Nhật Ký KAKUMA (4): Quê hương

Bữa trưa trong workshop
Giờ giải lao trong một workshop

Quê hương – điều tưởng chừng như mọi người ai cũng có, nhưng với những người tị nạn thì lại quá xa vời. Có những người đã phải bỏ chạy khỏi quê hương cả hơn 20 năm và luôn ngóng trông ngày quay trở về nhưng chiến tranh và xung đột không cho ước mơ của họ thành hiện thực. Họ đến đây khi còn rất nhỏ và đất đai lúc đó gần như sa mạc, bây giờ thì con cái của họ còn lớn hơn họ lúc đó và đất đai cũng dần mọc lên cây cối nhờ sự chăm sóc của họ (dù cây nào cũng có gai mới có thể sống được ở vùng đất này). Dù họ ở đây lâu năm, nhưng số phận của họ thì lại khác so với những người di cư hay đi kinh tế mới. Mặc cho họ ở đây đến bao nhiêu đời thì đây cũng không phải là đất của họ. Họ là công dân của một đất nước khác, còn nước này chỉ cho họ mượn tạm đất để sinh sống bao lâu chiến sự còn diễn ra trên đất nước của họ.

Họ là những người tha hương và con cái họ cũng tha hương! Dẫu cho những đứa trẻ được sinh ra tại đây thì nơi này cũng không phải là quê hương của chúng. Chúng không có được quyền đó. Quê hương của chúng là một nơi xa xôi nào đó trong những câu chuyện kể từ cha mẹ của chúng, còn thực hư quê hương đó thế nào thì chúng không biết. Đây là nỗi đau, một sự khủng hoảng về nguồn cội mà không phải ai cũng có thể cảm thấu và chia sẻ với họ được. Thử trò chuyện với một đứa trẻ mồ côi, nó ngóng trông tìm được cha mẹ của nó biết chừng nào. Ở đây, một tâm trạng khắc khoải còn mãnh liệt hơn thế, vì không phải chỉ xảy ra cho một đứa trẻ nhưng là cho một dân tộc và nhiều dân tộc. Đây là nỗi đau không dễ thấy như đói ăn hay khổ cực, nhưng nó lại ngấm sâu và da diết, đặc biệt khi con cái họ đặt câu hỏi: chúng ta là người gì? Quê chúng ta ở đâu? Chỉ vì không thể chọn nơi này làm quê hương mới nên họ phải quy chiếu về quê hương gốc của họ. Có những cha mẹ phải đứt từng khúc ruột khi giải thích cho con cái biết quê hương đất mẹ của chúng! Nếu không, cuộc sống của chúng sẽ lạc lõng và không biết sẽ về đâu.

Nhiều người Việt cũng đã từng là tị nạn trong những năm 80. Bây giờ có mấy ai tưởng được thời quá khứ của họ, nhưng có lẽ quá khứ ấy cũng mờ mịt lắm. Cũng vì lý do đó mà JRS (Jesuit Refugee Service) ra đời, cho người Việt ở Indonesia. Nhưng dẫu sao, thời tị nạn của người Việt vẫn tốt đẹp hơn thời nay. Khi đó người tị nạn vẫn còn ít nên những nước tiếp nhận đã niềm nở đón tiếp họ như những công dân mới, và con cái họ có được một quê hương mới. Ngày nay, số người tị nạn ngày càng đông cộng với ngày càng tăng sự dè dặt của những nước tiếp nhận, khiến số phận của họ càng thêm bấp bênh.

Chưa bao giờ tôi thấy thấm bài hát Quê Hương như lúc này: “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người!” Quê hương ấy dù thế nào, thì tôi cũng có một nơi để quy chiếu. Hơn nữa, tôi có thể tự hào khi giới thiệu với một ai đó. Quê hương không chỉ là một làng quê nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng còn là một đất nước, một dân tộc.

Có bao giờ tôi tự hỏi: tôi đã và đang làm gì cho quê hương tôi? Thật dễ nhận ra những nhu cầu của riêng tôi: công việc, đồng lương, tiện nghi, những lợi ích, làm sao để tôi thu lợi được nhiều nhất. Nhưng có mấy khi tôi thao thức về vận mệnh của quê hương, về những giá trị và sức sống của dân tộc! Phải chăng người ta chỉ quý những gì đã mất, còn những gì ở trong tầm tay lại trở nên tầm thường? Tôi có thể thu góp được nhiều điều, nhưng nếu không có dân tộc, liệu những điều ấy còn tồn tại chăng? Nếu ai cũng chỉ lo cho nồi cơm của mình, nếu ai cũng chỉ chăm cho ngọn đèn của mình để “đèn nhà ai nấy sáng”, thì đất nước dân tộc sẽ đi về đâu? Tôi nghĩ gì khi một mình ở trên kho báu, còn dân tộc tôi đang phải lầm than! Tôi hãnh diện thế nào khi mình tôi văn minh còn dân tộc tôi vẫn còn trong bóng tối! Tôi có thật sự hạnh phúc khi tôi tự do bay lượn, trong khi dân tộc tôi vẫn đang bị trói buộc nhiều điều, hay có khi chính tôi cũng bị trói buộc mà tôi chưa nhận ra! Niềm vui của tôi có trọn vẹn khi chỉ mình tôi thịnh đạt, còn sự phồn vinh của dân tộc thì để mặc cho số phận! Trách nhiệm ấy với đất nước và dân tộc thuộc về ai, nếu không phải thuộc là chính tôi, một người con của đất nước và là thành viên trong gia đình anh chị em cùng dân tộc với tôi.

Tôi còn nhớ, khi còn là một tập sinh, tôi có một cuộc thực nghiệm hai tháng bán trái cây và trứng cút dạo trên đường với những người lao động. Vào một buổi chiều trời chập tối, tôi bán trái cây ở một khu chợ công nhân. Ở những khu chợ này, trái cây thường rẻ và chất lượng cũng thuộc loại thấp nhất. Hôm đó tôi bán thanh long với giá 2.000đ/ký. Bình thường thì người mua trả giá để sao giá càng rẻ càng tốt. Nhưng có một cô đến mua trái cây, cô không những không trả giá mà còn hỏi tôi một câu làm tim tôi phải rung động: “con bán ở đây đã qua bao nhiêu người buôn rồi mà giá 2000đ/ký thì người nông dân họ ăn gì?”. Đã hơn 7 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ khung cảnh của buổi chiều hôm đó. Chuyện chẳng có gì to tát, nhưng với một tập sinh, đó là câu chuyện có sức làm thay đổi cả cuộc đời.

Nghĩ đến chuyện nước non và dân tộc có vẻ xa xôi quá. Nhưng câu chuyện ở chợ xảy ra 7 năm trước ấy chẳng phải là một chuyện non nước đó sao? Nồi cơm của tôi là một chuyện, nhưng lòng tôi có hề hấn gì khi nghĩ đến nồi cơm của người khác không? Anh nông dân làm gì với hoa quả của mình, mang lương thực ngon bổ cho quê hương hay hoá chất độc hại cho anh em đồng loại! Người bán buôn trở thành cầu nối của sự phồn thịnh hay chắp nối một ký thành tám lạng; quê hương sẽ đi về đâu với tám lạng ấy! Hoặc lương tâm của người thầy có ở trong bài giảng hay đó chỉ là nghề lặp lại những giáo điều cho xong chuyện! Quê hương nằm trong tay người trẻ, mà người trẻ lại ở trong vòng tay thầy cô. Xin đừng huấn luyện thế hệ trẻ thành những người máy, nhưng chuyển trao cho họ những khối óc có con tim! Quê hương cũng cần lắm những nhà lãnh đạo dám mang trên vai cả tiền đồ đất nước. Đã dư lắm rồi những anh chỉ biết loay hoay kiếm chút gì bỏ túi trước khi trả lại chiếc ghế. Quê hương đất nước chẳng phải của riêng ai nhưng thật bất hạnh nếu một quê hương “cha chung không ai khóc”. Ước gì quê hương to lớn lắm cũng có thể nằm gọn trong trái tim từng con người!

Và còn hơn thế nữa, với sự vắn vỏi của kiếp người, có mấy ai vượt được ngưỡng ba vạn sáu ngàn ngày, tôi không thể lấy cuộc đời này làm quê hương mãi được. Nhưng với sự cao quý của sự sống và phẩm giá con người, tôi có quyền nhận mình xuất thân từ một quê hương vững chắc và lâu bềnh hơn. Thế nên, dù sống ở một quê hương tạm thời, tôi vẫn mơ về một quê hương vĩnh cửu, nơi tình yêu và công lý là tiêu chuẩn cho mọi người và mọi sự. Và vì tôi xuất thân từ quê hương rất đẹp ấy, tôi không thể để mình sống cách tầm thường ở quê tạm này. Nhưng cách sống của tôi cần xứng hợp với phẩm giá cao đẹp mà từ đó tôi xuất thân và nơi đó tôi trở về. Với tôi, con người không phải là sản phẩm ngẫu nhiên của vật chất, cũng chẳng phải là đứa con mồ côi của vũ trụ, nhưng con người có một quê hương, tại đó nó được sinh ra bởi Tình Yêu và sẽ trở về với Tình Yêu ấy!

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Ngắm Đứng: Sự gặp gỡ giữa đức tin và truyền thống dân tộc

Ngắm mười lăm sự thương khó mở ra cho những học viên trẻ chúng tôi …

Mục đích thực sự của việc ăn chay là gì?

Thiên Chúa đã truyền phải ăn chay, Chúa Giêsu đã thực thi lệnh truyền đó, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *