NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 3

THỜI KHÓA BIỂU

 Hôm nay Chúa Nhật thứ V mùa Phục Sinh, chúng tôi rời Tòa Giám Mục Quy Nhơn sớm sau khi ăn sáng, để đi An Chỉ Quảng Ngãi. Buổi sáng sớm đã có vài người trong đoàn chúng tôi ra tắm biển Qui Nhơn, vì Tòa Giám Mục, Chủng viện và Nhà Thờ Chính Tòa là một tổng thể ngay gần bờ biển, chỉ cách 300 mét. Con đường từ Qui Nhơn đến Quảng Ngãi cũng tạm dài, vì chúng tôi cũng phải đi hơn 3 tiếng mới tới vị trí có nhà thờ xứ của An Chỉ. Chúng tôi được cha Ngọc, chánh xứ của khu vực này đón tiếp tham quan An Chỉ, là nơi cũng có CƯ SỞ DÒNG TÊN, đồng thời là nơi Đức Cha Lambert de la Motte đã lập dòng MTG đầu tiên ở đây. Trên mảnh đất này trước kia có ngôi nhà thờ, nhưng chiến tranh đã tàn phá năm 1968, hiện nay không còn gì nữa. Cha Ngọc đã mua lại được phần đất của nhà thờ này và hiện nay, đã có hàng rào bao quanh một khu đất vừa đủ rộng hơn 1600 m2. Sự nhiệt tình của Cha muốn lưu giữ điểm lịch sử này của dòng Tên như là “gia tài thiêng liêng” của giáo phận Quy Nhơn. Chúng tôi rất ấn tượng với lòng nhiệt tình tông đồ truyền giáo của Cha. Cha cho biết, sở dĩ các Cha Dòng Tên xưa đã đến truyền giáo nơi này, vì ở đây là nông thôn, có cả một bầu đất bên cạnh một con sông. Có gì bất an thì người và lúa xuống thuyền. Đúng vậy, chúng tôi đã thấy những cánh đồng bát ngát hai bên đường, trên con đường từ giáo xứ của cha đi thẳng ra quốc lộ 1A dài 15 km là những cánh đồng rộng bắt mắt. Dân cư ở đây chỉ sống nhờ ruộng lúa. Vì thế cũng có nhiều người đã phải đi làm ăn xa. Tuy nhiên đứng về mặt đời sống, khung cảnh ơ đây thật thanh bình. Cha Ngọc phải phụ trách đến 15 giáo họ chung quanh. Ngày chúng tôi đến cũng là ngày cha Ngọc được Đức Cha cho một cha Phó để phụ tá với Cha trong cánh đồng truyền giáo này. Chúng tôi rất ấn tượng về một giáo xứ nghèo, có chừng hơn hai ngàn giáo dân, nhưng có ngôi thánh đường khá khang trang tươm tất. Đúng là một linh mục cần thiêt cho giáo hội biết bao, vì Ngài có thể coi sóc cả một khu vực rộng lớn, có lương có giáo, và là người lãnh đạo tinh thần cho bà con giáo dân. Công việc của Cha như tuyến đầu Truyền Giáo ở khu vực này, để giáo hội được hiện diện tại đây, và biết đâu sẽ chẳng phải là cái nôi cho khu vực này của dân Quảng Ngãi. Chúng tôi được cha phó xứ hướng dẫn đi dùng cơm trưa ở Quảng Ngãi và sau đó trực chỉ đi nhà dòng St Paul Sao Biển Đà Nẵng. Cũng phải mất hơn 3 giờ xe chúng tôi mới tới Đà Nẵng vào lúc 17 g 30. Chúng tôi chờ đợi hơi lâu để nhận phòng và sau đó đi ngược về Hội An để dâng lễ Chúa Nhật lúc 19 g 30. Vì là ngày Chúa Nhật, chúng tôi muốn có sự chu đáo, thanh thản, sử soạn trong ngoài đi dự lễ ở một nơi quan trọng của lịch sử, nên chúng tôi đã bảo nhau ăn mặc đẹp để dự lễ, và sau đó đi tham quan thành phồ cổ Hội An ban đêm. Chúng tôi đã có một thánh lễ sốt sắng tại CƯ SỞ ĐẦU TIÊN của dòng Tên tại Hội An, thăm mộ các thừa sai ngay trong khuôn viên nhà thờ, và sau đó đi tham quan PHỐ CỔ HỘI AN, và ăn tối tại đây. Chúng tôi muốn tận hưởng khung cảnh của các cha thừa sai hồi xưa đã sống ở đây, và ngày nay, với khung cảnh huyền hoặc của khu phố cổ ban đêm. Vì thế cho dù đã muộn, chúng tôi không ngại về thời gian, và đã sống những giờ phút tuyệt vời ở CƯ SỞ ĐẦU TIÊN NÀY CỦA DÒNG TÊN. Về đến nhà nghỉ của các sơ Sao Biển lúc 22 g 30. Chúng tôi đã có một NGÀY DÀI, và cần nghỉ ngơi. May mắn là trong nhà các sơ có máy điều hòa cho mọi người, chúng tôi được hồi sức nhờ giấc ngủ mát mẻ ban đêm, bên cạnh bờ biển cũng là nơi có ĐIỂM HÀNH HƯƠNG MỚI là Đức Mẹ Sao Biển của các sơ Saint Paul. Tiếng sóng rì rào đưa chúng tôi vào giấc ngủ bên cạnh Mẹ Sao Biển.

THAM QUAN CÁC NƠI THÁNH

Sự kiện các cha Dòng Tên đến CỬA HÀN ĐÀ NẴNG rồi đi ngay đến HỘI AN, là để giúp đỡ các tín hữu Nhật Bản và Trung Hoa đi lánh nạn qua cuộc BÁCH HẠI ở các nước đó.

Vì thế khi đến CỬA HÀN, điểm nhắm của các cha là HỘI AN[1]. Thuyền cập bến CÙ LAO CHÀM, rồi mới đi vào. Cư sở đầu tiên của các Cha Dòng Tên là ở HỘI AN. Theo Cha Đỗ Quang Chính SJ thì Dinhciam là tên để chỉ Thành Chiêm phía Tây Hội An, tức Dinh quan Trấn Thủ Quảng Nam. Nó nằm sát Tả Ngạn sông Thu Bồn, khúc sông này còn được gọi là sông Hội An, chỉ cách Hội An khoảng 7 cây số. Ở đó chính là THỦ PHỦ của Trấn Quảng Nam, được xây dựng khoảng năm 1610-1612. Đến đầu thế kỷ XIX thì TƯỜNG THÀNH bị triệt hạ. Cách Thành Chiêm 01 cây số về phía Tây là Điện Bàn. Cư Sở Thành Chiêm được thiết lập sau 5 năm Cư Sở Nước Mặn (xem DTTXHĐV trang 67-68). Thành Chiêm là nơi Anrê Phú Yên chịu TỬ ĐẠO, nhưng không rõ nơi chốn của Thành Chiêm, có thể là cánh đồng thuộc nhà thờ Phước Kiều ngày nay. Có thể thấy dữ liệu này theo Phạm Đình Khiêm cũng như Văn Thư phong chân phước của Anrê Phú Yên. Sáng sớm chúng tôi đã đến nhà thờ Phước Kiều, là điểm chính yếu thứ hai sau khi dâng lễ tại Hội An tối hôm trước. Nhà Thờ Phước Kiều nay đã khá tươm tất. Chúng tôi đọc bài viết của cha Hiền về sự hội ngộ giữa dân tộc và truyền giáo. Một cách nào đó, may mắn thay khi đất nước mở rộng bờ cõi đến đâu, thì đạo thánh Chúa cũng được loan truyền đến đó. Sở dĩ thế vì Chúa Trịnh chúa Nguyễn đều cần liên lạc với các thương gia bồ đào nha, và chính các nhà truyền giáo Tây Phương cũng đóng góp cho việc dân chúng đến lập cư ở các khu vực mới của đất nước này. Chúng tôi đã dành những giây phút tưởng nhớ đến thầy giảng Anrê, vì nơi đây là Gò Xử, nơi Thầy đã được chịu phúc tử đạo. Các cha đến Cửa Hàn chính xác vào ngày 18 tháng giêng năm 1615, nên ngày này giáo phận Đà Nẵng cũng chọn là ngày bổn mạng của giáo phận. Đà Nẵng cũng kỷ niệm 400 năm hình thành nên giáo phận này. Mốc thời gian này đã trở thành MỐC LỊCH SỬ của Giáo Hội Việt Nam, dù trước đó đã có một số giáo sĩ truyền giáo, nhưng không rõ chính xác lịch sử, và không có tư liệu nào về các sự kiện các thừa sai truyền giáo trước đó. Hơn nữa sự kiện Anrê Phú Yên được phúc tử đạo ở đây trên vùng đất của giáo phận Đà Nẵng này, minh chứng cho giòng máu đức tin đã đổ xuống trên mảnh đất Đà Nẵng, tại Phước Kiều, Hội An, để từ đó hạt giống đức tin tiếp tục được gieo vãi khắp nơi trên đất Việt. Theo cha Đắc Lộ, Ngài cho biết chắc chắn Anrê Phú Yên là TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI.

[1] Theo Đỗ Quang Chính, Hội An có tên là Faifo. Theo Nguyễn Đình Đầu thì lại cho tên Hội An là Hoài Phố, vì con sông dẫn vào Hội An là con sông Hoài.

Kiểm tra tương tự

Dòng Tên đánh dấu 400 năm tại Việt Nam

Hơn 3.000 người cùng với 210 tu sĩ Dòng Tên ở thành phố Hồ Chí …

Giới thiệu biến cố 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam

BÀI GIỚI THIỆU KỶ NIỆM BIẾN CỐ 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN VIỆT NAM Ngày …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *