Ai đã từng theo dõi bộ phim “OSHIN” của đạo diễn Shin Togashi hay đọc tác phẩm “TẮT ĐÈN” của nhà văn Ngô Tất Tố thì sẽ phần nào thấu cảm được vị trí và thân phận của một thứ nghề thấp hèn mà người xưa gọi là “nô tỳ” hay “nô bộc”… Còn thời nay người ta gọi đó là nghề “Ôsin”. Tôi gặp lại những danh từ ấy trong những dòng cuối cùng của trang Tin Mừng ngày lễ Truyền Tin. Có gì đó rất giống mà cũng rất khác: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. (Lc 1, 38)
Chắc chắn ở đời, chẳng mấy ai thích làm thứ nghề không danh giá và ít lương bổng như thế. Trong xã hội cả xưa và nay, dường như đó là nghề của những con người nghèo. Có thể Cô thôn nữ Maria biết may vá, biết nội trợ và muôn vàn những việc nữ công gia chánh mà bà Anna đã dạy cho Cô từ tấm bé. Nhưng Cô lại chọn sống cả đời bằng một nghề duy nhất: “NGHỀ NỮ TỲ”. Maria không làm nữ tỳ trong lầu son gác tía cho một ông hoàng xa hoa nào đó, Cô cũng không bị bán như cái Tí để cơm bưng nước rót cho những kẻ chỉ biết ăn trên ngồi trốc như nhà lão Nghi Quế. Maria là Nữ Tỳ của Chúa. Hẳn có người sẽ cho rằng Cô thật khôn ngoan khi chọn cho mình cái nghề đó. Nhưng biết đâu cũng không ít kẻ nói Cô dại dột, liều lĩnh vì tự hiến cuộc đời thanh xuân của mình cho một Người Tình không chân dung như Chúa. Cửa miệng thiên hạ trăm lời trăm ý, Maria lặng thinh bỏ qua, Cô chỉ giữ lại cho mình Lời của Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Người Nữ Tỳ trẻ khi đáp tiếng “xin vâng”, dẫu còn chút bối rối nhưng đó cũng là lẽ dễ hiểu trước một điều khó hiểu từ Trời. Chút bối rối ấy nhanh chóng được xua tan bởi tận sâu thẳm tầng ý thức, Người Nữ Tỳ biết mình “nghèo”, mà khi “nghèo” thì người ta dễ dàng phó mình trên đường ray Thánh Ý hơn.
Như cô bé Oshin không bao giờ kêu trách số phận ngay cả khi đồng lương chỉ là những hạt cơm rơi. Nhưng Trời lại hun đúc và làm giàu cho Oshin thứ nghị lực phi thường từ nghịch cảnh. Vậy hóa ra Cô thôn nữ Maria không nghèo, Cô giầu thứ cần giầu, giầu nhân đức và tình yêu, là những thứ mà ‘Ông Chủ” của Cô cần để thực hiện kế hoạch của mình. Sau này, Đức Giêsu hẳn có lý khi đưa mối phúc nghèo lên hàng đầu: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). Người Nữ Tỳ Maria xứng đáng lãnh nhận mối phúc đó đầu tiên vì tâm hồn Cô tựa như ống sáo, để Chúa khoét cạn đời mình, không giữ lại điều gì cho bản thân. Maria mang tâm tình của người nữ tỳ và Chúa thích điều đó hơn bất cứ hiến lễ nào. Một người nữ tỳ sống thực tế và trung thành thì không bao giờ chỉ dừng lại ở tâm tình ý hướng trong câu chữ nhưng luôn biết biến tất cả thành hành động phục vụ. Phục vụ âm thầm mà không tính toán, phục vụ hết mình mà không kể công. Chữ “xin vâng” mà Người Nữ Tỳ đã thưa lên giống như cây cầu dây chòng chành, Maria đã không đứt gánh giữa đường nhờ lòng tin yêu son sắt và lòng cậy trông vững vàng vào Thiên Chúa. Người Nữ Tỳ ấy đã đi trọn cây cầu dây đó từ Belem tới Núi Sọ. Vậy bí quyết của Người là gì?
Nếu phỏng đoán thì có muôn vàn đáp án, nhưng chúng ta chỉ có thể tìm được bí quyết xác thực với hoàn cảnh của riêng ta khi ở lại bên Người Nữ Tỳ đáng kính của chúng ta. Người biết chúng ta thiếu và cần điều gì để sống tròn đầy ơn gọi của mình và Người sẽ sẵn sàng tư vấn cho chúng ta khi chúng ta ngỏ lời với Người. Nhưng trước hết chúng ta phải xin Người dạy cho chúng ta biết cách mặc lấy tấm áo khiêm nhường trong thân phận người nữ tỳ hèn mọn. Tôi đoán rằng: Hẳn nhờ tấm áo ấy mà trước khi “từ biệt ra đi” sứ thần Gáprien đã nở một nụ cười thật tươi và mãn nguyện lắm! Biết đâu Ngài cũng mỉm cười với mỗi người chúng ta khi chúng ta biết lắng nghe và mau mắn thực thi Ý Chúa ngang qua thông điệp Ngài gửi mỗi ngày.
Anna BH
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)