Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam

Lm. Giuse Đỗ Quang Chính, S.J.

Thế kỷ 16 các thừa sai đã có mặt tại Việt Nam, nhưng sang thế kỷ 17, kể từ ngày 18-1-1615 các thừa sai mới vào VN nhiều hơn. Họ thuộc nhiều Dòng tu khác nhau, từ nhiều xứ sở, văn hoá khác nhau, như: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Áo, Hungari, Tiệp, Sicile, Savoie, Napoli, Piémont, Tyrol, Ba Lan, Thuỵ Sĩ, Toà thánh, Nhật, Áo Môn, v.v… Sống trong một xã hội khác biệt rất nhiều với quê hương mình, các thừa sai đã phải thích nghi, hoà mình, hay nói theo kiểu ngày nay là hội nhập văn hoá để truyền giảng Tin mừng. Vậy chúng ta hãy nhìn lại Giáo hội Công giáo đã hoà mình thế nào trong xã hội Việt Nam những năm xa xưa, đặc biệt hai thế kỷ 17-18.

Rời bỏ quê hương thân yêu đến sống ở một nơi lạ hoắc, nhất là vào thế kỷ 17 khi Đông Tây còn rất là xa cách, thì khác gì những cuộc mạo hiểm “chết người”. Dấn thân vào Đại Việt thời ấy, lạ nước lạ cái, thứ gì cũng khác với mình; ngay khi nghe người Việt “nói chuyện ríu rít như chim hót, cũng tưởng chẳng bao giờ mình có thể học được”[1], và “dù khi đã học nói tiếng Việt kha khá, thì kinh nghiệm cho hay rằng, tiếng Việt quả là cực kỳ khó khăn”[2].

Vậy đấy! nhưng mà “muốn ăn phải lăn vào bếp”, chịu “trầy da tróc vảy”, chứ đâu cứ há miệng ngồi chờ cho sung rụng. Các thừa sai phải vật lộn với chính mình, “trở nên Do thái với người Do thái” (lCr 9, 20). Từ tấm bé đã quá quen thuộc với ngôn ngữ, cảnh vật, con người và xã hội quanh mình đến độ ăn sâu vào tận xương tuỷ, nay phải nói khác, làm khác, ăn khác, đâu có dễ dàng như trở bàn tay. Đúng là phải từ bỏ nhiều thói quen, nếp sống để hoà mình cảm nghĩ và hiểu được như người ta hiểu, phải hoà chung vào dòng cảm nghĩ của những người chung quanh. Bao nhiêu thứ khác lạ khi giáp mặt với xã hội VN! Hội nhập văn hoá thì gặp nhiều khó khăn xảy đến từ chính những anh em thừa sai khác, lại còn khó khăn từ Giáo triều Roma! Quả là như lội dòng nước ngược!

I- GIÁP MẶT VỚI CẢNH VẬT VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM

Bước vào xứ sở Con Rồng Cháu Tiên, nhà thừa sai Tây phương như kẻ lạc vào cánh rừng đâu đó miền nhiệt đới! Cảnh vật lạ mắt, trái cây dồi dào[3], nhưng chui vào được cái xã hội này, nhất là hiểu và sống hài hoà với xã hội đầy những phong tục rất khác lạ với châu Âu, đâu có phải ngày một ngày hai mà được!

1. Cây ăn trái trên đất Việt

Ở đây chúng tôi xin đan cử vài trường hợp trong muôn ngàn trường hợp để nói lên sự khác biệt giữa Đông với Tây, cụ thể nhắc tới một số cây ăn trái ở Đàng Trong.

Từ cha sinh mẹ đẻ, các vị thừa sai Tậy phương thường thấy hoa quả chỉ có ở trên cành cây, thế mà bây giờ thấy trái cây khắp cả: từ gốc cây, thân cây, cành cây, những quả là quả, mắt nhìn đã thèm rồi, lại còn hương thơm ngào ngạt, nhất là vào mùa hè nóng nực, mùi thơm càng bốc. Cha Borri, vị thừa sai thường ở Nước Mặn từ năm 1618-1622, gần Quy Nhơn ngày nay, gọi đó là giacca (mít) trong sách bằng tiếng Ý của ông; Borri còn tả hình thù, trong ngoài trái đó ra sao, một người vác một trái đã đủ mệt.

Đến cây banana (chuối, tên khoa học gọi là musa paradỉsiaca) trái của nó lại càng lạ. Mỗi cây chỉ trổ bông một lần trong “đời mình”, bông thì to như bắp vế, từ ngọn cây chui lên, không có cành, chỉ lá với lá, cho tới hàng trăm trái làm cho chính thân cây (cũng chỉ là những cuống lá
ghép lại) phải nghiêng hẳn về một bên, không chống đỡ là bị đổ. Nhiều trái đã vậy, mà ăn thì càng ngon ngọt; khi ăn chẳng cần phải dùng dao như ăn táo, cứ việc lột vỏ từ từ, lột tới đâu cắn tới đó, trẻ thơ cũng tự làm được. Lá chuối vừa dài vừa rộng, chỉ cần một lá che trước, một lá chắn sau là có thể che hết thân người. Cứ thế mà đi thoải mái! Nhân đấy người ta nói rằng, đó là cây Paradiso terrestre (Địa đàng) mà Adam đã dùng để che thân.

Lại còn trái durione (sầu riêng), cha Borri cho là một trong những thứ trái cây quí hiếm nhất thế giới, mà người ta chỉ thấy ở Malacca, Borneo và những đảo lân cận. Người chưa quen ngửi mùi của nó cảm thấy như nôn mửa vì giống như mùi hành thối, nhưng vị của nó lại ngon ngọt không tả được. Bắt mùi rồi thì cứ mê tít đi! Cha Borri viết là có lần chính cha chứng kiến một vị Giám chức vừa đến Malacca, được người ta mời ngài ăn trái này, nhưng ngài gần như nôn mửa, phải từ chối ngay lập tức; sau này khi quen rồi, ngài ăn mãi vẫn không đã[4].

Nói đến calamba (trầm hương), các nhà thừa sai đều bỡ ngỡ vì hương thơm và dược tính của nó, đặc biệt lõi cây khi đã già toàn là nhựa thơm. Thơm đến mức đã có lần cha Bom thử đốt một miếng nhỏ chôn xuống đất sâu 7 palmi (gần 1m), vậy mà vẫn còn phảng phất hương thơm. Thực ra đây là một loại cây mà tiếng bình dân xưa gọi là cây vâu bầu, véo bầu. Cha Đắc Lộ cho là có ba loại cây này:

Calamba, Aquila, Calambouc[5]. Calamba là loại thơm hơn cả, mấc như vàng! Nhà thừa sai Avignon trên đây viết: “Trên mọi miền đất của thế giới, chỉ xứ Đàng Trong mới có cây này”. Đắc Lộ cũng cho rằng sở dĩ  yến sào – mà chỉ Đàng Trong mới có loại này – ngon bổ như thế vì chim yến từ các đảo cheo leo ngoài biển bay vào dãy núi phía Tây Đàng Trong mút nhựa trầm hương, bay về đảo nhào trộn với bọt biển, rồi nhả ra làm tổ; vì thế yến sào Đàng Trong mới quí như thế. Đây là món ăn chỉ dành cho bậc vương giả[6] quyền quý .

Những thứ trên đây cùng những thứ tương tự tuy khác với châu Âu nhiều, nhưng không gây trắc trở, trái lại còn làm phong phú cho các thừa sai trong cuộc sống mới ở VN. Nhưng một số điều chúng tôi trình bày sau đây có thể gây khó khăn cho các ông trong cuộc hội nhập văn hoá.

2. Bên tả, bên hữu và màu đỏ

Trong nền văn hoá Trung Đông và Tây phương, bên hữu trọng hơn bên tả; còn ở Việt Nam thì ngược lại: quan Tả quân, như Tả quân Lê văn Duyệt cao trọng hơn quan Hữu quân. Khi tập họp dân chúng hai bên nam nữ, kể cả trong nhà thờ, người ta vẫn phân biệt “nam tả nữ hữu”. Trước đây và ngày nay hầu hết các nhà thờ vẫn quen để nam giới bên tả là bên trọng hơn, còn nữ giới bên hữu (từ phía bàn thờ nhìn xuống), bởi cái phong tục trọng nam khinh nữ xưa, “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”! Anh chị em bổn đạo trong nhà thờ thì như thế, nhưng tại bàn thờ dâng lễ, kể cả lễ Di-Sub trước đây, thầy Phó tế đứng bên hữu Chủ tế, còn Phụ phó tế lại đứng bên tả! Chắc hẳn các nhà thừa sai thời xưa rất khó giải thích cho tín hữu Lời Chúa nói về ngày phán xét, người lành bên hữu kẻ dữ bên tả (Mt 25, 31-46). Tuy nhiên ngày nay không còn thành vấn đề, vì từ khi một số nếp sống Tây phương đã lan tràn trong xã hội ta rồi, thì chúng ta cũng quen với cái lối hữu trọng hơn tả.

Về màu sắc, Tây phương nhìn màu đỏ tượng trưng cho máu, là màu chết chóc. Việt Nam ta thì lại coi đó là màu hạnh phúc, hên. Vì thế ngày xưa người ta đeo “bùa” thường được làm từ gỗ cây đào có màu hơi đỏ, để được phúc; ngày Tết cần có cành đào trưng trong nhà, bánh pháo cũng bằng giấy đỏ, kể cả bao lì xì cũng đỏ nốt vì nó đựng tiền “lợi thì”. Chùa chiền và trong các nhà thờ xưa, không thiếu gì những thứ sơn son thếp vàng, đó là màu cầu phúc mà! Trong đám cưới cũng có những thứ màu đỏ, như nến đỏ (nến trắng dùng trong tang chế). Thế nhưng trong cái nhìn của Tây phương, màu đỏ lại có nghĩa khác; vì thế ra đường phố chớ dại mà vượt đèn đỏ! Về mặt này, ngày nay hầu như cả thế giới đều theo cái qui ước giao thông ấy.

3. Khó khăn vì những phong tục xã hội VN

Phong tục, nề nếp xã hội VN rất phức tạp. Một con người từ khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình, cho đến chết, biết bao thứ rườm rà bao quanh mình, có khi là những tục lệ trói buộc con người rất chặt chẽ với gia đình, làng nước. Viết về vấn đề này, cha Đắc Lộ đã dành ra 7 chương sách, từ trang 77-104[7]. Riêng việc cưới hỏi, cha Marini (1608-1682) dành nguyên một chương sách dài gần 20 trang[8].

Đời sống hôn nhân: Luật Chúa dạy chỉ có một vợ một chồng và phải chung thuỷ với nhau cho đến chết. Ớ xứ ta vẫn có luật ấy, nhất phu nhất phụ; nhưng trong thực tế, vua chúa, những người giàu sang quyền quí thường có vợ lẽ; khi ấy bà vợ cả được các con do các bà vợ lẽ sinh ra, phải gọi bằng mẹ, nhưng gọi chính mẹ đẻ mình là chị. Cha Marini truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1647-1658 ước tính vua Lê có tới 500-600 cung phi[9]. Nói cách chung một người muốn cưới được cô vợ, phải qua bao nhiêu cửa ải, mới mang được “một nửa mình” về với mình. Lại còn tục tảo hôn, hoặc cha mẹ đôi bên hứa hôn khi con còn bé!

Người phụ nữ trong gia đình phải sống lệ thuộc rất nhiều do luật tam tòng: khi còn nhỏ phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con. Người vợ có thể bị chồng bỏ, nếu phạm luật thất xuất: không con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm miệng, trộm cắp, ghen tương, ác tật.

Đẳng cấp xã hội: Thực ra ở VN không phân biệt giai cấp khắt khe (castes) như Ấn Độ, nơi có 4 giai cấp chính phân chia ra 2.700 giai cấp khác. Câu truyện Chử Đồng Tử và nhiều sự kiện khác chứng minh điều đó. Ngay năm 1647, cha João Cabral đã ghi nhận rằng, ở Đàng Trong, Đàng Ngoài không có giai cấp như ở Ấn Độ, nên việc truyền bá đức Tin dễ dàng hơn 104. Tuy nhiên sự phân biệt kẻ giàu nghèo, quan dân rất rõ nét. Kẻ khố rách áo ôm giáp mặt với nhà giàu sang, hay dân đinh đến cửa quan, dù chỉ là loại quan hạng bét, hàm Tòng cửu phẩm, đã phải khúm núm lạy lụp.

Lạy! dù chỉ là một lạy thì cũng phải ngũ thể đầu địa. Thực ra, nếu lạy như thế đối với Thiên Chúa thì quả là đúng và rất ý nghĩa, bởi vì khi lạy (đưa 2 bàn tay lên trán, xuống ngực, sấp mình đầu chạm đất), người ta tỏ ra từ trí óc, tâm hồn đến cả thân xác mình đều phục tùng đấng Tối cao. Nhưng ở xứ ta mấy trăm năm trước đây, khi vào chầu vua chúa, phải 4 lạy như thế, cũng như khi lạy cha mẹ trong đêm giao thừa và trước thi hài người quá cố; còn những trường hợp khác, thì một hai ba lạy đều tuỳ thuộc vai vế quyền bính người được lạy. Đến trước mặt quan lớn, dù chỉ là loại Tri phủ, Tri huyện, không thể nào thiếu cái nghi lễ này được. Phong tục như thế, riết rồi cũng quen!

Do tính cách bó buộc này, người dân vẫn cảm thấy nặng lòng. Khi một số anh chị em tân tòng ở Đàng Ngoài vào đầu thế kỷ 17, thấy các thừa sai không cho anh chị em lạy mình và thấy các quan sau khi được rửa tội, không còn đòi người ta lạy mình nữa, thi họ càng mến phục đạo Chúa hơn, lôi kéo nhiều người đến với Chúa. Cũng vì đó một phần, nên từ năm 1627-1630 đã có 5.602 tín hữu.Tuy nhiên, các thừa sai vào chầu chúa Trịnh, Nguyễn, cũng vái lạy như mọi người. Cha Borgès[10] và Tissanier[11] đã lạy như thế (trước mặt 4.000 người) trong phẩm phục áo thụng tím đầu đội mũ lục lăng, khi hai cha theo các quan đến chầu chúa Trịnh vào ngày đầu năm . Mồng ba Tết, là ngày dành cho người nước ngoài, Borgès và Tissanier lại cùng với đoàn người ngoại kiều vào chầu chúa, các cha cũng lạy chúa 4 lạy theo kiểu VN; tiếp đến, hai cha lạy mẹ chúa cũng đủ 4 lạy làm cho chúa rất hài lòng, vì Ngài rất kính yêu mẹ[12]; người Trung Quốc lạy 1 lần theo kiểu

Trung Quốc và 1 lần theo kiểu VN, người Hà Lan chào theo kiểu Tây phương[13]. Trước mặt vua chúa phải đội khăn, mũ; vậy khi linh mục dâng Thánh lễ cũng phải đội khăn hay mũ, mới là hội nhập văn hoá chứ!

Trong xã hội VN xưa, nam giới lạy như thế, còn nữ giới ngồi xuống đất mà lạy. Vậy, việc thờ phượng Đức Chúa Trời, phải bái lạy thế nàọ đây? Thật ra chúng tôi không có đủ tư liệu để nói. Chỉ biết rằng, trong Thánh lễ, vẫn chỉ có bái gối, hay vào nhà thờ đang đặt Mình Thánh Chúa thì bái quì hai gối. Cuối thế kỷ 19 đầu 20, giáo dân đến chào các cha ở một số địa phương miền Bắc cũng lạy các cha sát đất, nhưng thường chỉ là một lạy.

Nhưng trong các kinh nguyện thì tràn đày tiếng lạy, nhất là khi mở đầu mỗi kinh nguyện, mặc dù không lạy thực sự, nhưng diễn tả sự khiêm tốn, van xin đối vổi Chúa. Năm 1924, 10 linh mục đại diện toàn cõi Đông dương Công giáo gồm Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Penang, họp tại Toà Giám mục Huế từ 28-4 đến 17-5-1924, “cùng nhau để sửa kinh hôm mai cho Trong Ngoài nhứt thể”[14]. Mở đầu mỗi kinh thường vẫn dùng tiếng Lạy.

Tương giao xã hôi: Việc xưng hô trong xã hội VN rất phong phú, “rất là Việt Nam”, coi mọi người xa lạ cũng như trong gia đình qua cách xưng hô: ông bà, chú bác, cô dì, con cháu, anh chị em, v.v… Mấy năm đầu truyền giáo ở VN, các thừa sai ngần ngại không biết xưng mình với anh chị em bổn đạo thế nào cho phải. Sau cùng, các ông xưng là Thầy, cũng có nghĩa như Sư (của nhà chùa), nhưng lại hay ở chỗ đó là tiếng Việt hoàn toàn, mà vẫn nằm trong “tam bộ” Quân Sư Phụ rất thích hợp với cơ cấu xã hội Nho giáo VN lúc đó. Từ 1630 trở đi, vì có các Thầy giảng, nên gọi các thừa sai là Thầy cả tức là Thầy lớn hơn các Thầy (giảng) Khi ở xứ ta có Giám mục, thì gọi các Ngài là Đức Thầy, Đức Thầy cả, Cha cả hoặc cũng phiên âm từ tiếng Bispo (Bồ Đào Nha) mà gọi là Vítvồ. Chúng tôi xin trích dẫn vài câu trong hai bức thư của Igesico Văn Tín và Bento Thiện viết cho cha Marini năm 1659[15], nhưng chúng tôi xin ghi lại theo chính tả ngày nay:

Igesico Văn Tín viết ngày 12-9-1659: “Đoàn tàu trẩy về thì tôi ước rằng còn Thầy [Marini] ở Macao, lòng tôi muốn trẩy sang mà theo Thầy, song le Thầy đã trẩy khỏi [bỏ Macao đi Roma], thì tôi bây giờ như con mất cha, mà trăm đàng thì cậy một Thầy cả [Borgès] ở bên này… ơn Thầy xưa dạy dỗ tôi nhiều đàng, cho nên thành mà ráp cậy Thầy; cho nên chẳng hay bây giờ vắng Thầy, tôi càng buồn hơn nữa, mà ước ao cho được thấy mặt Thầy như con trông mẹ về cho được bú vậy”.

Bento Thiện viết ngày 25-10-1659: “Còn đầy tớ các Thầy ở lại cùng Thầy cả Kẻ Chợ [Borgès] thì được bốn năm người. Các Thầy giảng thì đi ở các xứ, Kẻ giảng cũng vậy. Thầy Chico còn ở Ông Mác, song le chẳng còn ai ở cùng, có một Bento cẩm mà thôi, các bổn đạo cũng ghét chẳng ai cho ăn”.

Đồ lỡi của người dưới đối với người trên: Thường thường người dưới đến với người trên hay mang đồ lỡi (bởi từ lễ) đi theo, tuỳ theo khả năng mình, nhất là các bà; hoặc cho người nhà bưng đồ lỡi đến trước, rồi mình tới sau. Phải như thế mới được coi là con người có lễ. Người dưới biếu người trên, thì người trên phải nhận, từ chối tức là khinh dể người ta; người trên cho người dưới dù là món vật nhỏ, thì người dưới cũng phải cám ơn rối rít, từ chối là láo xược! Vì thế dân đến cửa quan thường phải có đồ lỡi, không có món này sẽ bị hạch xách đủ điều. Nguyên việc tặng quà cho nhau là hay, nhưng nhiều khi trở thành hối lộ!

Các nhà thừa sai vào VN thấy bổn đạo hay đem đồ lỡi các cha, lúc đầu có phần khó chịu, không muôn nhận, dù biết đó là tấm lòng thành của họ. Còn nhớ vào cuối năm 1671, một viên quan lớn (Trấn thủ?) ở Phú Yên đích thân đến thăm một vị thừa sai, mang theo gạo, sáp và bạc, nhưng nhà thừa sai chân ướt chân ráo, vừa bước vào xứ Trầm hương Yến sào, từ chối: “Chúng tôi đến đây không phải để nhận lãnh của gì, nhưng là để cứu giúp về mật trần thế và thiêng liêng cho những ai cần đến”. Bề ngoài, viên quan tỏ vẻ thán phục, nhưng ngấm ngầm bực mình, vì nhà thừa sai coi thường ông là quan lớn ở Phú Yên. Sau đó viên quan mời nhà thừa sai tới dinh quan, tiếp đãi mứt quí; đến đêm thì nhà thừa sai bị ói mửa, bệnh nặng, may mà qua khỏi. Người ta hồ nghi chính quan đó đã bỏ thuốc độc[16].

Cha F. Deydier[17] vừa đến Đàng Ngoài năm 1666, đã phải ca tụng bổn đạo rất nhiệt tình, có khi họ phải đi tới 10- 12 ngày để được gặp cha; họ lại rất bác ái, đến nỗi khi nào đến gặp cha cũng biếu cha ít quà; cha không muốn nhận, nếu họ nài nẩng quá thì phải miễn cưỡng mà nhận. Hai năm sau cha phải thông báo cho bổn đạo là từ nay ai đến thăm cha hay các thầy giảng, đừng mang theo quà cáp, nhất là đừng biếu thịt heo (mà mỗi lần tới số lượng bang hai heo con) như họ quen biếu các quan[18].

Dần dần các thừa sai hiểu ra cái phong tục dễ mến này và có vị còn cho đó là văn minh. Chính cha Guérard[19] thừa sai ở Đàng Ngoài, ngày 21-4-1793, viết thư cho em ruột mình ở Pháp, cũng là linh mục: “Người An Nam lịch sự, lương thiện và sẵn sàng giúp đỡ […]. Họ sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn cả những thứ cần thiết để các linh mục của họ không phải thiếu gì. Tôi quở trách họ luôn luôn về việc này, nhưng không làm sao họ thay đổi được. Nếu tôi muốn trừng phạt họ thật sự, thì tôi không nhận một ít rau cỏ và trái cây họ đem đến biếu tôi. Xin đừng ngạc nhiên gì cả, đó là dấu hiệu tỏ lòng cung kính trong phong tục người An Nam; thiếu việc đó là không có văn minh. Từ chối, không nhận là xúc phạm, bây giờ thì tôi quen rồi”[20]. Còn cha Boisserand[21], thừa sai ở Đàng Trong viết thư ngày 20-2- 1792 cho cha Mercier ở Paris: “Nỗi cực nhọc lớn nhất mà chúng tôi có thể gây ra cho bổn đạo ở đây là chúng tôi từ chối không nhận những món quà biếu nhỏ mọn của họ”[22].

Viêc tang chế: Trong các phong tục ở VN xưa, có lẽ nghi thức an táng, tang chế, giỗ chạp là phức tạp nhất; đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên, vừa có tính cách phong tục, vừa dính dáng đến tín ngưỡng. Chính vấn đề thờ cúng tổ tiên ở VN và Trung Quốc là gay go nhất trong việc hội nhập văn hoá mà chúng tôi sẽ nói dài ở phần cuối. Lúc này, chỉ xin nhắc qua luật pháp qui định mọi người phải chịu tang ra sao đối với họ hàng thân thích, từ cuối thế kỷ 15 thời Hồng Đức:

” Điều 34. – Nghe thấy tang ông bà cha mẹ và chồng, mà giấu không khóc thì phải tội đồ làm khao đinh [tù cắt cỏ], đàn bà đồ làm tang thất phụ [tù nuôi tằm]. Trong khi có tang mà bỏ đồ tang mặc đồ thường vui chơi đàn hát thì biếm hai tư. Gặp đàn hát mà nghe hay là dự những tiệc vui mừng đều phải phạt 80 trượng”[23].

“Điều 31. – Đương có đại tang cha mẹ mà chơi bời rượu chè trai gái, không chút buồn rầu, sẽ bị tội trượng chín chục, lưu đi châu xa. Nếu hội họp có âm nhạc cùng là đánh chửi người, sẽ bị trượng tám chục, khép vào tội lưu. Đương có tang cha mẹ, cậy thế và bỏ áo tang sẽ bị trượng tám chục, khép vào tội lưu. Đương tang mà đi kiện thì bị thua kiện”[24].

Những qui định có tính cách luật pháp trên đây về tang chế, tang phục chi li, phải nói là khắt khe, nhưng nó cũng giúp cho người ta hiểu được cơ cấu gia đình ở VN quan trọng thế nào, qua đó thấy được đạo hiếu trong xã hội này rất sâu xa, dẫn đến việc thờ kính tể tiên nhuốm màu tín ngưỡng.

4. Một số hình thức nghiêng về tín ngưỡng

Khi nói tín ngưỡng ở đây, chúng tôi chỉ muốn hiểu chung chung những hình thức, những sự việc, những lối diễn tả lòng kính phục, tôn sùng của con người VN đối với Trời, với những nhân vật dù đã khuất nhưng vẫn có “quyền và sức mạnh nào đó” trên dân gian. Chúng tôi nghĩ rằng, khi dân ta biểu lộ tín ngưỡng như thế dưới rất nhiều hình thức, thì không theo nghĩa tôn giáo như cách hiểu của người Công giáo.

Từ ngữ Đạo: Ngay một từ Đạo cũng đã gây nhiều rắc rối giữa những cách hiểu khác nhau. Chúng tôi xin nhắc qua lại: Các nhà truyền giáo khi vào xã hội VN chỉ có mục đích giới thiệu Đạo Công giáo (Religio Catholica). Đạo là danh từ hằng ngày được người Việt sử dụng, nhưng nội dung từ đạo rất rộng, nhiều khi không đồng nghĩa với religio, khác hẳn với nhiều tiếng Âu châu, vì chúng hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Khi các thừạ sai nói tiếng đạo về mặt tôn giáo[25], hoàn toàn được hiểu theo nghĩa religio, cụ thể Religio Catholica. Trong thực tế, hầu như các chúa Trịnh Nguyễn thời đó cùng quan quyền nho sĩ lại cho là tà đạo, gây chia rẽ trong nước, vì đạo này lừa phỉnh dân ngu, quá khác lạ với Tam giáo về lẽ đạo cũng như các nghi lễ trong đạo, nên phải nghiêm cấm[26].

Thờ cúng tổ tiên là cụm từ càng gây khó hiểu, rắc rối cho bao người! Các thừa sai hiểu thờ chỉ dành cho một Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra bất cứ một tạo vật nào, một thần thánh nào dù cao cả đến đâu cũng còn kém xa Thiên Chúa vô cùng, nên không được dùng danh từ thờ, mà phải dùng danh từ khác như kính, tôn vinh … Kẻ nào dám thờ những nhân vật, những thần thánh khác, đều tỏ ra không tin thờ một Thiên Chúa, chối bỏ Thiên Chúa, rơi vào cái bẫy đa thần, mê tín dị đoan.

Vậy kẻ thờ cúng tổ tiên theo quan niệm trước đây của nhiều nhà thừa sai, có thể bị liệt vào hàng ngũ vô thần (theo cách hiểu của Tây phương), nghĩa là kẻ không tin có một Thiên Chúa duy nhất, hay bị gán là đa thần vì coi tổ tiên cũng như Thiên Chúa, hoặc nâng tổ tiên lên hàng thánh, thần thánh là một việc chỉ có Đức Thánh Cha mới có quyền tôn vinh như thế trong Giáo hội, sau khi đã cho nghiên cứ điều tra kỹ lưỡng, khắt khe (thường là phải qua nhiều năm trời), nhất là từ năm 1180 trở đi Toà thánh qui định rất ngặt.

Thật ra, nếu dùng tiếng Latinh hay một tiếng Âu châu nào khác, ví dụ adorare (thờ), cho hành vi thờ cúng tổ tiên thì đúng là không ổn tí nào. Nhưng phải hiểu rằng, người Tây phương hay phân tách, phân biệt (rất ích lợi cho việc hiểu biết nhiều mặt, nhất là khoa học tự nhiên), cho nên adorare chỉ dành cho việc thờ lạy một Thiên Chúa. Còn Đông Á lại nhìn khác, dễ lẫn lộn, một từ có thể mang nhiều nghĩa tuỳ trường hợp khác nhau: thờ Chúa, thờ cha kính mẹ, thờ chồng nuôi con, đều hiểu khác nhau.

Tây phương không thể bó buộc Đông phương phải hiểu thờ như adorare được. Vậy mà đã có một thời gian lâu dài, rất ư lâu dài, trên 300 năm lận, một số người Đông phương sau khi trở thành đồng đạo với hầu hết người Tây phương, phải hiểu thờ như adorare của Tây phương. Thế mới chết con người ta chứ!

Có thờ kính là phải có lễ lạy (lỡi kèm với lạy), có thăm viếng nhau là phải có lỡi (lễ) cọ quà cáp! Nói đến hành vi thờ cúng tổ tiên, thì cũng phải có lỡi, mới được coi là người lễ phép, hiếu thảo, tôn kính người chết như khi họ còn sống, “sự tử như sự sinh”. Vì vậy mà phải cúng. Hiểu cúng là thế nào, lại thêm rắc rối giữa Ta với Tây![27].

Các hình thức tín ngưỡng: Một nhà thừa sai Tây phương bước vào xã hội VN, có thể nhận thấy rất nhiều hình thức tín ngưỡng và các nơi thờ kính, từ đàn Nam giao đến bàn Thiên, Trang, Thành Hoàng … và dĩ nhiên ba đạo nổi cộm (Tam giáo), cách riêng việc thờ cúng tổ tiên…. cùng với những văn miếu, văn chỉ, chùa chiền, đền, am, miếu… Thật là hoàn toàn khác lạ với tín ngưỡng Tây phương thời đó hầu như chỉ có Kitô giáo, và nhiều hơn cả là Công giáo. Các thừa sai không dễ gì mà hiểu cho tường tận được, do đó gần như tất cả đều bị coi là tà thần, là mê tín dị đoan. Mặc dù cũng có một ít thừa sai với cái nhìn xa rộng hơn, không khắt khe như nhiều anh em mình; nhưng chỉ như muối bỏ bể, thấm vào đâu! Hẳn là thời đó hầu như không có cái thứ “hoà đồng tôn giáo”, “đối thoại tôn giáo” như ngày nay.

Quả thật, nói làm sao cho hết những khác biệt giữa Ta và Tây, nhất là cách đây ba bốn trăm năm, Đông – Tây còn xa cách nhau lắm, khác nhau cách ăn uống, chữa bệnh, dựng nhà cửa, học hành thi cử, những phép vua lệ làng, cách đưa bàn tay vời gọi nhau, nằm ngủ cũng khác, rửa chân cũng chẳng giống Tây, cách ngồi, cách đi đứng chào hỏi, cách xưng hô từ vua chúa đến thứ dân như tâu vua, dộng chúa, bẩm quan, trình lạy quan lớn, chiềng thầy, kính thưa, v.v … Trước những sự khác biệt đó, phải nói là tất cả các thừa sai (đều yêu mến và nhiệt tình đi vào xã hội VN), cố gắng thích nghi mà từ mấy chục năm nay chúng ta gọi là hội nhập văn hoá. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi đoàn thể thừa sai, mỗi thời có cách nhìn và hành động khác nhau, nên lâm vào cái cảnh đồng tâm mà chưa hoàn toàn nhất trí!

 II – HỘI NHẬP: KHÓ KHĂN GIỮA CÁC THỪA SAI

Việc hội nhập văn hoá ở VN trước đây kể cũng nhiều và phải nói là “táo bạo”, nhưng không phải là mọi thừa sai đều đồng ý, cùng hành động. Ngay tại Ân Độ và Trung Quốc thời đó cũng gặp khó khăn như vậy.

1. Khó khăn giữa các thừa sai cùng một Dòng tu

Tại VN, chúng ta có thể đưa ra hai nhân vật làm ví dụ cho những khó khăn loại này vào đầu thế kỷ 17, chưa kể các thế kỷ sau này.

Thừa sai Christoforo Borri: Theo chính Borri viết trong cuốn sách của ông về xứ truyền giáo Đàng Trong, trong chương 11 (chương cuối cùng) thì ông được bề trên ở Áo Môn phái đến Đàng Trong năm 1618 để học tiếng Việt, hầu sau này cứ làm việc ở Đàng Trong hoặc đi truyền giáo ở Đàng Ngoài[28]. Nhưng năm 1622, chẳng những cha rời khỏi Đàng Trong, lại không đến Đàng Ngoài, cũng chẳng truyền giáo tại Áo Môn, Trung Quốc, Malacca hay Ấn Độ, mà lại về Bồ Đào Nha dạy học. Tại sao?

Chúng tôi chưa thấy ai đặt ra vấn đề này, nhưng chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết là Borri “khó tính” hoặc có đường lối hội nhập văn hoá quá bạo trong khoảng 1618- 1622 ông ở Đàng Trong và nơi ông ở nhiều nhất là Nước Mặn. Bằng chứng là, sau khi quan Tri phủ Hoài Nhơn (Quy Nhơn) là Trần Đức Hoà (em kết nghĩa với chúa Nguyễn Hoàng) qua đời đột ngột khoảng 1620, các quan chức ở đây xin Borri cho biết liệu quan Tri phủ có được vào nơi phiêu diêu cực lạc không? Vị thừa sai, cùng với cha Buzomi và Pina cũng có mặt tại đó, liền trả lời: “Khi chưa được rửa tội, chẳng ai được cứu rỗi, nhưng lòng Nhân từ của Chúa bù cho khi người gần chết có lòng ước ao. Nếu trong giờ sau hết, quan Tri phủ có lòng ao ước như chúng tôi thấy, dù quan chưa ngỏ ý lãnh nhận bí tích ấy vì bị sự dữ áp bức, người ta có thể tin là quan đã được cứu rỗi và không bị luận phạt”[29]. Sau câu trả lời đó, các quan tỏ ra rất hài lòng. Khác với cha Đắc Lộ khi trả lời cho một bà Lớn ở Vân No (Thanh Hoá) vào tháng 4-1627 sau lễ an táng chồng bà: “Quan Lớn cũng giống như một cây đã đổ về một phía, dù phía Nam hay phía Bắc, thì không thể ngóc dậy được nữa. Riêng đối với chúng tôi, chúng tôi không được Đức Chúa Blời đất sai đi loan báo Tin Mừng cho người chết, mà là cho kẻ sống, nên chúng tôi bất lực trong việc cứu giúp những người đã chết trong sự bất trung”[30].

Một tư liệu quan trọng khác chứng minh Borri có cái nhìn thoáng, bao dung. Đó là cuốn sách Relatione[31] in tại Roma năm 1631 mà chúng tôi đang trưng dẫn. So sánh với các thừa sai khác ở VN vào thế kỷ 17-18, như Đấc Lộ, Marini, Tissanier, Bourges, Chevreuil, Vachet, Ferreyra, thì xem ra Borri viết “dễ thương” hơn, vì tỏ ra tôn trọng và đề cao nhiều phong tục xã hội Việt, không đưa ra những nhận định có vẻ lên án, “dễ mất lòng nhau”, dù Borri cũng nhắc tới đạo Phật và vài đạo khác.

Thừa sai Alexandre de Rhodes (Đắc Lô): Đầu tiên Đắc Lộ được phái vào Đàng Trong khoảng đầu tháng 2- 1625 để học tiếng Việt, chuẩn bị cho cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài[32]. Ngày 19-3-1627 Marques cùng với Đắc Lộ có mặt tại cửa Bạng (Thanh Hoá), sau đó được phép chúa Trịnh Tráng cho ở lại và thường ở Kẻ Chợ. Tháng 5-1630, Đắc Lộ cùng ba nhà thừa sai khác phải về Áo Môn. Trong thời gian hơn 3 năm liên tục ở Đàng Ngoài, Đắc Lộ đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt về mặt hội nhập vãn hoá, nhưng xem ra chính những sáng kiến táo bạo của cha đã làm cho cha không được trở lại Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong suốt 10 năm trời (1630-1640).

Thực ra, cha rất yêu mến xã hội và con người VN, rất cảm phục tín hữu VN về lòng nhiệt tình, rốt sáng, kiên trì trong việc theo Chúa. Tháng 7-1645, tại Hội An, anh chị em bổn đạo ra tận bến tàu tiễn chân cha, do lệnh chúa Nguyễn Phước Lan trục xuất cha vĩnh viễn khỏi xứ sở. Cha viết:”Bổn đạo ra tận bến tàu từ biệt, kẻ khóc, người tru trếu; có những người còn lăn ra ăn vạ gần như chết vì khóc thương, tôi chẳng nói được gì, chỉ biết gật đầu, giơ tay, mà con mắt không rời khỏi họ. Tôi bỏ Đàng Trong bằng thân xác, nhưng không bỏ bằng tâm hồn, đối với Đàng Ngoài cũng thế; thật ra tâm hồn tôi hoàn toàn ở cả hai xứ”[33].

Vậy mà cha không được nhập phái đoàn cha Gaspar d’Amaral (1592-1646) trở lại Đàng Ngoài năm 1631. Một nhà truyền giáo năng nổ, tài ba, nhiệt tình như vậy nhưng lại bị “cầm chân” tại Áo Môn suốt 10 năm trời, phải dạy học là công việc tính tự nhiên cha không ưa thích như đi truyền giáo trực tiếp, trong khi cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, hai Giáo hội sơ khai này rất cần đến những thừa sai như Đắc Lộ. Tại sao thế?

Chúng tôi phỏng đoán là các anh em Dòng Tên khác ở Áo Môn nghe biết Đắc Lộ lập Tu hội Thầy giảng, nhà Đức Chúa Trời, thích nghi một số phong tục, dùng từ ngữ Đức Chúa Blời đất mà không dùng từ ngữ Thiên Chủ ị Chúa) v.v… và xem ra cũng có điều gì lấn cấn với chế độ padroado (bảo trợ) Bồ Đào Nha chăng? Vì thế, bề trên không dám cho cha trở lại Đàng Ngoài, dù là vị Giám Tỉnh lúc ấy rất cởi mở như André Palmeiro, ủng hộ công việc của Đắc Lộ ở Đàng Ngoài, nhưng chẳng dám cho cha trở lại Đàng Ngoài, cũng chẳng dám đưa vào Đàng Trong. Cũng may, Palmeiro rất sáng suốt, nên đã phái Gaspar d’Amaral là người “rất thông thạo tiếng [Việt]” (peritissimus linguae)[34], ủng hộ các thích nghi của Đắc Lộ, đến Đàng Ngoài tiếp tục công việc của Đắc Lộ. Mãi đến năm 1640, Đắc Lộ mới được trở lại VN, nhưng chỉ ở xứ chúa Nguyễn đến năm 1645.

2. Khó khăn giữa các nhóm thừa sai khác nhau

Thế kỷ 17-18 có nhiều nhóm thừa sai ở VN: Nhóm thừa sai Paris (MEP) gồm toàn người Pháp, bị ảnh hưởng Pháp; thừa sai Dòng Tên (SJ) gồm nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng quá một nửa là người Bồ, bị ảnh hưởng chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha; thừa sai Đa Minh (OP) hầu hết là người Tây Ban Nha, chịu ảnh hưởng Tây Ban Nha; thừa sai Phan Sinh (OFM) từ đầu thế kỷ 19 trở về trước, hầu hết là người Tây Ban Nha, cũng chịu ảnh hưởng Tây Ban Nha; thừa sai người Ý Dòng Bamabê và Dòng Augutinh, đều chịu ảnh hưởng Ý.

Chỉ nói riêng về mặt Dòng tu, thì mỗi Dòng có linh đạo riêng, phương pháp huấn luyện và hoạt động truyền giáo cũng không hoàn toàn giống nhau; nên công việc truyền bá Tin Mừng của mỗi Dòng khác nhau cũng là điều bình thường.

Nhiều thừa sai vào xã hội Việt đã cố gáng trở nên giống dân Việt bao nhiêu có thể. Họ cũng phải ăn cơm, ở nhà lá, khá hơn thì nhà gỗ, ở nhà sàn nhất là tại Đàng Trong thế kỷ 17-18, mang y phục VN, v.v…

Để tóc dài: Nhiều thừa sai cũng để tóc dài tự nhiên giống phụ nữ như mọi người đàn ông ở đây[35]; cũng phải thắt nơ cột tóc khi cần, như lúc làm việc, đi đường, đến trước mặt vua chúa quan quyền mới xõa tóc đội mũ. Vì ở nước ta chỉ có hai loại người cạo trọc đầu là các nhà Sư, Ni cô và các tù nhân. Để tóc dài tự nhiên như vậy tức là các thừa sai đã lỗi phạm Công đồng Trentô; vì Công đồng buộc các giáo sĩ từ chức cắt tóc trở lên phải cạo một chút tóc hình tròn trên đỉnh đầu , cạo lớn nhỏ là tuỳ theo chức bậc trong hàng giáo sĩ.

Mặc áo thụng VN: Cũng theo Công đồng Trentô, các giáo sĩ phải mạc áo dòng (áo thâm chùng) thường xuyên; khi ra đường còn phải khoác một áo choàng nữa. Thế mà một số vị thừa sai ở VN thời xưa không mặc áo dòng, thay vào đó là áo thụng VN màu đen, nếu vào chầu vua chúa thì áo thụng màu tím. Một số vị thừa sai khác lên tiếng phản đôi, cho rằng mấy ổng “đời” quá, sống theo “thói tục thế gian”!

Để chấn chỉnh lại, cha Pieưe-Francois Favre, thế quyền Đức Cha La Baume (Kinh lý tông toà ở Đàng Trong, qua đời đột ngột 2-4-1741 tại Phủ Cam), trước khi rời bỏ Đàng Trong, thì ngày 27-5-1741 công bố 9 điểm tại Huế, như: buộc các thừa sai phải mạc áo dòng, nút áo và màu áo đều màu đen, phải cát tóc theo lệnh Công đồng Trentô, cấm xem tuồng kịch Việt Nam, cấm dùng mỡ nước heo để chiên xào đồ ăn trong các ngày kiêng thịt, phải cử hành các bí tích hoàn toàn theo sách Các phép Roma, cấm cúng bái tổ tiên[36],v.v…

Ăn chay kiêng thit: Có những vị thừa sai ở VN xưa giải thích rất ngặt việc kiêng thịt trong ngày buộc kiêng, đến nỗi cấm anh chị em bổn đạo không được phép dùng mỡ nước heo để chiên xào, vì như thế là ăn thịt rồi. Những vị khác lại cho là cứ việc dùng như thường; bởi vì ở VN không dùng dầu thực vật mà chỉ dùng mỡ nước heo để chiên xào. Chính Đức Giám mục tông toà Đàng Trong năm 1731 là Alexandras[37] cấm các thừa sai ở Đàng Trong không được phép trói buộc bổn đạo như thế; ai không tuân lệnh Đức Cha, sẽ bị phạt vạ[38].

Ngày lễ Thường hay rơi vào những ngày đầu năm mới. Nếu phải ăn chay kiêng thịt vào dịp đó, thì không hợp tí nào. Bởi lẽ Tết VN rất quan trọng, đâu có giông như Tết Tây phương. Hàng mấy tháng trước đó đã mong Tết, chuẩn bị cho cái Tết. Giàu nghèo đều mong Tết đến. Ăn chay kiêng thịt ngày ấy coi sao được. Nhất là người nghèo mong ngày Tết có miếng thịt bỏ vào miệng! Vì thế, một số thừa sai cho phép bổn đạo trong xứ đạo mình không phải ăn chay kiêng thịt ngày đó, sau này sẽ làm bù; nhưng cũng có những vị ở xứ khác, thậm chí ở sát bên xứ cho phép ăn thịt, chỉ cách nhau một con sông, lại bắt bổn đạo phải giữ chay kiêng thịt theo đúng ngày ghi trong lịch Giáo hội. Để được ăn Tết vui vẻ, không ăn chay kiêng thịt mà vẫn không phạm tội trọng, thì bổn đạo bên xứ buộc giữ chay, chèo thuyền sang bên bờ sông thuộc xứ bên kia ăn Tết thoải mái[39].

Cử hành các bí tích: Các “chất liệu” dùng khi cử hành các bí tích như dầu, nước, bánh, rượu, muối… và nhiều cử chỉ như hà hơi, xức nước bọt, giơ tay ban phép lành theo hình Thánh giá, làm dấu Thánh giá nhiều lần nhất là trong Thánh lễ, việc truyền phép Mình Máu thánh Chúa, xông hương, v.v…càng khó hiểu đối với người chưa gia nhập Giáo hội. Vì thế, một số thừa sai đã thích nghi như sau:

Rửa tội: Đối với người lớn, nhất là phụ nữ, không xức dầu trên ngực, không cho ăn muối, không xức nước bọt, cũng chẳng hà hơi. Tuy thế, nhiều người Lương vẫn còn cho là làm phù phép khi rửa tội, bởi vẫn còn xức dầu trên trán, còn đổ nước và đọc mô thức mà họ cho là làm bùa chú như các thầy phù thuỷ[40]. Cuối năm 1664, lúc cha Chevreuil[41]có mặt ở Hội An, Đà Nẵng, được mấy vị thừa sai ở Đàng Trong đã lâu, xin cha Chevreuil lưu ý: “Trong xứ này người ta không thể giữ mọi cách thức cử hành bí tích như ở châu Âu được”. Chính Chevreuil ghi nhận là: “Mấy nhà thừa sai ở Đàng Trong có thói quen đặt muối trên bàn tay người lớn nam nữ khi rửa tội cho họ, chứ không bỏ vào miệng, vì các vị ấy cho là gương xấu, cũng chẳng xức nước bọt, là những cử chỉ các vị ấy đã chẳng bao giờ áp dụng ở Đàng Trong. Đàng khác, các thừa sai trên chẳng xức dầu trên ngực phụ nữ, cho rằng chồng họ có thể ghen tương đấy. Chính tôi, Chevreuil viết, qua kinh nghiệm, nếu mình làm những cử chỉ ấy cách tế nhị, đoan trang, thì chẳng ngại gì. Mấy vị kia chỉ dựa vào những sự phù phiếm, không có nền tảng”[42] .

Hôn nhân: Một số nhà thừa sai chứng hôn ngay tại nhà trai sau khi vừa rước dâu về nhà chồng[43]. Thực hiện xong các nghi thức chạm ngõ, vấn danh, đặt trầu, ăn hỏi… thường là trong 1,2 năm, đến chính ngày cưới lại có lễ nghinh hôn, lan giai, rồi khi đám rước dâu về tới nhà chồng phải làm lễ gia tiên, lạy cha mẹ, lễ tơ hồng, lễ hợp cẩn, lễ ông Táo, sau đó mới đến tiệc cưới. Vậy sẽ cử hành bí tích hôn nhân tại nhà trai lúc nào đây? – Khi rước dâu về tới nhà trai, đầu tiên cử hành bí tích hôn nhân trước bàn thờ Chúa trong nhà, thay cho lễ tơ hồng ở ngoài trời. Cô dâu chú rể đứng hai bên vị linh mục chứng hôn. Vị này sau khi chứng kiến sự cam kết của đôi tân hôn theo công thức chung của Giáo hội, liền chủ lễ nghi thức hợp cẩn của đôi tân hôn, rồi ngài trao cho cô dâu chú rể mỗi người một miếng trầu, vì trầu là biểu tượng sự ưng thuận, yêu thương nồng nhiệt và lòng kính trọng nhau. Sau đó, đôi tân hôn mới được dẫn đến trước bàn thờ tổ làm lễ gia tiên, rồi lạy cha mẹ, tưởng nhớ Táo quân (có ý nghĩa trung tín, kết hợp bền bỉ giữa đôi trẻ); cuối cùng vào tiệc cưới.

Lễ giỗ: Cha Chevreuil thuật lại một lễ giỗ tại nhà thờ Đà Nẵng cuối năm 1664, có tới 200 bổn đạo tham dự: “Những người bổn đạo này cử hành một nghi thức khá dị đoan trước mạt tôi, mà tôi chảng thể ngăn cấm vị linh mục đã cho tổ chức như thế. Nghi thức này để tỏ lòng tưởng nhớ đến người đã khuất. Họ đặt một chiếc bàn lớn, phía đầu bàn có một bức hình nhỏ [vẽ] hai bên hình đốt hai cây nến, phía cuối bàn mỗi người đều cầm nến cháy [nhang?] đến trước tấm hình lạy trang trọng, rồi đặt nến [nhang?] trên bàn. Vị linh mục đó cho rằng, phải tỏ ra tôn kính người qua đời như thế, để những người Lương không còn tố cáo được là bổn đạo không tôn kính người chết”[44].

Trên đây chúng tôi thuật lại mấy trường hợp khó khăn giữa các nhóm thừa sai khác nhau về vấn đề hội nhập vào xã hội Việt. Xem ra trong việc hội nhập văn hoá ở VN cũng như Trung Quốc, vấn đề khó khăn nhất là nghi lễ thờ cúng tổ tiên, còn những thứ khác ít gay go hơn, hoặc dễ dàng hơn. Vụ việc này do chính Giáo triều Roma can thiệp, nhưng lòng thòng suốt trên 300 năm!

3. Khó khăn cực lớn giữa Roma với một số thừa sai

Giữa Roma và Đông Á thế kỷ 17-18 rất là xa nhau. Đầu thế kỷ 17 một người từ Roma tới được Việt Nam, có ngon lành xuôi xấn thì ít ra cũng phải một năm trời, sau một cuộc hành trình trên biển đầy cam go, có bỏ xác trên biển cũng là chuyện thường. Vì vậy tin tức qua lại rất lâu, chưa nói gì đến sự khác biệt giữa hai nền văn hoá.

Tin tức về vấn đề thờ cúng tổ tiên tới Roma, buộc Giáo triều Roma phải giải quyết. Vậy chúng tôi xin tóm lựợc như sau:

Tố cáo với Roma: Năm 1633, hai vị thừa sai ở Phước Kiến nhận ra ràng có một nhóm thừa sai ở Trung Quốc cho phép bổn đạo được thờ cúng tổ tiên và Đức Khổng như phong tục nước này, nên hai vị cực lực phản đốì vì có nhiều cử chỉ mê tín dị đoan. Hai vị bị vua nhà Minh đuổi ra khỏi nước, liền đích thân lặn lội về Roma tâu trình Toà thánh. Thế là năm 1645 ĐTC Innocens X ra sắc lệnh cấm thờ cúng tổ tiên. Nhưng một người đại diện cho nhóm ủng hộ nghi lễ này, cũng về Roma giải thích rõ ràng ý nghĩa và cử chỉ nghi lễ, thì ĐTC kế tiếp là Alexander VII, vào ngày 23- 3-1656 lại cho phép được cử hành như trước. Hai phía vẫn tranh luận tiếp, nên ngày 20-11-1669 ĐTC Clemens IX phải ra một sắc lệnh khác, nội dung: sác lệnh của Đức Innocens X không bị Đức Alexander VII thu hồi, cũng chẳng bị ngài thu hẹp; cả hai sắc lệnh đều có hiệu lực tưỳ theo những hoàn cảnh khác nhau.

Trong mấy chục năm đó, ở VN chưa gặp khó khăn lắm về vấn đề gai góc ưên. Chúng ta biết, sau khi ba cha Dòng Đa Minh vào Đàng Ngoài năm 1676 (các cha Juan de Santa Cruz[45], Juan de Arjona, Dinisio Morales), các ngài liền thu thập các vấn đề cúng giỗ… cùng những hình thức tín ngưỡng khác đang thịnh hành ở xứ này, gửi về Manila 274 câu hỏi xin giải thích. Vì vậy năm 1680, cha Juan de la Paz trả lời 274 câu hỏi các cha đặt ra, tóm lại: các nghi lễ này không có tính cách tôn giáo, chỉ có tính cách dân sự và chính trị [46].

Năm 1693, ĐC Charles Maigrot, Giám mục tông toà Phước Kiến, truyền cho mọi thừa sai trong Giáo phận ngài không được chấp nhận việc thờ kính tổ tiên và kính lễ Đức Khổng Tử. Do đó, năm 1706, Hoàng đế Khang Hy trục xuất khỏi xứ, ĐC và tất cả những thừa sai không chấp nhận nghi lễ này. Năm 1700, Đại học Sorbonne cũng lên tiếng chông việc thờ kính tổ tiên ở Đông Á. vấn đề này vẫn sôi sùng sục. ĐTC phái ĐC Maillard de Tournon làm Khâm sai Toà thánh à latere ở Đông Ân, Trung Quốc và các nước lân cận, phong làm Thượng phụ Giáo chủ Antiochia (sau này được phong Hồng y), để giải quyết vấn đề. Ngài tới Bắc Kinh 4- 12-1705, được vào triều yết vua Khang Hy. Nhà vua nổi giận vì Đức Khâm sai không chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên và nhiều nghi lễ khác, nên đuổi Ngài ra Áo Môn, giao cho người Bồ Đào Nha quản thúc (thời gian đó, Trung Quốc và Áo Môn là đồng quản trị bán đảo này). Đức Khâm sai (được phong Hồng y năm 1706) qua đời tại Áo Môn 8-6-1710, khi còn đang bị quản thúc.

Roma công bố hai Hiến chế cấm “lễ phép nước Ngô”

Hiến chế Ex ilia die 19-3-1715: Dù năm 1704 ĐTC Clemens XI đã ban bố sắc lệnh cấm các “lễ phép nước Ngô”, đã phái Khâm sai de Tournon đến Trung Quốc công bố sắc lệnh này, nhưng kẻ tuân, người cưỡng lại. Do đó, lần này ĐTC Clemens XI công bố long trọng hơn dưới hình thức Hiến chế (Constitutio), buộc mọi thừa sai phải đặt tay trên sách Phúc âm thề giữ như Hiến chế dạy. Phải thề rồi mới được cử hành các bí tích. Ai không tuân, bị vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho ĐTC giải. Tuy thế, tình hình vẫn gay go. Toà thánh lại phái ĐC Carolo-Ambrogio Mezzabarba đi Trung Quốc với chức vụ Khâm sai à latere. Ngài tới Áo Môn 20-9-1720, giải vạ cho những ai mắc vì không tuân theo Hiến chế Ex ilia die, lên Bác Kinh triều yết vua Khang Hy, rồi trở lại Áo Môn ngày 4-11-1721 công bố Octo permissiones, (Tám điều được phép) cho phép bổn đạo được giữ các nghi lễ như phong tục đã quen. Đó là:

–  Được giữ Thần chủ trong nhà;

–  Đực cử hành các nghi lễ đối với người qua đời;

–  Được kính lễ Đức Khổng và giữ Mục vị của Ngài;

–  Được dâng nhang nến trong lễ an táng;

–   Được lạy trước Thần chủ, trước quan tài, hay trước thi hài;

–  Được cúng đồ ăn, hoa quả trước quan tài, khi ở đó có đặt Thần chủ;

–   Được khấu đầu trước Thần chủ ngày đầu năm và các lễ tiết trong năm;

–  Được thắp nhang nến cùng đặt đồ ăn trước Thần chủ, mồ mả.

Sau Hiến chế Ex ilia die, ở Đàng Trong cũng có một số thừa sai giải thích Hiến chế rộng rãi, nên năm 1717 cha J.B.Sanna, S.J. (1668-1726) vẫn cho bổn đạo được mang cờ gia triệu, minh tinh trong lễ an táng, buộc bổn đạo phải cúng giỗ, kẻ không thi hành là lỗi giới răn thứ bốn: thảo kính cha mẹ. Mấy vị thừa sai này cũng cho phép bổn đạo được may áo cho các nhà Sư, được xây chùa miếu, được đúc chuông chùa như là một công nhân, được giữ Thần chủ trong nhà, được xem tuồng kịch, được bưng mâm cúng đặt trên đầu quan tài, phần mộ. Để giải quyết vấn đề này và phân chia lại ranh giới hoạt động của các nhóm thừa sai khác nhau ở Đàng Trong, năm 1737 Toà thánh phái ĐC La Baume đi kinh lý Đàng Trong. Kết quả, vị Phó Kinh lý là cha P.-F. Favre đã cấm việc thờ kính tổ tiên như chúng tôi đã nhác ở trên.

Hiến chê Ex quo singulari, 11-7-1742: ĐTC Benedictus XIV công bố Hiến chế này, nhắc lại những lần Roma xét định kể từ năm 1645, đặc biệt lên án Octo permissiones của ĐC Mezzabarba, ra lệnh cho mọi người trong Giáo hội không được bàn luận, tranh cãi gì nữa, chỉ phải tuyệt đối tuân lệnh Toà thánh là phải từ bỏ các “lễ phép nước Ngô”. Từ đó trở đi ai nấy im phăng phắc, không cậy cựa gì nữa.

Sau Hiến chế trên, ngày 26-11-1744 ĐTC Benedictus XIV cử ĐC Hilario di Giesu (Hy)[47] Đại diện tông toà Đông ký, làm Khâm sai Toà thánh ở Đàng Trong. Ngài tới Hội An từ tháng 5-1747, công bố Hiến chế Ex quo singulari và giải quyết những tranh chấp tồn đọng giữa các nhóm thừa sai Paris, Dòng Tên, Phan Sinh, Barnabê.

Roma tháo cởi cho chúng ta (Chúng tôi sẽ viết dài hơn trong bài Tháo gỡ nghi lễ cúng bái tổ tiên …): Sau 197 năm, kể từ Hiến chế Ex quo singulari năm 1742 đến Huấn thị Plane compertum est 145 của Bộ Truyền giáo ngày 8-12-1939, thì Roma mới tháo cởi cho Giáo hội Trung Quốc và tại các nước lân cận có phong tục thờ kính tổ tiên tương tự như Trung Quốc, được phép thi hành.

Riêng ở Việt Nam, lại kéo dài suốt 223 năm, kể từ 1742 đến khi Hội đồng Giám mục miền Nam VN ra thông cáo tại Đà Lạt 14-6-1965[48], sau khi được Roma chấp thuận. Trong suốt hơn 200 năm đau khổ ấy, người Công giáo Việt không được phép lập bàn thờ tổ, phải huỷ bỏ Thần chủ. Tội này theo điều 153 luật Hồng Đức (cuối thế kỷ 15) bị chém đầu[49].

Chúng tôi xin trưng dẫn mấy dòng của Thông cáo trên: “Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với Tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ, có tính cách thế tục, lịch sự, và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ, và tùy theo trường hợp”.

Trong cuộc hội nhập văn hoá của Giáo hội VN trước đây, tiêu cực có, nhưng tích cực cũng nhiều nhờ thiện chí, hy sinh và sáng suốt của các thừa sai người nước ngoài. Còn người Việt thì sao? Có chứ! Xin kể ra mấy vị: Bento Thiện vào năm 1659 đã viết tập lịch sử VN bằng chữ Quốc ngữ, khác hẳn với những sách sử của Quốc sử quán. Ngày 11-5-1663 tại Thành Chiêm, mấy vị tử đạo sau đây, lại là những người viết sách, làm nhạc đạo: Giuong Vưang (Giuong Ketlam) soạn 15 sách đạo bằng thơ, vãn, và Sách ngắm sự Đức Chứa Jêsu ăn chay 40 đêm ngày ở trên rừng; Giương Nghiêm sáng tác nhiều bài hát đạo, và trước khi bị đem đi hành quyết, anh em bổn đạo mang cả sênh, tiền, trống vào trong tù cùng với ông ca hát ‘các bài do chính ông là tác giả; Alêxù Dậu viết sách Tam Phụ và có lẽ cả Vãn Alê CÙ[50]. Khoảng 1670 cha Lữ Y (Luis) Đoán (Đoan?) đã soạn cuốn vãn bằng chữ Nôm sấm truyền ca. Sau năm 1700, cha Loren Huỳnh Lâu (1656-1712), viết cuốn Inê tử đạo vãn, dài 560 câu, nói về em ruột của cha là bà Inê Huỳnh Thị Thành chết rũ tù vì đạo tại Nha Ru (phía Bắc Nha Trang ngày nay) 25-12-1700[51]. Cha Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1833), gốc Gp Đông Ký, đã viết trên 20 sách bàng chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 19 khi cha ở Lisbõa, nhất là cuốn SỔ sang chép các việc, viết năm 1822, cho thấy tác giả yêu Giáo hội quê hương mình, muốn cho bổn đạo sống đạo theo phong cách tập tục VN[52]. Khu nhà thờ Phát Diệm của cha Trần Lục rõ ràng nói lên việc đưa Chúa vào kiến trúc Việt như thế nào.

Phải nói rằng có những thứ hội nhập văn hoá là hoà mình vào địa phương, nhưng cũng có loại hoà mình vào cuộc bước tiến toàn cầu của nhân loại. Chữ Quốc ngữ abc nói chăng được là đã làm hai cuộc hội nhập cùng một lúc. Vì vậy dù nó xuất hiện chính thức từ 1651 và mới bắt đầu phát triển từ khoảng 100 năm nay, nhưng lợi ích thì phổ quát, vượt khỏi ranh giới Giáo hội, cả nước sử dụng dễ dàng, bền bỉ lâu dài hơn nhiều cuộc hội nhập khác.

Còn như Nhà Đức Chúa Trời, cũng chỉ được 300 năm. Nay còn đâu!

Đến vè vãn Công giáo, cùng bao nhiêu loại ngắm, cung sách, kinh kệ … , nhờ tiếng Việt dồi dào dấu thinh, nghe như âm nhạc, ngày nay xem ra giảm bớt khá nhiều. Đến như kinh cầu hồn Hán tự thể văn cung sớ[53], văn chương vào loại “chém sắt chặt đanh”, thần học thật vững vàng, nhiều gia đình đọc trong các ngày giỗ suốt từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, do thầy Phanchicô soạn, nguyên là quan văn, nguyên “Hoà thượng thành Phao” cộng tác với cha Girolamo Majorica; vậy mà khoảng từ 50 năm nay mấy nơi còn đọc?

Việc đọc kinh sớm tối trong các gia đình trước đây hầu như đâu đâu cũng thực hiện; nhưng ngày nay, nhất là trong các đô thị, đang “nhạt” đi, vì phải đi học thêm, vui vẻ với văn nghệ, Tivi, gặp gỡ, hội họp, tập hát, học giáo lý, sinh hoạt xứ đạo, tổ, khu phố, phường … Nếu đọc, đa số muốn vắn hơn , không kéo dài hết kinh này đến kinh khác.

Có lẽ từ gần 70 năm nay, chẳng đâu còn nói communhong, calixê, phép biênsong, Vítvồ, thánh Yghêrêgia, Duminhgô; cũng chảng còn ai đọc Ave María đầy garasa, Chúa Dêu ở cùng Bà, mà chỉ đọc Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, nhất là từ sau Hội Nhóm Sửa Kinh năm 1924 tại Huế.

Thế giới thay đổi cực kỳ mau lẹ, ảnh hưởng tới toàn thể nhân loại. Con người lại rất gần nhau: 40.000 cây số có là gì? chỉ cần nhấn vài cái là đã nghe thấy nhau, con nít cũng làm được! Vậy, hoà mình, hội nhập văn hoá thì phải tính đến cái gì là hồn của nó, đàng khác lại còn phải hoà mình với nhân loại, với đà thay đổi của thê giới, mạc dù khó nhìn xa được. Nhưng gì gì đi nữa, thì vẫn nên nhớ “phi cổ bất thành kim”.

Tp. HCM, tháng 5 – 2003


[1]     Alexandre de RHODES, Divers voyages et missions du p. Alexandre de Rhodes en la Chine, et autres Royaumes de L’Orient, Paris, 1653, tr. 72.

[2] Gio. Filippo de MARINI, Delle Missioni de’Padri della Compagnia di Giesu nella Provincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tumkino, Roma, 1663, tr. 95. – Bản dịch sang tiếng Pháp : Jean Philippe de MARINI, Relation nouvelle et curieuse des Royaumes de Tunquirt et de Lao, Paris, 1666, ừ. 171. – ĐÔ QUANG CHÍNH, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Sài Gòn, 1972, tr. 12.

 

[3]   Christoforo BORRI, Relatione della nuova Missione delli pp. della Compagnia di Giesu, al regno della Cocincùia, Roma, 1631, tr. 14-24.

–  A. de RHODES, Divers voyages et missions, sđd., tr. 38-41, 66-67.

[4]    Christoforo BORR1, Relatione, sđd tr. 15-20. Bản dịch sang Pháp ngữ: Lieutenant-Colonel BONIFACY, Relation de la nouvelle Mission des Pères de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine, trong Bulletin des Amis du vieux Hué, 1931, tr. 291-293.

[5] Thực ra chỉ là một loại cây, khi non chưa có nhựa, thả xuống nước còn nổi, gọi là kỳ nam; lõi cây đã có một số nhựa, thả xuống nước thì chìm, gọi là trầm hương; khi cây già cỗi lõi cây toàn nhựa gọi là lộc hương; calamba chính là lộc hương vậy, thứ này mới quí hiếm. Tên khoa học loại cây này là Aloexylum agallochum thuộc bộ Decandria monogynia (Theo cha João LOUREIRO, S.J., Flora Cochinchinensis; sistens plantas in regno Cochinchina nascentes; quibus accedunt aliae observatae in sinensi imperio, Africa orientali, Indiaeque locis variis, Jussu Acad. R. Scient. In lucem edita, Lisbõa, 1790, 2 vol. 744 tr.)

[6] c. BORRI, Relatione, sđd., tr. 31-33. – A. de RHODES, Divers voyages, sđd., tr. 65-66.

[7]     Alexandre de RHODES, Histoire du Royaume de Tunquin, Lyon, 1651, tr. 77-104.

[8]    Philippe de MARINI, Histoire nouvelle et curieuse des Royaumes de Tunquin et de Lao, Paris, 1666, tr. 152-170.

[9]    Philippe de MARINI, Histoire nouvelle et curieuse, tr., tr. 118.

[10]    Onofre BORGÈS, S.J. (Onofer, Onuphre Bũrgi) (1608-1664) sinh 1608 tại Thuỵ Sĩ; truyền giáo ồ Đàng Ngoài từ 1642 đến 12-11-1663 chúa Trịnh Tạc không cho ở trong xứ nữa; tuy chúa trục xuất Borgès, nhưng vẫn mong tin tức về cha; vài năm sau chúa muốn cha trở lại Đàng Ngoài, nhưng cha đã qua đời 18-1-1664 tại Batavia (Jakarta ngày nay). Borgès viết một số sách đạo bằng chữ Nôm, nhưng không rõ là những cuốn nào.

[11]    Joseph TISSANIER, S.J. (1618-1688) người Pháp; đến Đàng Ngoài 1658; cùng bị chúa Trịnh Tạc trục xuất cùng với Borgès (cuối năm 1663 chỉ có hai thừa sai này ở xứ chúa Trịnh). Thế là Đàng Ngoài không còn một thừa sai nào, mãi đến khi cha F. Deydier tới đây vào tháng 8-1666.

[12]   Đó là bà TrịnhVương phi PHÙNG NGỌC ĐÀI (Vương phi của Chúa Trịnh Tráng) qua đời ngày 14 tháng 1 âm lịch, tức 15-2-1669, thọ 80 tuổi. Trịnh Tạc hết sức hiếu thảo với mẹ, nên chính Ngài xối nước khi tắm xác bà và ra lệnh mặc cho mẹ 60 áo quí, chung quanh thi thể còn quấn nhiều tấm lụa (Relation des missions des Evesques yranọois aux Royaumes de Siam, de la Cochinchine, de Camboye, & du Tonkin, Paris, 1674, tr. 256).

[13]   F.-M. DE MONTEZON, Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jesus, Mission de la Cochinchine et du Tonkin, Paris, 1858, tr. 183.

[14]   Sau đây là danh sách 10 linh mục trong Hội Nhóm Sửa Kinh : “Cha Chabanon (Cô” chính Giáo, Địa phận Huế) làm Hội trưởng, Cha Moreno (Cố chính bên dòng Dominicains), Cha Herrgott (Cố chính bên Cao Mên), Cha Dalaine (Cố Tân Địa phận Nghệ An [Vinh] ), Cha Bourlet (Cố Độ, Địa phận Phát Diệm), Cha Lalane (Cố Lân, Địa phận Qui Nhơn) , Cha Huy (Địa phận Bùi Chu), Cha Tòng (Địa phận Saigon), Cha Trí(Địa phận Hưng Hóa), cha Simon (Địa phận Xiêm)”, trong Semaine religieuse – Nam kỳ Địa phận, số 793, ngày 5-6-1924, tr. 343-344.

[15]   Hai bức thư bằng chữ Quốc ngữ của hai Thầy giảng Đàng Ngoài là Igesico Văn Tín và Bento Thiện viết cho cha Marini năm 1659 (Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 81, tờ 246-247. – ĐÔ QUANG CHÍNH, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Sài Gòn, 1972, tr. 92-107 và 135-138).

[16]   A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, T.I, Paris, 1923, tr. 86.

[17]   Franọois DEYDIER, MEP, (1634-1693), sinh 28-9-1634 tại Toulon, Pháp, cùng tới Ayuthia với ĐC Lambert de la Motte 22-8-1662; giả dạng thuỷ thủ và thương gia Pháp, tới Đàng Ngoài 1666; được tấn phong Giám mục Giáo phận Đông ĐN 21-12-1682 trong nhà bếp của chính ĐC tại Phố Hiến; qua đời tại Phố Hiến 1-7-1693.

[18]   A. LAANAY, Hìstoire de la mission du Tonkin, 1658-1717, Paris, 1927, tr. 29, 42-43.

[19]   Jean-Jacques GUÉRARD,tên Việt là Đoan, MEP, (1761-1823) gốc Giáo phận Bayeux; đến Đàng Ngoài 1789; Giám mục Phó Gp Tây Đàng Ngoài 1816; ở tại Thọ Kỳ (nay là giáo xứ Thọ Ninh, thuộc xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) suốt thời gian làm Giám mục phó và qua đời tại đó ngày 18.6.1823, thọ 62 tuổi. Hài cốt của ngài hiện được chôn cất tại cung thánh Nhà thờ Thọ ninh.

[20]   Lettres edifiantes, T. VII, Paris, 1823, ư. 195-196.

[21]    Barthélémy-Bemard de BOISSERAND, MEP, sinh quán Chalon- sur-Saône; bỏ Pháp đi Đàng Trong 6-11-1787; qua đời tại Tân Triều hoặc quanh vùng Sài Gòn 13-11-1797.

[22]   Lettres edifiantes, T. VII, Paris, 1823, tr. 175-176.

[23]   Quốc triều hình luật (Hình luật triều Lê), Quyển thứ hai, do Lưỡng- Thần Cao-Nãi-Quang phiên âm và dịch nghĩa, Sài Gòn, 1956, tr. 65.

[24]   Hồng Đức thiện chính thư, Nguyễn Sĩ Giác, Tiến sĩ, phiên dịch, Sài Gòn, 1959, tr. 31 và 27-33, 59-61.

[25]    Nên biết rằng, trước đây VN chúng ta quen gọi Phật giáo, Lão giáo, Thiên Chúa giáo v.v… là đao : đạo Phật, đạo Lão, đạo Thiên Chúa v.v…Như chúng tôi biết, mãi đến năm 1930 mới thấy xuất hiện danh từ tôn giáo trong từ điển, ví dụ : Georges CORDIER, Dictionnaire Annamite – Franợais, Hà Nội, 1930, X. : Tôn; và Georges CORDIER, Dictionnaire Franợais – Annamite, Hà Nội, 1936, X. : Religion. Các từ điển trước đó, như của Alexandre de Rhodes (1651), Pigneau de Béhaine (1772), J.L. Taberd (1838), J.-B.P.Trương Vĩnh Ky (1884), Huình-Tịnh Paulus Của (1895),v.v… đều gọi là Đạo. về từ ngữ Religion trong các ngôn ngữ Tây phương, xin đọc : ĐẶNG NGHIÊM VẠN, Xung quanh vấn đề tôn giáo, trong báo Nghiên cứu tôn giáo, Hà Nội, số 1- 1999, tr.15-16.

[26]     Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Hà Nội, 1993, tr. 265, do Hoàng Văn Lâu – Ngô Thế Long dịch và chú thích theo bản khắc năm Chính hoà thư 18 tức năm 1697.

Lê triều chiếu lịnh thiện chính, Nguyễn Sĩ Giác phiên âm và dịch nghĩa, Sài Gòn, 1961, tr. 313.

[27]    Để rộng đường dư luận, có thể đọc : PHẠM HÂN QUYNH, Hội nhập văn hóa, Người Công giáo thờ cúng tổ tiên, Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 95, tháng 11-2002, tr. 48-63 : Bài 1 : Thờ cúng tổ tiên : cúng là gì ? và số 96, tháng 12-2002, tr. 73-85 : Bài 2 : Thờ cúng tổ tiên : thờ là gì ?

[28]  c. BORRI, Relatione, sđd., tr. 221.

[29]   c. BORRI, Relatione, sđd., tr. 151-152.

[30]   A. de RHODES, Histoire du Royaume de Tunquin, sđd., tr. 141.

[31]   Đây là tập sách nhỏ, nhưng theo chúng tôi hiểu, đó là một cuốn sách đầu tiên trong các ngôn ngữ Tâv phương viết về Đàng Trong. Từ năm 1631-1633, được dịch sang các tiếng Pháp, Latinh, Hà Lan, Đức, Anh xuất bản tới 9 lần tại Roma, Lille (2 lần), Rennes, Paris, Vienne (2 lần), Louvain, Luân Đôn. Có lẽ đây là cuốn sách bán chạy nhất trong mấy năm đó! Còn tại VN, ông Bonifacy dịch trọn vẹn sang tiếng Pháp và chú thích, trong Bulletin des Amis du vieux Hué, 1931, tr. 267-405. Ông Hồng Nhuệ dịch sang tiếng Việt xuất bản tại Mỹ : Tường Trình về Khu Truyền Giáo Đàng Trong 1631, không đề năm in. Năm 1998 ông Hồng

Nhuệ – Nguyễn Khác Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích : Xứ Đàng Trong năm 1621, tp. Hồ Chí Minh, 1998 (các dịch giả bỏ Chương 1, 2, 5, 9, 10 của phần II, bản Ý). Cha Borri qua đời tại Roma 24-5- 1632 khi đã xin ra khỏi Dòng Tên.

[32]    Thư của Đắc Lộ viết tại Đàng Trong 16-6-1625 gửi cha Phụ tá Bề trên Cả Dòng Tên vùng Bồ Đào Nha (Archivum Romanum Societatis Jesu. JS. 68, tờ 13).

[33]  A. de RHODES, Divers voyages et missions, sđd., tr. 269.

[34]       Gaspar d’AMARAL, Annua do reino de Annam de anno de 1632, trong Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 85, tờ 125-174. Biblioteca da Ajuda, Jesuitas na Asia, Códice 49-V- 31, tờ 215-263. – Manoscritto, em que se prova, que a forma do Bauptismo pronunciada em lingoa Annamica he verdadeira (Bản viết tay chứng minh mô thức Rửa tội phải đọc trong tiếng An Nam đích thực), làm tại Áo Môn 1645, Archivum Romanum Societatis Jesu, JS. 80, tờ 38.

[35]    c. BORRI, Relatione, sđd., tr. 57. – Joseph TISSANIER, Relation du P. Joseph Tissanier, son voyage de France au Tonkin (1654-1658), son séịour au Tonkin; description de ce Royaume. Evénements mémorables de la Mission du Tonkin pendant le.5 années 1658, 1659 et 1660, trong F.-M. DE MONTEZON, Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jesus, Mission de la Cochinchine et du Tonkin, Paris, 1858, tr. 116.

[36]   P.-F. FAVRE, Lettres edifiantes et curieuses sur la visite apostolique de M. de La Baume, évêque d’Halicarnasse à la Cochinchine en Vannée 1740, Venise, 1746, tr. 187.

[37]    Alexander ab ALEXANDRIS (1691-1738), sinh 1691tại Bergamo, Ý; gia nhập Dòng Bamabê lúc 16 tuổi; đến Đàng Trong 1722 với tư cách là Thừa sai Bộ Truyền giáo; Gm Phó cho ĐC F. Perez ở ĐT; sau đó thay thế ĐC Perez khi ngài qua đời 9-9-1728; ĐC Alexandris qua đời tại Phủ Cam 13-9-1738.

[38]    A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchirte, Documents historiques II, 1728-1771, Paris, 1924, tr. 11, 16, 31, 36.

[39]   Philiphê BỈNH, Sách sổ sang chép các việc, viết 1822 tại Lisbõa, xuất bản tại Sài Gòn, 1968, tr.49-50.

[40]   A. de RHODES, Histoire du Royaume de Tunquin, sđd., tr. 194-195.

[41]   Louis CHEVREUIL, MEP, (1627-1693) sinh 1627 tại Rennes, Pháp; tới Ayuthia 27-1-1664; vào Đàng Trong 31-7-1664; bị trục xuất khỏi ĐT 1665; qua đời trong chủng viện Ayuthia 10-11-1693.

[42]   A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochỉnchine, I, sđd., tr.17.

[43]    P.-F. FAVRE, Lettres édiýiantes et curieuses, sđd., Venise, 1746, 64-65.

[44]  A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, 1, sđd., tr. 17.

[45]    Juan de Santa CRUZ (Juan Ramos, Đức Thầy Thập) (1645-1721), sinh tại Tây Ban Nha 1645; gia nhập Dòng Đa Minh; tới Phô” Hiến 7- 7-1676; thường ở vùng Bùi Chu; được tấn phong Gm 1719 coi sóc Gp. Đông ký; qua đời tại Trung Linh 14-8-1721; ngày 9-12-1706, cha Cruz viết thư về Manila có đoạn sau về ngài : ” phải ở dưới thuyền đêm ngày, dù khi làm các phép Sacramentô… từ khi sang bên này đã ba mươi năm chỉ tắm rửa xác ba lần mà thôi…” (Manuel MORENO Trinh, Sử ký Địa phận Trung, in tại Phú Nhai đường, 1916, tr. 19).

[46]   Juan de LA PAZ (Frey) sinh tại Tây Ban Nha; gia nhập Dòng Đa minh; Tiến sĩ Thần học; cuối thế kỷ 17 đã có lúc cha làm Viện trưởng Đại học thánh Tôma ở Manila (từ năm 1611 trường mang tên Colegio Seminario de Santo Tomas de N.D. del Rosario; năm 1645, được mang danh Đại học thực thụ : Universidad de Santo Tomas). Juan de la Paz là một nhà thông thái, có tầm nhìn rộng, đã viết các vấn đề liên quan tđi nhiều nghi lễ ở Đàng Ngoài: – opusculum in quo ducenta et septuaginta quatuor quaesita a RR.PP. missiơnariis Regni Tunkini proposita totidemque Responsiones ad ipsa continentur, Manila, 1680, in-4°, 218 tr. (A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, I, sđd., tr. 608- 609; – A. LAUNAY, Hỉstoire de ỉa Mission du Tonkin, sđd., tr.365). ‘ Respueta à 274 questiones de los Misioneros de Tunquirt, 1687. ‘

Diversas cartas del estado de la Iglesia de Tunqũin donde era vicarisimo, 1718.

[47]    Hilario di GIESU (Hilario Costa, Đức Thầy Hy) (1697-1754), sinh 1697 tại Piémont, Dòng Augutinh (Augustin déchaussé); đến Gp Đông ký 1724; Gm Phó cho ĐC Sestri Tri ở Đông ký từ 11-11-1736; thế quyền ĐC Sestri Tri khi ngài qua đời tháng 8-1737 : qua đời tại Bùi Chu 31-3-1754; giỏi tiếng Việt, có tài viết lách.

[48]   Báo Linh mục nguyệt san, Sacerdos, số 43, Sài Gòn, tháng 7-1965, tr. 489-492.

[49]   “Huỷ bỏ thần chủ của tổ tiên, coi như huỷ thi hài cha mẹ, chiếu luật chém” (Hồng Đức thiện chính thư, Nguyễn Sĩ Giác phiên dịch, Sài Gòn, 1959, tr. 65).

[50]   A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, III, Paris, 1925, tr. 506, 510, 515-520. – Philiphê BỈNH, Truyện ức Anam Đàng Trong Quyển nhị, bản viết tay tại Lisbõa, 1822, tr. 443,448,453.

– Đỗ QUANG CHÍNH, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 264-265 (Lưu hành nội bộ).

[51]   A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, I, sđd., 461. – Nam kỳ Địa phận, 1929, tr. 505, 524, 539, 557, 572, 585, 606, 620, 635, 646. – ỉnê tử đạo vãn, xuât bản lần thứ 12, nhà in Tân Định, 1949.

[52]   Philiphê BỈNH, Sách sổ sang chép các việc, Viện Đại học Đà Lạt xuất bản, Sài Gòn, 1968.

[53]   Philiphe BỈNH, Truyện nước Annam Đànq Ngoài, viết tay tại Lisbõa. 1822. tr. 28-30, 478.

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *