Nhật ký KAKUMA (10): Chia tay

_NVY3880Trước khi đặt chân đến miền đất này, tôi nhận được một email dài với những điều cần chuẩn bị cho chuyến đi, nào chích ngừa sốt vàng da, chuẩn bị thuốc sốt rét, thuốc chống muỗi, nào là chấp nhận sự khắc nghiệt, bụi và nóng… Tôi cảm tưởng chuyến đi này sẽ rất dài. Và ngay từ khi bước lên máy bay tôi cũng cảm nhận như thế, thay vì theo lịch trình chuyến bay chỉ tốn 11 tiếng cả đợi thì chuyến bay của tôi hết 45 tiếng, chưa kể lạc hành lý và đến nơi ở lúc 1 giờ khuya phải làm phiền biết bao người. Anh bạn cùng Dòng đã tặng tôi một câu rất ý nghĩa trên comment của Facebook: “ông đến với người tị nạn, ông phải có kinh nghiệm tị nạn trước!” Nhưng cảm tưởng lúc ban đầu chỉ là ban đầu, kinh nghiệm sau đó thì hoàn toàn khác. Hai tháng trôi qua như thể tôi gặp những người tị nạn mới tức thì, chưa kịp bắt đầu đã vội vã ra đi.

Trại thì lớn mà tôi chỉ mới có kinh nghiệm ở khu cũ nhất và “phồn thịnh” nhất, được người ta ví von gọi là thủ đô. Ở ba khu còn lại, tôi chỉ được chở đi giới thiệu một lần khi mới đến, và một số lần cùng đi với tài xế vì một số việc nào đó. Khi nói đi với tài xế, có lẽ bạn dễ tưởng tượng ra một chiếc xe hơi chạy bon bon trên đường. Nhưng không đơn giản thế, đường ở đây không thuộc loại gồ ghề nhưng thuộc loại hố và lầy (cát). Xe duy nhất được dùng là loại xe leo núi Land Cruiser do Liên Hiệp Quốc cấp. Mỗi ngày ba tài xế của JRS thay phiên nhau đi vài ba chuyến đến các khu trại để đưa đón các nhân viên hoặc vận chuyển đồ đạc của trung tâm. Dù đường hố, đôi khi gặp cát như giữa sa mạc, nhưng không vì thế mà tài xế ngại đón người. Ngược lại, vì nhu cầu người tị nạn, tài xế không nỡ để họ đi bộ vài cây số giữa trời nắng nóng nên thường cho họ đi quá giang. Chiếc xe Land Cruiser chín chỗ nhưng không ít lần chất đủ 15 người, đến nỗi ghế tài xế cũng chèn thêm được một người nữa. Thường nếu tôi đi chung thì tôi là người chia ghế với tài xế nhờ lợi thế nhỏ con. Chỉ tội anh tài xế ngồi lệch sang một bên và lái chiếc xe chở gần gấp đôi số chỗ cho phép, băng qua các con đường vừa chạy vừa nhảy. Nhưng sau những trận mưa thì còn vui hơn, vừa đi vừa rà đường hoặc mở đường mới.

Ngồi trên xe, tôi liên tưởng đến xe dù nhét khách. Nhưng hai lý do lại quá khác nhau, xe này nhét vì lợi nhuận còn xe kia nhét vì tình thương! Thường những người tị nạn di chuyển từ khu này sang khu khác để đến các trung tâm y tế, tư vấn, học hành, bệnh viện, hay đơn giản là đi cho biết “thủ đô”. Bầu khí trên xe cũng khác, dù nhồi hay nhét, người ta vẫn trò chuyện cười đùa như thể cùng nhau đi hội. Đây là điều dễ hiểu, đang lội bộ giữa vùng đất không một bóng cây lại được ngồi trên xe, vừa nhanh hơn vừa mát hơn, lại có người để trò chuyện, còn gì bằng!

Bóng cây chẳng có gì lạ ở khu vực nhiệt đới gió mùa, nhưng lại hiếm ở khu vực nhiệt đới gần xích đạo. Nếu ở khu vực nhiều mưa, chỉ cần vài năm không người chăm sóc thì khu vườn biến thành rừng rậm. Còn ở khu vực khô hạn, nếu vắng bóng người thì đất chỉ còn lại cát! Nhiều người tị nạn đã đến đây hơn 20 năm trước, lúc đó đây là vùng đất chỉ có nắng và cát. Họ đã dần dần trồng cây nên bây giờ lác đác đã phủ được màu xanh của lá. Nhưng ở những khu trại mới, bóng cây là điều quá xa lạ.

Vào mỗi buổi trưa, tôi đến các trường cấp III để chia sẻ với các học sinh Công Giáo. Ở một số trường, các em dẫn tôi đi thăm vườn rau chính các em trồng và chăm bón. Ở đây học sinh được chia thành các nhóm và nhận những phần đất riêng để trồng rau. Mục đích chính là để có thức ăn, nhưng qua đó cũng để tập cho các em biết chăm sóc cây cối và môi trường. Ở đây đất không quá xấu, chỉ tội là không có nước. Buổi trưa, dù nam hay nữ đều ra vườn, người xách nước kẻ cày đất. Có lẽ vì thời tiết nên ở đây người ta quen với chăn nuôi hơn là trồng trọt. Dẫu sao, học sinh thấy được thành quả của mình, và được hưởng chính thành quả ấy cũng là nguồn động viên để các em nhìn thấy tương lai!

Vào mỗi buổi chiều tối, tôi đến với mỗi cộng đoàn nhỏ khác nhau để cầu nguyện và chia sẻ; nên bắt đầu từ cuối tuần trước tôi đã nói lời chia tay với nhóm đầu tiên. Thật bình thường, cuộc sống có đến thì phải có đi, nhưng tôi ngạc nhiên vì thái độ của họ khi tôi nói sẽ ra đi vào tuần tới. Họ là những người Nam Sudan, một số người biết tiếng Anh, nhưng hầu hết phụ nữ thì không. Thường khi họ nói thì cần thông dịch tôi mới hiểu, và ngược lại tôi nói được thông dịch lại thì họ mới hiểu. Khi tôi nói sẽ đi với đủ kiểu tay chân phụ hoạ, họ cười; nhưng khi được thông dịch lại, họ im bặt và nhìn tôi như thể tôi đang nợ họ điều gì, làm tôi cảm thấy nghẹn nghẹn. Họ không chấp nhận tôi từ biệt trước một tuần, tôi đành phải hứa sẽ trở lại ngay trước ngày đi. Dĩ nhiên buổi chia tay chẳng có gì rình rang ngoài những bài ca điệu nhảy, nhưng lòng tôi nghẹn lại chút thổn thức khi chân bước đi nhưng mặt ngoái lại và vẫy tay chào họ.

Khi đủ thân quen thì tôi lại ra đi. Trước khi đi, một chị đã hỏi tôi: “sao anh không lấy vợ?” Tôi trả lời: “nếu tôi có vợ, sao tôi có đủ tự do để đến đây. Tôi phải lo cho vợ con tôi chứ!”“Vậy anh không cảm thấy thiếu vắng điều gì đó sao?” – Tôi thú thật với lòng mình và cũng chia sẻ với chị. Là con người, có một gia đình riêng là điều đáng mơ ước lắm chứ! Đôi khi tôi cũng cảm thấy trống trải khi nhìn thấy bạn bè đem khoe cả vợ lẫn con. Quả là quá đẹp! Tôi đã từng rất vất vả để chọn lựa trong nhiều năm. Cả hai đều rất quý và tôi phải chọn một. Mỗi người có một con đường riêng nên tôi phải chọn điều quý hơn đối với tôi. Bỏ đi một ‘điều quý’ là đáng tiếc, nhưng có được ‘điều quý hơn’ là đáng giá. Không dành tình yêu riêng cho một người, tôi có tự do để yêu nhiều người hơn! Tôi không có gia đình riêng để chăm sóc, nên tôi thấy mình có trách nhiệm chăm sóc nhiều người. Tôi không có những đứa con bằng máu thịt, nên tôi trở thành cha những đứa trẻ theo một nghĩa khác. Bù lại một mái ấm cố định, tôi có anh em khắp nơi, dù là ở Việt Nam, Roma hay Châu Phi này, mỗi khi tôi bước vào nhà của Dòng, tôi cảm thấy đó là nhà mình với tất cả sự thân thương như của những ngày đầu mới bước vào Dòng. Hơn thế nữa, mỗi khi tôi đến đâu, người ở đó đều coi tôi như là người nhà của họ. Cụ thể là lúc này, chỉ sau một thời gian ngắn dù tôi Á họ Phi, mà họ đã không muốn tôi rời khỏi họ. Dù đôi lúc tôi cảm thấy cô đơn nhưng chưa bao giờ thấy mình cô độc. Ngược lại, lời của Thầy Chí Thánh vẫn luôn đúng với tôi: “tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng vườn vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời làm gia nghiệp (Mt 19,9).Cuối cùng tôi hỏi chị: “Tôi đến đây với tư cách là người có vợ và người không có vợ, chị thích cái nào hơn?” Chị trả lời cách bộc phát cách hồn nhiên: “dĩ nhiên là anh tự do không có vợ vẫn thích hơn rồi.” Ít nhất chọn lựa của tôi cũng mang lại cho người ta cảm giác gần gũi!

Gần mười năm trước tôi có hai điều ước bây giờ đã thành hiện thực. Khi còn trong Nhà Tập, tôi ước được đến Giêrusalem và một nơi nào đó ở Châu Phi; còn Châu Âu thì chưa bao giờ là một điều ước. Thế nhưng Chúa đã dẫn tôi đi một con đường vòng khác. Tôi đã đến Châu Âu vì sứ mạng buộc phải đi, và chính trong mùa hè này từ Âu Châu tôi được toại nguyện với cả hai điều ước. Những điều Ngài chuẩn bị cho tôi thì quý giá hơn điều tôi mơ ước gấp bội lần. Nơi tôi đến tại Châu Phi cũng là nơi đặc biệt để tôi gặt hái những kinh nghiệm có lẽ là duy nhất trong đời – trại tị nạn Kakuma. Vì thế, những dòng nhật ký của tôi là những dòng nhật ký về trại tị nạn này chứ không phải về Kenya và Châu Phi nói chung. Có lẽ những nơi khác có một khuôn mặt đẹp hơn và tươi hơn. Khi nói lời chia tay với những người ở đây, họ thường hỏi tôi: “khi nào thầy trở lại?”. Tôi trả lời là không biết, nhưng lại tự hỏi “biết đâu Thánh Lễ mở tay của mình sẽ được dâng tại đây”, trong khi lòng thì vẫn còn đang gắn với giới trẻ Việt Nam.

Văn Yên, SJ

 —- Hết Nhật Ký KAKUMA —–

P/S: Cảm ơn bạn đã cùng tôi rong ruổi những ngày tháng với anh chị em tị nạn qua những dòng nhật ký này. Ước mong bạn và tôi mỗi ngày cùng xây dựng thế giới này trở nên một thế giới đáng sống cho tất cả mọi người!

Kiểm tra tương tự

8 vị thánh bảo trợ vĩ đại cho 8 sở thích phổ biến

Có một sở thích là cách tuyệt vời để thoát khỏi những căng thẳng trong …

Năm Thánh, lịch sử và nguồn gốc từ Thánh Kinh

  Trên tờ L’Osservatore Romano, Đức hồng y Ravasi, học giả Kinh Thánh, truy tầm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *