Người Chứng Thứ Nhất – Chương XIV: Thi ân tại Ba Lê

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XIV: THI ÂN Ở BA LÊ

Anre PhuYen 3Từ khi về La Mã, giáo sĩ Đắc Lộ không lúc nào không tưởng nhớ tới Việt Nam và lo lắng thực hiện cái sứ mạng “đã khiến ngài tự đầu bên kia thế giời về đây”1. Người đã nhiều lần bệ kiến Đức giáo hoàng và “ngày nào cũng đến gõ cửa Đức hồng y” để xin Tòa thánh cử các giám mục sang dìu dắt các Giáo hội mới ở Việt Nam cũng như Trung Hoa, đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc để hoàn thành việc xây dựng Giáo hội tại các miền đó. Tòa thánh tỏ ra rất hưởng ứng và tán thành chương trình của cha Đắc Lộ, nhưng sau ba năm ở La Mã và nước Ý, giáo sĩ chưa tìm được vị nào đủ điều kiện và thích ứng hoàn cảnh để có thể được đề nghị phong giám mục gởi sang Việt Nam.

Ngày 11 tháng 9 năm 1652, giáo sĩ rời La Mã để đi vận động tại nước Pháp cũng vì mục đích nói trên. Bạn chí thân của người là thủ cấp thầy giảng Anrê, đã an ngự ở La Mã, từ nay không còn đi theo người nữa, nhưng người có bức ảnh của vị tử đạo luôn luôn bên mình.

“Chúng tôi không hiểu – lời cha Đắc Lộ – ý Chúa muốn ban vinh quang thế nào cho người thanh niên có phúc này, đã được Chúa chọn làm Người Chứng Thứ Nhất cho Chúa ở tận cùng Châu Á, nhưng từ khi tôi ở trên đất Pháp mấy tháng nay, tôi đã từng thấy biết bao người, thuộc mọi từng lớp, đều yêu mến và tôn kính vị tử đạo ấy, tôi tin chắc Chúa muốn làm cho người ta biết và tôn kính người trong nước này (…), bởi vì ngay ở Balê, người đã làm nhiều ơn lớn lao cho những nhân vật vị vọng nhờ cậy lời bầu cử của người trong cơn bệnh hoạn”.2

Và cha Đắc Lộ tường thuật:

“Cách đây ít lâu, tôi được mời đến thăm một bệnh nhân, làm giám đốc Ngân khố nước Pháp. Ông là người còn thanh niên, rất đáng yêu và tính tự nhiên hòa nhã, có tinh thần tốt và nhất là rất đạo đức. Y sĩ mới thăm ông buổi sáng, và tỏ ra rất lo ngại bệnh tình ông hết phương cứu chữa.

“Vì ông thổ ra huyết rất mạnh, kèm theo chứng đau bụng quặn, khiến y sĩ e rằng ông bị ung độc trong bụng.

“Tôi đi ngay đến phòng ông, lại bên giường bệnh, khuyên ông nhờ cậy lời cầu nguyện của thầy giảng Anrê; tôi tặng ông một bức ảnh của vị tử đạo mà tôi đã đặt làm tại La Mã; cả ông và tôi cùng cầu nguyện một lát, rồi tôi ra khỏi phòng.

“Bệnh nhân ở lại một mình, cầm bức ảnh tôi cho, và cầu nguyện. Ông khấn với Chúa rằng, mỗi năm cứ đến ngày tử đạo vinh quang của thầy giảng Anrê, ông sẽ rước Mình Thánh Chúa, và ngày hôm trước sẽ ăn chay. Ông vừa làm xong lời khấn, liền thấy nhẹ bớt, cơn đau dịu xuống, hết rét và hết ra máu, đến chiều y sĩ trở lại thăm, thấy ông đã khỏi bệnh. Ngày hôm sau ông thức dậy, mạnh khoẻ như thường, đến tìm tôi, và thuật cho tôi nghe điều tôi vừa kể. Ông lại làm cho tôi một tờ chứng nhận trước mặt Đức cha phụ tá Đức Tổng giám mục Balê, và loan báo khắp nơi: mình được cứu sống và lấy lại sức khoẻ là nhờ ơn thanh niên Chân phúc kia; từ đấy ông tôn kính người như bậc ân nhân”.3

Trường hợp thứ hai xảy ra cách sau đó vài tuần lễ.

Nguyên từ khi đến Balê, cha Đắc Lộ có quen một người có thế giá và nhân đức, người thường gặp để nói chuyện, và có lần người đã kể cho nghe câu truyện người vừa nói về thầy giảng Anrê. Người ấy rất lấy làm ái mộ vị tử đạo Việt Nam.

Một đêm đang nằm trên giường, ông ta liền bị tim đập mạnh, kéo dài luôn mấy tiếng đồng hồ. Ông dùng đủ mọi thứ thuốc người ta có thể tìm cho ông, nhưng đều vô hiệu. Ông lo sợ bị ngạt thở.

Bấy giờ ông nhớ đến vị tử đạo có quyền thế trước mặt Chúa, mà ông đã chọn làm quan thầy; ông liền quỳ xuống để cầu nguyện dưới chân giường; vừa bắt đầu cầu nguyện thì tim ông trở lại điều hòa, cơn đau tiêu tán hết, ông không cảm thấy bệnh nạn nào nữa, chỉ cảm thấy sự nhớ ơn sâu xa đối với Thầy thuốc thiêng liêng của ông.4

Thầy giảng Phú Yên tại điện Le Louvre

Không những làm ơn lành trong các giới dân chúng, thầy giảng Anrê Phú Yên còn gây ảnh hưởng cả trong chốn triều đình nước Pháp. Hồi ấy vua nước Pháp Louis XIV (1643-1715) còn vị thành niên, bà Thái hậu Anne d’Autriche giữ quyền nhiếp chính, ngự ở điện Le Louvre giữa kinh thành Balê.

Khoảng tháng giêng năm 1653 5, giáo sĩ Đắc Lộ vào điện Le Louvre yết kiến bà Thái hậu để nói về những tiến bộ của việc truyền giáo ở Viễn Đông. Nhiều thượng quan trong triều cũng có mặt trong cuộc yết kiến này, bên cạnh bà Thái hậu. Trong cuộc hội đàm, giáo sĩ Đắc Lộ đã nói đến thầy giảng Anrê, và kể lại sự lạ đã xảy ra ở Balê như đã nói ở trên.

Một trong những thượng quan có mặt liền tưởng đến trường hợp của vợ mình đang bị chứng đau tim rất nặng, nhiều khi tim đập mạnh luôn đến mười lăm tiếng đồng hồ, rất nhọc mệt, và nguy hiểm đến tính mạng. Ông tin rằng đây là dịp tốt Chúa ban cho ông để cứu chữa vợ ông.

Sau khi cha Đắc Lộ cáo biệt bà Thái hậu, ông cũng rời điện Le Louvre, đến tìm Đức giám mục địa phận Puy và xin một tấm ảnh vị tử đạo Việt Nam. Được nhận tấm ảnh do tay vị nhân đức này, ông ta đem về cho vợ. Bà vợ lúc ấy đang cơn đau, cầm ảnh áp vào trái tim, và khấn nguyện cùng vị tử đạo Việt Nam, tức khắc cơn đau dứt hẳn. Từ đấy mỗi lần cơn đau trở lại, bà lại dùng môn thuốc thiêng liêng ấy, và lại được khỏi đau như vậy.

Chính chồng bà đã kể lại với cha Đắc Lộ các việc xảy ra như trên, và tỏ lòng khâm phục, nhớ ơn thầy giảng Anrê Phú Yên. Cha Đắc Lộ không gặp bà này bao giờ, song nghe người ta nói bà là ngừơi rất có công phúc, và là con một nhân vật lỗi lạc lúc ấy mới từ trần mà cả nước Pháp tiếc thương.6

Giáo sĩ Đắc Lộ còn ghi lại một ơn lạ thứ bốn, xảy ra ở họ Thánh Phaolô, gần tu viện Thánh Luy của dòng Tên Balê. Tại đây có một người quý phái cao niên, mắc bệnh đau dạ dày rất nặng từ ba năm trước, rất gầy ốm và hầu như đã kiệt hết sức. Lúc ấy ông ta lên cơn đau kịch liệt, kéo dài luôn mười hai giờ. Bà vợ ông và cả nhà lo sợ rằng ông tuổi già sức yếu, khó lòng đối phó được với cơn bệnh trầm trọng như vậy. Chẳng ngớt được mấy lúc, ông lại lên cơn lần thứ hai, đau đớn hơn lần trước nữa.

Lúc ấy bà vợ ông đi tìm cha Đắc Lộ. Bà đã quen giáo sĩ từ trước và đã được nghe nói về thầy giảng Anrê. Giáo sĩ rất cảm phục nhân đức của bà, và ngợi khen lòng hy sinh rộng rãi của bà đối với công cuộc truyền giáo ở tất cả xứ Viễn Đông.

Sau khi bày tỏ nỗi lo lắng của mình, bà tỏ ý tin tưởng nơi sự cầu bầu của thầy giảng Anrê. Bà lại xin giáo sĩ đến thăm chồng bà và đem ảnh vị tử đạo Việt Nam đến cho bệnh nhân cầu nguyện.

“Tức khắc tôi đi ngay – lời cha Đắc Lộ – và tôi thấy ông quý phái này, đầy can đảm và đạo đức, song không còn sức lực, mà có lẽ ngày mai cơn khủng hoảng sẽ trở lại lần thứ ba. Tôi cùng với ông đọc kinh cầu khấn Thiên Chúa; tôi để lại cho ông một tấm ảnh vị tử đạo của tôi, ông cầu nguyện vị tử đạo với tất cả lòng thành của người tín hữu Đức Chúa Trời đã nhận lời ông: cơn khủng hoảng thứ ba không đến nữa, và từ đó trở đi không còn cơn đau nào khác, căn bệnh từ ba năm đã biến mất, ông khỏe mạnh như thường và hết lòng nhớ ơn Quan thầy của ông là vị tử đạo Anrê. Tôi hy vọng rằng nhờ lời bầu cử của tôi tớ Chúa, Chúa sẽ còn ban cho ông sống nhiều năm nữa và được sức mạnh, để phụng sự Chúa lâu dài hơn, và cùng với phu nhân là người nhân đức, kéo ơn trên Trời xuống cho cả gia đình”.7

Ngoài bốn sự lạ này, còn nhiều trường hợp khác mà giáo sĩ Đắc Lộ không tường thuật 8. Nhưng như thế đã đủ chứng tỏ uy danh của vị tử đạo tiên khởi Việt Nam giữa “kinh đô ánh sáng”, và quyền thế của người trước tòa Thiên Chúa.

Hai tâm hồn một sự nghiệp

Buổi ấy giữa Giáo hội Pháp và Giáo hội sơ khai Việt Nam, chưa có mối dây liên hệ nào. Nhưng khi vị tử đạo Anrê và nhà truyền giáo Đắc Lộ đi qua Balê, thành phố này sắp trở nên căn cứ xuất phát của một phong trào truyền giáo rộng lớn, ứng đáp chủ trương cải cách của Toà thánh La Mã tại các xứ truyền giáo. Quả thực Giáo hội Pháp chẳng những nhiệt liệt ủng hộ cuộc vận động của giáo sĩ Đắc Lộ, mà còn hiến hai nhà truyền giáo nhiệt thành, Lambert de la Motte và Francois Pallu, để Đức giáo hoàng Alexandre VII phong làm giám mục đầu tiên cho hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài ở Việt Nam (1659), mở đầu một giai đoạn quan trọng cho Giáo hội Việt Nam và cho tất cả các xứ truyền giáo trên thế giới. Tiếp sau đó, Hội Truyền giáo ngoại quốc được thành lập tại Balê (1663) để tuyển lựa các vị thừa sai cho các xứ truyền giáo và xúc tiến việc thành lập hàng giáo sĩ bản quốc tại các xứ đó.

Những biến cố lớn lao này trong Hội thánh đã được các sử gia nghiên cứu dưới mọi khía cạnh, không quên sót một nhân vật hay yếu tố nào. Nhưng, vì bị chi phối nguyên bởi những tài liệu cụ thể trước mắt, các sử gia đó quên hẳn một nhân vật vô hình đã nắm giữ yếu tố quyết định trong sự thành bại của công cuộc nói trên: Nhân vật ấy không ai khác hơn thầy giảng Anrê Phú Yên, tiên khởi tử đạo Việt Nam.

Quả thực, nếu không có thầy giảng Anrê, nếu không có sự bầu cử của người trước tòa Thiên Chúa, giáo sĩ Đắc Lộ đã bỏ mình dưới làn sóng Thái Bình Dương từ lâu, như chính giáo sĩ đã xác nhận. Và như vậy, không có các cuộc vận động tại Tòa thánh để gởi Giám mục sang Viễn Đông, không có cuộc vận động trên đất Pháp để tuyển lựa Giám mục và tông đồ, không có cuộc gặp gỡ với nhòm “Les Bons Amis” ở Paris, sự quen biết với Đức cha Francois Pallu… Tóm lại, không có phong trào vĩ đại đưa đến những quyết định của Tòa thánh năm 1658-1659, và của giới truyền giáo Balê năm 1663. Đã hẳn, bấy nhiêu công cuộc thực hiện đều do ý Chúa và nhờ ơn Chúa, chứ không phải tuỳ thuộc ở người thế gian. Song Chúa đã an bài như vậy, cho ta thấy rõ vai trò quan trọng của thầy giảng Anrê Phú Yên trong công cuộc này. Quả thực, hai lần cứu sống giáo sĩ Đắc Lộ, vị tử đạo Việt Nam không phải chỉ trả ân riêng đối với cha linh hồn của mình, mà còn thực hiện một sứ mạng cao cả có ảnh hưởng chung cho Giáo hội Việt Nam.

Cũng vậy, các phép lạ thầy giảng Anrê làm ở Balê không phải là chỉ làm ơn riêng cho những kẻ cầu nguyện người mà còn có tác dụng gây nên bầu không khí thuận lợi cho sự kết thúc công cuộc vận động Giám mục cho Việt Nam. Quả thực, theo tài liệu lịch sử như đã trình bày ở trên, giáo sĩ Đắc Lộ luôn luôn đưa thầy giảng Anrê ra làm “đầu đề” cho các cuộc vận động của ngài.

Với gương tử đạo của thầy giảng Anrê, giáo sĩ đã có bằng chứng cụ thể về những tiến bộ của Đức tin trên đất Việt Nam mới được truyền giáo. Với những phép lạ của người, giáo sĩ lại thu phục được bao nhiêu thiện cảm và tin tưởng đối với Giáo hội Việt Nam. Chính do những yếu tố đó một phần lớn mà các giới Công giáo ở Pháp đã nhiệt liệt hưởng ứng công cuộc vận động của cha Đắc Lộ.

Luận chứng trên đây không ra ngoài lãnh vực lịch sử, nhưng chính là đi sâu vào lịch sử, để khám phá động lực tiềm ẩn của sự kiện, tiềm ẩn nhưng rất thực tế, và có sử liệu chứng minh: Trong khi giáo sĩ Đắc Lộ vận động bằng lời nói và việc làm, thầy giảng Anrê Phú Yên đã vận động bằng gương tử đạo, và phép lạ.

Lúc công cuộc này đạt tới thành công (1658-1659) thì giáo sĩ Đắc Lộ mặc dầu tuổi già, đã rời đất Pháp sang giảng đạo ở Ba Tư rồi (1654). Trước đó ít lâu, Tòa thánh đã định phong người làm Giám mục tại Việt Nam, song vì nhiều lý do, người đã từ chối đặc ân ấy, và mặc dầu rất nhớ mến người Việt Nam, người không thể sang Việt Nam được nữa. Bao nhiêu cảm tình của người đối với người Việt tập trung lại nơi thầy giảng Anrê Phú Yên. Và thầy giảng Anrê đã trở nên nguồn an ủi duy nhất của người trong những ngày tàn của một đời tận hiến cho Phúc Am.

Trong cuốn sách tường thuật cuộc tử đạo của Anrê, giáo sĩ Đắc Lộ đã nói ở đoạn mở đầu như sau:

“Thầy giảng Anrê, tiên khởi tử đạo ở xứ Nam, làm vui thỏa lòng tôi vô cùng: mỗi khi nhắc đến tên thầy, tưởng nhớ đến thầy, tôi không cầm được mối xúc động vì bao tình yêu mến đối với nhân đức của thầy, vì thầy không phải là một thanh niên mà là một thiên thần. Tôi đã rửa tội cho thầy, đã nhận thầy vào đoàn của tôi, tôi đã nuôi nấng thầy, đã đến thăm thầy trong ngục thất, đã theo thầy đến nơi tử đạo, đã nghe tiếng thầy kêu tên cực trọng Giêsu trong lúc chẳng còn miệng lưỡi nào khác ngoài cái vết thương đã làm cho đầu thầy lìa thân. Như vậy, lẽ nào tôi chỉ có một lòng yêu bình thường, đối với tôi tá rất đáng mến của Chúa.”9

Đến đoạn kết, giáo sĩ Đắc Lộ lại nói những lời cảm động và khiêm tốn như sau:

“Xưa kia tôi đã yêu mến thầy (Anrê) như con tôi, bây giờ tôi kính mến thầy như cha tôi, tôi cầu nguyện cùng thầy trong cơn thiếu thốn, tôi chạy đến cùng thầy trong lúc nguy nan; thầy yên ủi tôi, dìu dắt tôi, giúp đỡ tôi; tôi đã cảm phục thầy khi còn sống, tôi đã khóc thương thầy lúc phải chết, giờ đây thầy được vinh quang, tôi hằng cầu nguyện cùng thầy trong mọi lúc, khấn xin thầy đừng trì hoãn lâu hơn nữa, hãy cho tôi sớm được hạnh phúc cùng thầy tái ngộ, và nắm tay thầy trên Thiên đàng cùng với tất cả các giáo hữu khác của tôi ở Trung Hoa ở xứ Bắc, xứ Nam, lúc này đang nhìn xem tôi và chờ đợi tôi ở trên Trời, tôi lấy lòng khiêm nhượng cầu khấn các linh hồn ấy giúp đỡ tôi cho tôi được thờ phượng và trung thành kính mến Chúa Giêsu Kitô trong những ngày tôi còn sống ở thế gian này”10.

Lời nguyện trung thành ấy đã được chấp thuận. Sau sáu năm truyền giáo ở Ba Tư, dầu tuổi tác song vẫn một lòng nhiệt huyết như xưa, giáo sĩ Đắc Lộ đã từ trần tại Ispahan, ngày 16 tháng 11 năm 1660, “đầy tuổi thọ và đầy công nghiệp”.11

Ở đây, người ta không biết phải cảm phục đàng nào hơn: lòng kính mến tri ân của thầy giảng Anrê Phú Yên đối với cha linh hồn mình, hay lòng ái mộ tin tưởng của giáo sĩ Đắc Lộ đối với người con thiêng liêng đã có phúc hơn cha trên đường thánh thiện và đã trở nên bổn mạng cho cha?

Nói cho đúng, hai linh hồn của hai cha con, hai bạn đường, hai tông đồ, đã hoàn toàn đồng hóa trong Đức tin và Đức mến, để nên giống hình ảnh Cha chung và dìu dắt nhau bước vào Quê hương muôn thưở.12

Chú thích

(1) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.435

(2) A.R, Glorieuse mort, tr.98-99. Cuốn này có phép Bề trên dòng Tên ở Paris cho in, đề ngày 7 tháng 3 năm 1653, vậy những ơn lạ này xảy ra từ khoảng cuối năm 1652 sang đầu năm 1653. Bản tiếng Ý in trước nên không chép những việc ấy.

(3) A.R, Glorieuse mort, tr.99-101. Tờ chứng nhận này hiện nằm ở hồ sơ nào? Tìm lại được là điều rất quý cũng như bức chân dung do Mathêu Van vẽ ở Ao Môn.

(4) A.R, Glorieuse mort, tr.101-102

(5) A.R, Glorieuse mort, tr.102. Tác giả nói: “Cách nay một tháng hoặc khoảng độ một tháng”. Sách này được phép in của Bề trên dòng Tên đề ngày 7-3-1653, tất đã phải hoàn thành trong tháng 2, như vậy, việc này xảy ra vào tháng giêng.

(6) A.R, Glorieuse mort, tr.102-104

(7) A.R, Glorieuse mort, tr.102-107. Lối văn Pháp cổ rất ít chấm câu. Ở đây cũng như nhiều trường hợp khác, chúng tôi thêm dấu chấm câu cho gọn ý dễ hiểu.

(8) A.R, Glorieuse mort, tr.99

(9) A.R, Glorieuse mort, tr.3-4

(10) A.R, Glorieuse mort, tr.107-108.

(11) Lời người viết tựa khi cho tái bản cuốn Voyages et Missions (1854), tr.V.

(12) Năm 1960 tới đây sẽ là năm kỷ niệm tam bách chu niên giáo sĩ Đắc Lộ. Chắc chắn đồng bào ta, không phân tôn giáo, sẽ mừng kỷ niệm ấy cách thành kính và lòng trọng, xứng đáng với truyền thống của một dân tộc nổi tiếng với một đức tính cao quý: lòng nhớ ơn. Đối với các ông Tích Quang, Nhâm Diên, dân ta trước có lập đền thờ. Vậy đối với sự nghiệp lớn lao và quan trọng gấp bội của giáo sĩ Đắc Lộ, đến nước ta chỉ vì tinh thần tự nguyện phục vụ, chứ không phải như ông thái thú đô hộ, lòng biết ơn của ta sẽ biểu lộ thế nào mới xứng?

Nhân đây, để bảo toàn giá trị sự nghiệp giáo sĩ Đắc Lộ trước mắt người Việt, chúng tôi thấy cần đính chính luận điệu sai lầm của G.Taboulet, tác giả cuốn “La geste francaise en Indochine (Paris, 1955) khi ông viết ở nhan đề chương I, quyển I: “Le Père Alexandre de Rhodes introduisit le Christianisme et la France au Việt Nam” (giáo sĩ Đắc Lộ đem đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt Nam). Không. Giáo sĩ Đắc Lộ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: truyền bá Phúc âm, chỉ theo một mạng lịnh duy nhất: Tòa thánh La Mã. Chính ông đã phải nại đến lý do mình là người Avignonnais, nghĩa là công dân của Tòa thánh, chứ không phải quốc tịch Pháp, để được cha Bề trên Cả dòng Tên dễ dàng chấp thuận cử sang Viễn Đông truyền giáo: “Je ne pense pas non plus que mon lieu d’origine puisse être un obstalce àa mon départ pour l’Inde. Je suis en effet Avignonnais et sujet du Souverain Pontife…” (Xem: G.Bottereau, Textes anciens. “Quitter l’Europe et ses délice”. Alexandre de Rhodes. Trong tạp chí Christus, số 8, 1955, tr.535-539.

Avignon ngày nay đã quy hoàn về đất Pháp, và dân tộc Pháp rất nên hãnh diện vì Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, nói như ông Taboulet chỉ là chủ quan nếu không trái lịch sử.

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *