Chân phúc của Dòng, do vị linh mục tổng thỉnh nguyện các vụ án phong thánh (postulateur général) trông coi.

Hiện nay, sọ thầy giảng Anrê (không có hàm dưới) vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có phía hữu trước mặt bị hao mòn chút ít, và đôi chỗ ngả mầu tím, còn tất cả trắng đẹp như ngà. Phía trên sọ, nét bút cổ xưa ghi năm lần những lời sau đây: “Andreas Catechista, primus in Cocincina pro Christi fide fuit occisus”: Thầy giảng Anrê người đầu tiên ở xứ Nam đã đổ máu vì tin Chúa Kitô. Hàm trên còn dính hai chiếc răng hàm lớn và hai răng hàm nhỏ, ngoài ra còn có sáu cái răng rời, cũng của hàm trên, một nắm tóc nâu còn tốt nguyên vẹn, một ít bông gòn, một ít vải thấm máu, và cả cái tùi bằng lụa bọc thủ cấp, có ghi hàng chữ bằng tiếng La tinh nói rằng cha Mathias da Maya, quản nhiệm dòng Tên tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa, gửi cho cha Đắc Lộ sọ thầy giảng Anrê, người đầu tiên đã bị giết ở xứ Nam vì tin Chúa Kitô.21

Sau bao biến thiên trong khoảng thời gian trên ba thế kỷ, những di tích còn giữ được như vậy cho đến ngày nay là một điều quý trọng, hiếm có, lạ lùng. Mình năm ở Ao Môn, đầu ngự ở La Mã mắt nhìn thẳng vào Tòa đấng kế vị Chúa Cứu Thế ở trần gian22, thầy giảng Anrê tử đạo chẳng những là sứ giả đầu tiên và thường trực của dòng dõi Lạc Hồng bên cạnh Tòa thánh, người còn là cây cầu thiêng liêng nối liền Đông và Tây, hơn nữa là tiêu biểu vẻ vang cho sự quy tụ của anh em bốn bể dưới mái nhà Cha. Người phải xa quê hương trần gian chỉ vì sứ mệnh ấy, và người làm sứ mệnh ấy cũng chỉ vì hạnh phúc và danh dự của quê hương. Khi nào quê hương ước mong người về, có lẽ nào người từ chối quê hương. Mà thực ra lúc này người đang sống giữa quê hương rồi vậy.

Chú thích

(1) và (2) A.R Glorieuse mort, tr.71

(3) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.362

(4) A.R Glorieuse mort, tr.80

(5) A.R Glorieuse mort, tr.90

(6) Cha Đắc Lộ thuật chuyện này trong ba cuốn sách Relation, Glorieuse mort, Voyages et Missions. Chúng tôi trích dịch đoạn trên đây trong Glorieuse mort tr.90, còn đoạn dưới sẽ theo Voyages et Missions (1854), tr.327-328, vì cách tường thuật linh động hơn.

(7) Voyages et Missions (1854), nơi đã kể

(8) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.343. Chúa tàu bị nạn tên là Dom Sébastien Lobo de Sylveira.

(9) Jacquetra, theo chính tả cha Đắc Lộ. Nay tiếng Pháp viết theo tiếng Hòa Lan: Djakarta, tức là tên chính thức của hải cảng Batavia.

(10) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.348-350. Đối chiếu Glorieuse mort, tr.93-97.

(11) Đó là cuốn Relatione della morti di Andrea Catechista, Roma 1652.

(12) Đó là Glorieuse mort và Voyages et Missions, Paris 1653.

(13) A.R, Glorieuse mort, tr.71

(14) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.353-434.

(15) A.R, Glorieuse mort, tr.72

(16) A.R, Glorieuse mort, tr.72

(17) Căn cứ theo niên hiệu bản Relacao.

(18) Hồi ấy chưa có kinh Suez, thì không có đường tàu nào khác để đi Ý Đại Lợi. Di cốt vị tử đạo, muốn được bảo đảm, chỉ có thể gửi tàu bđn, vậy tất nhiên có ghé nước ấy.

(19) A.R, Glorieuse mort, tr.71-72

(20) Nguyên văn chép lầm: “P, Andrae” (cha Anrê)

(21) Những chi tiết trên đây theo thơ cha Bottereau, văn phòng cha Bề trên Cả dòng Tên, gởi cho tác giả, từ La Mã ngày 22-1-1958.

(22) Từ Tòa Bề trên Cả dòng Tên có thể nhìn thấy Đền thánh Phêrô, không xa cách bao nhiêu.

Kiểm tra tương tự

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 4: Hãy là một mục tử

Thực tại bị biến thành trừu tượng. Những cách tiếp cận uyên bác nhưng lại …

Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 3: Phương thuốc giải độc

Khi đến lúc phải tìm kiếm một phương thuốc và sự giúp đỡ để chống …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *